Đái tháo đường là một hội chứng liên quan đến quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể, thường đi kèm nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, điển hình nhất là tê chân. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Cùng Dulcit tìm hiểu 5 cách chữa tê chân cho người tiểu đường đơn giản, hiệu quả trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
Nguyên nhân tê chân khi bị tiểu đường
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí JDI năm 2011 cho biết: hàm lượng glucose trong máu tăng cao ngoài mức kiểm soát có thể tác động xấu lên thành mao mạch. Điều này ngăn cản các chất dinh dưỡng thiết yếu đi đến dây thần kinh ở chi dưới. Kết quả là những dây thần kinh này bị tổn thương trầm trọng và dần tiêu biến mà không thể hồi phục. Đây chính là nguyên nhân khiến các tín hiệu truyền đến não bị rối loạn làm người bệnh cảm thấy tê chân khi bị tiểu đường.
Một số triệu chứng khác thường xuất hiện kèm theo, đặc biệt nghiêm trọng hơn vào ban đêm như: ngứa ran, nóng rát, đau nhức bắt đầu ở đầu ngón chân và dần dần lan lên trên, lòng bàn chân có thể rất khô hoặc ra nhiều mồ hôi. Người bệnh thường bị mất cảm giác chi dưới nên không phát hiện được các vết phồng rộp, vết thương nhỏ ở chân, không có cảm giác khi giẫm phải vật sắc nhọn hay va chạm vào các đồ vật khác. Nặng nhất là chân bị lở loét nghiêm trọng do nhiễm trùng bắt buộc bạn phải cắt cụt chi dưới.
Tổn thương thần kinh do tiểu đường còn có thể xuất hiện ở các vị trí khác trên cơ thể như: làm mất thị lực vĩnh viễn, suy tim, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa gây buồn nôn, nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, rối loạn cương dương ở nam giới và khô âm đạo ở nữ giới…
Các yếu tố rủi ro đẩy nhanh quá trình tiến triển của bệnh thần kinh ở người tiểu đường là: huyết áp cao, lượng cholesterol xấu trong máu cao, hút thuốc lá…
Tê chân còn là triệu chứng phổ biến ở người bị suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh suy giãn tĩnh mạch có mối liên hệ đến bệnh tiểu đường. Về cơ bản, tê chân ở bệnh tiểu đường là do những vấn đề về dây thần kinh. Trong khi đó, tê chân ở suy giãn tĩnh mạch là do những tổn thương ở van và thành tĩnh mạch.
Các triệu chứng xảy ra ở chi dưới của hai bệnh này tương đối giống nhau. Để phân biệt chính xác, bạn nên đến cơ sở y tế và thực hiện các xét nghiệm theo chỉ dẫn của bác sĩ như: thử đường huyết, siêu âm Doppler.
Hỏi đáp: Tê chân như bị kim châm có phải là bệnh?
Cách chữa tê chân cho người tiểu đường
Các phương pháp được đề cập dưới đây chỉ có khả năng khắc phục tạm thời triệu chứng tê chân ở người bị đái tháo đường. Nếu muốn cải thiện hoàn toàn, người bệnh phải tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm cách giải quyết được gốc rễ nguyên nhân gây ra bệnh.
1. Tập thể dục nhẹ nhàng
Tập thể dục là vấn đề tương đối khó khăn đối với người bị đau nhức, tê bì chân do tổn thương dây thần kinh. Tuy nhiên, đây là một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị toàn diện cho bệnh nhân đái tháo đường. Các bài tập có tác dụng xoa dịu những cơn đau, đẩy lùi tình trạng tê chân, giảm lượng đường và cholesterol trong máu, ngăn ngừa tăng cân, cải thiện tâm trạng và giấc ngủ.
Để đạt hiệu quả tốt và tránh chấn thương, bạn nên luyện tập ít nhất 150 phút mỗi tuần, chia nhỏ thời gian thành nhiều ngày với các động tác nhẹ nhàng như: kéo giãn chân, đi bộ, bơi lội, đạp xe… Không thực hiện các bài tập mất quá nhiều sức lực và tác động mạnh đến chân, đặc biệt là khi bị lở loét như: chạy bộ, nhảy dây, cử tạ… vì chúng có thể phản tác dụng.
Dưới đây là một số bước kéo giãn chân đơn giản đẩy lùi triệu chứng tê bì, đau nhức ở bệnh nhân đái tháo đường:
- Bước 1: Nằm trên giường, chân duỗi thẳng.
- Bước 2: Dùng khăn tắm, dây hoặc thắt lưng vòng qua lòng bàn chân, rồi kéo nhẹ để các đầu ngón chân hướng về cơ thể.
- Bước 3: Giữ nguyên tư thế, hoặc bạn có thể giữ trong 1 – 2 phút rồi thả ra và lặp lại đến khi chân đỡ tê nhức.
2. Massage chân
Massage chân mỗi ngày làm giảm căng thẳng ở các dây thần kinh, cơ bắp, đẩy lùi đau nhức, tê chân, cải thiện lưu thông máu và giúp bạn thư giãn, ngủ sâu hơn.
Dưới đây là một số bước massage đơn giản mà bạn có thể tham khảo và áp dụng:
- Bước 1: Lựa chọn tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái nhất.
- Bước 2: Xoa đều dầu nóng lên chân để tăng hiệu quả.
- Bước 3: Sử dụng 10 đầu ngón tay ấn sâu vào da từ bàn chân lên đến đùi, mỗi chân khoảng 2 – 3 phút.
- Bước 4: Hai lòng bàn tay ôm lấy chân, một tay đặt bên trên, một tay đặt bên dưới, nhẹ nhàng nắn bóp theo chiều từ bàn chân đi lên bắp chân, đầu gối và đùi. Mỗi chân nắn bóp khoảng 2 – 3 phút.
