Ngâm chân bằng ngải cứu là một phương pháp dân gian đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Mời các bạn xem bài viết để nắm được chi tiết cách thực hiện và các lưu ý để áp dụng hiệu quả.
Mục lục
1. Lợi ích sức khỏe của ngâm chân bằng ngải cứu
1.1. Cải thiện tuần hoàn máu
Theo y học cổ truyền, ngải cứu là vị thuốc có tác dụng hoạt huyết, tiêu huyết ứ, ngâm chân bằng ngải cứu có thể giúp khí huyết lưu thông tốt hơn.
Cải thiện tuần hoàn máu không chỉ giúp tăng cường sức khỏe cho đôi chân mà còn có tác dụng tích cực đến sức khỏe tim mạch, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do máu lưu thông kém.
1.2. Giảm đau nhức và mệt mỏi
Ngải cứu chứa các thành phần chống viêm và giảm đau, như flavonoid và tinh dầu, có khả năng làm giảm cảm giác đau và giảm viêm. Khi ngâm chân, các tinh chất này sẽ thẩm thấu qua da, giúp thư giãn các cơ và giảm đau tại các khớp.
Vì thế, ngâm chân bằng ngải cứu rất phù hợp với những người thường xuyên phải đứng hoặc đi lại nhiều, như nhân viên văn phòng, công nhân, hay vận động viên.
1.3. Cải thiện triệu chứng bệnh xương khớp
Ngải cứu là một loại thảo dược có tính ấm, có khả năng xua tan hàn khí và ẩm ướt trong cơ thể. Việc loại bỏ hàn khí và ẩm ướt giúp cơ thể ấm áp hơn, giảm các triệu chứng như đau mỏi xương khớp, đau lưng, lạnh chân lạnh tay. Bên cạnh đó, do có tính chất chống viêm nên ngâm ngải cứu rất tốt cho những người bị viêm khớp và gout, giúp giảm cảm giác khó chịu và cứng khớp.
1.4. Điều hòa kinh nguyệt
Ngâm chân bằng lá ngải cứu từ lâu đã được xem như một phương pháp dân gian hữu hiệu để chăm sóc sức khỏe phụ nữ. Với tính ấm, khả năng thúc đẩy tuần hoàn máu, ngải cứu có khả năng làm ấm tử cung, từ đó nuôi dưỡng cơ thể cũng như điều hòa kinh nguyệt.
1.5. Cải thiện một số tình trạng da
Các thành phần trong ngải cứu có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, giúp làm dịu da bị kích ứng, giảm tình trạng ngứa ngáy và đỏ da. Bên cạnh đó, ngải cứu có khả năng tiêu diệt các loại nấm và vi khuẩn gây bệnh da chân, đặc biệt là bệnh nấm chân.
1.6. Thư giãn tinh thần
Ngâm chân bằng ngải cứu không chỉ mang lại lợi ích cho cơ thể mà còn giúp thư giãn tinh thần, xoa dịu căng thẳng. Khi ngâm chân, bạn có thể cảm nhận được sự thư thái, từ đó giảm bớt stress trong công việc và cuộc sống.
2. Cách ngâm chân bằng ngải cứu
Chuẩn bị:
- Một nắm lá ngải cứu tươi hoặc khô đã rửa sạch.
- Một nồi 1 lít nước
Thực hiện:
- Cho ngải cứu vào nồi đun sôi, sau 5 phút thì tắt bếp.
- Có thể để nguội dần hoặc pha loãng với nước mát để nhiệt độ nước ngâm chân chỉ còn khoảng 40 độ.
- Hòa thêm một chút muối và ngâm chân thư giãn trong khoảng 20 phút.
3. Nên ngâm chân mấy lần mỗi tuần?
Lưu ý, bạn nên ngâm chân bằng ngải cứu 2-3 lần/tuần là phù hợp. Ngải cứu có tính ấm, nếu ngâm quá nhiều có thể làm khô da chân, gây nứt nẻ. Theo các tài liệu y học cổ truyền, ngâm chân ngải cứu thường xuyên có thể dẫn đến thiếu hỏa, hàn hỏa, khiến khí huyết ở đầu và mặt hao hụt, khí huyết không đủ, có thể gây chóng mặt và thay đổi cảm xúc.
