Người xưa vẫn quan niệm rằng: “Đàn ông rung chân thì nghèo, đàn bà rung chân thì hèn”. Đây là lý do khiến thói quen này có phần bị người dân Việt “kỳ thị”. Vậy, thói quen ngồi rung chân có thật sự thể hiện cho vận mệnh của một người hay biểu hiện cho vấn đề sức khỏe? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Mục lục
1. Góc nhìn nhân tướng học về thói quen ngồi rung chân
Các bậc thầy nhân tướng học vẫn nói: Tâm sinh tướng, tức nhìn tướng mạo có thể phần nào đoán biết được tâm tính và từ tâm tính có thể luận được vận mệnh tương lai. Thói quen rung chân cũng là một đặc điểm được dùng khi xem tướng một người, vậy nên mới có câu “cây rung lá rụng, người rung phúc bạc”.
Trong thuật phong thuỷ, con người được ví như một cái cây, trong đó phần chân được ví như gốc cây. Cây yên thì gốc mới vững, phát triển xanh tốt. Ngược lại cây bị rung lắc thường xuyên thì phần gốc cũng lỏng lẻo, dễ đổ ngã và khó khăn trong việc hấp thu dinh dưỡng để phát triển. Vì thế, những cây này thường khó phát triển xanh tốt mà dễ khô héo, lụi tàn.
Tương tự như vậy, một người ngồi rung chân được cho rằng dễ bị “rụng” mất phúc khí do tính khí không ổn định, tùy tiện và thiếu sự kiên định. Ngoài ra, quan niệm nho giáo cũng cho rằng hành vi rung chân là thiếu lễ độ, thường gặp ở những người không được chỉ bảo đàng hoàng. Trong ứng xử, hành vi rung chân thể hiện cho sự thiếu tôn trọng người đối diện.
Vì những đặc điểm trên, người có thói quen rung chân không nhận được sự trọng dụng trong xã hội xưa. Vì lẽ đó, những người này khó có được điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp cũng như khó chọn lựa được mối nhân duyên tốt. Điều này góp phần tạo nên thực tế “đàn ông rung chân thì nghèo, đàn bà rung chân thì hèn” trong xã hội xưa.
2. Y học hiện đại giải thích về thói quen rung chân
Ngày nay, người ta nhận thấy rằng thói quen rung chân xuất hiện cả những người thuộc tầng lớp trí thức. Nhiều người cho biết, họ không nhận thức được mình đang có hành động rung chân cho đến khi được người khác nhắc nhở. Vì vậy, y học hiện đại đã có những lý giải để “minh oan” cho thói quen rung chân trong vô thức.
Theo đó, hành động ngồi rung chân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như:
– Tập trung quá mức: Thói quen rung chân trong vô thức được lý giải là hành động khi con người quá tập trung vào một vấn đề nào đó. Lúc này, các trung khu chịu trách nhiệm kiểm soát chức năng nhận thức và vận động bị chồng chéo nhau dẫn đến kích thích hoạt động rung chân. Ngoài ra, hành động rung chân khi đối diện với một vấn đề khó nghĩ cũng là cách hệ thần kinh giải phóng năng lượng giúp tăng khả năng giải quyết vấn đề.
– Do tâm lý stress: Hành vi rung chân giúp giải toả tâm lý bồn chồn, chán nản ở những người có tính cách hiếu động, thích hoạt náo. Hành động này được cho là có khả năng bù đắp lại những kích thích cho cơ thể khi môi trường xung quanh “quá nhàm chán” so với tính cách của một người.
– Sử dụng chất tăng lực: Việc sử dụng các sản phẩm chứa các chất kích thích như: nicotine, caffeine,… thường xuyên có thể khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái kích động, lo lắng và hồi hộp. Chính vì vậy, người này thường dễ phát sinh hành động rung chân khi ngồi yên một chỗ.
– Tổn thương tiềm ẩn: Một số tổn thương tiềm ẩn ở não, tổn thương thần kinh, bệnh cường giáp hay rối loạn tuyến giáp có thể được thể hiện ra ngoài thông qua triệu chứng rung chân khi ngồi. Bệnh lý điển hình của tình trạng này là Parkinson hay đa xơ cứng.
– Hội chứng chân không yên: Bệnh lý này khiến chân luôn có cảm giác không yên, muốn của động, rung lắc liên tục. Người mắc hội chứng chân không yên thường rung chân trong vô thức và cảm nhận rõ ràng triệu chứng hơn khi chuẩn bị đi ngủ.
