Đau mỏi chân là triệu chứng mà bất cứ ai cũng sẽ gặp ít nhất một lần trong đời. Tùy vào từng trường hợp, đau nhức mỏi chân có thể chỉ xuất hiện thoáng qua hoặc kéo dài dai dẳng không dứt. Vậy, đau mỏi chân là bệnh gì và làm thế nào để khắc phục? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này.
1. Thường xuyên đau mỏi chân là bệnh gì?
Đau mỏi chân xảy ra khi có các rối loạn ở cơ bắp hoặc mô mềm xung quanh hệ thống dây chằng và gân ở chân. Các rối loạn này khiến dây thần kinh bị tổn thương, gây ra tình trạng đau mỏi ở chân. Tùy vào từng trường hợp cụ thể, người bệnh có thể cảm thấy: tê mỏi, đau nhức, buốt nhói hay nặng nề ở vùng chân, mông và cả thắt lưng ở các thời điểm khác nhau trong ngày.
Đau nhức mỏi chân có thể xuất phát từ các chấn thương tại chỗ gây tổn thương đến mạch máu, cơ và hệ thần kinh. Nếu do nguyên nhân này, người bệnh sẽ bị đau mỏi ngay sau khi va đập, hoạt động sai tư thế, vận động quá sức,… Thông thường, đau mỏi chân do chấn thương tại chỗ sẽ được phát hiện sớm, xử lý kịp thời và phục hồi nhanh.
Đáng ngại hơn là những trường hợp đau mỏi chân do nguyên nhân bệnh lý. Cơn đau mỏi có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển từ từ nhưng hầu hết mọi người đều không hiểu vì sao mình đau. Nếu thuộc vào nhóm này, bạn có thể cân nhắc đến một số bệnh lý dưới đây:
1.1 Suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý gây đau mỏi chân khá phổ biến ở những người trên 30 tuổi. Bệnh xảy ra do sự suy giảm chức năng của hệ thống van một chiều và tĩnh mạch chi dưới, dẫn đến cản trở dòng chảy của máu từ hệ thống tĩnh mạch ngoại vi về tim.
Máu ứ đọng trong tĩnh mạch suy giãn không chỉ khiến người bệnh bị đau mỏi chân mà còn gây ra hàng loạt các triệu chứng khác như:
- Bề mặt da chân tê ngứa, căng tức, có cảm giác như kim châm.
- Vùng bắp chân bị đau mỏi, nặng nề kèm theo chuột rút vào ban đêm.
- Bàn chân có hiện tượng sưng ngứa, phù nề, đặc biệt rõ ràng ở vị trí mắt cá chân.
- Tĩnh mạch lồi lên bề mặt da, ban đầu là những điểm li ti, sau đó tạo thành đường lồi rõ rệt rồi trở nên ngoằn ngoèo và tạo thành các đám rối chạy dọc trên đùi, đầu gối, bắp chân hoặc mắt cá chân.
- Cẳng chân xuất hiện các mảng da sạm màu do rối loạn sắc tố, da bị lở loét, nhiễm trùng hoặc hoại tử.
Tham khảo:
- Đỡ 90% suy giãn tĩnh mạch chân nhờ thảo dược từ Pháp
- Thực hành tại nhà giảm suy giãn tĩnh mạch hiệu quả
1.2 Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến ở người trên 40 tuổi xảy ra do lớp sụn khớp bị bào mòn dẫn đến bị nứt vỡ hoặc phát triển thành các gai xương. Tình trạng này khiến các đầu xương không còn được bảo vệ, bị ma sát mạnh lên nhau trong quá trình vận động gây đau đớn và kéo theo hàng loạt các tổn thương khác.
