Ngồi học sai tư thế là vấn đề thường gặp ở lứa tuổi học sinh nhất là giai đoạn trẻ mới bước vào lớp một. Nếu không được phát hiện và điều chỉnh kịp thời, tình trạng này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ và để lại những di chứng nặng về về sau.
1. Một số sai lầm và ảnh hưởng sức khỏe khi trẻ ngồi học sai tư thế
Trẻ nhỏ mới đi học là thời điểm tập làm quen với nề nếp sinh hoạt hoàn toàn mới. Việc phải ngồi học tập trung trong một tư thế trong thời gian dài khiến trẻ dễ cảm thấy nhàm chán, mỏi mệt và thay đổi tư thế ngồi. Ngoài ra, thiết kế bàn ghế ngồi học ở trường không thể phù hợp với thể trạng của tất cả học sinh. Vì vậy, nếu không được theo dõi và nắn chỉnh, trẻ rất dễ ngồi sai tư thế.
Một số sai lầm trong tư thế ngồi học của trẻ thường gặp như:
- Ngồi cúi đầu quá mức, không đảm bảo tư thế vùng đầu – vai – cổ và khoảng cách an toàn từ mắt đến sách, vở.
- Nằm bò ra bàn hoặc ra giường khi học bài.
- Ngồi vẹo người, khom lưng, chống mặt hoặc tựa đầu trong khi học bài.
- Ngồi xổm, ngồi co chân lên ghế, tư thế chân quá cao hoặc quá thấp so với phần hông.
Việc ngồi học sai tư thế trong thời gian ngắn có thể khiến trẻ dễ mỏi mệt, khó tập trung vào việc học. Về lâu dài, trẻ ngồi học sai tư thế có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe như:
Sai lệch cấu trúc xương: Trẻ ngồi sai tư thế kéo dài có thể khiến lồng ngực dần phẳng và hẹp lại. Cùng với đó, góc xương bả vai có xu hướng mở rộng ra xa cột sống và nhô lên bất thường. Cột sống mất đi độ cong sinh lý, bị lệch vẹo hoặc gù, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ngoại hình của trẻ.
Giảm tuần hoàn: Tư thế gù lưng, cúi đầu, chùng vai quá mức khi ngồi học làm giảm tuần hoàn máu lên não. Tình trạng này khiến trẻ hay quên, khó tập trung và giảm khả năng ghi nhớ, tiếp thu kiến thức.
Ảnh hưởng đến tiêu hoá: Khi trẻ ngồi ở tư thế cong lưng, gập bụng, không gian bụng không được liên tục. Điều này có thể cản trở hoạt động của ống tiêu hoá gây ra các triệu chứng như: ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, khó tiêu, táo bón,…
Tăng nguy cơ cận thị: Trẻ cúi đầu quá thấp khi ngồi học, không đảm bảo khoảng cách an toàn từ mắt đến các thiết bị học tập như: máy tính, sách, vở,… lâu ngày ảnh hưởng đến khả năng điều tiết của mắt, biến dạng giác mạc từ đó làm tăng nguy cơ cận thị.
Để hạn chế tối đa những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, ba mẹ cần phối hợp với các thầy cô giáo giúp trẻ làm quen và duy trì tư thế đúng khi ngồi học. Khi phát hiện trẻ ngồi học sai tư thế, người lớn cần chia sẻ với trẻ về những tác hại có thể gặp phải và nhẹ nhàng giúp trẻ điều chỉnh. Bên cạnh đó, nếu phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường như: lệch vẹo cột sống, nhìn kém, khó tiêu,… cần cho trẻ đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị.
2. Hướng dẫn trẻ tư thế ngồi học đúng
Điều chỉnh tư thế ngồi học đúng cho trẻ không khó. Điều quan trọng là ba mẹ và thầy cô cần theo dõi chặt chẽ và kiên trì điều chỉnh đến khi tạo được thói quen ngồi đúng cho con. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể để trẻ có tư thế ngồi khoa học:
Tư thế chân: Hai bàn chân trẻ đặt ngay ngắn và thoải mái trên mặt sàn, cẳng chân tạo với mặt sàn và đùi góc dao động từ 70 – 105 độ, trong đó lý tưởng nhất là góc 90 độ.
Tư thế lưng: Hướng dẫn trẻ ngồi thẳng lưng, không nghiêng ngả sang trái phải, phía trước hay phía sau. Nếu ngồi ghế có tựa, ba mẹ cần kiểm tra xem lưng của con có tựa thoải mái vào ghế không, kê thêm gối nếu cần thiết.
Tư thế đầu – cổ – vai: Giữ đầu và cổ thẳng hoặc hơi ngả về phía trước sao cho giữ được độ cong tự nhiên của vùng cột sống cổ, vai thả lỏng và giữ độ mở tự nhiên. Điều chỉnh sao cho khoảng cách từ mắt đến vở từ 25 – 30cm.
