Có một sự thật rằng dù bệnh trĩ có biểu hiện lâm sàng từ rất sớm song phần lớn người bệnh lại thăm khám và điều trị trong giai đoạn muộn. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh trĩ xảy ra ở hậu môn – vị trí nhạy cảm khiến nhiều người ngại ngùng, chần chừ với hi vọng bệnh tự khỏi. Thực tế, bệnh trĩ không thể tự khỏi được, việc trì hoãn thời gian thăm khám chỉ tạo điều kiện khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn.
Mục lục
1. Báo động về tỷ lệ người mắc bệnh trĩ tại Việt Nam hiện nay
Bệnh trĩ được xếp vào nhóm bệnh mạch máu tĩnh mạch, là một bệnh lý phổ biến trên thế giới. Thống kê tại nước ngoài cho thấy, có đến 50% người trên 50 tuổi bị bệnh trĩ và khoảng 5% dân số đối diện với căn bệnh này. Ở Việt Nam, bệnh trĩ đã có trong y văn từ lâu đời. Sách Y học dân tộc từng viết “Thập nhân cửu trĩ” tức là cứ 10 người thì có 9 người mắc phải căn bệnh này.
Một khảo sát tại 24 quận huyện trong thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 1/2006 – 7/2006 trên 3355 người trên 50 tuổi cho thấy, tỷ lệ mắc trĩ là 25.13%. Trong đó, nam giới có nguy cơ mắc bệnh trĩ cao hơn nữ giới 1.36 lần. Nhóm tuổi có tỷ lệ bị trĩ cao nhất trong mẫu nghiên cứu là 65 – 69 tuổi và giảm nhẹ sau 75 tuổi.
Ngoài ra, khảo sát cũng đánh giá được mối tương quan giữa bệnh trĩ và các yếu tố khác, cụ thể:
Táo bón: Tình trạng này khiến người bệnh phải rặn nhiều khi đi đại tiện, làm tăng áp lực trong trực tràng gấp 10 lần so với bình thường. Bởi vậy, khả năng bị bệnh trĩ của nhóm người này cũng cao gấp 1.8 lần.
Bệnh hô hấp mạn tính: Thường gặp như bệnh viêm phế quản hay giãn phế quản mạn tính khiến người bệnh phải ho nhiều, làm tăng áp lực trong xoang bụng. Nguy cơ bị trĩ ở những người này cao gấp 1.4 lần.
Phải đứng nhiều: Các nhà nghiên cứu ghi nhận được áp lực lên tĩnh mạch trĩ là 25cm H2O ở tư thế nằm và tăng vọt lên 75cm H2O ở tư thế đứng. Vì vậy, những người phải đứng nhiều có nguy cơ bị trĩ cao hơn.
Chẹn tĩnh mạch: Thường gặp ở những bệnh nhân ung thư trực tràng, u bướu vùng tiểu khung hoặc phụ nữ mang thai khiến tĩnh mạch về tim khó khăn, dễ bị trĩ.
Nghiên cứu tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đánh giá được tỷ lệ các triệu chứng lâm sàng ở người bị trĩ, cụ thể:
- Tỷ lệ trĩ nội là 54.21%, trĩ ngoại là 45.79%, trĩ hỗn hợp là 11.47%, vị trí búi trĩ thường gặp nhất là 1 – 2h, 3h, 7 – 8h và 10 – 11h.
- Tỷ lệ người bị trĩ độ 1 là 21.23%, trĩ độ 2 là 59.96%, trĩ độ 3 là 16.85% và trĩ độ 4 là 1.96%
- Tỷ lệ người bị sa búi trĩ là 53.38%.
- Tỷ lệ người bị đi cầu ra máu là 17.55%
- Tỷ lệ người bị đau vùng hậu môn là 6.05%.
