Một trong những vấn đề khó khăn mà mẹ bầu thường gặp không là lựa chọn được tư thế ngồi thoải mái, đặc biệt là giai đoạn cuối của thai kỳ. Nhiều người lo ngại rằng, ngồi không đúng tư thế trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sứckhỏe và sự phát triển của thai nhi. Vậy, tư thế ngồi ảnh hưởng thế nào và bà bầu nên ngồi thế nào là tốt nhất? Bài viết hôm nay sẽ giúp mẹ giải đáp thắc mắc này.
Mục lục
1. Tư thế ngồi ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ của bà bầu?
Ngồi làm việc, nghỉ ngơi hay ăn uống vốn là hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, tư thế ngồi lại có thể tạo ra những tác động khác nhau lên sức khỏe của mẹ bầu trong giai đoạn mang thai. Trong 3 tháng đầu thai kỳ khi cơ thể chưa có nhiều thay đổi, mẹ bầu có thể dễ dàng lựa chọn tư thế ngồi bất kỳ miễn đem lại cảm giác thoải mái.
Từ tam cá nguyệt thứ 2, thai nhi lớn hơn có thể gây chèn ép vào các quan trong cơ thể. Đây cũng là lúc mẹ bầu cần lưu ý điều chỉnh tư thế ngồi để tránh gặp phải những ảnh hưởng tiêu cực như:
Suy giãn tĩnh mạch: Thai nhi to lên gây chèn ép vào hệ thống tĩnh mạch vùng chậu, cản trở tuần hoàn máu từ tĩnh mạch chân về tim. Đây là nguyên nhân khiến mẹ bầu thường bị sưng phù, căng tức, đau nhức ở chân. Ngoài ra, việc ngồi quá lâu cũng làm tăng áp lực lên tĩnh mạch trực tràng hậu môn khiến mẹ bầu dễ bị trĩ trong thai kỳ. Tìm hiểu thêm về: Bệnh suy giãn tĩnh mạch khi mang thai.
Ảnh hưởng tiêu hoá: Mẹ bầu ngồi sai tư thế trong thời gian dài có thể khiến dạ dày bị tăng chèn ép dẫn đến các triệu chứng như: trào ngược, ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu,…. Bên cạnh đó, ngồi quá lâu cũng làm giảm nhu động tiêu hoá, khiến mẹ bầu dễ gặp phải tình trạng táo bón khi mang thai.
Ảnh hưởng đến xương khớp: Ngồi sai tư thế có thể làm tăng áp lực lên cột sống, chèn ép dây thần kinh. Đây là lý do rất nhiều mẹ bầu gặp phải tình trạng đau lưng, đau cổ vai gáy, nghiêm trọng hơn là thoát vị đĩa đệm.
Ảnh hưởng đến tuần hoàn: Ngồi sai tư thế trong thời gian dài làm giảm lưu lượng máu đến các cơ quan bộ phận. Đây là nguyên nhân gây nên hiện tượng: đau mỏi cổ vai gáy, hoa mắt, trí nhớ kém, đau nhức – tê bì tay chân,….
Ảnh hưởng đến thai nhi: Tư thế ngồi sai khi mang thai ảnh hưởng đến tuần hoàn và hô hấp của mẹ. Điều này có thể làm giảm lưu lượng máu và oxy đến để nuôi dưỡng thai. Ngoài ra, một số tư thế ngồi gây chèn ép lên thai nhi còn có thể khiến mẹ dễ gặp phải những cơn gò, đau bụng, doạ sinh non,….
Dễ thấy, tư thế ngồi tạo ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bà mẹ và em bé trong suốt thai kỳ. Chính vì vậy, ngay khi có cảm giác không thoải mái, các mẹ nên chủ động thay đổi tư thế hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ để có được lựa chọn tốt hơn cho sức khoẻ.
2. Tư thế ngồi tốt cho sức khỏe bà bầu
Trên thực tế, mỗi mẹ bầu sẽ có thể trạng, tình trạng sức khỏe cũng như đặc điểm thai kỳ khác nhau. Do đó, không có một tư thể chuẩn mực được áp dụng chung cho tất cả mọi người. Việc lựa chọn một tư thế ngồi tốt cần dựa trên cảm nhận thực tế của mẹ. Chỉ cần mẹ cảm thấy cơ thể, đặc biệt là vùng bụng thoải mái thì đó đều là tư thế phù hợp. Ngoài ra, mẹ cũng cần thay đổi tư thế liên tục để không có cảm giác nhức mỏi, khó chịu.
Điều đáng nói là có một số mẹ bầu luôn có cảm giác đau nhức cổ vai gáy, đau mỏi thắt lưng, tê bì chân tay, khó thở,… dù đã thay đổi nhiều tư thế khác nhau. Lúc này, mẹ có thể chú ý một số vấn đề sau khi ngồi để có được cảm giác dễ chịu hơn:
- Tư thế đầu – cổ: Giữ thẳng tự nhiên, vai thả lỏng khi ngồi, tránh tình trạng cúi về phía trước hoặc ngả về phía sau quá nhiều có thể gây căng thẳng thần kinh và cản trở tuần hoàn máu.
- Tư thế lưng: Ngồi thẳng lưng, sử dụng các loại ghế có đệm tựa hoặc kê thêm gối mỏng phía sau thắt lưng để giảm áp lực của thai nhi lên cột sống.
- Tư thế chân: Hai bàn chân đặt thoải mái trên sàn, cẳng chân vuông góc với mặt đất, phần gối tạo thành góc vuông và không cao quá hông. Hai chân thả lỏng thoải mái, không nên khép hoặc bắt chéo chân khi ngồi.