Triệu chứng đau mỏi chân có thể xuất hiện do thoái hóa các khớp dưới đây:
Thoái hóa cột sống thắt lưng
Thoái hóa cột sống vùng thắt lưng xảy ra khi lớp sụn bao giữa các đốt sống từ L1 – L5 bị bào mòn gây cọ xát, chèn ép lên các rễ thần kinh khiến người bệnh gặp phải các triệu chứng:
- Vùng thắt lưng đau dữ dội, âm ỉ kéo dài cả khi vận động và nghỉ ngơi.
- Cơn đau lan xuống mông và hai chân, khiến người bệnh không thể quay vặn hay cúi người.
- Hai chân nhức mỏi, cơ thể mất thăng bằng và di chuyển khó khăn.
- Hai chân yếu hơn hẳn bình thường và giảm khả năng phối hợp với tay.
Thoái hóa khớp cùng chậu
Thoái hóa khớp cùng chậu xảy ra khi lớp sụn nối giữa xương cùng và chậu bị mài mòn gây tình trạng sưng viêm hoặc hình thành các gai xương. Các triệu chứng điển hình của tình trạng này gồm:
- Đau nhức thắt lưng hông
- Sưng đau ở mông, điểm tiếp nối giữa xương cùng và xương chậu.
- Tê bì, đau mỏi ở một hoặc hai chân khi ngồi lâu một tư thế.
Thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh lý phổ biến nhất gây đau mỏi chân. Bệnh thường do tình trạng thoái hóa loạn dưỡng của khớp gối gây biến đổi bề mặt sụn khớp, hình thành các gai xương và biến dạng khớp. Triệu chứng điển hình của thoái hóa khớp gối gồm:
- Đau nhức vùng đầu gối, cơn đau tăng mạnh khi người bệnh đứng hoặc vận động.
- Khớp gối cứng, mất tính linh hoạt, khó cử động sau khi ngồi lâu.
- Tần suất, cường độ và thời gian đau tăng dần theo thời gian mắc bệnh.
- Đầu gối sưng to, phù, đỏ, ấn mềm và sờ vào thấy ấm nóng.
Thoái hóa khớp cổ chân
Thoái hóa khớp cổ chân xảy ra khi phần sụn đệm giữa hai đầu xương ở khớp cổ chân bị hư hỏng, viêm và giảm sút dịch nhầy bôi trơn. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như:
- Đau nhói vùng cổ chân, có thể xuất hiện đột ngột hay khi người bệnh gắng sức.
- Mức độ đau từ nhẹ đến nặng, đau tăng lên khi người bệnh vận động và giảm khi nghỉ ngơi.
- Cơ cổ chân bị teo hoặc vùng xương cổ chân bị biến dạng.
1.3 Đau thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa kéo dài từ thắt lưng đến các ngón chân có nhiệm vụ chi phối hoạt động và cảm giác của hai chân. Khi dây thần kinh này bị tổn thương, người bệnh sẽ gặp phải cơn đau chạy dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, cụ thể:
- Cảm giác đau nhức xuất phát từ thắt lưng, lan đến mặt ngoài đùi, xuống mặt trước cẳng chân, mắt cá và lan đến tận ngón chân.
- Đau nhức có thể xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài, đau tăng khi người bệnh vận động.
- Xuất hiện triệu chứng tê nóng, nhức mỏi, đau rát hoặc râm ran kiến bò trên chân.
1.4 Viêm dây thần kinh ngoại biên
Đau mỏi chân có thể là triệu chứng của tình trạng viêm dây thần kinh ngoại biên xảy ra do biến chứng của bệnh tiểu đường, gây tổn thương các chi. Lúc này, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng như:
- Đau mỏi, rã rời ở chân.
- Giảm sức mạnh cơ chân, chân tê mỏi.
- Chân bị rối loạn và mất dần khả năng nhận biết cảm giác.
1.5 Suy dinh dưỡng
Tình trạng đau mỏi chân còn xảy ra ở những người bị suy dinh dưỡng, ăn uống thiếu khoa học hoặc mắc các bệnh lý chuyển hóa dẫn đến thiếu hụt các dưỡng chất như: canxi, magie, sắt, kẽm, vitamin B, vitamin E, acid folic,… Ngoài đau nhức chân tay, thiếu hụt dinh dưỡng còn gây ra một số triệu chứng khác như:
- Tê bì, bồn chồn, khó chịu ở chân.