Số liệu này có thể là cơ sở cho thấy bệnh trĩ tại Việt Nam cần được quan tâm hơn nữa. Tất cả người dân, đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ cao cần được giáo dục để có cái nhìn đúng đắn hơn trong nhận thức về phương pháp phòng ngừa và điều trị bệnh trĩ.
Tham khảo thông tin tại: Tạp chí Y học thành phố Hồ Chí Minh và Y Cần Thơ
2. Bệnh trĩ có nguy hiểm không?
Bệnh trĩ có nguy hiểm không còn phụ thuộc vào giai đoạn mắc bệnh. Tuy nhiên, dù ở giai đoạn nào thì bệnh lý này cũng gây ra hàng loạt những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của người bệnh. Một trong những ảnh hưởng dễ thấy nhất là tâm lý tự ti và mệt mỏi. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc, thái độ giao tiếp và sinh hoạt vợ chồng.
Bên cạnh đó, trĩ có thể khiến người bệnh bị đau và chảy máu mỗi lần đi đại tiện. Người bệnh trĩ thường không cảm thấy thoải mái trong ăn uống, sinh hoạt, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống hàng ngày. Mặt khác, bệnh trĩ thường phải điều trị trong thời gian dài, điều này có thể ảnh hưởng đến kinh tế của bệnh nhân.
Quan trọng hơn, bệnh trĩ càng tiến triển nặng nề thì mức độ nguy hiểm càng tăng, người bệnh có thể phải đối diện với nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
2.1 Sa tắc trĩ mạch
Sa tắc trĩ mạch hay trĩ tắc mạch là biến chứng phổ biến ở người bị trĩ. Tình trạng này xảy ra khi có cục máu đông hình thành bên trong búi trĩ khiến người bệnh bị căng đau tột độ kèm theo chảy máu. Triệu chứng này nghiêm trọng khi người bệnh ngồi hoặc tăng nhu động ruột.
Khi bị trĩ tắc mạch, người bệnh cũng không thể đẩy búi trĩ trở lại hậu môn nếu bị sa ra ngoài. Tình trạng này cần được xử lý nhanh chóng bằng cách rạch hoặc cắt búi trĩ. Những trường hợp xử lý muộn có thể khiến tĩnh mạch trĩ bị chèn ép, giãn vỡ gây viêm, nhiễm trùng, lở loét, thậm chí là hoại tử búi trĩ.
2.2 Chảy máu búi trĩ
Biến chứng chảy máu búi trĩ xảy ra khi tĩnh mạch trĩ bị tổn thương gây chảy máu liên tục. Mức độ chảy máu có thể khác nhau tùy theo thời gian, vị trí và mức độ tổn thương búi trĩ. Ban đầu, máu có thể chỉ rỉ giọt nhỏ, thấm vào giấy vệ sinh hoặc dính vào phân. Nhưng lâu dần, người bệnh có thể thấy máu chảy thành giọt hoặc phun thành tia.
Chảy máu búi trĩ thường nghiêm trọng hơn khi người bệnh bị táo bón, mang vác vận nặng, vận động mạnh hoặc uống rượu bia. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ rơi vào tình trạng thiếu máu trầm trọng khiến cơ thể bị suy nhược, kiệt sức, sút cân nhanh chóng, giảm trí nhớ, hay té ngã và co giật khi thay đổi tư thế đột ngột.
2.3 Nhiễm trùng trĩ
Nhiễm trùng là biến chứng nặng trong bệnh trĩ, xảy ra khi các hốc hậu môn bị viêm gây ra triệu chứng: nóng rát, đỏ ngứa và ẩm ướt kéo dài ở hậu môn. Nếu không được điều trị kịp thời, các vị trí viêm có thể bị bội nhiễm dẫn đến lở loét, hay thậm chí là hoại tử.
Không dừng lại ở đó, bội nhiễm ở hậu môn có thể lây lan sang bộ phận sinh dục và gây nên các bệnh lý viêm phụ khoa. Bản chất của búi trĩ là mạch máu nên nhiễm trùng tại vị trí này cũng dễ dàng tiến triển thành nhiễm trùng máu, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của bệnh nhân.
