Đau nhức mỏi chân trái không chỉ khiến người bệnh cảm thấy khó chịu mà còn gây cản trở công việc và hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Nếu không nhận thức đúng đắn và có biện pháp xử trí phù hợp, đau nhức chân trái có thể tạo thành những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Mục lục
1. Đau nhức mỏi chân trái có nguy hiểm không?
Đau nhức mỏi chân trái xảy ra khi có tổn thương thần kinh do các rối loạn ở cơ bắp hoặc mô mềm xung quanh dây chằng và gân trên chân trái. Triệu chứng này có thể được biểu hiện rõ rệt bởi những cơn đau nhức xuất hiện thoáng qua hoặc âm ỉ kéo dài. Bên cạnh đó, người bệnh có thể thấy chân mất lực, mỏi rã rời, cảm giác tê rần hay châm chích như kiến bò xuất hiện ở các vị trí khác nhau trên chân trái.
Tùy vào từng trường hợp mà tình trạng đau nhức mỏi chân trái có thể xuất hiện vào ban đêm, sáng sớm hoặc khi người bệnh có hoạt động thể lực mạnh. Nhưng nhìn chung, mức độ đau nhức và tần suất xuất hiện cơn đau có xu hướng tăng dần nếu không được điều trị.
Đau nhức mỏi chân trái gây ra hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng sống của người bệnh, điển hình như:
- Giảm sút sức khỏe: Thể hiện rõ ràng ở những trường hợp không được điều trị triệt để. Đau nhức tái đi tái lại nhiều lần khiến cơ thể mệt mỏi, suy nhược đồng thời tạo điều kiện cho các tổn thương tiến triển.
- Giảm hiệu quả lao động: Đặc biệt ở những người làm công việc chân tay, cần di chuyển nhiều. Đau nhức khiến người bệnh không thể làm việc liên tục, ảnh hưởng kết quả lao động.
- Tạo gánh nặng kinh tế: Sụt giảm thu nhập kéo theo các khoản chi phí để khắc phục triệu chứng làm tiêu tốn tiền bạc, gia tăng gánh nặng về kinh tế, nhất là ở những gia đình lao động phổ thông.
- Gây tâm lý tiêu cực: Đau nhức khiến người bệnh mệt mỏi kết hợp với các áp lực về công việc, kinh tế khiến hầu hết mọi người rơi vào tâm lý bức bối, căng thẳng, lâu ngày có thể dẫn đến trầm cảm.
Dễ thấy, đau nhức mỏi chân trái gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống sinh hoạt hàng ngày. Thế nhưng, để biết đau nhức chân trái có gây nguy hiểm hay không thì phải xét trên yếu tố nguyên nhân khởi phát triệu chứng này.
Những trường hợp đau nhức mỏi chân trái xuất phát từ các nguyên nhân cơ năng như: vận động quá sức, sai tư thế, va đập nhẹ,… thường không quá đáng ngại. Sau một thời gian nghỉ ngơi điều độ, cơ thể sẽ trở lại bình thường và tình trạng đau mỏi cũng theo đó được khắc phục, không để lại di chứng.
Ngược lại, nếu đau nhức mỏi chân trái do nguyên nhân bệnh lý, tình trạng này có thể tiếp tục tiến triển và gây nguy hiểm cho người bệnh. Một số bệnh lý thường gặp gây đau nhức mỏi chân trái gồm:
- Suy giãn tĩnh mạch chân
- Bệnh động mạch ngoại biên.
- Thoái hóa hoặc gai cột sống thắt lưng.
- Viêm, thoái hóa khớp háng, khớp gối và khớp cổ chân trái.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu
- Đau dây thần kinh tọa.
- Biến chứng đái tháo đường.
- Thiếu hụt dinh dưỡng.
Xem thông tin chi tiết về: Các bệnh lý gây triệu chứng đau mỏi chân thường xuyên
2. Phương pháp điều trị đau nhức chân trái
Trước những ảnh hưởng tiêu cực mà đau nhức mỏi chân trái có thể gây ra, việc điều trị triệu chứng này là nhu cầu của hầu hết người bệnh. Dưới đây là một số phương pháp hiệu quả được áp dụng phổ biến.