Đọc thêm: Cách chẩn đoán chứng chân không yên
– Tự kỷ, tăng động giảm chú ý: Người bị tăng động giảm chú ý có xu hướng muốn di chuyển liên tục. Do đó, khi ngồi yên họ thường rung chân để giảm áp lực tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân tự kỷ thường thực hiện lặp đi lặp lại các hành động, trong đó có thói quen rung chân.
3. Cách khắc phục thói quen rung chân khi ngồi
Để khắc phục thói quen ngồi rung chân không khó. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ vấn đề mình đang gặp phải là gì. Dưới đây là một số phương pháp giúp cải thiện tình trạng rung chân khi ngồi:
– Rung chân do căng thẳng: Bạn có thể thực hiện thay đổi tư thế: ngồi bắt chéo chân hoặc gập hai chân ở vị trí mắt cá. Bên cạnh đó cần giữ tâm lý bình tĩnh, giữ nhịp thở chậm và đều đặn để điều chỉnh tâm lý tốt hơn. Bạn cũng có thể nhai kẹo cao su hoặc dùng đồ chơi nhỏ trong tay để giải toả tâm lý buồn chán.
– Rung chân trong hội chứng chân không yên: Hãy tăng cường các bài tập thể chất như: yoga, đi bộ, chạy bộ, ngồi thiền,… để cải thiện cảm giác bồn chồn ở chân. Trường hợp nặng, bạn có thể sử dụng các thuốc dopaminergic, thuốc chống động kinh và thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh.
– Rung chân do tự kỷ, tăng động giảm chú ý: Trường hợp này, người bệnh cần được can thiệp trị liệu tại những cơ sở trị liệu chuyên khoa để giải quyết các vấn đề tâm lý. Lúc này, thói quen rung chân khi ngồi có thể được khắc phục thông qua việc sử dụng thuốc hay các biện pháp tâm lý trị liệu.
Cho đến nay, chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh thói quen rung chân thể hiện vận mệnh của một người. Trong khi đó, rất nhiều vấn đề sức khỏe đã được tìm thấy ở những người có thói quen này. Vì vậy, nếu thường xuyên phát sinh hành động rung chân một cách mất kiểm soát, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sớm phát hiện các vấn đề về sức khoẻ nếu có.
4. Các tư thế ngồi khác cần tránh
Bỏ qua vấn đề về nhân tướng học hay yếu tố thẩm mỹ, một số tư thế ngồi có thể tác động lên các cơ quan, bộ phận gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Dưới đây là một số tư thế ngồi không tốt cần tránh:
- Ngồi cúi đầu: Thường gặp ở những người thường xuyên làm việc với máy tính. Tư thế đầu cúi gập trong thời gian dài có thể tạo trọng lượng kéo gập đốt sống cổ, tăng nguy cơ đau mỏi cổ vai gáy.
- Ngồi bắt chéo chân: Tư thế này khiến một bên hông lệch lên, gây căng thẳng cho cột sống dẫn đến đau mỏi thắt lưng. Ngoài ra, tư thế này cũng cản trở tuần hoàn tĩnh mạch về tim, tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
- Ngồi ngả người ra sau, tay chống đất: Khiến xương chậu bị kéo về sau, làm mất độ cong tự nhiên của cột sống. Tư thế này khiến bạn dễ bị đau lưng, nhức mỏi tay, cổ vai gáy.
- Ngồi quá thấp: Ngồi ở ghế quá thấp khiến khung xương chậu bị thu về phía sau, làm cột sống bị cong. Vì vậy, bạn nên điều chỉnh chiều cao ghế phù hợp với chiều cao cơ thể khi ngồi.
- Ngồi quá cao: Chân không chạm đất khiến trọng tâm cơ thể dễ bị lệch, khung xương chậu bị nghiêng ra phía sau làm căng cơ vùng hông, lưng và gây đau.
Có thể bạn muốn biết: Tư thế ngồi nào phù hợp cho mẹ bầu?
Ngồi rung chân được cho là thói quen không tốt dù xét theo phương diện phong thuỷ hay sức khỏe. Vì vậy, nếu bạn đang có thói quen này, hãy tìm cách khắc phục ngay từ hôm nay. Với những trường hợp rung chân bất thường, khó kiểm soát, bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám và được bác sĩ tư vấn biện pháp phù hợp.