- Bước 5: Chà xát lòng bàn chân, mu bàn chân theo chiều dọc để chân nóng lên.
- Bước 6: Bấm một số huyệt đạo ở chân như: huyệt Thừa Sơn, huyệt Dương Lăng Tuyền, huyệt Ủy Trung… Nếu bạn không biết chính xác vị trí các huyệt đạo thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền để được hướng dẫn chi tiết.
3. Chườm nóng
Bạn có thể dùng túi nhiệt hoặc khăn ấm, đắp lên chân trong khoảng 5 phút. Đây là cách kích thích hoạt động của dây thần kinh, giảm tê chân và đau nhức, đồng thời cải thiện lưu thông máu.
Một số lưu ý khi thực hiện chườm nóng lên chân:
- Phương pháp này chống chỉ định khi vị trí chườm mới bị chấn thương, đang sung huyết, xuất hiện ổ viêm có mủ, lở loét…
- Không tác động nhiệt trực tiếp lên da để tránh bị bỏng, khiến vết thương trầm trọng hơn.
- Không dán miếng nhiệt trong lúc ngủ để tránh tiếp xúc quá lâu có thể gây bỏng da.
4. Ngâm chân với muối Epsom
Ngâm chân đều đặn mỗi ngày trước khi đi ngủ với muối Epsom là cách giảm viêm và làm dịu thần kinh hiệu quả, đẩy lùi các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như: tê bì, đau nhức, nóng rát… Phương pháp này cũng giúp bạn thư giãn, thoải mái và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Ngâm chân có thể thực hiện bằng các bước vô cùng đơn giản như sau:
Chuẩn bị:
- Thau chậu có kích cỡ vừa đủ để thoải mái đặt cả hai bàn chân vào, đã được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trước khi đổ nước ngâm chân.
- Nước sạch được hòa với muối Epsom, mực nước cao trên mắt cá chân khoảng 2 cm là vừa đủ.
- Khăn lót dưới chậu để tránh nước bắn ra ngoài làm ướt sàn.
- Khăn mềm để lau khô sau khi ngâm chân.
Cách tiến hành:
- Bước 1: Rửa qua chân với nước sạch.
- Bước 2: Bạn ngồi trên ghế hoặc cạnh giường với tư thế thoải mái nhất, thả lỏng toàn bộ cơ thể, đặt hai bàn chân vào chậu nước.trong khoảng 10 – 15 phút.
- Bước 3: Sau khi ngâm chân xong, bạn dùng khăn bông mềm nhẹ nhàng lau khô chân, đặc biệt là các kẽ ngón chân để tránh ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn, bụi bẩn bám vào gây viêm nhiễm.
Lưu ý:
- Dùng thau chậu riêng cho việc ngâm chân, không dùng chung thau chậu giặt quần áo vì các chất tẩy rửa, chất làm mềm vải có thể còn sót lại gây ngứa ngáy, khó chịu, kích ứng da.
- Không ngâm chân khi có vết thương hở, bị lở loét để tránh bị nhiễm trùng.
5. Dùng thuốc
Nếu các phương pháp nêu trên không mang lại hiệu quả, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc như:
- Duloxetine (Cymbalta)
- Gabapentin (Neurontin)
- Lamotrigine (Tegretol)
- Nortriptyline (Pamelor)
- Pregabalin (Lyrica)
- Vitamin B12
Bạn tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều dùng và cách dùng để hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể xảy ra.
Lưu ý khi chăm sóc đôi chân cho người tiểu đường
Khi bị đái tháo đường, đôi chân của bạn vô cùng nhạy cảm. Vì vậy, bạn lưu ý những vấn đề sau để đôi chân luôn khỏe mạnh và hạn chế tối đa các triệu chứng như đau nhức, tê bì, nóng rát:
- Kiểm tra chân mỗi ngày ở tất cả các vị trí như: cẳng chân, lòng bàn chân, mắt cá chân, kẽ ngón chân… để xem có bị vết phồng rộp, vết thương, bầm tím, lở loét, da khô, nứt nẻ… hay không.
- Rửa chân mỗi ngày bằng xà phòng dịu nhẹ.
- Dùng kem dưỡng ẩm cho da chân để đảm bảo da luôn mềm mại, khỏe đẹp.
- Cắt móng chân 1 – 2 tuần/lần ngay sau khi tắm rửa, tránh trường hợp móng chân yếu, gãy, ngả vàng, móng chân mọc ngược.
- Không đi chân trần trên vỉa hè, gạch, cát vì có thể bỏng nặng khó phát hiện ra được do chân của người bị tiểu đường đang mất cảm giác.
- Lựa chọn quần, giày dép, vớ vừa vặn với chân bạn. Nếu dùng trang phục quá chật, chân bạn phải chịu quá nhiều áp lực dễ bị phồng rộp và lở loét.
- Nữ giới hạn chế đi giày cao gót để tránh căng thẳng thần kinh, cơ xương khớp ở chân.
- Chú ý tư thế đôi chân khi đứng, ngồi để ngăn ngừa nguy cơ chèn ép dây thần kinh, dây chằng, cơ bắp và làm lệch khớp.
- Ăn các bữa ăn vào thời gian đều đặn giúp sử dụng tốt hơn insulin do cơ thể tạo ra hoặc nhận được thông qua thuốc.
- Hạn chế đồ ăn chứa quá nhiều đường, muối, dầu mỡ, nước ngọt, rượu bia, bỏ hoàn toàn thuốc lá để tránh những biến chứng nguy hiểm ở người bị đái tháo đường.
Đọc thêm bài viết: Tê chân là do thiếu chất gì, bổ sung thế nào cho đủ?