Yoga là một bộ môn tập luyện ra đời cách đây hơn 5000 năm. Nó có rất nhiều công dụng trong việc cải thiện sức khỏe tổng thể. Hiện nay, yoga ngày càng thu hút đông đảo người tập luyện hơn, nhất là các chị em phụ nữ. Tuy nhiên, những người mắc bệnh giãn tĩnh mạch thường e ngại khi muốn tham gia bộ môn này vì sợ rằng sự kết hợp phức tạp của nhiều tư thế trong yoga có thể gây ảnh hưởng không tốt đến tình trạng bệnh của họ. Vậy, liệu giãn tĩnh mạch có phải là rào cản ngăn bước những người yêu thích yoga? Câu trả lời sẽ được làm rõ trong bài viết này.
Mục lục
1. Bị giãn tĩnh mạch chân có nên tập yoga không?
Để biết được suy giãn tĩnh mạch chân có nên tập yoga hay không thì trước tiên chúng ta cần tìm hiểu một chút về cơ chế gây bệnh diễn ra như thế nào:
Động mạch và mao mạch là hệ thống chịu trách nhiệm đưa máu từ tim đến các mô. Trong khi đó, tĩnh mạch có nhiệm vụ đưa lượng máu đó trở lại tim để tạo thành vòng tuần hoàn khép kín. Tuy nhiên, khi bị suy giãn tĩnh mạch, hệ thống tĩnh mạch bị tổn thương hoặc suy yếu kết hợp với tác động của trọng lực sẽ khiến quá trình này trở nên khó khăn hơn. Lúc này, máu sẽ ứ đọng lại tĩnh mạch gây ra hàng loạt triệu chứng như: đau tức, phù nề, sưng tấy, nặng mỏi, tê bì ở chân.
Xem thêm: Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh giãn tĩnh mạch chân
Các động tác kéo giãn nhẹ nhàng trong yoga giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm áp lực lên các tĩnh mạch bị giãn, từ đó làm giảm tình trạng sưng đau và mỏi chân. Bên cạnh đó, yoga còn giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp chân, hỗ trợ tĩnh mạch hoạt động hiệu quả hơn. Do đó, người bị suy giãn tĩnh mạch hoàn toàn có thể tập yoga. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần lựa chọn những bài tập phù hợp và thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo viên yoga có kinh nghiệm.
Để đánh giá chi tiết hơn về hiệu quả của Yoga trong việc cải thiện các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân, các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu khác nhau, bạn có thể đọc thêm ở nội dung phần tiếp theo này.
2. Nghiên cứu chứng minh lợi ích của Yoga với người bị suy giãn tĩnh mạch
Nghiên cứu 1
Nghiên cứu về tác dụng kết hợp của Yoga và Điều trị Tự nhiên đối với bệnh giãn tĩnh mạch
Cách tiến hành nghiên cứu:
Nghiên cứu này đã theo dõi 50 người mắc bệnh giãn tĩnh mạch không biến chứng. Họ được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng.
- Nhóm thực nghiệm: Tham gia cả tập yoga và điều trị tự nhiên.
- Nhóm đối chứng: Chỉ tham gia điều trị thông thường.
Các nhà nghiên cứu đã theo dõi hai nhóm trong 3 tháng và đo các chỉ số như: cân nặng, chỉ số khối cơ thể (BMI), huyết áp, nhịp tim, chỉ số viêm (hs-CRP), homocysteine (HCy), cũng như chất lượng cuộc sống liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch.
Kết quả nghiên cứu:
Kết quả cho thấy nhóm thực hiện kết hợp yoga và điều trị tự nhiên có những cải thiện đáng kể so với nhóm đối chứng:
- Giảm huyết áp, nhịp tim và các chỉ số viêm.
- Giảm cân và chỉ số khối cơ thể.
- Cải thiện chất lượng cuộc sống liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch.
- Không có tác dụng phụ nào được ghi nhận trong quá trình nghiên cứu.
Tóm lại, nghiên cứu này cho thấy sự kết hợp giữa yoga và điều trị tự nhiên có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh giãn tĩnh mạch bằng cách giảm viêm, huyết áp và các triệu chứng liên quan.
Lưu ý: Đây chỉ là một tóm tắt ngắn gọn của nghiên cứu. Để hiểu rõ hơn về chi tiết và ý nghĩa của kết quả, bạn có thể đọc toàn bộ nghiên cứu TẠI ĐÂY.
Nghiên cứu 2
Nghiên cứu này đã đánh giá hiệu quả của các bài tập Yoga đối với bệnh nhân giãn tĩnh mạch là những cảnh sát ở Mangalore, Ấn Độ.
Cách tiến hành nghiên cứu:
- Số lượng tham gia: 56 cảnh sát mắc bệnh giãn tĩnh mạch giai đoạn đầu.
- Độ tuổi: 30-60 tuổi.
Nhóm nghiên cứu thực hiện các bài tập Yoga trong 3 tháng, còn nhóm đối chứng không can thiệp gì thêm. Sau đó, tình trạng suy giãn tĩnh mạch của 2 nhóm được đánh giá dựa trên câu hỏi trắc nghiệm của bệnh nhân và siêu âm Doppler.
