Có một sự thật rằng, bệnh trĩ thường xuất hiện ở những người trong một gia đình hoặc chung sống cùng nhau. Điều này khiến không ít người nảy sinh băn khoăn: Bệnh trĩ có lây không? Nếu bạn cũng đang có cùng thắc mắc này, vậy tuyệt đối đừng bỏ qua bài viết hôm nay.
1. Cơ chế gây bệnh trĩ
Bệnh trĩ là tình trạng co giãn quá mức đám rối tĩnh mạch vùng trực tràng – hậu môn. Dù không quá nguy hiểm nhưng bệnh trĩ lại gây ra nhiều cản trở trong sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến chất lượng sống, hiệu quả công việc cũng như tâm lý của người bệnh.
Tùy vào vị trí xuất hiện của búi trĩ mà bệnh trĩ được chia thành 2 loại gồm: trĩ nội và trĩ ngoại. Hiện nay, có nhiều cách giải thích về cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ, trong đó phổ biến nhất là “Thuyết giãn tĩnh mạch”. Các chuyên gia cho rằng, bệnh trĩ xảy ra ra do thành tĩnh mạch hậu môn trực tràng suy yếu kết hợp với sự gia tăng áp lực lên thành mạch gây ra những điểm yếu, còn gọi là điểm trĩ.
Dưới sự gia tăng áp lực kéo dài, những điểm trĩ này có thể bị phình giãn, tích tụ máu sau đó ra ra ngoài hình thành các búi trĩ. Khi búi trĩ bị tổn thương trong quá trình đại tiện, người bệnh có thể thấy xuất hiện các vệt máu tươi trong phân. Nếu không được điều trị kịp thời, các búi trĩ này tiếp tục gia tăng kích thước và lòi ra ngoài hậu môn, gây ra các triệu chứng: sưng viêm, đau đớn, thậm chí là hoại tử.
Một giả thuyết khác về cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ cũng được nhiều chuyên gia ủng hộ đó là “Thuyết sa lớp lót hậu môn”. Theo đó, một tổ chức tồn tại xen giữa cơ vòng dưới niêm mạc hậu môn, phát sinh từ cơ thắt trong và phức hợp dọc, xuyên qua cơ thắt tới niêm mạc hình thành giàn đỡ quanh đám rối tĩnh mạch.
Các sợi cơ này có nhiệm vụ giữ lớp lót ở lòng ống hậu môn không bị sa ra ngoài trong quá trình rặn đại tiện. Khi tổ chức này bị thoái hóa, lớp đệm hậu môn bị chùng xuống, dẫn đến tăng nguy cơ xuất hiện bệnh trĩ. Theo các chuyên gia, bệnh trĩ là kết quả của quá trình chuyển dịch vị trí tổ chức đệm hậu môn dẫn đến ứ máu, rối loạn tuần hoàn tại chỗ dẫn đến tắc nghẽn mạch, gây ra “cơn trĩ”.
Trong khi đại tiện, nếu rặn nhiều các đệm bị căng máu sẽ bị đẩy ra ngoài. Quá trình này tái lặp nhiều lần làm trùng giãn và đứt dây chằng Parks khiến búi trĩ sa hẳn ra ngoài, gây ra bệnh trĩ.
2. Bệnh trĩ có lây không?
Bệnh lây nhiễm là thuật ngữ chung chỉ những bệnh có thể lây lan từ động vật sang người hoặc từ người sang người qua nhiều con đường khác nhau như: đường truyền máu, tiếp xúc xa và niêm mạc, đường tiêu hóa, đường hô hấp hoặc đường từ mẹ sang con. Một bệnh truyền nhiễm có thể lay lan theo nhiều con đường khác nhau.
Nguyên nhân gây ra các bệnh lây nhiễm thường là do các loại vi sinh vật như: vi khuẩn, virus, nấm hay các loại ký sinh trùng. Một số bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan nhanh chóng có thể gây ra các đợt dịch bùng phát theo từng vùng.
Quay trở lại câu hỏi: Bệnh trĩ có lây không? – Câu trả lời là: Không. Cơ chế bệnh sinh của bệnh trĩ xuất phát từ tình trạng suy yếu và phình giãn các búi tĩnh mạch ở hậu môn mà không phải do sự lây nhiễm vi sinh vật nên sẽ không lây nhiễm theo bất kỳ con đường nào.
Nhiều người đặt câu hỏi, nếu bệnh trĩ không lây nhiễm thì tại sao những người sống chung lại hay mắc bệnh cùng nhau? Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mối liên quan giữa tần suất mắc bệnh trĩ và các yếu tố nguy cơ như: táo bón (OR = 1,80, khoảng tin cậy 95%) và bệnh hô hấp mạn tính gây ho nhiều (OR = 1,40, khoảng tin cậy 95%). 1
Trong khi đó, táo bón có liên hệ mật thiết với chế độ ăn uống, sinh hoạt hàng ngày và các bệnh lý hô hấp mạn tính có thể bị lây nhiễm khi sống chung. Điều này lý giải vì sao những người cùng một gia đình, cùng một môi trường sinh hoạt dễ bị mắc bệnh trĩ giống nhau.
