Nhức mỏi chân là hiện tượng thường xảy ra sau khi một người tập luyện hoặc làm việc với cường độ cao, trong thời gian dài. Ở trạng thái này, hầu hết mọi người đều cảm thấy mệt mỏi, uể oải và khó tiếp tục sinh hoạt, làm việc như bình thường. Vậy, có cách nào giúp hết mỏi chân nhanh chóng hay không? Bài viết hôm nay sẽ giới thiệu đến bạn đọc 7 phương pháp đơn giản và hiệu quả.
Đọc trước: Hay bị mỏi chân là bệnh gì?
Mục lục
1. Nghỉ ngơi
Nhức mỏi chân là tình trạng rối loạn ở các cơ bắp hoặc mô mềm xung quanh dây chằng và gân. Hiện tượng này thường xảy ra khi hệ thống mạch máu bị chèn ép dẫn đến giảm tuần hoàn máu cung cấp oxy và dưỡng chất đến cơ bắp, gây ra các tổn thương vi mô khiến bạn gặp phải triệu chứng nhức mỏi chân.
Như vậy, bạn cần áp dụng biện pháp nhằm khôi phục tuần hoàn máu từ đó tăng khả năng sửa chữa các tổn thương vi mô, khắc phục trạng thái bình thường của cơ bắp. Nghỉ ngơi là cách hiệu quả và đơn giản để khắc phục tình trạng này.
Khi bạn nghỉ ngơi, các cơ bắp sẽ dần giãn ra, giảm tình trạng căng cứng và co thắt. Trạng thái này tạo điều kiện thuận lợi cho máu lưu thông đến các mô, cung cấp oxy và dưỡng chất để sửa chữa tổn thương, qua đó giảm tình trạng nhức mỏi chân. Có rất nhiều cách để nghỉ ngơi, đơn giản nhất là ngồi hoặc nằm thả lỏng trong tư thế thoải mái nhất, hoặc bạn có thể ngâm mình trong bồn nước, thả lỏng cơ thể trên ghế massage,… đều cho hiệu quả tốt.
2. Massage chân
Nếu như nghỉ ngơi là cách giúp chữa lành cơ thể một cách từ từ thì phương pháp massage sẽ giúp bạn cải thiện triệu chứng nhức mỏi chân nhanh chóng hơn. Các thao tác xoa bóp, kích thích trên chân giúp thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm căng thẳng cho hệ thống cơ – xương – khớp ở chân.
Nếu có thể, bạn nên đến các cơ sở trị liệu chuyên nghiệp để có hiệu quả tốt nhất. Nếu không, bạn cũng có thể tự mình massage chân tại nhà theo hướng dẫn dưới đây:
- Xoa hai lòng bàn tay vào nhau đến khi ấm lên thì tiến hành xoa bóp nhẹ nhàng từ đùi xuống bàn chân.
- Tại những vùng có cảm giác nhức mỏi nhiều, bạn có day, ấn hoặc chà xát để tăng kích thích lực ở đây.
- Thực hiện đều đặn và liên tục trong khoảng 15 – 20 phút.
- Trước khi massage, bạn có thể ngâm chân nước ấm hoặc thoa một lớp tinh dầu thảo dược để có hiệu quả tốt hơn.
Tham khảo thêm: Cách bấm huyệt giảm mỏi chân
3. Tập giãn cơ chân
Các bài tập giãn cơ giúp giải phóng những vị trí mạch máu bị chèn ép, thúc đẩy tuần hoàn máu lưu thông đồng thời giảm căng thẳng cho các khớp xương ở chân hiệu quả. Vì lý do này, bạn có thể cảm thấy triệu chứng nhức mỏi chân được cải thiện ngay sau khi tập luyện.
Dưới đây là một số bài tập đơn giản:
Tập căng chân
- Bạn có thể ngồi hoặc nằm trên thảm tập hay trên giường, thả lỏng cơ thể, hít thở nhịp nhàng.
- Từ từ nâng cao chân trái, dựa gót chân vào tường, đầu gối ở tư thế chùng tự nhiên.
- Nhẹ nhàng duỗi thẳng chân trái hết cỡ, đến khi bạn cảm nhận cơ phía sau đùi căng lên.
- Duy trì tư thế trong khoảng 30 giây rồi nhẹ nhàng hạ chân xuống, trở về tư thế ban đầu.
- Thực hiện tương tự với chân còn lại.
Bài tập căng cơ tứ đầu
- Bài tập này bắt đầu với tư thế đứng, bạn điều chỉnh để hai chân đứng thẳng, bàn chân mở rộng bằng vai, cơ thể thả lỏng tự nhiên.
- Từ từ nâng cao một chân về phía sau lưng, dùng tay cùng bên giữ vào mắt cá chân, nhẹ nhàng kéo chân lên cao hơn cho đến khi cảm thấy căng ở mặt đùi trước.
- Trong lúc này, tay còn lại dang ngang để giữ cơ thể thăng bằng. Duy trì tư thế trong khoảng 10 – 30 giây rồi buông chân, trở về tư thế ban đầu.
- Thực hiện động tác tương tự với bên chân và tay còn lại.
Bài tập căng gấp cơ hông
- Bài tập này bắt đầu với tư thế đứng, chân trái bước lên phía trước, nâng tay trái lên cao về phía trước.
- Từ từ chùng gối trái, hạ thấp người đến khi có cảm giác căng ở mặt sau của đùi.
- Nhẹ nhàng đẩy hông về phía trước và hạ đầu gối phải thấp xuống sàn để đùi có độ căng tối đa.
- Duy trì tư thế trong khoảng 10 – 30 giây thì trở về tư thế ban đầu.