- Đau nhức kèm theo chuột rút.
- Cơ thể mệt mỏi, xanh xao, ăn uống không ngon miệng, thiếu năng lượng.
2. Phải làm sao khi bị đau mỏi chân?
Đau mỏi chân do bệnh lý có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời. Dưới đây là một số gợi ý cho bạn khi bị đau nhức mỏi chân.
2.1 Thăm khám sớm
Không ít người bệnh có tâm lý chủ quan với triệu chứng đau mỏi chân. Nhiều người lựa chọn sử dụng các thuốc giảm đau để kiểm soát triệu chứng mà bỏ qua việc thăm khám. Điều này làm bỏ lỡ giai đoạn vàng trong chẩn đoán phát hiện và điều trị, tạo điều kiện cho bệnh tiến triển nặng và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Để tránh gặp phải tình trạng này, người bệnh cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ ngay khi bị đau mỏi chân, đặc biệt là khi cơn đau trở nặng và kèm theo một số dấu hiệu bất thường. Việc thăm khám và chẩn đoán đau mỏi chân thường được thực hiện nhanh chóng qua hai giai đoạn gồm:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra sự linh hoạt của các khớp chân đồng thời đánh giá vị trí đau, mức độ đau và các dấu hiệu bất thường tại vùng chân.
- Khám cận lâm sàng: Người bệnh được chỉ định đi chụp X – quang, chụp CT hoặc siêu âm để đánh giá tình trạng của các khớp, xương, mạch máu và hệ thống dây thần kinh để có kết quả cuối cùng.
2.2 Điều trị theo chỉ định
Sau khi được chẩn đoán nguyên nhân nhân đau mỏi chân, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định về phương pháp điều trị. Tùy vào nguyên nhân và mức độ tiến triển của bệnh mà biện pháp điều trị có thể là: dùng thuốc, vật lý trị liệu hay các biện pháp can thiệp ngoại khoa. Lúc này, người bệnh cần đảm bảo:
- Tuân thủ phương pháp điều trị: Một số người vì quá lo lắng mà lựa chọn kết hợp nhiều phương pháp chữa trị khi chưa được bác sĩ đồng ý. Điều này là có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ hay biến chứng của bệnh.
- Tuân thủ thời gian điều trị: Đau mỏi chân thuyên giảm hay biến mất không đồng nghĩa bệnh đã được điều trị khỏi. Vì vậy, người bệnh không được tự ý ngưng điều trị dẫn đến bệnh tái phát và khó kiểm soát hơn.
- Tuân thủ hướng dẫn điều trị: Đây là yếu tố quyết định mức độ hiệu quả điều trị bệnh. Vì vậy, bệnh nhân cần nghiêm túc thực hiện những hướng dẫn đã được bác sĩ đề xuất.
- Tuân thủ thời gian tái khám: Người bệnh cần tái khám đúng hẹn nhằm kiểm soát diễn biến của bệnh và các vấn đề phát sinh để kịp thời điều chỉnh phác đồ điều trị với tình trạng sức khỏe hiện tại.
2.3 Áp dụng các biện pháp giảm đau
Áp dụng các biện pháp giảm đau là điều cần thiết nhằm giúp người bệnh thoải mái, giảm căng thẳng và tiếp tục công việc hoặc sinh hoạt hàng ngày. Một số biện pháp giảm đau mà người bệnh có thể tham khảo như:
- Sử dụng thuốc giảm đau: Phổ biến nhất là paracetamol có tác dụng giảm đau nhẹ đến trung bình. Ngoài ra, bác sĩ có thể kê một số loại giảm đau theo từng trường hợp cụ thể như: ibuprofen, diclofenac,, Morphine,….
