Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng tê chân là thiếu hụt vi chất dinh dưỡng. Tình trạng này thường gặp ở một số đối tượng như: người già, người lao động nặng, phụ nữ mang thai hay người mắc một số bệnh lý liên quan đến chuyển hóa hấp thu. Nếu bạn đang băn khoăn với câu hỏi: Hay bị tê chân là thiếu chất gì? Vậy, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Mục lục
Tê chân là trạng thái mất cảm giác một phần hoặc hoàn toàn trên da. Tình trạng này xảy ra khi chức năng dẫn truyền của hệ thần kinh bị rối loạn. Nguyên nhân gây tê chân có thể do: yếu tố sinh lý (chèn ép vật lý tạm thời), bệnh lý hoặc thiếu hụt dưỡng chất gây ra.
Tìm hiểu thêm: Sáng ngủ dậy bị tê chân có sao không?
Triệu chứng tê chân được mô tả bằng các cảm giác dị cảm trên da như: tê rần, nóng ran, châm chích, kiến bò hoặc mất cảm giác ở chân. Ở trạng thái này, hầu hết mọi người đều gặp khó khăn, thậm chí không thể vận động cho đến khi cơn tê chân qua đi. Vì lý do này, bất cứ ai cũng đều mong muốn nhanh chóng kiểm soát và thoát khỏi triệu chứng này. Thiếu hụt những dưỡng chất dưới đây có thể là nguyên nhân phổ biến gây ra chứng tê chân:
1. Thiếu vitamin B12
Vitamin B12 (còn gọi là cobalamin) hoạt động như một đồng yếu tố cho các enzyme trong quá trình tổng hợp ADN, acid béo và myelin – loại chất béo bao quanh sợi thần kinh, đảm bảo khả năng dẫn truyền tín hiệu của hệ thần kinh.
Vì vậy, thiếu hụt vitamin B12 khiến các tế bào này không thể phát triển và hoạt động bình thường gây ra tình trạng thiếu máu, rối loạn chức năng thần kinh, dẫn đến triệu chứng tê bì chân tay. Thậm chí, những trường hợp thiếu vitamin B12 kéo dài có thể gây tổn thương không thể hồi phục với hệ thần kinh và não.
Ngoài triệu chứng tê bì chân tay, người thiếu vitamin B12 còn gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Yếu cơ, khiến người bệnh đi lại khó khăn.
- Cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, uể oải.
- Hay có biểu hiện buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
- Lưỡi đau và đỏ, loét miệng.
- Chán ăn, sút cân, tầm nhìn kém, da vàng.
- Rối loạn tâm lý: khó ghi nhớ, gặp khó khăn khi nói chuyện, trầm cảm, hay quên, căng thẳng,…
Theo khuyến cáo của Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), hàm lượng vitamin B12 nên bổ sung cho người trên 14 tuổi là 2.4mcg/ ngày. Với phụ nữ mang thai và cho con bú, hàm lượng cao hơn một chút, lần lượt là 2.6mcg và 2.8mcg mỗi ngày.
Bạn có thể tăng cường bổ sung vitamin B12 thông qua các loại thực phẩm như: sữa và chế phẩm từ sữa, các loại dầu thực vật, thịt nạc, trứng, hải sản, các loại đậu,…..
2. Thiếu vitamin B6
Vitamin B6 (hay pyridoxine) là dưỡng chất tham gia trực tiếp vào hoạt động chuyển hóa các acid amin quan trọng, trong đó có hoạt động khử nhóm CO2 trong chuyển hóa acid glutamic thành acid gamma – aminobutyric (GABA) – Một chất có tác dụng ức chế dẫn truyền thần kinh.
Vì vậy, thiếu hụt vitamin B6 có thể gây ra các triệu chứng rối loạn thần kinh, điển hình như tê bì chân tay. Bên cạnh đó, bạn có thể nhận biết cơ thể đang thiếu hụt vitamin B6 dựa vào một số triệu chứng như:
- Ngứa ngáy và phát ban trên da.
- Môi khô, nứt nẻ ở khóe môi kèm theo sưng lưỡi.
- Suy giảm miễn dịch.
- Thính giác nhạy cảm hoặc co giật.
- Rối loạn tâm lý: dễ cáu kỉnh, căng thẳng, khó chịu.
Theo khuyến cáo của tổ chức Dịch vụ Y tế Anh Quốc (NHS) và Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), hàm lượng vitamin B6 cần cung cấp cho người trên 19 tuổi là khoảng 1.3 – 1.4 mg/ ngày. Đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú, hàm lượng này lần lượt là 1.9mg/ ngày và 2.0mg/ ngày.
Bạn có thể tăng cường bổ sung vitamin B6 qua các loại thực phẩm như: thịt lợn, thịt gà, đậu phộng, đậu nành, mầm lúa mì, yến mạch, chuối, sữa và các loại ngũ cốc,…
3. Thiếu vitamin B1
Vitamin B1 (hay thiamin) là nguyên liệu thiết yếu để cơ thể tổng hợp acetylcholine – một chất dẫn truyền thần kinh giữa hệ thần kinh và cơ. Khi thiếu vitamin B1, người bệnh sẽ gặp phải tình trạng ứ đọng cetonic trong máu, dẫn đến rối loạn chuyển hóa, gây giãn mạch ngoại biên, viêm dây thần kinh ngoại vi và tê phù.
Đáng chú ý, thiếu vitamin B1 có thể dẫn đến bệnh beriberi gây mất cơ và giảm cảm giác ở bàn tay và bàn chân. Bệnh lý này cũng gây suy yếu phản xạ và chức năng vận động, làm tích dịch ở tim và chi dưới gây chứng phù tim, phù và tê bì, run chân. Bạn có thể nhận biết dấu hiệu thiếu vitamin B1 qua một số triệu chứng như:
- Giảm cân đột ngột.
- Suy giảm trí nhớ, lú lẫn, hay quên.
- Yếu cơ, run chân tay.
- Mắc các bệnh lý thần kinh ngoại biên.
- Suy giảm miễn dịch.
Hàm lượng vitamin B1 được khuyến cáo bổ sung cho nam giới từ 19 tuổi trở lên là 1.2 mg/ ngày và nữ giới là 1.1mg/ ngày. Đối với thời kỳ mang thai và cho con bú, lượng tăng lên 1,4 mg mỗi ngày.
Vitamin B1 được tìm thấy nhiều trong: các loại thịt, cá, ngũ cốc nguyên hạt, hạt hướng dương, sữa chua, ngũ cốc tăng cường, các loài hải sản có vỏ,…
4. Thiếu vitamin E
Vitamin E là một hợp chất gồm tocopherol và tocotrienol có khả năng hoạt động như một chất chống oxy hóa, ngăn chặn quá trình peroxy hóa lipid của các acid béo trong màng tế bào. Dưỡng chất này cũng ngăn chặn hình thành cục máu đông, đảm bảo tuần hoàn máu ổn định trong cơ thể.
Thiếu vitamin E khiến hồng cầu dễ tổn thương, tăng thoái hóa các nơ-ron thần kinh, đặc biệt là sợi trục thần kinh ngoại vi và tế bào thần kinh cột sau. Điều này lý giải tại sao người thiếu vitamin E thường bị mất cảm giác ở tay, chân, yếu cơ và suy giảm miễn dịch.
Ngoài triệu chứng tê chân, người bị thiếu vitamin E có thể xuất hiện một số dấu hiệu như:
- Tê và ngứa ran trên da.
- Suy giảm thị lực.
- Suy nhược cơ bắp.
- Giảm khả năng phối hợp vận động.
Hàm lượng vitamin E được khuyến cáo bổ sung cho người trên 14 tuổi và phụ nữ mang thai là 15mg/ ngày. Đối với phụ nữ đang cho con bú, hàm lượng này tăng lên 19mg/ ngày.
Bạn có thể tăng cường bổ sung vitamin E qua các loại thực phẩm như: mầm lúa mì, dầu ngô, dầu đậu nành, dầu hướng dương, các loại hạt, các loại rau xanh đậm, ngũ cốc ăn sáng, bơ thực vật,…
5. Thiếu vitamin B9
Vitamin B9 (hay Folate) đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành ADN và ARN. Ngoài ra, vitamin B9 cũng tham gia vào hoạt động chuyển hóa protein, giúp phá vỡ homocysteine – một loại axit amin gây hại cho cơ thể nếu tăng quá cao. Vitamin B9 cũng cần thiết để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh và rất quan trọng trong thời kỳ tăng trưởng nhanh, chẳng hạn như khi mang thai và phát triển bào thai.
