Vì xảy ra ở vùng hậu môn nên hầu hết bệnh nhân bị trĩ thường dè dặt trong việc thăm khám và điều trị. Trong giai đoạn đầu, không ít người bệnh tin rằng bệnh trĩ có thể tự khỏi nếu điều chỉnh chế độ ăn uống và áp dụng các mẹo dân gian. Vậy, quan điểm này liệu có đúng? Mời bạn đọc cùng tìm đáp án trong bài viết hôm nay!
Mục lục
1. Hiểu về bệnh trĩ
Bệnh trĩ (dân gian còn gọi là lòi dom) là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng đám rối tĩnh mạch trực tràng hậu môn bị suy giảm chức năng và phình giãn về kích thước. Tình trạng này tạo điều kiện cho máu ứ đọng tạo thành các búi trĩ nhô ra khỏi bề mặt niêm mạc hậu môn, có hình dáng tương tự như vết sưng hay một cục u nhỏ.
Những búi trĩ này gây đau đớn, rối loạn nhu động ruột và khiến chất lượng sống của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Dựa trên vị trí xuất hiện của búi trĩ mà bệnh trĩ được chia làm 3 loại gồm:
Trĩ ngoại: Búi trĩ phát triển phía dưới đường lược, ngay dưới lớp da bao quanh hậu môn thường gây đau khi người bệnh ngồi hoặc đại tiện. Nếu cục máu đông hình thành trong búi trĩ ( trĩ huyết khối), người bệnh có thể thấy búi trĩ trở thành khối cứng chắc, gây đau đớn dữ dội và chảy máu ồ ạt khi bị vỡ.
Trĩ nội: Búi trĩ xuất hiện phía trên đường lược, ở trực tràng và thường không đau nhưng gây chảy máu khi đại tiện. Tùy vào mức độ phát triển của búi trĩ mà trĩ nội được chia thành 4 cấp độ: Độ I (búi trĩ không sa ra ngoài), Độ II (búi trĩ sa nhưng có thể tự rút vào hậu môn sau khi đại tiện), Độ III (búi trĩ sa ra và phải dùng tay đẩy trở lại), Độ IV (búi trĩ sa ra và không thể đẩy trở lại – nghẹt búi trĩ)
Trĩ hỗn hợp: Búi trĩ phát triển trên đường lược, nằm ở cả trực tràng và rìa ngoài hậu môn. Người bệnh phải đối diện đồng thời với triệu chứng và nguy cơ biến chứng của cả hai loại trĩ nội và trĩ ngoại.
Cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, bất kỳ yếu tố nào làm tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch hậu môn trực tràng đều có thể làm tăng nguy cơ gây ra bệnh trĩ, điển hình như:
- Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài.
- Mắc các bệnh hô hấp mạn tính phải ho nhiều.
- Làm việc trong tư thế đứng hoặc ngồi liên tục trong thời gian dài.
- Lao động vất vả, thường xuyên phải mang vác vật nặng.
- Thừa cân béo phì, phụ nữ mang thai hoặc người lớn tuổi.
- Có người thân trong gia đình mắc bệnh trĩ.
- Thói quen quan hệ tình dục đường hậu môn.
Xem chi tiết: Các biến chứng nguy hiểm của bệnh trĩ
2. Bệnh trĩ có tự khỏi không?
Bệnh trĩ không thể tự khỏi nếu người bệnh không can thiệp bất cứ phương pháp điều trị nào hoặc thực hiện loại bỏ yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, với những người mắc trĩ trong giai đoạn đầu, việc điều trị và kiểm soát bệnh khá đơn giản.
Cụ thể, với những người bị trĩ nội ở cấp độ I – II hoặc trĩ ngoại giai đoạn đầu, bệnh có thể được chữa khỏi chỉ thông qua điều chỉnh chế độ ăn uống và xây dựng thói quen sinh hoạt, làm việc khoa học.
Khi trĩ nội tiến triển đến cấp độ III – IV, việc điều chỉnh lối sống là không đủ, lúc này, người bệnh cần sử dụng thuốc hoặc tiến hành phẫu thuật cắt bỏ để tránh tình trạng đau đớn hoặc nguy cơ biến chứng. Tương tự, với những khối trĩ ngoại tắc mạch, người bệnh cần được trích rạch để loại bỏ khối máu đông trong búi trĩ, sau đó tiến hành điều trị theo chỉ định của bác sĩ trong vòng 4 – 6 tuần.
Như vậy, điều quan trọng nhất trong chữa trị bệnh trĩ là cần xác định rõ tình trạng hiện tại của các búi trĩ, từ đó xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Vì vậy, người bệnh cần loại bỏ tâm lý e ngại, chủ động thăm khám sớm để tránh bệnh tiến triển nặng hơn, gây khó khăn trong điều trị và làm tăng nguy cơ biến chứng nguy hiểm.