- Massage: Massage nhẹ nhàng dọc theo chân giúp kích thích tuần hoàn máu, giãn cơ và giảm căng thẳng thần kinh từ đó giảm nhẹ triệu chứng đau nhức. Bạn nên massage khoảng 20 – 30 phút trước khi đi ngủ.
- Xông hơi: Xông toàn thân với các loại nước thảo dược như: lá lốt, quế chi, trinh nữ,…. khoảng 5 – 10 phút đến khi ra mồ hôi thì lau khô người và mặc quần áo, uống thêm một tách trà nóng để làm ấm người.
- Chườm nóng: Thực hiện với những trường hợp đau mỏi chân mãn tính, đau do căng cơ, kích thích thần kinh hoặc giảm tuần hoàn máu ở chân. Bạn nên chườm liên tục 10 – 15 phút trước khi đi ngủ.
- Chườm lạnh: Áp dụng trong các trường hợp đau mỏi chân kèm theo triệu chứng viêm: sưng, nóng, đỏ. Người bệnh dùng khăn lạnh chườm quanh vị trí đau khoảng 10 – 15 phút liên tục.
Tham khảo thêm: Cách bấm huyệt giảm nhức mỏi chân hiệu quả
2.4 Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng giúp xương khớp chắc khỏe, linh hoạt, đảm bảo chức năng của hệ thần kinh, sức khỏe của mạch máu và các dưỡng chất cung cấp cho cơ thể, qua đó góp phần cải thiện tình trạng đau nhức mỏi chân. Những lưu ý trong chế độ ăn khi bạn bị đau mỏi chân gồm:
- Tăng cường thực phẩm giàu chất khoáng như: canxi, kali, sắt, magie,… giúp nuôi dưỡng xương khớp chắc khỏe, phòng ngừa loãng xương và các bệnh xương khớp khác.
- Bổ sung thực phẩm giàu vitamin D nhằm hỗ trợ quá trình hấp thu canxi vào cơ thể thuận lợi hơn.
- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin nhóm B, vitamin E nhằm cải thiện lưu thông máu, giảm đau và đảm bảo chức năng của hệ thống dây thần kinh.
- Chú ý bổ sung các thực phẩm chứa chất chống oxy hóa như: flavonoid, rutin, vitamin C,… giúp chống lại gốc tự do, tăng độ bền thành mạch từ đó hạn chế các bệnh lý liên quan đến mạch máu.
- Hạn chế sử dụng các chế phẩm chứa chất kích thích, thực phẩm quá béo, quá ngọt hoặc quá mặn có thể làm thất thoát canxi, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và sức khỏe tim mạch.
2.5 Tăng cường tập luyện
Xây dựng thói quen tập luyện thể dục đều đặn mỗi ngày là cách hiệu quả để cải thiện tình trạng đau mỏi chân. Người bệnh có thể bắt đầu với các bài tập đơn giản như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, aerobic,… để tăng cường sức mạnh của các cơ bắp vùng chân, giúp khớp xương linh hoạt đồng thời thúc đẩy quá trình tuần hoàn máu, qua đó thúc đẩy khả năng phục hồi các tổn thương và giảm nhẹ triệu chứng đau nhức.
Tuy nhiên, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau trong quá trình tập luyện để có hiệu quả tốt:
- Duy trì đều đặn tần suất tập luyện hàng ngày, tránh ngắt quãng.
- Tăng dần cường độ trong quá trình tập luyện, tránh tập luyện với cường độ cao ngay từ ngày đầu khiến cơ thể không kịp thích nghi.
- Chú ý uống nước đầy đủ trước khi tập luyện để tránh cơ thể bị mất nước.
- Xin ý kiến bác sĩ về những động tác không phù hợp, từ đó tránh thực hiện trong khi tập luyện.
- Nếu có thể, hãy liên hệ với các chuyên gia để được hướng dẫn bài tập và cường độ tập luyện phù hợp.