Bên cạnh việc sử dụng thuốc tây y, ngày càng có nhiều người tìm đến phương pháp điều trị bằng thuốc nam bởi nó an toàn và ít tác dụng phụ. Thuốc nam trị giãn tĩnh mạch chân có hiệu quả không? Cần lưu ý gì khi sử dụng? Để có câu trả lời, mời bạn theo dõi bài viết dưới đây!
Mục lục
1. Bài thuốc nam trị giãn tĩnh mạch
Dưới đây là 5 bài thuốc thường được sử dụng trong điều trị giãn tĩnh mạch. Cụ thể:
1.1. Bài thuốc chữa giãn tĩnh mạch bằng hoa hòe
Hướng dẫn:
- Bước 1: Lấy khoảng 20 – 30g hoa hòe đã sao khô, bỏ vào ấm.
- Bước 2: Đổ khoảng 300ml vừa đun sôi vào.
- Bước 3: Đợi khoảng 3 – 5 phút sau khi hoa hòe ngấm nước chìm xuống là có thể dùng được. Nếu hoa hòe chưa chìm xuống có thể do bạn dùng nước chưa thật sôi.
Lưu ý:
Nên sử dụng nụ hoa chưa nở và sao vàng trước khi dùng để đảm bảo hàm lượng hoạt chất tốt nhất.
Hòe hoa có tính hơi hàn nên không phù hợp với những người tiêu hóa kém, chậm tiêu, đại tiện phân lỏng, người bị thiếu máu.
Bằng chứng khoa học:
Theo ghi nhận từ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, thành phần rutin trong hoa hòe có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm, hạ huyết áp… được sử dụng để cầm máu, thanh nhiệt, giải độc. Không những thế, nó còn có tác dụng giảm tính thấm mao mạch, phục hồi mao mạch bị tổn thương, từ đó cải thiện tình trạng thoát dịch ra ngoài mao mạch gây phù.
Xem thêm: Những phân tích về tác dụng của hoa hòe trong điều trị giãn tĩnh mạch chân
Từ những tác dụng kể trên có thể thấy hoa hòe hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bị giãn tĩnh mạch, giúp cải thiện triệu chứng phù nề, viêm sưng. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào đáng tin cậy cho thấy sử dụng hoa hòe trong các phương pháp dân gian có hiệu quả trong điều trị giãn tĩnh mạch chân. Bạn nên cân nhắc sử dụng sản phẩm hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch chân có thành phần hoa hòe
1.2. Bài thuốc chữa giãn tĩnh mạch bằng rau má
Hướng dẫn:
- Bước 1: Lấy 30 – 40g rau má tươi, đem rửa sạch.
- Bước 2: Vò nát hoặc xay nhuyễn lấy nước uống. Có thể thêm đường, đá cho dễ uống.
Ngoài ra, bạn có thể dùng rau má như một loại rau sống, ăn trực tiếp hoặc đem đun với nước, sắc uống.
Bằng chứng khoa học:
Theo y học cổ truyền, rau má có vị mát, tính bình được sử dụng để thanh nhiệt giải độc, lợi tiểu, tiêu viêm. Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, dược liệu này có chứa nhiều thành phần quý như alcaloid, saponin, beta caroten, sterol, vitamin và khoáng chất giúp tăng cường quá trình lưu thông máu, tăng sức bền thành mạch và làm liền các vết loét một cách nhanh chóng.
Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Dược phẩm Ấn Độ năm 2010 cho biết chiết xuất từ rau má có khả năng củng cố và tăng sức bền cho tĩnh mạch bị suy yếu. Tuy nhiên, các nghiên cứu về tác dụng điều trị giãn tĩnh mạch chân của loại thảo dược này vẫn còn hạn chế và quy mô của nghiên cứu chỉ dừng lại trong phòng thí nghiệm.
1.3. Bài thuốc chữa giãn tĩnh mạch bằng gừng
Hướng dẫn:
- Bước 1: Lấy 1 củ gừng tươi thái lát mỏng bỏ vào cốc.
- Bước 2: Đổ nước vừa đun sôi vào cốc và chờ trong khoảng 5 phút là có thể dùng được. Ngoài ra, bạn có thể bỏ gừng thái lát vào nồi, sau đó thêm nước và đun sôi.
Bằng chứng khoa học:
Gừng có tên khoa học là Zingiber officinale, thuộc họ Gừng (Zingiberaceae). Gừng không chỉ là loại gia vị quen thuộc trong căn bếp của mỗi gia đình mà nó còn là loại dược liệu quý được nhân dân ta ưa chuộng. Theo y học cổ truyền, gừng có vị cay, tính ấm dùng trong trường hợp cảm lạnh, đau bụng, đi ngoài, ho lâu ngày, nôn mửa, kinh nguyệt không đều,…
Trong gừng có chứa từ 2 – 5% tinh dầu bao gồm camphen, phelandren,… giúp kháng khuẩn, chống viêm và giảm tình trạng đau nhức. Gừng được đánh giá là dược liệu hữu ích với người bị giãn tĩnh mạch do cải thiện tình trạng viêm sưng, đau nhức. Song, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định vai trò của gừng trong điều trị giãn tĩnh mạch chân.
1.4. Bài thuốc chữa giãn tĩnh mạch bằng cúc hoa
Hướng dẫn:
- Bước 1: Lấy khoảng 20 – 30g cúc hoa đã phơi, sấy khô.
- Bước 2: Đổ nước vừa đun sôi bỏ vào cốc. Chờ khoảng 3 – 5 phút cúc hoa chìm xuống là có thể dùng được.
