Vớ giãn tĩnh mạch là một trong những biện pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng loại vớ này đúng cách. Để hiểu rõ hơn về cách mang vớ giãn tĩnh mạch sao cho đúng và đem lại hiệu quả tốt nhất cho tình trạng suy giãn tĩnh mạch, hãy cùng theo dõi trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Khi nào cần mang vớ giãn tĩnh mạch?
Vớ giãn tĩnh mạch (vớ y khoa) là một loại vớ có cấu tạo đặc biệt chuyên được sử dụng trong y tế. Vớ được làm từ chất liệu có tính đàn hồi mạnh, ép nhẹ vào chân và tạo ra áp lực giảm dần, cao nhất ở bàn chân và giảm dần khi đi lên. Điều này giúp hỗ trợ đưa máu về tim, giảm lượng máu chảy ngược xuống bàn chân, từ đó cải thiện tuần hoàn ở chân, giảm áp lực cho đôi chân, giảm sưng phù đồng thời ngăn ngừa hình thành cục máu đông.
Vì vậy, vớ giãn tĩnh mạch nên được sử dụng trong những trường hợp sau:
- Người đang hoặc có nguy cơ mắc các vấn đề về tuần hoàn, như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT), giãn tĩnh mạch hoặc đái tháo đường.
- Người vừa mới phẫu thuật.
- Người không thể rời khỏi giường hoặc khó cử động chân.
- Người phải đứng cả ngày tại nơi làm việc.
- Vận động viên.
- Phụ nữ mang thai.
- Người dành thời gian dài trên máy bay, ví dụ như phi công.
Với người cần mang vớ giãn tĩnh mạch, thời điểm mang vớ phù hợp nhất trong ngày là vào buổi sáng đầu ngày. Khi đó, chân bạn thường ít bị sưng hơn, nhờ đó việc mang vớ sẽ dễ dàng hơn.
Thời gian mang vớ tĩnh mạch sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh của bạn:
→ Đối với những người có các triệu chứng nhẹ, như giãn tĩnh mạch hoặc phù nề, bạn nên mang vớ trong các hoạt động gây căng thẳng cho chân như đứng hoặc đi bộ trong thời gian dài.
→ Đối với những người có các triệu chứng nghiêm trọng hơn, như suy tĩnh mạch hoặc loét tĩnh mạch, bạn nên mang vớ cả ngày mỗi ngày, trừ buổi tối.
→ Bạn cũng có thể mang vớ giãn tĩnh mạch trước các chuyến bay dài hoặc các chuyến đi xa bằng ô tô mà bạn sẽ ít vận động trong một thời gian dài.
2. Hướng dẫn cách mang vớ giãn tĩnh mạch
Mang vớ giãn tĩnh mạch đúng cách đóng vai trò quyết định đến hiệu quả mà vớ đem lại trong việc phòng ngừa và cải thiện tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Dưới đây là cách mang vớ giãn tĩnh mạch đơn giản, dễ thực hiện bạn có thể tham khảo.
2.1. Chuẩn bị mang vớ giãn tĩnh mạch
Trước khi mang vớ giãn tĩnh mạch, bạn cần đảm bảo chân của mình hoàn toàn khô ráo. Chân bị ẩm có thể khiến bạn khó kéo tất hơn. Bạn có thể dùng một ít phấn em bé hoặc bột bắp thoa lên chân sau khi thấm khô chân, những thứ này có thể hút hơi ẩm dư thừa và giúp vớ trượt lên dễ dàng hơn.
Nếu bạn gặp khó khăn trong việc mang vớ, bạn có thể thoa kem dưỡng da lên chân để mang vớ dễ hơn. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng làn da đã hấp thu hết dưỡng chất từ kem và khô ráo trước khi mang vớ.
2.2. Mang vớ giãn tĩnh mạch
- Ngồi trên sàn, trên ghế hoặc cạnh giường để đảm bảo bạn có đủ không gian có thể cúi xuống và mang vớ một cách thoải mái.
- Giữ phần trên của vớ bằng một tay. Sau đó, luồn cánh tay còn lại vào trong vớ cho đến khi chạm đến phần cuối và có thể nắm lấy phần cuối của vớ.
- Dùng ngón trỏ và ngón cái giữ phần gót vớ, nhẹ nhàng lộn ngược vớ lại.
- Sửa ngay ngắn phần gót.
- Đặt ngón chân vào trong vớ: Luồn các ngón chân của bạn vào phần cuối của vớ và căn chỉnh chiếc tất sao cho mũi vớ thẳng và đều nhau.
- Khi ngón chân của bạn giữ cố định phần dưới của chiếc vớ, hãy kéo phần dưới của vớ qua gót chân để toàn bộ bàn chân của bạn nằm trong vớ.
- Dùng các đầu ngón tay hoặc lòng bàn tay để từ từ cuộn và kéo vớ lên hết chân. Tránh không nắm và kéo phần trên của vớ hoặc kéo căng vớ một cách thô bạo trong khi bạn kéo nó lên bắp chân vì điều này có thể làm rách vớ. Nếu có bất kỳ nếp nhăn nào trên vớ, hãy dùng hai tay vuốt và làm phẳng chúng.
- Lặp lại thao tác với chân còn lại nếu bạn được bác sĩ yêu cầu dùng vớ giãn tĩnh mạch cho cả hai chân.
