Chịu trách nhiệm nâng đỡ cả cơ thể, không khó hiểu khi ai đó bị đau nhức, tê mỏi chân sau một ngày vận động. Trong hầu hết trường hợp, tình trạng này sẽ tự cải thiện sau khi cơ thể được nghỉ ngơi. Thế nhưng, có một cách giúp làm chân hết nhức mỏi nhanh chóng lại tốt cho sức khỏe mà bạn có thể thực hiện ngay tại nhà, đó là massage chân.
Mục lục
1. Lợi ích sức khỏe khi massage chân
Massage chân (hay Foot massage) được gọi là “phản xạ liệu pháp” được cả nền Y học cổ truyền và Y học hiện đại khắp thế giới công nhận bởi những lợi ích mà nó mang lại cho sức khỏe.
1.1 Lợi ích của massage chân theo Đông y
Theo quan điểm của Đông y, đôi chân tượng trưng cho “bộ não thứ 2”, có thể phản ánh tình trạng sức khỏe của các cơ quan, phủ tạng trong cơ thể. Trong đó, mỗi bàn chân tương ứng với cơ quan, phủ tạng ở nửa người tương ứng. Việc tác động massage lên bàn chân và các huyệt vị có thể làm kích thích, chữa bệnh, phòng bệnh hoặc gây suy yếu những phủ tạng này.
Massage chân đúng cách có thể thúc đẩy tuần hoàn máu cục bộ lưu thông, giúp thông kinh hoạt lạc, tăng cường độ linh hoạt của các khớp xương và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Tùy vào từng vị trí massage trên đôi chân mà bạn có thể nhận được những lợi ích khác nhau, cụ thể:
- Massage ngón chân cái: Đây là đường thông của kinh Can và kinh Tỳ, vậy nên massage ở vị trí này có tác dụng sơ can kiện tỳ, kích thích cảm giác ngon miệng và hỗ trợ điều trị các bệnh về gan mật.
- Massage ngón thứ hai: Là vị trí của kinh Vị, bởi vậy massage ngón này giúp chữa chứng đầy chướng bụng, ợ hơi, ợ chua, trào ngược và đau tức thượng vị.
- Massage ngón áp út (ngón thứ tư): Là vị trí tương ứng của kinh Đởm và kinh Can, vì vậy khi massage vị trí này sẽ giúp cải thiện và phòng ngừa chứng táo bón, tiểu bí và đau sườn, lưng vai nhức mỏi.
- Massage ngón út: Đây là vị trí của kinh Bàng quang, do đó massage vị trí này có thể khắc phục chứng đái dầm ở trẻ và tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
- Massage lòng và gan bàn chân: Chủ về kinh Thận, giúp điều trị các bệnh liên quan đến thận hư nhược như: đau lưng mỏi gối, ù tai, xuất tinh sớm, di tinh,…
1.2 Lợi ích của massage chân theo Y học hiện đại
Giải phẫu học đã chỉ ra rằng mỗi bàn chân có khoảng 7.200 đầu dây thần kinh. Đây cũng là điểm tận cùng của hệ thống thần kinh và là điểm thấp nhất của hệ thống mạch máu. Trọng lượng cơ thể kết hợp cùng lực chèn ép trong sinh hoạt và lao động khiến màu dễ bị tắc nghẽn và ứ đọng ở vị trí này.
Bên cạnh đó, cường độ hoạt động lớn cũng khiến các khớp xương, hệ cơ và thần kinh bị căng thẳng. Đây là những nguyên nhân phổ biến khiến chân bị nhức mỏi. Trong khi đó, phương pháp massage chân được cho là có khả năng giải phóng sự “tắc nghẽn” đem lại hàng loạt lợi ích cụ thể như:
- Tăng cường tuần hoàn máu: Xoa bóp làm nhiệt độ dưới da tăng lên kết hợp với lực ấn, đẩy giúp tăng tốc độ và lưu lượng máu tuần hoàn đến chân, qua đó tăng nuôi dưỡng và phục hồi các cơ, mô, khớp bị tổn thương.
