Cơ thể phụ nữ có nhiều sự thay đổi khi đón chào những thiên thần bé nhỏ. Điển hình nhất là cảm giác bị tê chân sau khi sinh. Tình trạng này bắt nguồn từ nguyên nhân nào và có thực sự nguy hiểm hay không? Cùng Dulcit tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Tại sao bị tê chân sau khi sinh?
1. Sự thay đổi của cơ xương khớp
Tê chân có thể xảy ra do sự thay đổi cơ xương khớp trong thai kỳ theo những cách sau:
- Tăng trọng lượng lượng cơ thể hoặc do các cơ trở nên yếu hơn khiến đầu gối bị đau nhức, tê bì, đặc biệt là khi đi lên, xuống cầu thang hoặc khi duỗi thẳng chân.
- Tử cung phát triển khiến đường cong cột sống bị thay đổi, khác với bình thường. Điều này có thể dẫn đến co thắt xung quanh vùng lưng gây đau nhức lưng, đôi khi gây tê và ngứa ran ở chân.
- Cơ thể sản xuất hormone relaxin có khả năng nới lỏng các khớp, giúp xương chậu mở rộng để em bé dễ dàng chui qua khi chuyển dạ. Tuy nhiên, hormone này cũng mang lại tác dụng phụ. Các khớp nới lỏng khiến xương bị lệch ra khỏi vị trí cố định và có thể chèn ép dây thần kinh xung quanh tạo cảm giác tê bì, ngứa ran.
- Lượng nước trong cơ thể tăng lên là nguyên nhân khiến các khớp xương bị cứng, đặc biệt là ở các khớp chịu nhiều trọng lượng trong thời gian dài như: hông, đầu gối, mắt cá chân và bàn chân khiến bạn gặp khó khăn khi di chuyển, kèm đau nhức, tê bì.
Sau khi sinh, cơ thể chưa thực sự hồi phục nên tình trạng tê chân vẫn còn tiếp diễn. Ngoài ra, đối với những người có tiền sử mắc các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến…, hệ miễn dịch sau sinh trở nên mạnh mẽ hơn và hoạt động quá mức khiến các bệnh có nguy cơ quay trở lại, kèm theo triệu chứng đau nhức, tê bì chân kéo dài.
2. Tổn thương thần kinh
Bệnh viện đại học St George cho biết: tỷ lệ phụ nữ sau sinh bị tổn thương thần kinh lên đến 1/100. Đây là kết quả của những áp lực lên dây thần kinh ở lưng hoặc xương chậu trong quá trình chuyển dạ, sinh thường hoặc mổ đẻ và phổ biến hơn ở phụ nữ lần đầu mang thai.
Phần lớn những tổn thương xảy ra ở dây thần kinh ngoại vi bao gồm:
Dây thần kinh đùi bì ngoài: Dây thần kinh này chạy dọc bờ ngoài của cơ thắt lưng, phía dưới thần kinh bẹn chậu. Nếu chúng bị tổn thương, bạn sẽ cảm thấy tê nhức mặt trước và mặt bên của đùi.
Đám rối thần kinh thắt lưng: Đây là những dây thần kinh nằm dọc hai bên cột sống thắt lưng và phía trước mỏm ngang đốt sống. Khu vực này bị chèn ép khi đầu em bé đi qua, dẫn đến tê ở đùi ngoài, cẳng chân và mu bàn chân.
Dây thần kinh đùi: Tổn thương thường bắt nguồn từ sinh mổ đoạn dưới tử cung hoặc sinh bằng kỹ thuật đặt forceps. Triệu chứng thường gặp là tê đùi trước, phần bên trong của cẳng chân, gặp khó khăn khi duỗi đầu gối và leo cầu thang.
Dây thần kinh bịt: Dây thần kinh này thường bị chèn ép do đầu của em bé hoặc kẹp forceps, khiến bạn bị tê đùi trong và hông cử động yếu.
Dây thần kinh mác: Tổn thương có thể xảy ra do tư thế lithotomy trong quá trình sinh em bé, dẫn đến tê vùng bên ngoài của cẳng chân và phần trước của bàn chân.
Trong hầu hết các trường hợp, tổn thương dây thần kinh là tạm thời và sẽ biến mất hoàn toàn sau khi sinh khoảng một vài tuần. Những tổn thương vĩnh viễn khiến chân mất khả năng hoạt động thường rất hiếm.
3. Suy giãn tĩnh mạch
Tê chân có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh suy giãn tĩnh mạch. Tình trạng này thường xuất hiện trong ba tháng cuối thai kỳ ở những vị trí phổ biến như sau: chân, mắt cá chân, vùng sinh dục ngoài (âm hộ)… Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Sự gia tăng hormone progesterone trong thai kỳ
- Thai nhi phát triển
- Chế độ ăn uống tăng lên
- Lượng chất lỏng tăng trong thai kỳ
- Ít vận động
Suy giãn tĩnh mạch có thể kéo dài thêm vài tuần sau khi sinh và giảm dần rồi biến mất. Những triệu chứng điển hình thường đi kèm như: đau nhức, phù chân, tê chân, mỏi nặng như đeo đá, chuột rút về đêm, tĩnh mạch màu xanh hoặc tím nổi ngoằn ngoèo dưới da như những sợi dây thừng…
Hỏi đáp: Bà bầu bị phù chân mấy lần thì sinh?
Tê chân sau khi sinh có nguy hiểm không?
Trong hầu hết các trường hợp, tê chân sau khi sinh dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào cũng đều không nguy hiểm và sẽ tự suy giảm rồi biến mất hoàn toàn mà không cần can thiệp.