2.4 Ung thư trực tràng
Ung thư trực tràng là biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh trĩ. Tình trạng này xảy ra khi nhiễm khuẩn từ búi trĩ lan sâu vào bên trong trực tràng, gây viêm trực tràng nặng. Quá trình này nếu tái đi tái lại nhiều lần có thể khiến các tế bào bị tổn thương xuất hiện đột biến, tăng sinh quá mức và thành các khối u.
Ung thư trực tràng khó điều trị, tốn nhiều chi phí và nguy cơ tử vong cao. Vì vậy, người bệnh cần có chế độ chăm sóc và can thiệp sớm, tránh để nhiễm trùng trĩ biến chứng thành ung thư.
3. Khi nào cần đi khám trĩ?
Bạn nên khám trĩ ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường tại hậu môn như: đau rát, ngứa ngáy, ẩm ướt hay có xuất huyết vùng hậu môn sau khi đại tiện. Thăm khám sớm giúp tăng cường hiệu quả điều trị, giảm ảnh hưởng của bệnh đến đời sống hàng ngày và hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.
Ngoài ra, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng dưới đây:
- Búi trĩ bị căng tức, đau đớn dữ dội.
- Dễ bị chảy máu, chảy máu nhỏ giọt hoặc chảy máu thành tia khi đi đại tiện.
- Búi trĩ có hiện tượng sưng tấy, đau đớn, nóng ran và ẩm ướt cả ngày.
- Vùng hậu môn bị đau nghiêm trọng, đau quặn bụng không rõ nguyên do.
- Đột nhiên thay đổi thói quen đại tiện: đi nhiều lần trong ngày, cảm giác đi không hết phân, táo bón, tiêu chảy hoặc phân có hình dạng dẹt bất thường kéo dài.
Tìm hiểu thêm: Bệnh trĩ có thể lây từ người này sang người khác hay không?
4. Làm thế nào để kiểm soát bệnh trĩ tiến triển?
Bệnh trĩ nếu được phát hiện và điều trị sớm thì kiểm soát càng dễ dàng, hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng. Dưới đây là những lưu ý để người bệnh có thể kiểm soát tốt bệnh trĩ.
4.1 Điều trị theo phác đồ bác sĩ
Tùy theo giai đoạn cụ thể của bệnh trĩ mà bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị khác nhau, phù hợp với từng trường hợp của người bệnh.
Do đó, để ngăn bệnh tiến triển tới giai đoạn nghiêm trọng hơn thì tốt nhất cần chủ động điều trị từ sớm. Ngay khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh trĩ thì chúng ta nên đi khám và điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Đối với những bệnh nhân mắc trĩ ở giai đoạn 1, 2 khi các triệu chứng chưa quá nghiêm trọng thì có thể điều trị nội khoa (với các loại thuốc bôi co trĩ, co mạch chống viêm…)
Lưu ý: Việc sử dụng thuốc điều trị cần được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ:
- Không tự ý dừng thuốc khi cảm thấy triệu chứng đã thuyên giảm, uống thuốc theo đúng kê đơn của bác sĩ.
- Không tự ý tăng liều khi chưa có sự cho phép của bác sĩ.
- Theo dõi sự tiến triển và tình trạng của bệnh trĩ khi sử dụng thuốc và phản hồi kịp thời với bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường.
- Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc về dùng vì có thế đối diện với những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Đối với bệnh nhân mắc trĩ nội ở cấp độ 3 – 4, lúc này, các búi trĩ không thể tự thụt vào hoặc phát triển quá to, tăng nguy cơ bị sa nghẹt búi trĩ thì cần phẫu thuật cắt búi trĩ
Lưu ý chăm sóc vết mổ theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi mổ cần liên hệ với bác sĩ sớm nhất có thể.