Mặc dù bệnh trí không lây nhiễm nhưng tỷ lệ người mắc bệnh trĩ là rất cao. Có khoảng 50% người trên 50 tuổi mắc bệnh trĩ ở các mức độ khác nhau. Trong đó, nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 1.36 lần nam giới1. Vì lý do này, bạn cần chú trọng đến bệnh lý này, có biện pháp từ sớm để phòng ngừa bệnh.
Đọc thêm: Bệnh trĩ có thể gây ra những biến chứng nào?
3. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh trĩ?
Bệnh trĩ mặc dù không lây nhưng tỷ lệ mắc bệnh cao do nhiều yếu tố nguy cơ như:
Thói quen ngồi lâu một chỗ: Ngồi bất động trong thời gian dài làm tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn trực tràng, khiến máu ứ đọng ở lòng mạch và tăng nguy cơ hình thành búi trĩ.
Táo bón hoặc tiêu chảy mạn tính: Làm giảm trương lực cơ thắt hậu môn, tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch ở hậu môn trực tràng, khiến tĩnh mạch vùng này dễ bị sa xuống, tổn thương và chảy máu.
Phụ nữ mang thai và sinh con: Do thai nhi tạo áp lực lên tĩnh mạch hậu môn, cản trở tuần hoàn máu kết hợp với quá trình rặn khi sinh con khiến tĩnh mạch dễ bị phình giãn và sa ra bên ngoài.
Chế độ dinh dưỡng mất cân bằng: Ăn ít chất xơ, ăn nhiều đồ cay nóng, giàu chất béo hoặc đạm khó tiêu dễ bị táo bón. Tình trạng này khiến tĩnh mạch chịu áp lực cao khi đại tiện làm tăng nguy cơ mắc trĩ.
Yếu tố di truyền: Những người có người thân trong gia đình như bố mẹ, anh chị em bị bệnh trĩ thì nguy cơ mắc bệnh trĩ cũng cao hơn người bình thường.
Bệnh lý tim mạch và gan: Làm cản trở tuần hoàn máu, suy giảm chức năng tĩnh mạch dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ.
Tuổi tác: Những người trên 50 tuổi dễ bị mắc trĩ do quá trình lão hóa khiến chức năng tĩnh mạch bị suy giảm, tĩnh mạch dễ bị sa giãn hơn người trẻ tuổi.
Phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh trĩ là ngăn ngừa và loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Dưới đây là một số gợi ý cụ thể về các biện pháp giúp phòng ngừa bệnh trĩ xuất hiện và tái phát:
Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ
Trong chế độ ăn hàng ngày để làm mềm và tăng khối lượng phân. Lượng chất xơ được khuyên dùng cho một người trưởng thành là khoảng 25 – 38g/ ngày. Cần chú ý tăng lượng chất xơ từ từ, tránh tăng nhiều và quá nhanh gây tình trạng đầy hơi.
Những thực phẩm giàu chất xơ như: lúa mì, lúa mạch, yến mạch, gạo lứt, rau xanh, quả tươi,…
Uống đủ nước mỗi ngày
Đảm bảo cung cấp cho cơ thể từ 1.5 – 2.5 lít nước/ ngày. Những người ăn đủ chất xơ nhưng uống ít nước cũng có nguy cơ bị táo bón.
Bạn có thể cung cấp nước cho cơ thể qua nhiều phương thức khác nhau như: uống nước lọc, nước ép rau củ quả hay uống nước canh.
Tránh rặn mạnh khi đại tiện
Lực rặn quá mạnh có thể tạo ra áp lực lên tĩnh mạch ở vùng hậu môn trực tràng khiến tĩnh mạch dễ bị phình giãn và chảy máu.
Bên cạnh đó, bạn cũng không nên nhịn đại tiện vì điều này làm tăng thời gian lưu trữ phân, tăng tái hấp thu nước khiến phân bị khô cứng, gây táo bón.
Đọc thêm: Các bài thuốc dân gian trị bệnh trĩ
Tăng cường vận động
Tăng cường vận động giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch, duy trì cân nặng, điều hòa nhu động ruột từ đó giúp giảm táo bón, giảm tiêu chảy và phòng ngừa bệnh trĩ.
Bệnh trĩ không lây nhiễm theo bất kỳ con đường nào. Vì vậy, bạn không cần lo lắng khi tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với người mắc bệnh trĩ. Tuy nhiên, bệnh trĩ có nguy cơ mắc phải cao, vì vậy, bạn cần chủ động xây dựng chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để phòng ngừa bệnh trĩ từ sớm.