Sự thiếu hụt vitamin B9 có thể gây thiếu máu do thiếu tế bào hồng cầu bình thường. Ngoài ra, phụ nữ có thai bị thiếu vitamin B9 dễ bị tê bì chân tay, làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi và phát triển tự kỷ ở trẻ. Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin B9 gồm:
- Cơ thể xanh xao, mệt mỏi, khó thở, hay chóng mặt.
- Cơ bắp suy nhược.
- Lở loét ở miệng, lưỡi đỏ mềm, giảm cảm giác thèm ăn.
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, giảm cân.
- Hay cáu gắt, dễ căng thẳng, trầm cảm, giảm trí nhớ, khó tập trung,…
Hàm lượng vitamin B9 được khuyến cáo cho người trên 19 tuổi là 400mcg/ ngày. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, hàm lượng này tăng lên lần lượt là 600mcg/ ngày và 500mcg/ ngày.
Những nguồn thực phẩm giúp bổ sung vitamin B9 tốt cho cơ thể gồm: các loại rau có màu xanh đậm, các loại đậu, đậu phộng, hạt hướng dương, các loại ngũ cốc, gan động vật, trứng và các loại thủy hải sản.
6. Thiếu Canxi
Trong động dẫn truyền tín hiệu của hệ thần kinh và hoạt động của cơ bắp, các ion canxi được giải phóng để tạo liên kết với các protein hoạt hóa. Vì vậy, canxi đóng vai trò như yếu tố trung gian trong khởi xướng và điều hành phản xạ của hệ thần kinh.
Ngoài ra, canxi cũng là thành phần chính của xương, đảm bảo sự chắc khỏe của hệ xương khớp. Vì vậy, thiếu hụt canxi có thể gây rối loạn chức năng của hệ thần kinh, dẫn đến triệu chứng đau nhức,tê bì chân tay. Thiếu canxi là tình trạng phổ biến ở đối tượng phụ nữ mang thai – những người có nhu cầu cao về canxi nhưng lại không được bổ sung đầy đủ.
Ngoài triệu chứng tê bì chân tay, một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thiếu canxi gồm:
- Hay bị chuột rút hoặc đau nhức trong xương.
- Răng vàng hơn bình thường, móng tay yếu và dễ gãy.
- Hay bị chóng mặt.
- Rối loạn tiêu hóa.
- Có thể xuất hiện co giật, co thắt cơ hoặc rối loạn giấc ngủ.
Hàm lượng Canxi được khuyến khích bổ sung cho người trên 19 tuổi là 1.000mg/ ngày. Đối với phụ nữ có thai và đang cho con bú nên bổ sung 1.300 mg/ ngày.
Những thực phẩm giàu canxi được khuyên dùng gồm: sữa và các chế phẩm từ sữa, hải sản, thịt nạc, thịt gia cầm, trứng, các loại đậu, quả hạch, các loại hạt, sản phẩm từ đậu nành,…
7. Thiếu Magie
Trong cơ thể, magie là chất khoáng tham gia vào hoạt động kiểm soát các xung động thần kinh, đảm bảo độ chắc khỏe của xương và hoạt động chuyển hóa cung cấp năng lượng cho cơ thể. Vì vậy, việc thiếu hụt magie có thể gây tê buốt, đau nhức ở chân tay.
Ngoài ra, người bị thiếu magie có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Thèm ngọt nhiều.
- Hay bị đau nhức cơ, chuột rút.
- Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy hoặc táo bón.
- Người mệt mỏi, mất ngủ.
- Đau đầu dữ dội.
Hàm lượng magie được khuyến cáo bổ sung cho cơ thể người trưởng thành là khoảng 350 – 400mg/ ngày. Chất khoáng này được tìm thấy nhiều trong một số loại thực phẩm như: sô – cô – la đen, các loại hạt, quả bơ, các loại đậu, đậu phụ, các loại cá béo, ngũ cốc nguyên hạt,…
Trên đây là nội dung giải thích cho thắc mắc: Hay bị tê chân là thiếu chất gì? Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích. Nếu bạn muốn tìm hiểu các mẹo để chữa tê chân nhanh chóng, bạn có thể đọc bài viết: Khi bị tê chân nên làm gì?