Chế độ ăn uống là một trong những yếu tố liên quan mật thiết đến quá trình khởi phát và tiến triển của bệnh trĩ. Nếu như thói quen ăn uống lành mạnh giúp kiểm soát tốt các triệu chứng của bệnh thì việc nạp vào cơ thể những thực phẩm bất lợi lại khiến bệnh trĩ trở nên nặng nề. Vậy, bệnh trĩ kiêng ăn gì, nên ăn gì? – Câu trả lời sẽ có trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Nguyên tắc trong ăn uống khi bị bệnh trĩ
Bệnh trĩ xảy ra do sự gia tăng áp lực quá mức lên hệ thống tĩnh mạch hậu môn trực tràng khiến chúng bị suy giảm chức năng và phình giãn, gây ra các búi trĩ. Vì vậy, nguyên tắc chung trong chế độ ăn uống của người bị bệnh trĩ là cần loại bỏ những thực phẩm thúc đẩy quá trình này.
Một số nguyên tắc chi tiết bao gồm:
Dinh dưỡng đầy đủ và cân đối: Người bệnh cần cung cấp đầy đủ các nhóm chất cần thiết nhằm đảm bảo nguồn năng lượng cho các hoạt động của cơ quan trong cơ thể.
Dinh dưỡng an toàn: Sử dụng các loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tươi sống và đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm trước khi chế biến.
Chế biến phù hợp: Bên cạnh việc chú ý đến cách chế biến đảm bảo dinh dinh dưỡng của thực phẩm, người bệnh nên ưu tiên cách chế biến chín mềm nhằm hạn chế áp lực cho đường tiêu hóa.
Điều chỉnh lượng ăn: Người bệnh không nên ăn quá no trong một làm tăng áp lực cho ổ bụng và hậu môn, trực tràng. Thay vì ăn 3 bữa no, bạn có thể chia nhỏ thành 4 – 6 bữa nhỏ để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
Lựa chọn nhóm thực phẩm ưu tiên: Ngoài những nhu cầu dinh dưỡng cơ bản, người bệnh nên tham khảo ý kiến chuyên gia để bổ sung tăng cường những thực phẩm có khả năng hỗ trợ cải thiện bệnh lý.
Thực hiện đầy đủ nguyên tắc trong chế độ ăn uống giúp người bệnh trĩ đảm bảo được nguồn dinh dưỡng và năng lượng cần thiết, tăng hiệu quả điều trị bệnh và cải thiện triệu chứng. Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà những nguyên tắc này sẽ được điều chỉnh bám sát hơn với thể trạng của người bệnh.
2. Người bị bệnh trĩ nên ăn gì?
Những thực phẩm có tác dụng nhuận tràng, hỗ trợ quá trình phục hồi và bảo vệ thành mạch giúp cải thiện các triệu chứng bệnh trĩ. Vì vậy, người bệnh nên chủ động tăng cường nhóm thực phẩm này trong chế độ ăn hàng ngày của mình.
2.1 Thực phẩm giàu xơ
Thực phẩm giàu chất xơ luôn được khuyến khích bổ sung trong khẩu phần ăn của những người bị bệnh trĩ. Việc tăng cường chất xơ trong chế độ ăn giúp tăng cường khối lượng phân, tăng giữ nước trong phân và giúp làm mềm phân. Nhờ đó, người bệnh sẽ hạn chế bị táo bón, giảm áp lực lên hệ thống tĩnh mạch trực tràng hậu môn trong khi đại tiện. Theo khuyến cáo của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, lượng chất xơ cần bổ sung là 14g/ 1000 calo1.
Hiện nay, chất xơ được chia thành 2 loại gồm:
- Chất xơ hòa tan: Chuyển hóa thành dạng gel trong ống tiêu hóa, giúp làm mềm phân và giảm ma sát giữa phân và thành mạch khi đại tiện. Chất xơ hòa tan có nhiều trong: rau đay, thanh long, mồng tơi, yến mạch,…
- Chất xơ không hòa tan: Tồn tại ở dạng sợi xơ giúp tăng giữ nước trong phân, tăng khối lượng phân, từ đó làm mềm phân. Chất xơ không hòa tan có nhiều trong các loại rau củ quả như: rau muống, rau bí, rau cải,….
Ngoài chất xơ, bạn cần đảm bảo cung cấp đủ nước cho cơ thể. Ăn nhiều chất xơ (đặc biệt là chất xơ không hòa tan) nhưng thiếu nước có thể khiến tình trạng táo bón nghiêm trọng hơn dẫn đến tăng nặng các triệu chứng của bệnh trĩ.