- Kích thích thần kinh: Hệ thần kinh trở nên hưng phấn trong quá trình massage, qua đó kích thích hoạt động của hệ nội tiết, hệ lympho tăng tiết hormone endorphin giúp giảm đau, loại bỏ gốc tự do và tăng miễn dịch.
- Làm giãn cơ, khớp: Hoạt động massage giúp làm giãn cơ, khớp từ đó khắc phục tình trạng đau cơ, cứng khớp hiệu quả.
- Kích thích bài tiết: Khi xoa bóp, lớp sừng và tế bào chết bị bong ra tạo điều kiện cho tuyến nội tiết dưới da hoạt động tốt hơn, tăng khả năng đào thải chất cặn bã ra khỏi cơ thể.
- Giải tỏa tâm lý: Massage chân đem lại cảm giác dễ chịu, giảm triệu chứng đau nhức từ đó giúp giải tỏa những cảm xúc tiêu cực.
Dù trên góc nhìn nào, massage chân là liệu pháp đơn giản nhưng lại mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cần thực hiện đúng cách để tránh tác động vào những vị trí huyệt đạo trọng yếu gây nguy hiểm cho cơ thể.
2. Cách massage chân đỡ mỏi hiệu quả tại nhà
Mục đích massage chân khi bị đau mỏi là thúc đẩy tuần hoàn máu qua chân nhiều hơn nhằm tăng cường lượng oxy và dinh dưỡng đến nuôi dưỡng, phục hồi tế bào bị tổn thương. Bên cạnh đó, tạo ra lực tác động vật lý vừa phải, tạo cảm giác dễ chịu, giải phóng hệ thần kinh, cơ bắp và các khớp đang bị căng thẳng.
Dưới đây là các bước massage chân đúng cách tại nhà:
2.1 Ngâm chân
Trước khi massage, bạn nên ngâm chân với nước ấm, tinh dầu hoặc thảo dược (khoảng 38 độ C) trong khoảng 10 – 15 phút. Nhiệt độ ấm giúp làm giãn nở mạch máu, hỗ trợ tuần hoàn máu lưu thông tốt hơn khi massage. Bên cạnh đó, các loại thảo dược và tinh dầu tạo cảm giác thư giãn, tăng cường hiệu quả giảm nhức mỏi chân.
Xem chi tiết: Lợi ích khi ngâm chân với nước ấm
2.2 Tiến hành massage
Để đạt được hiệu quả tốt nhất, các thao tác massage phải được thực hiện đúng tuần tự và đủ thời gian. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể:
- Thao tác 1: Người bệnh nằm thẳng trên giường, thả lỏng cơ thể, hít thở nhẹ nhàng. Dùng khăn bọc lấy chân khi chưa massage để giữ ấm.
- Thao tác 2: Đổ tinh dầu hoặc dầu massage ra lòng bàn tay, xoa đều đến khi lòng bàn tay ấm lên thì tiến hành massage.
- Thao tác 3: Dùng tay giữ lấy bàn chân, sau đó sử dụng ngón tay cái di chuyển nhẹ nhàng trên các đầu ngón chân rồi trượt về phía gót chân, lên đến mắt cá chân và quay trở về đầu ngón chân. Thực hiện 3 – 5 vòng.
- Thao tác 4: Nhẹ nhàng nắm bàn chân duỗi thẳng, sau đó kéo lên xuống liên tục 3 – 5 lần. Dùng ngón trỏ và ngón cái xoa tròn dưới gốc ngón chân từ 1 – 5 lần. Động tác này giúp chân được thư giãn hoàn toàn.
- Thao tác 5: Một tay nắm lấy gót chân, tay còn lại nắm lấy bàn chân rồi xoay tròn 3 – 5 vòng. Lặp lại động tác cho đến khi khớp bàn chân linh hoạt và dễ chịu hơn. Đây là động tác rất tốt cho người bị viêm khớp.
- Thao tác 6: Hạ chân xuống giường, vẫn giữ chân trong lòng bàn tay và tiến hành bóp nhẹ từ gót chân đến các ngón chân. Lặp lại động tác này khoảng 3 – 5 lần.