Tuy nhiên, sau sinh khoảng 6 tuần, tình trạng tê chân không có dấu hiệu thuyên giảm, xuất hiện thường xuyên hơn kèm các triệu chứng khác: đau nhức, mỏi chân, chuột rút, chảy máu, lở loét, ảnh hưởng đến khả năng vận động…, bạn nên đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và có phương án điều trị phù hợp như:
- Dùng thuốc: Bác sĩ kê đơn thuốc tùy vào tình trạng của mỗi người. Bạn tuân thủ liều lượng cũng như cách sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả cao.
- Vật lý trị liệu: Mục tiêu của vật lý trị liệu là giảm áp lực lên các dây thần kinh bị tổn thương và cải thiện khả năng vận động trong trường hợp bị yếu cơ.
- Kích thích thần kinh điện xuyên da (TENS): TENS sử dụng các xung điện nhẹ trên da, kích hoạt sợi thần kinh có đường kính lớn, làm giảm cảm giác đau cấp tính và mãn tính.
- Phẫu thuật: Nếu đã áp dụng các phương pháp trên mà tình trạng tê chân vẫn không thuyên giảm, chân bị mất cảm giác và khả năng hoạt động, bác sĩ có thể xem xét và đề xuất phẫu thuật tùy vào tình trạng của từng người.
Cách giảm tê chân sau khi sinh tại nhà
1. Chườm nóng
Chườm nóng bằng túi nhiệt hoặc khăn ấm trong khoảng 5 phút mỗi ngày là cách giúp quá trình lưu thông máu diễn ra thuận lợi hơn, kích thích hoạt động của dây thần kinh, khắc phục triệu chứng tê chân, mỏi nặng.
Lưu ý:
- Không chườm nóng khi vùng da chân bị chấn thương, đang sung huyết, xuất hiện ổ viêm có mủ, lở loét…
- Không dán miếng nhiệt trong lúc ngủ để tránh tiếp xúc quá lâu có thể gây bỏng da.
- Tránh dùng nguồn nhiệt tác động trực tiếp lên da vì điều này có thể làm da bị bỏng và tổn thương trầm trọng hơn.
2. Ngâm chân với muối Epsom
Ngâm chân với muối Epsom giúp giảm viêm và làm dịu thần kinh vô cùng hiệu quả. Từ đó, các triệu chứng như tê chân, đau nhức, nóng rát… dần thuyên giảm. Ngâm chân còn là cách thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Phương pháp này có thể thực hiện bằng các bước vô cùng đơn giản như sau:
- Bước 1: Đổ nước sạch vào thau chậu có kích cỡ vừa đủ để thoải mái đặt hai bàn chân, cho muối Epsom vào và khuấy đều đến khi tan hết.
- Bước 2: Rửa qua chân với nước sạch.
- Bước 3: Bạn ngồi trên ghế hoặc cạnh giường với tư thế thoải mái nhất, thả lỏng toàn bộ cơ thể, đặt hai bàn chân vào chậu nước.trong khoảng 10 – 15 phút.
- Bước 4: Sau khi ngâm chân xong, bạn dùng khăn bông mềm nhẹ nhàng lau khô chân vì đây là nơi dễ tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn gây viêm nhiễm.
Lưu ý:
- Thau chậu dùng để ngâm chân phải được rửa sạch và không dùng chung thau chậu giặt quần áo để tránh bột giặt, chất tẩy rửa, chất làm mềm vải còn lưu lại gây kích ứng da.
- Không ngâm chân khi da có vết thương hở, bị lở loét vì đây có thể là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng.
3. Massage chân
Massage chân là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện có khả năng cải thiện lưu thông máu, giảm căng thẳng ở thần kinh và cơ bắp, đẩy lùi tê bì đau nhức. Bạn có thể massage chân mỗi ngày trước khi đi ngủ theo các bước đơn giản như sau:
- Bước 1: Rửa sạch chân bằng nước ấm.
- Bước 2: Ngồi hoặc nằm ở tư thế thoải mái nhất.
- Bước 3: Chà xát lòng bàn chân, mu bàn chân theo chiều dọc để chân nóng lên.
- Bước 4: Dùng hai lòng bàn tay ôm lấy chân, nhẹ nhàng nắn bóp dọc theo chân từ dưới lên trên. Mỗi chân nắn bóp trong khoảng 2 – 3 phút.
- Bước 5: Dùng ngón tay ấn với lực vừa phải theo chiều từ bàn chân, lên bắp chân, đầu gối và đùi.
4. Tập thể dục nhẹ nhàng
Tập thể dục mỗi ngày giúp cơ thể sau khi sinh nhanh hồi phục hồi, cải thiện tư thế, giúp cơ xương khớp khỏe mạnh hơn, đồng thời giảm đau nhức, tê bì. Bạn có thể thực hiện bất kỳ bài tập nào mà mình yêu thích và phù hợp với thể trạng của bản thân như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga…
Hỏi đáp: Mẹ bầu bị sưng phù chân có nên đi bộ?
Những tình trạng khó chịu ở chân như là tê mỏi, chuột rút hay sưng phù không chỉ xuất hiện trong thai kỳ. Nó có thể kéo dài đến giai đoạn sau sinh. Do đó, các mẹ bỉm nên học cách chăm sóc đôi chân khỏe mạnh để phòng ngừa sự xuất hiện của những triệu chứng này. Xem chi tiết: 8 cách chăm sóc đôi chân luôn khỏe đẹp