Thuyên tắc phổi là một biến chứng nghiêm trọng của suy giãn tĩnh mạch chân. Khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu của chân di chuyển lên phổi, nó sẽ gây tắc nghẽn mạch máu phổi, dẫn đến khó thở, đau ngực và thậm chí tử vong.
Mục lục
- 1. Thuyên tắc phổi là gì?
- 2. Tỷ lệ bệnh nhân bị thuyên tắc phổi do suy giãn tĩnh mạch
- 3. Tại sao bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân có nguy cơ bị thuyên tắc phổi?
- 4. Những ai có nguy cơ cao nhất?
- 5. Triệu chứng của thuyên tắc phổi
- 6. Cách phòng ngừa nguy cơ thuyên tắc phổi ởi bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân
- 6. Cấp cứu điều trị bệnh nhân thuyên tắc phổi như thế nào?
1. Thuyên tắc phổi là gì?
Trong trường hợp bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch chân, tình trạng ứ trệ máu ở tĩnh mạch chân có thể tạo điều kiện cho các cục máu đông hình thành. Những cục máu này có nguy cơ di chuyển qua hệ tuần hoàn và gây thuyên tắc phổi. Bệnh nhân có thể gặp các vấn đề nguy hiểm như là:
- Suy hô hấp cấp tính: Thiếu oxy khiến phổi không thể cung cấp đủ dưỡng khí cho cơ thể, gây khó thở, nguy hiểm đến tính mạng.
- Suy tim phải: Tim phải làm việc quá sức để bơm máu qua động mạch phổi bị tắc, dẫn đến suy tim.
- Nhồi máu phổi: Một phần mô phổi bị hoại tử do thiếu máu, gây đau ngực và ảnh hưởng lâu dài đến chức năng hô hấp.
- Sốc tuần hoàn: Huyết áp giảm đột ngột, nguy cơ tử vong nếu không can thiệp kịp thời.
- Tử vong đột ngột: Trong trường hợp nghiêm trọng, thuyên tắc phổi có thể dẫn đến tử vong trong vài phút.
2. Tỷ lệ bệnh nhân bị thuyên tắc phổi do suy giãn tĩnh mạch
Tại Việt Nam, hiện chưa có thống kê chi tiết về tỷ lệ bệnh nhân bị thuyên tắc phổi (PE) liên quan đến suy giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, trên thế giới đã có một số nghiên cứu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tỷ lệ này.
Cụ thể, một nghiên cứu năm 2018 của nhóm chuyên gia thuộc trường đại học Y Trường Canh Đài Loan cho thấy, trong tổng số 212,984 bệnh nhân mắc suy giãn tĩnh mạch, có 793 người bị thuyên tắc phổi. Từ đây cho thấy tỷ lệ bị thuyên tắc phổi là 0.48/1000 người.
Một nghiên cứu tại Ý vào năm 2016 đã chỉ ra tỷ lệ bệnh nhân bị thuyên tắc phổi là 6.9%/trên tổng 2484 bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch.
Ngoài ra, còn có một số nghiên cứu khác đánh giá tỷ lệ bệnh nhân bị thuyên tắc phổi sau khi điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng phẫu thuật, đăng trên tạp chí Phlebolymphology như sau:
- Tỷ lệ mắc bệnh: Trong 25 năm nghiên cứu, có 14 trường hợp thuyên tắc phổi trong tổng số 8639 phẫu thuật, tương ứng với tỷ lệ 0,26% trên mỗi chân đã phẫu thuật.
- Yếu tố nguy cơ: Các phẫu thuật trên tĩnh mạch nhỏ có nguy cơ thuyên tắc cao hơn so với các phẫu thuật khác.
Theo ThS.BS Nguyễn Thu Huyền – Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện 19-8, thuyên tắc động mạch phổi là một trường hợp cấp cứu có liên quan đến nhiều chuyên khoa về cơ chế sinh bệnh cũng như xử trí. Đây là một trong ba nguyên nhân gây tử vong hàng đầu có liên quan đến bệnh lý tim mạch. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời, thuyên tắc động mạch phổi có tỷ lệ tử vong lên tới 30%. Nếu người bệnh được phát hiện, chẩn đoán và điều trị đúng phác đồ có thể làm giảm tỷ lệ tử vong xuống còn 2-8%.