2.2 Thực phẩm giàu vitamin
Vitamin là nhóm dưỡng chất thiết yếu cho các hoạt động của cơ thể. Người bị bệnh trĩ được khuyến cáo nên tăng cường bổ sung những thực phẩm giàu vitamin có khả năng chống oxy hóa. Những vitamin này có tác dụng bảo vệ và làm bền thành mạch, từ đó hạn chế tình trạng tĩnh mạch bị suy yếu, hạn chế tốc độ tiến triển của bệnh trĩ.
Dưới đây là một số nhóm thực phẩm cụ thể:
- Thực phẩm giàu vitamin C: Chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ mạch máu khỏi tác động của các gốc tự do. Vitamin C có nhiều trong: ổi, cam, kiwi, dâu tây, súp lơ xanh,…
- Thực phẩm giàu vitamin E: Có tác dụng chống viêm, hỗ trợ làm lành các mô bị tổn thương. Bạn có thể tìm thấy vitamin E trong các thực phẩm như: hạt dẻ, rau chân vịt, quả bơ, đu đủ,…
2.3 Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa
Những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa có tác dụng làm bền thành mạch, hạn chế sự phát triển của các búi trĩ cũng như giảm nguy cơ biến chứng do bệnh trĩ gây ra. Một số loại thực phẩm được khuyến khích trong khẩu phần ăn của bệnh nhân trĩ gồm:
- Thực phẩm giàu flavonoid: Chống lại các gốc tự do, ngăn chặn quá trình oxy hóa tế bào, giúp bảo vệ thành mạch. Thực phẩm giàu flavonoid như cải bó xôi, cần tây, táo, bông cải xanh, bông cải trắng, rau diếp cá,…
- Thực phẩm giàu rutin: Có tác dụng chống viêm, chống huyết khối và củng cố các mao tĩnh mạch bị suy yếu. Rutin được tìm thấy trong: táo, quả nho, anh đào, quả mơ, dâu đen, quả bơ,….
2.4 Thực phẩm giàu khoáng chất
Magie và kẽm là hai loại khoáng chất cần tăng cường bổ sung khi bị bệnh trĩ. Hai chất khoáng này có tác dụng ổn định mạch máu, duy trì sự phát triển của các mô cơ đồng thời hỗ trợ quá trình làm lành tổn thương tại tế bào. Bạn có thể bổ sung magie và kẽm thông qua các thực phẩm dưới đây:
- Thực phẩm giàu kẽm: hàu, cua, sò, hến, các loại đậu, các loại hạt khô, trứng, sữa,…
- Thực phẩm giàu magie: cá hồi, cá mòi, cá trích, bơ, đậu phụ, ngũ cốc nguyên hạt, chuối,…
2.5 Cung cấp đủ nước cho cơ thể
Người bị bệnh trĩ cần đảm bảo cung cấp cho cơ thể từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày. Bổ sung nước đầy đủ giúp làm mềm phân, tránh sự vón cục của chất xơ trong lòng ruột. Bạn có thể bổ sung nước cho cơ thể bằng nước lọc, nước canh hay các loại nước ép hoa quả đều được.
Bệnh nhân bị trĩ cũng nên uống một cốc nước ấm vào mỗi buổi sáng mỗi ngày để giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
3. Người bị bệnh trĩ kiêng ăn gì?
Người bệnh trĩ cần tránh những thực phẩm khó tiêu, khiến phân khô cứng hay có hại cho mạch máu. Nguyên do là những thực phẩm này làm tăng áp lực khi tiêu hóa, khiến tĩnh mạch trực tràng hậu môn bị phình giãn nghiêm trọng và tăng nguy cơ tổn thương búi trĩ. Dưới đây là nhóm thực phẩm cụ thể mà bạn cần tránh nếu đang bị bệnh trĩ.
3.1 Thực phẩm giàu đạm khó tiêu
Đạm khó tiêu được biết đến chủ yếu là các loại thịt đỏ như: thịt bò, thịt cừu, thịt bê, thịt trâu, thịt vịt,…. Những loại thịt này chứa hàm lượng lớn chất béo bão hòa có thể gây tắc nghẽn động mạch và tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu. Điều này không có lợi cho hệ thống tĩnh mạch đang bị suy yếu ở người bị bệnh trĩ. Bên cạnh đó, quá trình tiêu hóa các loại thịt đỏ cũng diễn ra phức tạp hơn, vì vậy người bệnh dễ bị táo bón khi ăn quá nhiều.
Một nghiên cứu năm 2015 trên tạp chí Neurogastroenterology and Motility đã báo cáo rằng lượng chất béo bão hòa cao trong chế độ ăn uống (trên 30 gam mỗi ngày) có thể kích hoạt phanh hồi tràng, làm chậm tốc độ tháo rỗng của dạ dày và làm tăng nguy cơ táo bón2. Tác động này hoàn toàn không tốt cho những bệnh nhân trĩ.