Kết quả nghiên cứu:
Sau 3 tháng thực hiện các bài tập Yoga, nhóm can thiệp có những cải thiện đáng kể. Cụ thể
Nhóm tập Yoga có điểm số trên bảng câu hỏi về bệnh giãn tĩnh mạch giảm. Ví dụ, nếu trước khi tập Yoga, người bệnh đánh giá mức độ đau chân là 3 điểm (nặng), sau khi tập Yoga, điểm số này giảm xuống còn 1 điểm (nhẹ) thì có nghĩa là tình trạng đau chân đã được cải thiện đáng kể.
Hình ảnh siêu âm cho thấy máu lưu thông trong các tĩnh mạch tốt hơn, giảm tình trạng ứ trệ máu gây giãn tĩnh mạch ở nhóm tập Yoga.
Trong khi đó, nhóm đối chứng không có những thay đổi này.
Tóm lược:
Nghiên cứu cho thấy các bài tập Yoga có thể là một phương pháp hỗ trợ hiệu quả trong điều trị giãn tĩnh mạch. Yoga giúp cải thiện lưu thông máu và giảm các triệu chứng của bệnh. Bạn có thể xem chi tiết nghiên cứu TẠI ĐÂY.
Nghiên cứu 3
Nghiên cứu về tác dụng của Yoga và các liệu pháp bổ trợ trong điều trị bệnh giãn tĩnh mạch
Thực chất đây là một nghiên cứu tổng hợp xem xét lại các nghiên cứu đã được công bố về bệnh giãn tĩnh mạch và các phương pháp điều trị, trong đó có tập luyện thể dục và Yoga. Các tác giả đã tìm kiếm và phân tích 40 bài báo liên quan đến bệnh giãn tĩnh mạch từ năm 2000 đến năm 2021, được công bố trên các tạp chí y khoa uy tín.
Kết quả nghiên cứu:
- Bệnh giãn tĩnh mạch là một vấn đề phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
- Các phương pháp điều trị truyền thống như phẫu thuật, xơ hóa và laser có thể gây ra tác dụng phụ.
- Yoga và tập luyện thể dục có tiềm năng trong điều trị bệnh giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, lại có rất ít nghiên cứu về hiệu quả của Yoga trong điều trị bệnh giãn tĩnh mạch.
- Nghiên cứu nhấn mạnh sự cần thiết của các nghiên cứu tiếp theo để chứng minh hiệu quả của Yoga trong điều trị bệnh giãn tĩnh mạch.
Các nhà nghiên cứu cho rằng Yoga có thể có tác dụng tích cực thông qua các cơ chế sau:
- Giảm căng thẳng, cải thiện chức năng nội mô mạch máu.
- Tăng cường tuần hoàn máu thông qua các bài tập thể dục.
- Giảm viêm và độ nhớt máu thông qua các kỹ thuật như grounding (ví dụ như đi chân trần trên cỏ, cát, hoặc đất…)
Tóm lại, nghiên cứu này cung cấp một cái nhìn tổng quan về bệnh giãn tĩnh mạch và các phương pháp điều trị, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu thêm về tác dụng của Yoga trong việc quản lý bệnh này. Xem chi tiết nghiên cứu TẠI ĐÂY
3. Lựa chọn tư thế Yoga phù hợp cho người bị suy giãn tĩnh mạch
Đối với bệnh này, việc tập luyện yoga cần phải tuân theo những nguyên tắc cụ thể.
Chống chỉ định các bài tập duy trì tư thế đứng hoặc ngồi quá lâu:
- Đứng lâu rất nguy hiểm cho mạch máu do tải trọng cao. Trọng lượng của cơ thể đè lên chúng. Và các cơ ở chân lúc này không hoạt động dẫn đến việc bơm máu qua các tĩnh mạch gặp khó khăn.
- Tư thế gập chân, quỳ, ngồi xổm, ngồi lâu (ví dụ tư thế hoa sen – lotus) khiến mạch máu bị chèn ép, biến dạng, từ đó lưu thông máu kém đi.
Chống chỉ định các bài tập khiến đôi chân phải vận động liên tục với cường độ cao (thông thường trong Yoga sẽ không có các động tác này mà phổ biến ở thể dục nhịp điệu)
Người bị giãn tĩnh mạch nên tập luyện các tư thế nâng cao chân kết hợp kéo giãn chân giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm áp lực cho tĩnh mạch chân. Ví dụ như:
- Tư thế trái núi (Tadasana hay Mountain Pose)
- Tư thế đứng bằng vai (Salamba Sarvangasana)
- Tư thế con thuyền (Navasana)
- Tư thế đứng gập người (Uttanasana)
- Tư thế con cá (Matsyasana)
- Tư thế gác chân lên tường (Viparita Karani)
- Tư thế xả hơi
- Tư thế cái cày (Halasana)
- Tư thế đầu tựa gối (Janu Sirshasana)
- Tư thế ngón chân cái nằm ngửa (Supta Padangushthasana)
Bạn có thể tham khảo chi tiết hướng dẫn thực hiện các tư thế Yoga này ở bài viết 10 bài tập yoga chữa giãn tĩnh mạch chân dễ thực hiện.