Nếu bạn bị viêm khớp hoặc các vấn đề về vận động khác khiến việc nắm chặt vớ để kéo lên gặp khó khăn, bạn nên sử dụng dụng cụ hỗ trợ mang vớ giãn tĩnh mạch có bán tại nhà thuốc và cửa hàng dụng cụ y tế. Chúng sẽ hỗ trợ bạn mang vớ giãn tĩnh mạch dễ dàng và chính xác hơn.
2.3. Tháo vớ giãn tĩnh mạch
Để tháo vớ giãn tĩnh mạch, bạn chỉ cần tháo vớ nhẹ nhàng từ trên xuống bằng hai tay để mặt trong của vớ lộ ra ngoài. Sau đó, kéo vớ ra khỏi chân.
3. Một số vấn đề thường gặp khi sử dụng và cách xử lý
Khi sử dụng vớ giãn tĩnh mạch, có một số vấn đề thường gặp và cách xử lý như sau:
Khó chịu hoặc đau nhẹ:
Đảm bảo rằng vớ không quá chật hoặc quá lỏng. Điều chỉnh vớ để phù hợp với cơ thể, không gây áp lực quá mức lên bất kỳ phần nào của chân.
Đối với vớ đầu gối, kiểm tra để phần đầu gối của vớ khớp chính xác với vị trí đầu gối, tránh việc vớ bị lệch gây khó chịu.
Kích ứng da:
Sử dụng kem dưỡng ẩm hoặc các sản phẩm chăm sóc da khác theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm thiểu kích ứng.
Nếu kích ứng tiếp tục xảy ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có thể được chỉ định loại vớ phù hợp hơn hoặc điều trị kích ứng cụ thể.
Vớ dễ bị tụt:
Kiểm tra kích cỡ vớ trước khi mua và chọn loại vớ có kích thước phù hợp với chân bạn.
Nếu vớ vẫn bị tụt, hãy tìm các loại vớ có dải silicon hoặc các cấu trúc bám dính khác để giữ chúng cố định trên chân.
Khó khăn khi mang vớ:
Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ đặc biệt như thiết bị kéo vớ để giúp việc mang vớ trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là với những người có vấn đề về khớp hoặc sức mạnh cơ bắp.
Vớ bị giãn quá:
Vớ có độ bền nhất định. Đặc biệt trong trường hợp bạn không thực hiện đúng các hướng dẫn về giặt tẩy vớ thì độ bền về giãn lỏng sẽ bị ảnh hưởng.
Nếu vớ đã cũ và mất độ đàn hồi, bạn nên cân nhắc việc thay thế chúng bằng một đôi mới để đảm bảo hiệu quả điều trị.
Trong trường hợp vớ mới mà đã bị giãn, hãy liên hệ với nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất để kiểm tra chất lượng sản phẩm và xem xét khả năng đổi trả.
4. Lưu ý khi mang vớ giãn tĩnh mạch
Để vớ giãn tĩnh mạch phát huy tốt công dụng cũng như tránh các biến chứng không mong muốn khi mang vớ, trong quá trình mang vớ giãn tĩnh mạch, bạn cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:
Không nên mang vớ vào ban đêm:
Mang vớ giãn tĩnh mạch quá lâu có thể gây tác dụng phụ khó chịu như tổn thương, kích ứng da. Do đó, bạn cần nhớ tháo trước khi đi ngủ để có giấc ngủ ngon cũng như có thời gian cho chân và làn da được nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, một số loại vớ y khoa cụ thể sẽ thích hợp để mang qua đêm, phụ thuộc vào mục đích sử dụng của vớ và chỉ định mà bạn nhận được từ bác sĩ.
Đảm bảo mang vớ đều đặn:
Bạn cần mang vớ càng sớm càng tốt vào buổi sáng và mang đều đặn hàng ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nếu bạn quên mang vớ, chân của bạn có thể sưng lại, gây khó khăn cho việc đi lại và hiệu quả cải thiện được tình trạng giãn tĩnh mạch sẽ giảm đi đáng kể.
Giặt vớ thường xuyên:
Bạn nên giặt vớ giãn tĩnh mạch hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, sau đó xả sạch và phơi khô trong bóng râm, khô thoáng để ngăn ngừa vi khuẩn tích tụ.
Xem chi tiết: Cách giặt vớ y khoa
Chuẩn bị nhiều hơn một đôi vớ:
Nếu có thể, hãy chuẩn bị cho mình nhiều hơn một đôi vớ giãn tĩnh mạch để đề phòng bị rách, bẩn hoặc chờ vớ khô.
Kiểm tra chân hàng ngày:
Khi mang vớ giãn tĩnh mạch, bạn cần phải kiểm tra vùng chân hàng ngày và quan sát những dấu hiệu bất thường có thể xảy ra.
Nếu làn da bị kích ứng, mẩn ngứa, nứt, lạnh, tái, tím, bị tê hoặc có cảm giác như kim châm kéo dài khi mang vớ, bạn cần đến gặp bác sĩ để có hướng xử trí phù hợp nhất, tránh để tình trạng này kéo dài có thể gây ra những biến chứng không tốt cho chân và làm nặng thêm bệnh.
Hỏi đáp: Mang vớ giãn tĩnh mạch bị ngứa phải làm sao?
1. Vớ y khoa - lợi ích và tác dụng phụ
https://www.webmd.com/dvt/choose-compression-stockings
2. Hướng dẫn sử dụng vớ nén
https://www.svhm.org.au/ArticleDocuments/3201/Instructions%20for%20Compression%20Stockings%20Post%20Varicose%20Vein%20Surgery.pdf.aspx?embed=y