3.2 Điều chỉnh chế độ ăn uống
Bệnh trĩ có mối liên hệ chặt chẽ với chế độ ăn uống của người bệnh. Đây là lý do bất cứ bệnh nhân nào cũng sẽ được bác sĩ yêu cầu điều chỉnh ăn uống trong khi điều trị bệnh trĩ. Một số lưu ý cụ thể bao gồm:
- Tăng cường các loại rau củ quả tươi để bổ sung chất xơ, phòng ngừa táo bón.
- Tăng cường những thực phẩm có tính nhuận tràng như: lô hội, mồng tơi, khoai lang, chuối, hạt chia,…
- Chú ý bổ sung thực phẩm bổ máu giúp bù đắp lại lượng máu cơ thể bị mất đi, điển hình như: gan động vật, thịt bò, sò huyết, cải bó xôi,…
- Nên sử dụng các loại dầu thực vật để thay thế cho mỡ động vật giúp nhuận tràng, cải thiện tiêu hóa.
- Ưu tiên những thực phẩm có khả năng chống oxy hóa, chống viêm giúp bảo vệ thành mạch và ngăn ngừa viêm nhiễm như: rau diếp cá, quả dứa, đu đủ chín, hoa hòe,…
- Đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể từ 1.5 – 2.5 lít nước mỗi ngày.
Bên cạnh việc tăng cường thực phẩm có lợi, người bệnh cũng cần chú ý loại bỏ các thực phẩm xấu với cơ thể như: đồ ăn quá mặn, cay nóng, quá ngọt hoặc nhiều dầu mỡ và các loại đồ uống có cồn ra khỏi chế độ ăn của mình.
4.3 Thay đổi lối sinh hoạt
Bên cạnh điều chỉnh chế độ ăn uống, việc loại bỏ thói quen xấu trong sinh hoạt cũng là biện pháp cần thiết và hiệu quả để phòng ngừa bệnh trĩ. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể cho bạn:
Tập thói quen vệ sinh mỗi ngày: Điều này giúp hạn chế được tình trạng táo bón, giảm áp lực cho hệ tiêu hóa mỗi lần đại tiện.
Không nhịn đại tiện: Thói quen này làm tăng tái hấp thu nước trong phân, khiến phân khô cứng và gây tăng áp lực lên tĩnh mạch hậu môn trực tràng sau đó. Vì vậy, hãy đi đại tiện ngay khi bạn thấy muốn vệ sinh.
Vệ sinh hậu môn sạch sẽ: Điều này giúp hạn chế nguy cơ viêm và nhiễm khuẩn. Bạn có thể lựa chọn các sản phẩm làm sạch chuyên dụng có nguồn gốc từ thảo dược để vệ sinh hậu môn mỗi ngày.
Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu: Bạn nên chủ động đi lại sau khoảng 30 phút đến một tiếng ngồi hoặc đứng làm việc. Điều này giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch hậu môn trực tràng khiến búi trĩ phát triển to hơn.
Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi: Stress kéo dài khiến tăng hệ thống tĩnh mạch hậu môn trực tràng căng thẳng, làm triệu chứng bệnh trĩ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, hãy nghỉ ngơi điều độ để có sức khỏe tốt nhất.
Tăng cường vận động: Dành khoảng 30 phút tập luyện mỗi ngày giúp hỗ trợ hoạt động của hệ thống tiêu hóa, giảm tải áp lực lên hậu môn từ đó cải thiện các triệu chứng của bệnh trĩ.
Xem thêm: Chữa bệnh trĩ bằng mẹo dân gian có hiệu quả không?
Trên đây là bài viết xoay quanh vấn đề: Bệnh trĩ có nguy hiểm không? Hi vọng những thông tin trong bài viết có thể giúp người bệnh hiểu rõ hơn về bệnh lý này, từ đó có thái độ đúng đắn trong chăm sóc, điều trị và phòng ngừa bệnh một cách hợp lý nhất.