Tư thế tay: Điều chỉnh để vùng khuỷu tay đến bàn tay của trẻ đặt thoải mái trên mặt bàn, hai tay xuôi theo vở, vùng bả vai cần thoải mái, tránh bị nhô quá cao hoặc chùng xuống quá thấp.
Vị trí bàn – ghế: Ba mẹ điều chỉnh cạnh trước của ghế và cạnh sau của mặt bàn trẻ ngồi học cách nhau khoảng 4 – 6cm. Hoặc, có thể ước lượng bằng cách khoảng cách từ ngực con đến cạnh bàn khoảng một nắm tay.
Chiều cao bàn ghế: Chiều cao bàn ghế lý tưởng cho trẻ cần được điều chỉnh dựa trên chiều cao của từng bé. Cụ thể, chiều cao bàn = chiều cao cơ thể x 0.46, chiều cao ghế = chiều cao cơ thể x 0.27.
Bên cạnh những yếu tố liên quan đến tư thế ngồi, ba mẹ và nhà trường cần chú ý điều chỉnh môi trường học tập chuẩn nhất cho con. Nếu có thể, cần cá nhân hoá các điều kiện học tập theo thể trạng của từng trẻ. Một số lưu ý cụ thể để các con có môi trường học tập chuẩn nhất gồm:
- Đảm bảo đầy đủ ánh sáng trong không gian học tập của trẻ, ưu tiên nguồn sáng tự nhiên thuận chiều từ trên xuống dưới và từ trái sang phải.
- Bàn ghế ngồi học nên được thiết kế phân khúc theo thể trạng của từng trẻ. Hoặc, tốt nhất là lựa chọn các loại bàn ghế học tập cá nhân, có thể điều chỉnh được độ cao khi ngồi.
- Các thiết bị học liệu như: sách, vở, tài liệu,…. cần có chất lượng tốt, đảm bảo độ rõ nét để giúp trẻ sử dụng dễ dàng nhất.
- Chủ động điều chỉnh thời gian ngồi học cho trẻ, các tiết học không nên kéo dài 45 phút. Sau mỗi tiết học trẻ cần được nghỉ ngơi và thả lỏng cơ thể trước khi tiếp tục tiết học mới.
- Kiểm tra trọng lượng của cặp sách, tốt nhất không nên vượt quá 15% trọng lượng cơ thể trẻ. Ba mẹ nên ưu tiên các loại cặp sách 2 quai để cân bằng trọng lượng lên cả hai bên cơ thể.
3. Một số lưu ý khác khi trẻ mới đi học
Khi mới đi học, trẻ phải làm quen với lịch sinh hoạt mới và những áp lực nhất định từ việc học tập. Chính vì vậy, ngoài việc quan tâm đến tư thế ngồi học, ba mẹ cũng cần giúp con rèn luyện thói quen học tập, sinh hoạt khoa học để có giảm áp lực, tăng hiệu quả học và bảo vệ sức khỏe tốt nhất.
Những lưu ý cụ thể gồm:
- Hướng dẫn và đồng hành cùng con trong việc sắp xếp lịch học tập hàng ngày, hàng tuần để giúp con dễ dàng nhận diện môn học, tiết kiệm thời gian cho khâu chuẩn bị trước giờ học.
- Hướng dẫn con phương pháp học tập khoa học, tạo thói quen làm bài tập, soát bài đầy đủ và chuẩn bị bài mới trước giờ lên lớp.
- Trong thời gian con ngồi học, ba mẹ cần loại bỏ những yếu tố có thể gây mất tập trung như: điện thoại, tivi, thú cưng,….
- Xây dựng các phần thưởng học tập để tăng hứng thú và giúp con học tập hiệu quả hơn.
- Cân đối thời gian học tập và nghỉ ngơi của trẻ, cần đảm bảo con được ngủ đủ giấc mỗi ngày giúp tạo điều kiện cho quá trình phát triển thể chất.
- Không nên ép trẻ học quá sớm, đặc biệt là giai đoạn trước 6 tuổi.
- Tăng cường chế độ dinh dưỡng cho trẻ, tập trung bổ sung những dưỡng chất tốt cho hệ xương khớp, trí não và mắt trong thời gian trẻ mới đi lớp như: vitamin D, canxi, omega – 3,…
- Thường xuyên chia sẻ với con về cảm nhận khi đi học, giúp con giải tỏa những khó khăn trong học tập hay hòa nhập với tập thể nếu có.
Ngồi học sai tư thế có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị gù, cong vẹo cột sống, suy giảm thị lực, giảm khả năng học tập và tiếp thu kiến thức. Vì vậy, ba mẹ cần kết hợp cùng nhà trường theo dõi sát sao con trong giai đoạn mới đi lớp. Việc điều chỉnh tư thế ngồi đúng có thể là bước khởi đầu thuận lợi giúp con có tâm lý thoải mái, sức khỏetốt và trạng thái tích cực khi tiếp cận với việc học tập.
Bài viết khác: