Đôi chân khỏe đẹp giúp bạn thoải mái, tự tin hơn trong các hoạt động hàng ngày. Vậy chăm sóc đôi chân như thế nào là đúng cách? Cùng Dulcit tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Tại sao phải chăm sóc đôi chân?
Đôi chân là nơi tập trung nhiều dây thần kinh, mạch máu, cơ bắp, xương, dây chằng và các huyệt đạo. Đây là “phương tiện di chuyển chính” của chúng ta nên thường chịu áp lực cao liên tục do phải nâng đỡ toàn bộ cơ thể.
Nếu không chăm sóc cẩn thận, đôi chân dễ bị tổn thương, dẫn đến nhiều bệnh lý như: nhiễm nấm, nhiễm khuẩn, suy giãn tĩnh mạch chi dưới, gout, thoái hóa xương khớp… Các triệu chứng phổ biến của hầu hết các bệnh đều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống như: đau nhức dai dẳng, tê bì, chuột rút, sưng tấy… Chăm sóc đôi chân khỏe đẹp giúp chúng ta thoải mái khi hoạt động và nâng cao sự tự tin.
Những cách chăm sóc đôi chân luôn khỏe đẹp
1. Giữ chân luôn sạch sẽ
Đôi chân hoạt động liên tục trong thời gian dài nên thường đổ nhiều mồ hôi, tích tụ bụi bẩn, vi khuẩn. Nếu không giữ chân luôn sạch sẽ, tình trạng viêm nhiễm có thể xảy ra gây ngứa ngáy, khó chịu và mất nhiều thời gian để điều trị. Vì vậy, bạn đừng quên:
- Rửa chân mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, không dùng nước quá nóng có thể làm khô hoặc bỏng da.
- Rửa kỹ các kẽ ngón chân và khóe móng chân vì đây là vị trí tích tụ nhiều bụi bẩn, vi khuẩn thường bị bỏ quên.
- Sau khi rửa sạch chân, bạn lau chân bằng khăn bông mềm và đảm bảo chân khô hoàn toàn trước khi hoạt động hoặc đi giày dép.
- Cắt móng chân thường xuyên, khoảng 1 – 2 tuần/ lần ngay sau khi tắm rửa, tránh trường hợp móng chân yếu, gãy, ngả vàng, móng chân mọc ngược.
2. Luyện tập thể thao
Luyện tập thể thao thường xuyên khoảng 150 phút/ tuần giúp cải thiện lưu thông máu, tăng tiết dịch tại các khớp xương. Đây cũng là cách củng cố sức bền và chất lượng của xương, dây chằng, cơ bắp. Bạn có thể tham gia nhiều hoạt động khác nhau như: đi bộ nhanh, chạy bộ, đạp xe, tập gym, yoga…
3. Massage chân
Massage chân có khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm co cứng cơ, mang lại cảm giác thoải mái, thư giãn. Dưới đây là một số bước massage chân đơn giản mà bạn có thể tham khảo và áp dụng:
- Bước 1: Lựa chọn tư thế ngồi hoặc nằm thoải mái nhất.
- Bước 2: Xoa đều dầu nóng lên chân để tăng hiệu quả.
- Bước 3: Sử dụng 10 đầu ngón tay ấn sâu vào da từ bàn chân lên đến đùi, mỗi chân khoảng 2 – 3 phút.
- Bước 4: Hai lòng bàn tay ôm lấy chân, một tay đặt bên trên, một tay đặt bên dưới, nhẹ nhàng nắn bóp theo chiều từ bàn chân đi lên bắp chân, đầu gối và đùi. Mỗi chân nắn bóp khoảng 2 – 3 phút.
- Bước 5: Chà xát lòng bàn chân, mu bàn chân theo chiều dọc để chân nóng lên.
- Bước 6: Bấm một số huyệt đạo ở chân như: huyệt Thừa Sơn, huyệt Dương Lăng Tuyền, huyệt Ủy Trung… Nếu bạn không biết chính xác vị trí các huyệt đạo thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ y học cổ truyền để được hướng dẫn chi tiết.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn cách xoa bóp chân cho người bị giãn tĩnh mạch
4. Ngâm chân
Ngâm chân cải thiện quá trình lưu thông máu, hạn chế tụ máu, cải thiện các triệu chứng sưng, nóng, đỏ, đau khi bị chấn thương. Đây còn là phương pháp đơn giản giúp loại bỏ các tế bào da chết, giảm và ngăn ngừa bệnh nấm da chân, nấm móng chân.
Dưới đây là các bước ngâm chân dễ thực hiện tại nhà:
Bước 1: Chuẩn bị thau chậu, nước ngâm chân, khăn mềm để lau khô.
Bước 2: Rửa qua chân với nước sạch.
Bước 3: Bạn ngồi trên ghế hoặc cạnh giường với tư thế thoải mái nhất, thả lỏng toàn bộ cơ thể, đặt hai bàn chân vào chậu nước.trong khoảng 10 – 15 phút.
Bước 4: Sau khi ngâm chân xong, bạn dùng khăn bông mềm nhẹ nhàng lau khô chân.
Một số lưu ý khi ngâm chân:
- Ngâm chân đều đặn mỗi ngày trước khi đi ngủ để thư giãn và đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Chuẩn bị thau chậu có kích cỡ vừa đủ để thoải mái đặt cả hai bàn chân vào.
- Dùng thau chậu riêng cho việc ngâm chân, không dùng chung thau chậu giặt quần áo vì các chất tẩy rửa, chất làm mềm vải có thể còn sót lại gây ngứa ngáy, khó chịu, kích ứng da.
- Thau chậu cần được rửa sạch để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn trước khi đổ nước ngâm chân.
- Không ngâm chân khi có vết thương hở để tránh bị nhiễm trùng.
- Người bị suy giãn tĩnh mạch chân chỉ được ngâm chân bằng nước mát khoảng 10 – 15 độ C, tuyệt đối không dùng nước nóng trên 40 độ C vì nước nóng làm mạch máu giãn nhanh hơn gây tổn thương nhiều hơn.
- Bạn có thể cho thêm muối, giấm táo hoặc nấu nước ngâm chân từ nhiều loại dược liệu khác nhau để loại bỏ mùi hôi của chân, giảm sự phát triển của vi khuẩn và có nhiều tác dụng tốt với cơ xương khớp.
5. Lựa chọn trang phục phù hợp
Quần áo, giày dép quá chật có thể khiến lỗ chân lông bít tắc, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi gây bệnh. Đònga thời, làm tăng nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch chân và nhiều bệnh khác.
Đọc chi tiết: Những tác hại đáng nói khi mặc quần bó sát thường xuyên
Do đó, bạn ưu tiên lựa chọn quần áo và giày dép với kích thước phù hợp thay vì chạy theo các trào lưu làm đẹp. Bạn chọn các sản phẩm có chất liệu tốt, khả năng thấm hút mồ cao mang lại cảm giác thoải mái, tự tin trong các hoạt động hàng ngày. Ngoài ra, nữ giới hạn chế đi giày cao gót để tránh tổn thương khớp xương và cột sống.
6. Chế độ ăn uống khoa học
Chế độ ăn uống khoa học là chìa khóa cải thiện sức khỏe đôi chân cũng như toàn bộ cơ thể từ sâu bên trong. Dưới đây là những lưu ý trong chế độ ăn theo đề xuất của WHO năm 2020 cho người trưởng thành:
Đối với rau củ quả:
Ăn tối thiểu 400 g hay 5 phần rau quả mỗi ngày giúp giảm các bệnh mãn tính và đảm bảo lượng chất xơ cần thiết cho cơ thể. Bạn ăn nhiều loại rau quả khác nhau, tốt nhất là còn tươi và theo mùa.
Đối với chất béo:
Lượng chất béo nạp vào ít hơn 30% tổng lượng ăn mỗi ngày là tốt nhất. Các chất béo bão hòa (có trong thịt mỡ, bơ, dầu cọ, dầu dừa, kem, pho mát, mỡ lợn…) và chất béo chuyển hóa được sản xuất công nghiệp (có trong thực phẩm chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn như bánh pizza, hamburger, bánh nướng, bánh quy, bánh xốp…) làm tăng nguy cơ béo phì. Vì vậy, bạn giảm tiêu thụ các chất này bằng cách:
- Ăn đồ hấp hoặc luộc thay vì chiên rán.
- Ưu tiên tiêu thụ chất béo không bão hòa có trong cá, bơ, các loại hạt, trong dầu hướng dương, đậu nành, cải dầu, dầu ô liu…
- Tiêu thụ các sản phẩm từ sữa ít chất béo, thịt nạc.
- Hạn chế ăn đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn chế biến sẵn.
Đối với muối:
Hầu hết mọi người tiêu thụ quá nhiều Natri thông qua muối nhưng lại thiếu Kali làm tăng nguy cơ huyết áp cao và mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ. Lượng muối được khuyến khích tiêu thụ mỗi ngày là ít hơn 5 g. Do đó, bạn nên:
- Hạn chế muối và các loại gia vị chứa hàm lượng Natri cao như nước tương, nước mắm… khi nấu nướng và chế biến thực phẩm.
- Kiểm tra nhãn thực phẩm để xác định lượng muối có bên trong trước khi tiêu thụ.
- Bổ sung nhiều trái cây, rau quả tươi mỗi ngày để tăng lượng Kali.
Đối với đường:
Tiêu thụ hàm lượng lớn thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường tự do làm tăng cân không lành mạnh gây áp lực lên chi dưới. Ngoài ra, các loại thực phẩm này còn là nguyên nhân gây sâu răng, ảnh hưởng đến huyết áp.
Do đó, bạn hạn chế các món ăn và đồ uống chứa nhiều đường bao gồm: bánh kẹo, nước ngọt, nước trái cây rau củ đóng hộp, nước tăng lực…
7. Dùng mỹ phẩm chăm sóc chân
Đôi chân cũng cần được chăm sóc cẩn thận như bất kỳ vị trí nào của cơ thể . Vì vậy, bạn đừng ngần ngại đầu tư mỹ phẩm chất lượng tốt để giữ gìn đôi chân luôn khỏe đẹp.
Kem dưỡng ẩm: Bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm giúp kem dễ hấp thu vào sâu bên trong và phát huy tác dụng làm mềm mịn da. Ngoài ra, nhiều loại kem dưỡng còn đi kèm với công dụng làm trắng, se khít lỗ chân lông.
Một số sản phẩm được ưa chuộng như:
- Paula’s Choice Resist Skin Revealing Body Lotion 10% AHA
- Hatomugi Reihaku Hatomugi Body Lotion
- Vaseline Healthy Bright Insta Radiance UV Tone-Up Lotion…
Sản phẩm tẩy tế bào chết: Tẩy da chết 2 lần một tuần để loại bỏ hết các tế bào thừa, giúp làn da sạch sẽ, thông thoáng.
Gợi ý một số sản phẩm chất lượng:
- Tẩy da chết cà phê Cocoon
- A Bonne Spa Salt Paula’s Choice Weightless Body Treatment 2% BHA
- Jeju Innisfree Green Tea Pure Body Scrub…
Sữa tắm: Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại sữa tắm đến từ vô vàn thương hiệu khác nhau, nổi bật như: Love Beauty and Planet, Eucerin, Gervenne… Bạn lựa chọn sản phẩm tùy theo sở thích về mùi hương và khả năng kích ứng với cách thành phần trong đó. Dùng sữa tắm mỗi ngày là cách để ngăn cản bụi bẩn, vi khuẩn tích tụ trên da.