2.1 Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc giảm đau là phương pháp được hầu hết người bệnh lựa chọn bởi tác dụng nhanh, hiệu quả cao và sử dụng tiện lợi. Tùy vào mức độ đau và các triệu chứng kèm theo mà người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc như:
Thuốc giảm đau paracetamol: Hiệu quả cho những cơn đau nhức mỏi ở mức độ nhẹ đến vừa. Triệu chứng đau có thể được cải thiện sau 30 phút uống thuốc và hiệu quả duy trì liên tục từ 4 – 6 tiếng.
Thuốc giãn cơ: Thường được sử dụng như: baclofen, tizanidine, carisoprodol,… giúp giảm tình trạng co cứng cơ, đau nhức cơ. Thuốc phát huy tác dụng sau 1.5h và duy trì hiệu quả trong 3 – 6 tiếng.
Thuốc giảm đau thần kinh: Được sử dụng phổ biến nhất Gabapentin trong các trường hợp đau do tổn thương dây thần kinh. Thuốc phát huy hiệu quả sau 2 tiếng và duy trì hiệu quả sau 5 – 7 giờ.
Thuốc chống viêm NSAIDs: Phổ biến là các hoạt chất ibuprofen, aspirin, diclofenac, naproxen,… Thuốc giảm các triệu chứng đau nhức, sưng tấy, phù nề sau khoảng 30 phút sử dụng, hiệu quả duy trì từ 4 – 6 tiếng.
Thuốc giảm đau chống viêm Corticoid: Thường gặp là các hoạt chất methylprednisolone, betamethasone, dexamethasone,… Thuốc giúp giảm đau, chống viêm trong trường hợp vừa đến nặng.
Mặc dù giảm đau hiệu quả và nhanh chóng nhưng các thuốc trên đều tiềm ẩn nguy cơ tác dụng phụ nếu sử dụng sai cách. Vì vậy, bạn chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định và cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về loại thuốc, liều lượng, thời điểm và thời gian sử dụng.
2.2 Áp dụng biện pháp giảm đau
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, bạn có thể kết hợp cùng các biện pháp dưới đây để tăng cường hiệu quả giảm đau:
Chườm lạnh
Biện pháp chườm lạnh được khuyên dùng cho các trường hợp đau nhức mỏi do viêm cơ – gân, các bệnh viêm xương khớp, viêm dây thần kinh, suy giãn tĩnh mạch. Nhiệt độ lạnh có tác dụng làm co mạch, giảm viêm giúp khắc phục các triệu chứng: đau nhức, sưng tấy, phù nề và giảm bầm tím hiệu quả.
Cách thực hiện rất đơn giản:
- Đầu tiên, sử dụng một túi vải hoặc khăn sạch bọc đá lạnh sạch
- Nhẹ nhàng di chuyển bọc đá lạnh trên vị trí bị đau, sưng tấy.
- Mỗi lần chườm nên kéo dài khoảng 5 – 10 phút và cách nhau khoảng 4 tiếng.
- Phương pháp này hiệu quả nhất khi được thực hiện trong vòng 48 giờ sau chấn thương.
Chườm ấm
Liệu pháp chườm ấm phù hợp trong những trường hợp đau nhức mỏi chân trái do chèn ép dây thần kinh, co cơ, cứng khớp và các bệnh xương khớp mạn tính. Nhiệt độ cao giúp làm giãn mạch, tăng tuần hoàn máu lưu thông từ đó giảm nhẹ triệu chứng đau.
Cách thực hiện liệu pháp này đơn giản như sau:
- Đầu tiên, người bệnh cho nước ấm khoảng 45 – 50 độ vào túi chườm chuyên dụng hoặc chai nhựa.
- Di chuyển nhẹ nhàng túi chườm trên vùng chân bị đau nhức.
- Chườm liên tục khoảng 15 – 20 phút để có hiệu quả giảm đau tốt nhất.
Đọc thêm: Mỏi chân ngâm nước ấm có đỡ không?
Massage giảm đau
Phương pháp massage có tác dụng làm giãn cơ khớp, thúc đẩy tuần hoàn máu lưu thông giúp khắc phục đau nhức mỏi chân trái trong các trường hợp co cơ, cứng khớp, tuần hoàn kém dẫn đến chân tay lạnh, tê bì. Thời điểm massage hiệu quả nhất là trước khi đi ngủ và thời gian massage nên kéo dài từ 20 – 30 phút.
Thao tác massage đơn giản nhất là xoa tinh dầu lên tay cho ấm, sau đó xoa bóp nhẹ nhàng từ cổ chân lên đùi và ngược lại. Tập trung xoa bóp nhiều hơn ở những vị trí đau nhức. Ngoài giảm đau, massage chân còn giúp đem lại giấc ngủ ngon và tinh thần thư thái.
Chi tiết: Hướng dẫn các bước massage giảm đau mỏi chân
2.3 Tăng cường tập luyện
Xây dựng thói quen tập luyện thể dục mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe cơ xương khớp, từ đó khắc phục hiệu quả tình trạng đau nhức mỏi chân trái trong các bệnh lý mạn tính. Bạn chỉ cần dành ra khoảng 30 phút mỗi ngày cho các bài tập đơn giản như: đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga,…
Khi tập luyện cần chú ý những điều sau:
- Điều chỉnh cường độ và tần suất tập luyện tăng từ từ để tránh gặp phải chấn thương.
- Duy trì thói quen tập luyện đều đặn mỗi ngày để có được hiệu quả tốt nhất.
- Tránh tập luyện khi đói hoặc sau khi ăn vì có thể gây tụt đường huyết, hạ huyết áp và khó tiêu.
- Tránh thực hiện các động tác kéo giãn quá mức gây căng cơ, chấn thương chân.
- Chú ý bổ sung nước cho cơ thể trước khi tập luyện.
2.4 Bổ sung dinh dưỡng
Thiếu hụt dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra tình trạng đau nhức xương khớp. Bên cạnh đó, suy dinh dưỡng cũng làm giảm khả năng chữa lành và phục hồi tổn thương của cơ thể. Vì lý do này, người bệnh đau nhức mỏi chân trái được khuyên tăng cường dinh dưỡng trong chế độ ăn hàng ngày, đặc biệt là một số nhóm chất sau:
Thực phẩm giàu Canxi: Giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa loãng xương và tăng cường phục hồi các tổn thương trên xương. Canxi có nhiều trong sữa và chế phẩm từ sữa, cá mòi, các loại đậu, hạt chia, hạt vừng,…
Thực phẩm giàu vitamin D: Giúp tăng khả năng hấp thu canxi của cơ thể, qua đó tăng cường sức khỏe xương khớp. Vitamin D có nhiều trong cá trích, cá mòi, tôm, hàu, lòng đỏ trứng, sữa,…
Thực phẩm giàu Magie: Giúp tăng mật độ khoáng xương, phòng ngừa loãng xương và điều tiết các hoạt động chuyển hóa. Magie có nhiều trong sô-cô-la đen, bơ, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, chuối,…
Thực phẩm giàu Omega-3: Có tác dụng chống viêm, giảm tình trạng đau và cứng khớp. Omega-3 được tìm thấy nhiều trong cá hồi, dầu cá, hạt óc chó, hạnh nhân,…
2.5 Phẫu thuật nếu cần
Phẫu thuật không phải là biện pháp ưu tiên trong điều trị vì gây đau đớn, thời gian hồi phục kéo dài và nguy cơ biến chứng cao. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc giữa lợi ích và rủi ro, bác sĩ có thể chỉ định trong một số trường hợp cần thiết.
Để biết người bệnh có cần phẫu thuật không, bác sĩ cần dựa trên một số yếu tố như:
- Đau nhức chân trái dữ dội, không có dấu hiệu thuyên giảm sau khi áp dụng các biện pháp điều trị.
- Thời gian đau nhức chân kéo dài liên tục trên 12 tuần dù đã được điều trị tích cực.
- Người bệnh không đáp ứng với các biện pháp điều trị bảo tồn.
- Người bệnh có nguy cơ cao bị biến chứng nếu không được phẫu thuật.
Đau nhức mỏi chân trái có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh và tiến triển thành biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, ngay khi phát hiện tình trạng này, bạn cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám và hướng dẫn điều trị phù hợp.