- Thao tác 7: Nắm một tay phía sau mắt cá chân sau đó di chuyển các ngón tay trên bàn tay còn lại trượt qua các khe ngón chân từ trước ra sau. Lúc này, có thể dùng ngón cái vuốt tròn quanh xương mắt cá. Lặp lại 3 – 5 lần.
- Thao tác 8: Dùng ngón tay cái chuyển động vòng tròn liên tục, theo hướng lên xuống và sang hai bên ở vùng lòng bàn chân. Tiếp đó, giữ chân cố định rồi dùng lực lòng bàn tay trượt dọc theo bàn chân, tăng lực ở phần gót chân.
- Thao tác 9: Dùng tay ôm lấy bàn chân, vuốt nhẹ nhàng từ cổ chân đến đầu ngón chân khoảng 3 – 5 lần rồi kết thúc.
2.3 Nghỉ ngơi
Sau khi massage chân, bạn không nên ngay lập tức đứng lên di chuyển. Thay vào đó, hãy nằm tại chỗ thư giãn khoảng 15 – 20 phút để tận dụng triệt để hiệu quả của các động tác massage. Sau khi chân hết nhức mỏi, các cảm giác trên chân đã trở lại bình thường, bạn có thể di chuyển và hoạt động như bình thường.
Tham khảo thêm: Cách bấm huyệt giảm nhức mỏi chân hiệu quả
3. Một số lưu ý khi massage chân
Massage chân là phương pháp mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng có thể tiềm ẩn rủi ro nếu thực hiện sai cách hoặc cho đối tượng không phù hợp. Dưới đây là một số lưu ý khi massage chân:
- Tránh massage chân vào các thời điểm như: sau khi ăn no, khi mới tắm xong hoặc khi đói vì có thể ảnh hưởng đến tiêu hóa hoặc huyết áp.
- Sau khi massage 30 phút, bạn nên uống 200 – 500ml nước ấm để tăng đào thải cặn bã trong cơ thể và duy trì tuần hoàn máu.
- Trước khi massage phải rửa tay bằng nước ấm, tránh rửa tay nước lạnh.
- Nếu massage từng chân một, cần chú ý dùng khăn ủ ấm cho chân chưa được massage.
- Phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt nên tránh massage chân, nếu massage phải tránh tác động vào vùng phản xạ chân.
- Nếu chưa có nắm rõ kỹ thuật massage, bạn nên sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như con lăn, gậy, búa massage,… để tránh làm tổn thương cho bàn tay.
- Dùng lực vừa phải khi massage, nếu cảm thấy đau chân thì cần phải giảm lực.
- Thời gian massage mỗi vị trí nên khoảng 3 – 5 phút, tổng thời gian massage chân nên trong phạm vi 30 phút là tốt nhất.
- Không massage chân nếu đang mắc các bệnh sau: tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim, bệnh thận, nhồi máu cơ tim, xuất huyết dạ dày, xuất huyết não hoặc có các vết thương hở trên chân.
Bên cạnh việc thực hiện các động tác massage chân bằng tay, bạn có thể sử dụng sản phẩm máy massage chân cho người giãn tĩnh mạch. Loại máy này khá tiện lợi, kích thích sự lưu thông máu và giảm đau nhức hiệu quả. Có rất nhiều máy massage chân phù hợp với người bị giãn tĩnh mạch, bạn nên lựa chọn sản phẩm có uy tín, đảm bảo chất lượng và phù hợp với nhu cầu của bản thân. Một trong những sản phẩm máy massage chân được thiết kế rất tiện lợi cho người dùng, phù hợp với rất nhiều vị trí đau nhức trên cơ thể cùng thương hiệu nổi tiếng trên thị trường đó là máy massage xung điện trị liệu Omron. Sản phẩm giúp kích thích thần kinh điện dưới da cùng khả năng giảm đau nhức mỏi tại các khu vực rất hiệu quả.
Tham khảo thêm: 7 dòng máy massage chân chất lượng cho người bị giãn tĩnh mạch
Áp dụng các cách massage chân đỡ mỏi là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện và hiệu quả cao. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, bạn cần nắm được cách thức massage và hiểu rõ thể trạng của mình để có những điều chỉnh hợp lý.