3. Tại sao bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân có nguy cơ bị thuyên tắc phổi?
Ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân, máu không được bơm hiệu quả từ chân về tim, dẫn đến tình trạng ứ đọng máu trong các tĩnh mạch chân. Tình trạng này làm tăng khả năng hình thành cục máu đông, đặc biệt là ở các tĩnh mạch sâu (huyết khối tĩnh mạch sâu – deep vein thrombosis – DVT).
Các cục máu đông hình thành ở chân có thể di chuyển lên các tĩnh mạch lớn và cuối cùng đến phổi qua hệ tuần hoàn. Khi một cục máu đông lớn di chuyển đến động mạch phổi, nó có thể gây thuyên tắc, dẫn đến tình trạng máu không thể lưu thông qua phổi để cung cấp oxy cho cơ thể. Đây là lý do tại sao bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân, đặc biệt là những người đã có biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu, có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi.
4. Những ai có nguy cơ cao nhất?
Không phải tất cả các bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân đều có nguy cơ cao mắc thuyên tắc phổi, nhưng một số nhóm có nguy cơ cao hơn bao gồm:
- Bệnh nhân có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT): Những người đã từng bị DVT có nguy cơ rất cao bị thuyên tắc phổi, vì cục máu đông có thể tái phát và di chuyển đến phổi. Khoảng 30% đến 50% các trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu có thể dẫn đến thuyên tắc phổi nếu không được điều trị.
- Người lớn tuổi: Tuổi tác làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch và huyết khối, do đó nguy cơ thuyên tắc phổi cũng tăng lên.
- Bệnh nhân ít vận động: Những người phải ngồi lâu (ví dụ, sau phẫu thuật, hoặc khi đi du lịch xa) có nguy cơ cao hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch chân.
- Phụ nữ mang thai hoặc mới sinh: Sự thay đổi hormone trong thai kỳ và sau sinh có thể tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Người thừa cân hoặc béo phì: Thừa cân gây áp lực lớn lên tĩnh mạch chân, tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch và hình thành huyết khối.
- Người sử dụng hormone thay thế hoặc thuốc tránh thai: Các hormone trong những loại thuốc này có thể làm tăng khả năng hình thành cục máu đông.
Bệnh nhân thuộc các nhóm trên cần được theo dõi và điều trị cẩn thận để tránh biến chứng thuyên tắc phổi. Việc nhận biết sớm và can thiệp kịp thời có thể giúp ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm này.
5. Triệu chứng của thuyên tắc phổi
Thuyên tắc phổi có thể gây ra nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào kích thước của cục máu đông và mức độ tắc nghẽn trong phổi. Những dấu hiệu ban đầu của thuyên tắc phổi mà bệnh nhân cần lưu ý bao gồm:
- Khó thở đột ngột: Đây là triệu chứng phổ biến nhất. Bệnh nhân có thể cảm thấy khó thở ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
- Đau ngực: Cảm giác đau ngực, đặc biệt khi hít thở sâu, có thể tương tự như cơn đau do nhồi máu cơ tim.
- Ho ra máu: Một số bệnh nhân có thể ho ra máu, dấu hiệu này thường xuất hiện khi thuyên tắc phổi gây tổn thương mạch máu.
- Nhịp tim nhanh: Tim sẽ đập nhanh hơn khi cơ thể cố gắng bù đắp cho lượng oxy thiếu hụt.
- Hoa mắt, chóng mặt: Do thiếu oxy, bệnh nhân có thể cảm thấy chóng mặt hoặc choáng váng.
- Sưng chân: Nếu huyết khối hình thành ở tĩnh mạch chân (DVT), chân có thể bị sưng, đau, và có màu sắc bất thường.
Khi người bệnh bị thuyên tắc phổi, cần được đưa đi bệnh viện ngay lập tức, vì đây là tình trạng khẩn cấp có thể đe dọa tính mạng. Người nhà nên cố gắng giữ cho bệnh nhân bình tĩnh và thoải mái. Nếu bệnh nhân khó thở, hãy giúp họ ngồi thẳng lưng và hít thở sâu trước khi xe cấp cứu tới.
6. Cách phòng ngừa nguy cơ thuyên tắc phổi ởi bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân
Để phòng ngừa nguy cơ bị thuyên tắc phổi (PE) ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chân, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Tăng cường vận động: Tránh ngồi hoặc đứng lâu, thường xuyên di chuyển để máu lưu thông tốt hơn. Đặc biệt, khi phải ngồi lâu (trong công việc, đi du lịch), hãy thực hiện các bài tập cải thiện tuần hoàn máu như như đi bộ, đạp xe, hoặc bơi lội.