Trong khi đó, một miếng bít tết sườn có thể cung cấp tới 28g chất béo bão hòa. Vì vậy, bạn cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng nhóm thực phẩm này. Khuyến nghị từ Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kỳ cho thấy, người thường xuyên bị táo bón cần hạn chế ăn thịt đỏ, bao gồm cả các loại thịt đã qua chế biến. Bạn chỉ nên ăn 1 lần/ tuần là đủ3.
3.2 Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Tương tự như phân tích phía trên, những đồ ăn chiên rán quá nhiều dầu mỡ cần được kiểm soát và hạn chế trong khẩu phần ăn của người bị bệnh trĩ. Những món ăn này làm chậm quá trình tiêu hóa, khiến phân cứng hơn và người bệnh phải rặn nhiều hơn trong khi đại tiện. Điều này có thể khiến các búi trĩ phát triển to hơn, tăng nguy cơ giãn vỡ búi trĩ gây chảy máu.
Đồ ăn chiên rán nhiều dầu mỡ cần được hạn chế tối tối đa trong khẩu phần ăn của người bị bệnh trĩ gồm: khoai tây chiên, gà rán, bánh rán, thịt rán và các món xào nhiều dầu mỡ.
3.3 Đồ ăn cay nóng
Đồ ăn cay nóng thường được tạo ra bởi việc sử dụng các gia vị cay trong khi chế biến như: ớt, tiêu, gừng, mù tạt,…. Khi ăn quá nhiều những món ăn này, hệ tiêu hóa có thể bị kích thích dẫn đến tiêu chảy hoặc táo bón. Ngoài ra, ăn quá cay cũng gây ra những kích ứng tại hậu môn trong khi đại tiện. Điều này có thể làm tăng nguy cơ sưng, viêm búi trĩ và khiến các triệu chứng bệnh trở nên khó chịu.
Vì nguyên nhân trên, người bị bệnh trĩ được khuyên nên ưu tiên chế biến món ăn ở dạng luộc, hấp, nấu có vị trung tính, không quá mặn, ngọt hoặc cay nóng. Điều này sẽ có lợi hơn cho hệ tiêu hóa của bạn.
3.4 Đồ ăn chế biến sẵn
Hầu hết các loại thức ăn đóng hộp đều chứa hàm lượng chất béo và nitrat cao. Đây là nguyên nhân chính khiến những thực phẩm này gây nên tình trạng táo bón, khó tiêu nếu sử dụng quá nhiều4. Vì lý do này, người bị bệnh trĩ được khuyên nên tránh xa các loại thực phẩm như: thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng, các loại thịt muối, thịt khô, thịt hay cá đóng hộp,…
Nếu phải lựa chọn sử dụng thực phẩm đóng hộp, bạn nên ưu tiên các loại thịt trắng hơn thịt đỏ như: xúc xích gà, thì gà đóng hộp,…
3.5 Đồ ăn quá mặn
Việc sử dụng những món ăn quá nhiều muối có thể làm tăng lượng natri trong máu, giảm chức năng lọc máu của thận và làm tăng huyết áp. Điều này gây bất lợi cho bệnh nhân trĩ có hệ thống tĩnh mạch trực tràng hậu môn bị suy giãn.
Theo khuyến cáo của trang Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS), một người trưởng thành không nên sử dụng quá 6g muối/ ngày5. Việc sử dụng quá nhiều muối cũng làm tăng nguy cơ táo bón, ảnh hưởng đến sức khỏe của người bị bệnh trĩ.
3.6 Thực phẩm chứa chất kích thích
Thực phẩm chứa chất kích thích bao gồm: rượu, cà phê, thuốc lá,… là những loại thực phẩm có khả năng tăng áp lực lên thành ruột. Cụ thể, các loại thức uống có cồn khiến động mạch và hệ thống mạc treo bị giãn ra, làm các búi trĩ tiến triển nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, các chất độc hại trong thuốc lá có thể phá hủy thành mạch làm tăng nguy cơ chảy máu, giãn vỡ búi trĩ. Những loại đồ uống chứa cafein hay đồ uống có ga dễ gây đầy bụng, táo bón dẫn đến gia tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch trực tràng hậu môn. Vì lý do này, người bị bệnh trĩ cần hạn chế các loại thực phẩm nêu trên.
“Người bị bệnh trĩ kiêng ăn gì, nên ăn gì?” nên được tham vấn từ các chuyên gia dinh dưỡng. Việc kiêng khem quá mức hoặc không đúng cách có thể khiến người bệnh đối diện với nguy cơ thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.