4. Lưu ý khi ngâm chân với ngải cứu
Ngâm chân bằng ngải cứu là một phương pháp dân gian đơn giản nhưng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả, bạn cần lưu ý một số điều sau:
Phụ nữ mang thai: Ngải cứu có tính chất kích thích co bóp tử cung, có thể gây nguy hiểm cho thai kỳ. Do đó, phụ nữ mang thai nên tránh ngâm chân bằng ngải cứu để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt: Mặc dù ngải cứu là vị thuốc có tốt cho tuần hoàn máu và điều hòa kinh nguyệt, nhưng không nên sử dụng trong kỳ kinh, đặc biệt với những người bị rong kinh để tránh kích thích tuần hoàn máu quá mức, dẫn đến chảy máu kinh nguyệt nhiều hoặc tổn thương khí huyết.
Tránh ngâm chân khi đang đói hoặc quá no: Ngâm chân bằng ngải cứu khi đang đói có thể gây ra chóng mặt. Ngoài ra, cũng không nên thực hiện ngay sau bữa ăn vì sẽ khiến máu lưu thông trong hệ tiêu hóa kém, dẫn đến chứng khó tiêu.
Người có cơ địa nóng: Đối với những người có cơ địa nóng, thường xuyên cảm thấy nóng trong người, khô miệng, khát nước, nước tiểu vàng, táo bón thì việc ngâm chân bằng ngải cứu có thể không phù hợp và thậm chí còn gây hại. Trước khi sử dụng bất kỳ phương pháp dân gian nào, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Người có cơ địa âm hư: Trong y học cổ truyền, những người thiếu âm, dẫn đến dương khí (nhiệt) quá vượng. Người bị âm hư thường có các triệu chứng như mất ngủ, lòng bàn tay chân và hai bên má nóng, ra mồ hôi trộm khi ngủ, mỏi chân, mỏi gối thì không nên ngâm chân với nước ngải cứu vì có thể khiến cho tình trạng thiếu âm càng trở nên trầm trọng hơn.
Dị ứng với ngải cứu: Những người bị dị ứng với ngải cứu hoặc bản thân có cơ địa dị ứng nên tránh dùng ngải cứu để ngâm chân để tránh bị dị ứng dẫn đến phát ban, ngứa da,…
Người có bệnh lý đặc biệt: Những người mắc các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp, hoặc bệnh tim mạch cần thận trọng khi ngâm chân. Nước nóng có thể làm tăng lưu lượng máu và gây ra các biến chứng không mong muốn. Vì có tác dụng thúc đẩy sự lưu thông máu nên nếu gặp phải một số triệu chứng như đánh trống ngực, tức ngực,… thì bạn cần dừng việc ngâm chân này lại ngay.
Bệnh tĩnh mạch chân: Thực tế, người bị bệnh giãn tĩnh mạch chân không kiêng ngải cứu, mà là kiêng với hình thức ngâm chân nước nóng nói chung. Việc ngâm chân quá nóng và quá lâu có thể làm giãn mạch máu quá mức, gây tăng áp lực lên các van tĩnh mạch và làm tình trạng suy giãn trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, những người bị giãn tĩnh mạch chân nên tránh tiếp xúc với các yếu tố liên quan tới nhiệt nóng nói chung ví dụ: tắm nước nóng, ngâm chân nước nóng, xông hơi, ra ngoài trời nắng thường xuyên mà không che chắn…. Thay vì vậy, tắm hoặc rửa chân với nước mát là cách hay giúp làm dịu các tĩnh mạch, giảm sưng và đau nhức.
Đọc chi tiết hơn: Các lưu ý về ngâm chân với người bị suy giãn tĩnh mạch