- Thực hiện động tác tương tự với bên chân và tay còn lại.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp chữa tê chân bằng châm cứu
4. Lăn bóng
Sử dụng một quả bóng lăn dưới chân có thể tăng kích thích đến cơ bắp, thúc đẩy tuần hoàn máu lưu thông tốt hơn, qua đó cải thiện triệu chứng nhức mỏi chân hiệu quả. Bài tập này được thực hiện đơn giản như sau:
- Bạn ngồi trên sàn, chân phải duỗi thẳng, chân trái gập lại để bàn chân chạm trên sàn, hai tay chống trên sàn để nâng đỡ cơ thể hơi ngả về phía sau.
- Dùng một quả bóng tennis hoặc quả bóng có kích thước và độ cứng tương tự đặt ở dưới bắp chân phải.
- Từ từ dùng lực ở tay để nâng mông lên khỏi sàn kết hợp lăn bóng lên xuống theo chiều dài của bắp chân.
- Giữ bóng lâu hơn ở những điểm hẹp như khoeo chân.
- Thực hiện động tác liên tục trong vòng 60 giây rồi đổi sang bên chân còn lại.
5. Ngâm chân thảo dược
Ngâm chân trong nước ấm thảo dược là cách hết mỏi chân nhanh và hiệu quả. Nhiệt độ ấm của nước có tác dụng làm giãn mạch, tăng cường tuần hoàn máu lưu thông. Bên cạnh đó, các tinh chất thảo dược giúp tăng thư giãn cơ khớp, giảm sưng viêm giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi thực hiện.
Một số cách ngâm chân thảo dược đơn giản như sau:
- Cách 1: Bạn ngâm một vài túi trà bạc hà trong nước sôi khoảng 4 – 5 phút. Đợi nước nguội bớt thì ngâm chân trong khoảng 15 phút sẽ thấy chân giảm đau mỏi nhanh chóng.
- Cách 2: Bạn cắt khoảng 4- 5 lát gừng tươi đun cùng nước đến khi sôi thì thêm vài hạt muối, sau đó đổ nước ra chậu. Đợi nước nguội bớt thì ngâm chân trong khoảng 15 – 20 phút.
- Cách 3: Lấy một nắm cả thân và lá cây lá lốt, rửa sạch, cắt khúc nhỏ rồi đun sôi với khoảng 2 lít nước. Khi nước sôi thì đổ ra chậu, đợi nguội bớt rồi dùng ngâm chân trong khoảng 15 – 20 phút.
6. Ngâm chân nước muối Epsom
Muối Epsom thực chất là hợp chất được kết hợp từ khoáng chất tự nhiên với thành phần là magie và sulfat. Khi ở trong nước, muối Epsom bị thủy phân thành gốc magie và sulfat, có khả năng thẩm thấu qua da giúp hỗ trợ chức năng cơ bắp, thần kinh và mạch máu. Vì lý do này, ngâm muối Epsom giúp cải thiện triệu chứng nhức mỏi chân hiệu quả.
Cách sử dụng muối Epsom ngâm chân rất đơn giản, bạn chỉ cần:
- Trộn một thìa muối Epsom và Baking Soda vào nước ấm, khuấy đều cho muối tan.
- Ngâm chân trong khoảng 15 phút rồi dùng khăn bông lau khô chân.
- Nghỉ ngơi khoảng 10 – 15 phút trước khi hoạt động bình thường.
Lưu ý: Ngâm nước muối ấm Epsom không phù hợp với những người có triệu chứng viêm, vết thương hở ở chân hay mắc các bệnh lý liên quan đến mạch máu. Trường hợp này, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
7. Dùng thuốc giảm đau
Bạn có thể sử dụng thuốc giảm đau nếu các triệu chứng đau mỏi nghiêm trọng khiến bạn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi hoặc gặp khó khăn khi di chuyển. Một số loại thuốc thường được sử dụng gồm:
- Thuốc giảm đau paracetamol (acetaminophen): Giúp giảm đau mỏi chân ở mức độ nhẹ đến vừa. Thông thường, thuốc phát huy tác dụng sau khoảng 30 phút sử dụng và duy trì trong khoảng 4 – 6 tiếng.
- Thuốc giảm đau chống viêm NSAIDs: Giúp giảm đau mỏi chân và điều trị các triệu chứng viêm ở mức độ nhẹ đến vừa. Được dùng phổ biến như: ibuprofen, naproxen, aspirin, dexamethasone, betamethasone,
- Thuốc giảm đau Opioids: Giúp giảm đau trong các trường hợp nghiêm trọng, không đáp ứng với thuốc điều trị khác. Một vài hoạt chất thường gặp như: morphine, fentanyl, codein,…
- Thuốc giãn cơ: Giúp giảm đau mỏi chân do cơ chân bị co thắt, co cứng. Các thuốc được sử dụng phổ biến như: baclofen, cyclobenzaprine, myonal…
Lưu ý: Những thuốc trên có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nếu sử dụng sai cách. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng thuốc sau khi đã thăm khám và có chỉ định từ bác sĩ. Bên cạnh đó, trong thời gian dùng thuốc cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn được bác sĩ đưa ra. Nếu có phản ứng bất thường, cần ngưng sử dụng và thông báo ngay cho bác sĩ.
Trên thực tế, có không ít phương pháp được giới thiệu là cách hết mỏi chân nhất đem lại hiệu quả thật sự. Tuy nhiên, đa số những cách này đều là biện pháp tạm thời, không giải quyết được triệt để tình trạng này. Vì vậy, nếu thường xuyên cảm thấy đau mỏi chân kèm theo các triệu chứng bất thường khác, bạn cần thăm khám sớm và điều trị theo phác đồ chuyên biệt của bác sĩ. Chúc bạn luôn khỏe!