Đọc thêm: Bệnh trĩ có lây không?
3. Bệnh trĩ có thể điều trị khỏi hẳn không?
Bệnh trĩ có thể điều trị khỏi nếu được điều trị đúng phương pháp. “Chữa khỏi” ở đây được hiểu là các búi trĩ được loại bỏ và người bệnh không còn triệu chứng khó chịu sau điều trị. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng bệnh trĩ sẽ “biến mất mãi mãi” và không tái phát.
Thực tế, bệnh trĩ hoàn toàn có thể tái phát do nguyên nhân sau đây:
Trình độ của bác sĩ: Bác sĩ tay nghề chưa vững có thể xảy ra những sai sót trong quá trình phẫu thuật hoặc đánh giá tình trạng người bệnh sau điều trị. Điều này khiến trĩ không được điều trị khỏi hẳn, dễ tái phát.
Thái độ của người bệnh: Chủ yếu ở những người bị trĩ nhẹ, sau khi thấy các triệu chứng ổn định thì không tuân thủ nghiêm túc chỉ định điều trị của bác sĩ, khiến trĩ tái lại.
Thể trạng của người bệnh: Những người có hệ thống tĩnh mạch trực tràng hậu môn suy yếu nặng thường dễ dàng phát triển thành búi trĩ mới sau khi đã loại bỏ những búi trĩ cũ.
Lặp lại yếu tố nguy cơ: Sau khi điều trị khỏi bệnh trĩ, người bệnh quay trở lại chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học làm tăng áp lực lên trực tràng, hậu môn khiến bệnh trĩ phát triển trở lại.
Như vậy, bệnh trĩ có thể điều trị khỏi nhưng hoàn toàn có thể tái phát trở lại. Nguy cơ tái phát cao hay thấp phụ thuộc trực tiếp vào phương pháp điều trị, biện pháp phòng ngừa cũng như sự nghiêm túc của người bệnh đối với bệnh lý này. Để hạn chế trĩ tái phát, người bệnh cần lựa chọn đơn vị điều trị uy tín, giữ thái độ tích cực và nghiêm túc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trước và sau điều trị.
4. Nguyên tắc để điều trị bệnh trĩ hiệu quả và ngăn ngừa tái phát
Có một sự thật là, mức độ hiệu quả điều trị bệnh trĩ là không giống nhau cho dù người bệnh tình trạng bệnh lý tương tự nhau. Điều này là do không phải người bệnh nào cũng đảm bảo đủ các nguyên tắc trong điều trị bệnh trĩ. Cụ thể, việc điều trị hiệu quả và phòng ngừa bệnh trĩ tái phát cần dựa trên 4 nguyên tắc sau:
Thăm khám sớm: Nhằm xác định đúng tình trạng bệnh. Những người thăm khám muộn có thể đã áp dụng sai phương pháp điều trị trước đó, khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng, khó điều trị hơn.
Điều trị đúng phương pháp: Quyết định đến hiệu quả điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nhân tự đoán bệnh và điều trị theo kinh nghiệm của người khác dẫn đến sai phương pháp, không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Loại bỏ yếu tố nguy cơ: Tăng cường hiệu quả điều trị và ngăn tái phát. Người bệnh cần đảm bảo loại bỏ tối đa những yếu tố gây áp lực lên hệ thống tĩnh mạch hậu môn trực tràng trong và sau thời gian điều trị.
Tăng cường yếu tố bảo vệ: Bệnh trĩ xuất phát từ búi tĩnh mạch bị suy yếu. Vì vậy, người bệnh cần tăng cường yếu tố giúp tăng cường sức khỏe tĩnh mạch, từ đó ngăn bệnh trĩ tiến triển hoặc tái phát sau điều trị.
Xem chi tiết: Bị trĩ nên ăn gì, kiêng gì?
Thực tế cho thấy, không quá khó để người bệnh đảm bảo đủ 4 nguyên tắc trong điều trị và phòng ngừa bệnh trĩ. Điều quan trọng là người bệnh cần có thái độ nghiêm túc ngay từ khi phát hiện dấu hiệu bệnh, nghiêm túc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và kiên trì theo đúng phác đồ điều trị đã được xây dựng.
Trên đây là bài viết giải đáp thắc mắc: Bệnh trĩ có tự khỏi không? Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn đọc nhận thức rõ hơn về bệnh lý này, cởi bỏ tâm lý lo lắng, có thái độ đúng đắn trong điều trị và phòng ngừa bệnh. Nếu có vấn đề thắc mắc, bạn đừng ngại để lại lời nhắn cho chuyên gia ngay dưới bài viết này để được giải đáp sớm nhất.