Ngoài việc điều chỉnh tư thế ngồi của cơ thể, mẹ bầu cũng cần lưu ý một số điều sau đây:
- Khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng hoặc ngược lại, mẹ bầu cần thực hiện từ từ để hệ tuần hoàn và xương khớp có sự điều chỉnh thích nghi.
- Những mẹ bầu to nên dùng đai hoặc tay đỡ bụng trước khi ngồi xuống hoặc khi đứng dậy để giảm ảnh hưởng cho cột sống.
- Khi ngồi làm việc với máy tính, mẹ bầu cần điều chỉnh máy tính ngang tầm mắt, màn hình máy tính hơi chếch lên góc khoảng 30 độ và đảm bảo khoảng cách an toàn với mắt.
- Lựa chọn các loại bàn có chiều cao phù hợp với cơ thể, chọn ghế có thể điều chỉnh độ cao để mẹ có cảm giác thoải mái và thuận tiện nhất khi ngồi.
- Sau khi ngồi khoảng 30 phút đến 1 tiếng, mẹ bầu nên chủ động đứng dậy đi lại hoặc tập một vài động tác đơn giản tại chỗ để tăng tuần hoàn và giảm căng thẳng cho hệ cơ – xương – khớp.
3. Những tư thế không tốt cần tránh khi mang thai
Một số tư thế có thể làm tăng áp lực lên hệ thống xương khớp, cản trở tuần hoàn hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu hoá, hô hấp của mẹ. Để tránh gặp phải những vấn đề này, mẹ bầu nên tránh ngồi ở những tư thế dưới đây:
3.1 Tư thế chùng lưng, thõng vai
Khi ngồi ở tư thế chùng lưng, thõng vai và không có đệm đỡ ở lưng, phần cột sống thắt lưng của mẹ sẽ phải đồng thời chịu áp lực của cơ thể và thai nhi. Tình trạng này có thể khiến mẹ bầu liên tục gặp phải triệu chứng đau, nhức mỏi vùng lưng, đau nhức – tê bì cổ vai gáy.
Thói quen này kết hợp với các yếu tố nguy cơ khác như: bầu đôi, thiếu canxi, bệnh lý trước khi mang thai,… có thể khiến cột sống bị tổn thương và gây ra các bệnh lý như: thoái hoá cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa,….
3.2 Tư thế ngồi nửa mông
Nhiều bà bầu có thói quen ngồi mím nửa mông ở trên ghế khi làm việc. Ở tư thế này, trọng lượng cơ thể mẹ không đặt hoàn toàn trên ghế, khiến ghế dễ bị trượt về phía sau dẫn đến tai nạn bất ngờ.
Ngoài ra, khi ngồi nửa mông, một phần trọng lượng cơ thể sẽ được dồn về chân. Trong khi đó, hai chân hơi gập không phải là trạng thái lý tưởng đến nâng đỡ cơ thể, phần lưng cũng ở trạng thái căng thẳng kéo dài. Vì lý do này, mẹ bầu có thói quen ngồi nửa mông dễ bị đau nhức, tê bì, chuột rút ở chân và đau mỏi lưng.
3.3 Tư thế bắt chéo chân
Ngồi bắt chéo chân giúp chị em phụ nữ dễ dàng tạo được một tư thế thanh lịch trong giao tiếp. Tuy nhiên, tư thế này hoàn toàn không có lợi cho chị em trong thời kỳ mang thai. Bởi lẽ, hai chân bắt chéo vào nhau khiến vùng chậu của chị em bị căng ra, tăng chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch vùng chậu.
Mặt khác, hệ thống tĩnh mạch ở vùng chân cũng chịu áp lực lớn hơn, nhất là chân đặt ở dưới. Những điều này làm cản trở tuần hoàn máu từ tĩnh mạch chân trở về tim dẫn đến tăng nguy cơ phù nề, đau nhức, tê bì chân khi mang thai. Ngoài ra, tư thế ngồi bắt chéo cũng gây căng thẳng khớp háng, khớp gối và các dây thần kinh ở đùi. Vì vậy, mẹ dễ bị đau mỏi gối, đau nhức hông – háng nếu thường xuyên ngồi ở tư thế này.
3.4 Tư thế ngồi xổm
Không phải tất cả mẹ bầu đều gặp khó khăn với tư thế ngồi xổm. Có những người ngồi xổm thường xuyên trong cả thai kỳ nhưng vẫn “chả sao cả”. Tuy nhiên, đây không phải là tư thế lý tưởng khi mang thai, đặc biệt là khi chiếc bụng bầu của mẹ đã phát triển lớn.
Việc ngồi xổm có thể không gây nguy hiểm nhưng sẽ khiến mẹ dễ bị đau lưng, tê chân,hay chuột rút. Đáng ngại hơn, những mẹ có cơ địa đặc biệt như cổ tử cung ngắn, tư thế ngồi xổm làm tăng áp lực lên cổ tử cung, làm tăng nguy cơ sinh non.
Mang thai là hành trình hạnh phúc nhưng cũng đòi hỏi sự nỗ lực và cẩn trọng của các bà mẹ. Hi vọng những chia sẻ về tư thế ngồi cho bà bầu trong bài viết trên đây sẽ giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh và bình an. Nếu có thắc mắc cần tư vấn thêm, mẹ có thể để lại lời nhắn dưới bài viết này để được chuyên gia giải đáp.