- Sử dụng vớ y khoa: Vớ áp lực giúp tăng tuần hoàn máu, giảm nguy cơ hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch chân.
- Điều trị suy giãn tĩnh mạch kịp thời: Thực hiện các phương pháp điều trị như laser, tiêm xơ hoặc phẫu thuật nếu cần thiết để ngăn bệnh trở nặng và tránh biến chứng.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm áp lực lên tĩnh mạch bằng cách kiểm soát cân nặng thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện.
- Uống đủ nước: Giúp máu lưu thông tốt hơn, tránh hình thành cục máu đông.
- Theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định: Nếu có nguy cơ cao hoặc từng bị huyết khối, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống đông máu để phòng ngừa thuyên tắc phổi.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc làm giảm khả năng tuần hoàn máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Việc thực hiện những biện pháp này có thể giúp giảm nguy cơ bị thuyên tắc phổi và duy trì sức khỏe cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch.
6. Cấp cứu điều trị bệnh nhân thuyên tắc phổi như thế nào?
Khi một bệnh nhân bị thuyên tắc phổi và được đưa đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ tiến hành một loạt các biện pháp cấp cứu và điều trị nhằm ngăn chặn tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn và bảo vệ tính mạng cho bệnh nhân.
Mục tiêu của việc điều trị thuyên tắc phổi là:
- Cứu sống bệnh nhân: Ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm như suy tim, sốc, và tử vong.
- Khôi phục chức năng hô hấp: Giúp bệnh nhân hồi phục khả năng hô hấp bình thường.
- Ngăn ngừa tái phát: Giảm nguy cơ tái phát thuyên tắc phổi trong tương lai.
Các biện pháp điều trị thường bao gồm:
- Cung cấp oxy: Bệnh nhân sẽ được cung cấp oxy để cải thiện tình trạng thiếu oxy trong máu.
- Thuốc chống đông: Đây là biện pháp quan trọng nhất để ngăn chặn sự hình thành các cục máu đông mới và làm tan các cục máu đông hiện có. Các loại thuốc chống đông thường được sử dụng bao gồm heparin, warfarin, và các thuốc chống đông đường uống mới hơn. Sau khi điều trị thuyên tắc phổi, bệnh nhân có thể cần sử dụng thuốc chống đông trong một thời gian dài để ngăn ngừa tái phát. Thời gian điều trị có thể từ vài tháng đến nhiều năm, tùy thuộc vào nguyên nhân và nguy cơ tái phát của từng bệnh nhân.
- Tiêu huyết khối: Trong một số trường hợp cấp tính và nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc tiêu huyết khối để làm tan cục máu đông nhanh chóng. Tuy nhiên, phương pháp này cũng đi kèm với một số nguy cơ.
- Hỗ trợ tuần hoàn: Nếu tim hoạt động kém hiệu quả, bệnh nhân có thể cần sử dụng các thuốc hỗ trợ tim mạch hoặc các biện pháp can thiệp khác.
- Theo dõi sát: Bệnh nhân sẽ được theo dõi sát sao các chỉ số sinh tồn như nhịp tim, huyết áp, nồng độ oxy trong máu và các dấu hiệu khác để kịp thời phát hiện và xử lý các biến chứng.
- Điều trị các bệnh lý nền: Nếu nguyên nhân gây thuyên tắc phổi là do một bệnh lý nền khác (như ung thư, tim mạch…), các bệnh lý này cũng cần được điều trị đồng thời.
Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị khác như:
- Phẫu thuật: Trong một số trường hợp hiếm gặp, phẫu thuật có thể được cân nhắc để loại bỏ cục máu đông lớn hoặc sửa chữa các vấn đề về mạch máu.
- Đặt màng lọc tĩnh mạch chủ: Màng lọc này được đặt vào tĩnh mạch chủ để ngăn chặn các cục máu đông di chuyển lên phổi.
Lưu ý: Việc điều trị thuyên tắc phổi cần được thực hiện bởi các bác sĩ có chuyên môn và tại các cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị. Bệnh nhân cần tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Tóm lại, việc điều trị thuyên tắc phổi cần được thực hiện kịp thời và theo dõi cẩn thận để giảm thiểu nguy cơ biến chứng và đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân.