Huyết khối tĩnh mạch chân không chỉ gây triệu chứng khó chịu mà còn đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Vậy, huyết khối tĩnh mạch sâu là gì và làm thế nào để phòng ngừa tình trạng này? Mời bạn đọc cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Huyết khối tĩnh mạch chân là gì?
Huyết khối tĩnh mạch là hiện tượng máu bị ứ đọng và kết thành cục máu đông trong lòng tĩnh mạch sâu. Tình trạng này xảy ra ở hệ thống tĩnh mạch chi dưới thì được gọi là huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới (hay huyết khối tĩnh mạch chân).
Theo các chuyên gia, huyết khối tĩnh mạch chân thường xuất hiện ở các tĩnh mạch đùi, tĩnh mạch khoeo, tĩnh mạch chậu trong và tĩnh mạch chậu ngoài. Nguyên nhân trực tiếp gây nên tình trạng này thường là do:
Giảm tuần hoàn máu từ tĩnh mạch trở lại động mạch: Khiến máu ứ trệ kéo dài trong lòng tĩnh mạch tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Đây là nguyên nhân phổ biến nhất và thường gặp nhất là ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Ngoài ra, có một số yếu tố thúc đầy khác như: người đứng nhiều, người bất động trong thời gian dài, béo phì, phụ nữ mang thai,…
Tổn thương nội mạc: Tạo thành các “vật chất lạ” trong lòng mạch kết tụ với hồng cầu hình thành huyết khối. Thường gặp ở những người viêm tĩnh mạch, viêm mô tế bào, catheter, gãy chân,…
Tăng yếu tố tăng đông quá mức: Khiến máu dễ bị kết tụ thành các khối gây tắc nghẽn lòng mạch, thường gặp ở những người dùng thuốc tránh thai, ung thư, thiếu dịch, hội chứng thận hư, hội chứng kháng phospholipid,…
Hầu hết các trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch sâu đều không có triệu chứng lâm sàng rõ ràng. Vì vậy, người bệnh thường phát hiện và nhập viện muộn, khi đã xuất hiện biến chứng. Một số ít có thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường tại chân gồm:
- Đau mơ hồ dọc trên chân theo đường đi của tĩnh mạch
- Đau nhói hoặc đau nhức nhối ở bắp chân, có thể tìm thấy thừng tĩnh mạch khi người bệnh gấp chân một nửa.
- Đau chân khi gấp mu bàn chân về phía cẳng thân trong tư thế gối duỗi.
- Tăng cảm giác ấm nóng trên da.
- Tăng thể tích bắp chân, chu vi bắp chân và bắp đùi chênh lệch > 3cm.
- Phù mắt cá chân, thay đổi máu da ở chân có huyết khối.
- Đau ở vị trí bất kỳ khi ấn vào lồng ngực hoặc khi hít thở sâu.
- Nhịp tim tăng nhanh, khó thở không rõ nguyên nhân và người bệnh có thể ho ra máu.
2. Huyết khối tĩnh mạch chân có nguy hiểm không?
Ngay từ khi mới hình thành, huyết khối có thể gây tắc nghẽn lòng tĩnh mạch, cản trở dòng chảy của máu gây tăng áp lực lên thành mạch, khiến người bệnh bị đau nhức kéo dài. Bên cạnh đó, máu ứ đọng trong lòng tĩnh mạch làm tăng thoát dịch lòng mạch gây ra triệu chứng phù nề, sưng tấy ở chân.
Mặt khác, dòng chảy của máu bị cản trở cũng là nguyên nhân làm giảm lượng máu nuôi từ động mạch tới chân, khiến các mô ở chân không nhận đủ oxy và dưỡng chất dẫn đến loạn dưỡng, gây lở loét hay thậm chí là hoại tử. Nghiêm trọng hơn, huyết khối từ tĩnh mạch chân có thể theo dòng máu di chuyển đến động mạch phổi, gây thuyên tắc động mạch phổi.
Thuyên tắc phổi là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất do huyết khối tĩnh mạch chân gây ra. Tình trạng này gây khó thở, đau ngực dữ dội và tỷ lệ đột tử lên đến 30%. Thống kê cho thấy, khoảng 50% bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch chân có nguy cơ bị thuyên tắc phổi.