Bằng chứng khoa học:
Cúc hoa tên khoa học là Chrysanthemum sinense, thuộc họ Cúc (Asteraceae) thường được dân ta sử dụng khi bị hoa mắt, nhức đầu, mụn nhọt, huyết áp cao, đau mắt đỏ,…
Cúc hoa có chứa các thành phần carotenoid (chrysanthemoxanthin), tinh dầu, sesquiterpen, flavonoid, acid amin, indicumenon, β-sitosterol, α-amyrin, β-amyrin, friedelin, sesamin, vitamin A. Được biết, flavonoid đóng vai trò quan trọng trong điều trị các bệnh lý mạch máu và được xem là liệu pháp đầu tay trong điều trị giãn tĩnh mạch chân mức độ nhẹ.
Flavonoid có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa giúp bảo vệ và làm bền thành mạch, từ đó ngăn ngừa tình trạng viêm mãn tính dẫn đến suy giảm chức năng tĩnh mạch. Song, hàm lượng flavonoid trong cúc hoa ở mức khá thấp và chưa có nghiên cứu cụ thể nào chứng minh vai phương pháp uống nước trà cúc hoa có hiệu quả trong điều trị giãn tĩnh mạch chân.
1.5. Bài thuốc chữa giãn tĩnh mạch bằng rau diếp cá
Hướng dẫn:
- Chuẩn bị một nắm rau diếp cá tươi (khoảng 150g) rồi đem rửa sạch.
- Cho rau diếp cá đã chuẩn bị và 500ml nước lọc vào máy xay.
- Tiến hành xay rau diếp cá.
- Lọc qua rây nhiều lần để lấy hết phần nước rau diếp cá, bỏ bã.
Để nước ép rau diếp cá dễ uống hơn, bạn có thể thêm 1 thìa cà phê đường hoặc một ít muối vào nước trước khi thưởng thức.
Bằng chứng về hiệu quả:
Chiết xuất rau diếp cá chứa một thành phần có tên là flavonoid như (afzelin, hyperin, rutin, isoquercitrin và quercitrin,…),… Trong đó, tinh dầu và flavonoid được biết đến là những thành phần chính tạo nên tác dụng dược lý của loại cây này.
Từ một nghiên cứu công bố năm 2019 trên Tạp chí Hóa dược Châu Âu cho thấy: người bệnh suy tĩnh mạch nên dùng thuốc chống oxy hóa từ nhóm flavonoid để giảm huyết áp động mạch, giảm nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch, ngăn ngừa tai biến huyết khối. Những điều này sẽ giúp cải thiện lưu thông máu, chống viêm, cải thiện trương lực tĩnh mạch và có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành tĩnh mạch bị giãn.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có bất kỳ nghiên cứu lâm sàng nào chứng minh hiệu quả trị suy giãn tĩnh mạch bằng cách uống nước rau diếp cá.
2. Thuốc nam trị suy giãn tĩnh mạch chân có hiệu quả?
Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh mãn tính nên không thể chữa khỏi hoàn toàn dù áp dụng các phương pháp điều trị phức tạp hơn như laser, phẫu thuật.
Hiện nay, mục tiêu điều trị chủ chốt của bệnh là kéo dài các đợt thuyên giảm, ngăn ngừa triệu chứng tái phát. Vì vậy, bên cạnh các phương pháp điều trị y tế hiện đại thì việc điều trị bổ trợ tại nhà thông qua lối sống, chế độ ăn uống, tập luyện cũng rất quan trọng.
Thực tế, các bài thuốc nam khá an toàn, dễ áp dụng và nhưng hiệu quả ít hay nhiều sẽ tùy theo cơ địa từng người. Người bệnh không nên phụ thuộc vào các bài thuốc này, coi nó là phương pháp điều trị chính hay mong đợi quá nhiều vào hiệu quả mà phương pháp này sẽ mang lại.
Thông qua các phân tích ở trên có thể thấy rằng, các bài thuốc nam trị suy giãn tĩnh mạch đa phần dựa trên kinh nghiệm dân gian, chưa có bằng chứng khoa học cụ thể. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học không chứng tỏ rằng các vị thuốc nam này không có hiệu quả. Nhiều thành phần có giá trị trong thảo dược đã được khoa học tìm ra (Rutin trong hoa hòe, Aescin trong hạt dẻ ngựa, Ruscogenin trong cây đậu chổi…) và hứa hẹn khả năng ứng dụng để tạo ra các sản phẩm chất lượng để hỗ trợ điều trị suy giãn tĩnh mạch.
Vì thế, thay vì uống thuốc nam theo cách truyền thống (hoạt chất có lợi không được đưa vào cơ thể một cách tối ưu, tạp chất lại nhiều), thì bạn có thể tham khảo các sản phẩm có chứa hoạt chất chống viêm, bảo vệ thành mạch đã được nghiên cứu đầy đủ và sản xuất từ các công ty dược phẩm uy tín.
3. Lưu ý khi dùng thuốc nam trị giãn tĩnh mạch chân
Trước khi dùng các bài thuốc nam trị suy giãn tĩnh mạch chân, người bệnh cần lưu ý những điều sau:
- Tham khảo ý kiến bác sĩ và chỉ dùng thuốc nam khi được sự cho phép của bác sĩ.
- Nếu có các phản ứng không mong muốn như nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy cần ngưng sử dụng và thông báo cho bác sĩ để biết nên làm gì tiếp theo.
- Chú ý lựa chọn nguồn nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng, không lẫn dư lượng thuốc trừ sâu.
- Thuốc có thể có mùi vị khó uống, không nên tự ý pha thêm các nguyên liệu khác khi chưa được bác sĩ cho phép.