Kem chống nắng: Bôi kem chống nắng cho đôi chân cũng như da toàn bộ cơ thể khoảng 30 phút trước khi ra ngoài, đồng thời mặc áo chống nắng che kín chân, dùng ô dù để tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời. Bạn có thể tham khảo một số sản phẩm đến từ các thương hiệu nổi tiếng như: Anessa, Innisfree, Shiseido, Clinique…
Kem trị nứt gót chân: Bạn dùng mỹ phẩm làm mềm gót chân như: Kpem Apteka, Neutrogena Foot Cream, Scholl Schrunden Salbe… trong trường hợp gót chân bị khô, nứt nẻ.
8. Chú ý tư thế đôi chân
Tư thế đứng, ngồi và di chuyển đúng khi chỉ bảo vệ đôi chân mà còn đảm bảo cột sống luôn khỏe mạnh, hạn chế đau nhức thắt lưng, cổ vai gáy. Do đó, bạn tuân thủ những quy tắc dưới đây:
Tư thế đứng:
- Đứng thẳng, vai hơi ngả về sau để tránh các vấn đề ở lưng do cơ vùng vai bị kéo căng quá mức.
- Lưng thẳng, hơi siết cơ bụng để xương chậu không bị dồn về phía trước làm lệch trọng tâm cơ thể, gây áp lực lên khớp gối và các dây thần kinh ở chi dưới.
- Đầu gối thẳng, hai chân rộng bằng vai và dồn trọng lực vào lòng bàn chân chứ không phải gót chân.
- Nếu phải đứng trong thời gian dài, thay đổi trong lực từ chân trái sang chân phải và ngược lại. Điều này làm tăng lưu lượng máu và giảm căng thẳng cho đôi chân.
- Theo nghiên cứu năm 2017, các nhà khoa học cho rằng không nên đứng liên tục quá 40 phút để tránh đau lưng, đau chân.
Đọc thêm: Làm sao để đứng lâu không bị mỏi chân?
Tư thế ngồi:
- Ngồi thẳng lưng, trọng lực phân bố đều ở hai bên hông.
- Đầu gối và cẳng chân tạo thành góc 90 độ hoặc hơn, tương ứng với việc đầu gối cùng độ cao hoặc thấp hơn một chút so với hông.
- Giữ cho bàn chân bằng phẳng, đặt trên sàn hoặc khu vực để chân.
- Khoảng cách giữa mắt và máy tính hoặc sách vở tối thiểu 70 cm để bảo vệ đôi mắt của bạn.
- Không ngồi liên tục trong thời gian dài vì đây là nguyên nhân gây đau dây thần kinh vùng chậu, tắc nghẽn mạch máu và mắc các bệnh cột sống. Thay vào đó, bạn đứng lên đi lại nhẹ nhàng khoảng 5 phút sau mỗi 60 phút làm việc để toàn bộ cơ thể thư giãn.
Có thể bạn muốn biết: Hay bị tê chân khi ngồi lâu có thể là bệnh gì?
Tư thế di chuyển:
- Giữ đầu thẳng, nhìn thẳng, không cúi gằm mặt xuống dưới đất ảnh hưởng xấu đến cột sống cổ.
- Lưng thẳng, tránh cúi người, khom người hoặc nghiêng người về phía trước khiến các bó cơ vùng lưng bị kéo căng và tổn thương.
- Cằm song song với mặt đất, hai vai hơi đẩy về phía sau, thả lỏng và giữ cố định trong từng bước đi.
- Khi đi bộ, chạm đất bằng gót chân rồi đến ngón chân, tránh làm ngược lại, tránh chạm cả bàn chân xuống cùng lúc.
- Bạn nên bước những bước vừa phải vì các sải chân dài có thể khiến đầu gối duỗi quá mức.