Cách hiệu quả nhất để kiểm soát và phòng ngừa biến chứng nguy hiểm là người bệnh cần thăm khám sớm và điều trị nguyên nhân gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu, trong đó điển hình nhất là bệnh lý suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
3. Điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu thế nào?
Huyết khối tĩnh mạch chân có thể được phát hiện thông qua phương pháp siêu âm mạch, xét nghiệm máu hoặc chụp MRI. Sau khi được chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu, tùy vào tình trạng cụ thể mà người bệnh có thể được chỉ định các phương pháp điều trị dưới đây:
3.1 Sử dụng thuốc
Hầu hết người bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới đều được chỉ định dùng thuốc trước khi áp dụng các biện pháp khác. Những loại thuốc được sử dụng phổ biến gồm:
Thuốc tiêu sợi huyết:
Là thuốc điều trị ban đầu, được chỉ định dùng trong vòng 5 – 10 ngày cho những bệnh nhân dưới 60 tuổi, huyết khối ở tĩnh mạch chậu có hiện tượng thiếu máu cục bộ và không có nguy cơ chảy máu.
Thuốc có tác dụng gây ly giải cục màu đông, ngăn ngừa hội chứng hậu huyết khối. Một số hoạt chất thường dùng gồm: streptokinase, urokinase và alteplase.
Thuốc chống đông:
Được chỉ định cho tất cả người bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu với mục đích ngăn ngừa sự phát triển của cục máu đông trong tĩnh mạch.
Các thuốc được dùng phổ biến gồm: heparin, warfarin, edoxaban, dabigatran etexilat. Trong đó, heparin được tiêm trong 5 – 7 ngày đầu và những thuốc khác được sử dụng kéo dài trong suốt thời gian điều trị.
Sử dụng thuốc chống đông máu không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ thuyên tắc phổi trong 24 – 48h đầu.
Bên cạnh đó, thuốc tiêu sợi huyết có thể làm tăng nguy cơ chảy máu. Vì vậy, người bệnh chỉ dùng thuốc khi có chỉ định và giám sát của bác sĩ. Tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị tại nhà.
3.2 Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới
Lưới lọc tĩnh mạch chủ dưới được chỉ định cho bệnh nhân huyết khối tĩnh mạch chi dưới đoạn gần hoặc tái phát.
Phương pháp này sử dụng một tấm lưới được đặt trong tĩnh mạch chủ thông qua catheter tĩnh mạch cảnh hoặc tĩnh mạch đùi nhằm mục đích giảm nguy cơ tắc nghẽn cấp tĩnh mạch.
Sử dụng lưới lọc tĩnh mạch mặc dù giúp phòng tắc nghẽn nhưng có thể gây ra các biến chứng lâu dài như: tăng nguy cơ tái phát huyết khối tĩnh mạch sâu, phát triển ổ lóc tĩnh mạch hoặc tăng nguy cơ thuyên tắc phá vỡ màng lọc. Vì vậy, phương pháp này cần được bác sĩ đánh giá kỹ càng trước khi áp dụng.
3.3 Phẫu thuật huyết khối
Phẫu thuật huyết khối bắt buộc chỉ định cho bệnh nhân viêm tắc tĩnh mạch trắng và xanh mà không đáp ứng với thuốc tiêu sợi huyết. Ngoài ra, phẫu thuật cũng được cân nhắc thực hiện cho những người bị huyết khối lớn cấp tính vùng đùi chậu. Phương pháp này giúp ngăn ngừa tình trạng hoại tử có tổn thương chi do chèn ép động mạch.
3.4 Dùng vớ y khoa
Người bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới được chỉ định dùng vớ y khoa độ II – tương đương áp lực 30 – 40mmHg. Người bệnh được khuyến khích ngồi dậy và vận động sớm ngay từ ngày đầu tiên sử dụng tất và được khuyến cáo duy trì liên tục trong vòng 2 năm.
Phương pháp đeo tất y khoa chống chỉ định cho các trường hợp bệnh nhân có bệnh động mạch chi dưới trầm trọng, viêm mô tế bào hoặc bị dị ứng với chất liệu tất.
Xem hướng dẫn: Cách sử dụng vớ y khoa hiệu quả