Giãn tĩnh mạch là một vấn đề thường gặp ở bà bầu. Theo một nghiên cứu cho biết có 40% phụ nữ đang mang thai gặp phải tình trạng này. Vậy nguyên nhân của giãn tĩnh mạch trong thai kỳ là do đâu? Điều trị và phòng ngừa giãn tĩnh mạch ở phụ nữ mang thai như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch ở bà bầu
Giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị giãn ra, sưng phồng lên. Chúng có thể nằm nông và nổi ngoằn ngoèo dưới da, có màu xanh hoặc tím.
Giãn tĩnh mạch là tình trạng tương đối phổ biến khi mang thai, đặc biệt là trong ba tháng cuối thai kỳ.
Giãn tĩnh mạch thường xuất hiện ở chân của phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể phát triển ở âm hộ hoặc trực tràng. Giãn tĩnh mạch xảy ra ở trực tràng còn được gọi là bệnh trĩ.
1.1. Nguyên nhân
Giãn tĩnh mạch không chỉ xảy ra khi mang thai, nhưng mang thai có thể là nguyên nhân khiến nó xuất hiện, hoặc làm cho tình trạng giãn tĩnh mạch trước đó của bà bầu nếu có trở nên tồi tệ hơn.
Nguyên nhân của tình trạng này có thể được giải thích do các yếu tố sau:
- Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể bà bầu sẽ tăng lên tới 20% trong khi số lượng tĩnh mạch không thay đổi. Điều này làm tăng áp lực trong hệ thống tĩnh mạch, đồng nghĩa với việc hệ thống mạch máu của cơ thể mẹ bầu sẽ phải làm việc nhiều hơn để lưu thông máu.
- Sự gia tăng đột biến của progesteron và các hormone khác trong thai kỳ khiến dây chằng ở xương chậu và các tế bào cơ trơn trong thành tĩnh mạch của mẹ bầu giãn ra. Điều đó khiến hành trình đi lên của máu từ phần dưới cơ thể về tim trở nên khó khăn hơn khi mang thai.
- Khi em bé lớn lên trong thai kỳ, tử cung sẽ to hơn và gây chèn ép lên các tĩnh mạch đưa máu từ chân về tim.
Tất cả những lực này khiến dòng máu khó chống lại trọng lực để di chuyển từ chân về tim, dẫn đến máu bị ứ đọng lại trong tĩnh mạch gây tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch. Tĩnh mạch giãn ra dưới áp lực này lại gây áp lực ngược lên van tĩnh mạch, khiến van hoạt động kém hiệu quả hơn và tĩnh mạch càng giãn ra nhiều hơn. Hậu quả là tình trạng giãn tĩnh mạch xuất hiện hoặc biến chuyển nặng lên (đối với bà bầu đã bị giãn tĩnh mạch trước đó).
1.2. Yếu tố nguy cơ
Nguy cơ bị giãn tĩnh mạch khi mang thai sẽ tăng lên nếu bạn có các yếu tố nguy cơ dưới đây:
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn hàng ngày chứa quá nhiều muối hoặc không đủ chất xơ hoặc nước có thể khiến cơ thể bạn giữ nước và tăng nguy cơ bị giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ.
- Di truyền: Bạn có nhiều khả năng bị giãn tĩnh mạch khi mang thai nếu mẹ hoặc bà của bạn cũng mắc bệnh này.
- Cân nặng: Nguy cơ giãn tĩnh mạch sẽ cao hơn nếu bạn thừa cân. (Đọc chi tiết bài viết: Tại sao béo phì làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch?)
2. Triệu chứng giãn tĩnh mạch ở bà bầu
Giãn tĩnh mạch biểu hiện bằng những mạch máu sưng gồ lên, ngoằn ngoèo và chằng chịt dưới da với màu xanh hoặc tím, thường xuất hiện ở vùng da mặt trong của chân, mặt sau bắp chân, âm hộ hoặc ở những nơi khác.
Bên cạnh đó, giãn tĩnh mạch còn gây ra một số triệu chứng khác mà mẹ bầu có thể gặp phải như:
- Cảm giác nặng nề ở chân.
- Ngứa quanh tĩnh mạch.
- Chuột rút ở chân, kiến bò ở chân, bồn chồn chân tay.
- Đau, nhức, nhói hoặc đau ở chân dưới.
- Sưng ( phù ) ở chân và mắt cá chân.
3. Giãn tĩnh mạch ở bà bầu có nguy hiểm không?
Giãn tĩnh mạch có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như sưng đau, ngứa, nhức mỏi và ảnh hưởng đến thẩm mỹ, làm suy giảm chất lượng cuộc sống của mẹ bầu. Tuy nhiên, giãn tĩnh mạch trong đa số trường hợp thường không gây hại và không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Chúng thường sẽ thuyên giảm mà không cần điều trị sau khi sinh khoảng 3 – 4 tháng.
Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhỏ phụ nữ có thai bị giãn tĩnh mạch có thể dẫn đến các cục máu đông nhỏ gần bề mặt da (huyết khối tĩnh mạch nông) và trong một vài trường hợp, tình trạng này có thể tiến triển nặng hơn thành huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT).
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là một tình trạng nghiêm trọng hơn trong đó cục máu đông phát triển ở các tĩnh mạch sâu, gây đau đớn, gây sốt, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt thường ngày. Thậm chí, các cục máu đông này có thể di chuyển đến phổi gây thuyên tắc động mạch phổi và đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Chính vì vậy, mẹ bầu không nên chủ quan khi bị giãn tĩnh mạch trong thai kỳ. Huyết khối tĩnh mạch nông khi phát triển có thể khiến tĩnh mạch có cảm giác cứng và giống như dây thừng. Đồng thời, khu vực xung quanh có thể trở nên đỏ, nóng, mềm và đau. Do đó, nếu bạn nhận thấy rằng mình có thể đang có một trong những cục máu đông này, bạn hãy đến các cơ sở y tế thăm khám sớm nhất có thể để tránh chúng tiến triển nặng và gây ra những biến chứng nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay nếu có một trong những dấu hiệu dưới đây:
- Một trong hai chân bị sưng tấy nghiêm trọng.
- Bị loét ở chân.
- Vùng da gần tĩnh mạch thay đổi màu sắc.
4. Giãn tĩnh mạch ở bà bầu được điều trị như thế nào?
Chứng giãn tĩnh mạch ở bà bầu thường vô hại và sẽ thuyên giảm sau khi sinh con. Vì vậy, việc điều trị giãn tĩnh mạch ở bà bầu chủ yếu hướng đến việc cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ mang thai, giảm các triệu chứng đau nhức khó chịu cũng như cảm giác lo lắng do tình trạng giãn tĩnh mạch mang lại cho mẹ bầu.
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học hay phẫu thuật, chích xơ tĩnh mạch, diện chẩn để loại bỏ tình trạng giãn tĩnh mạch thường không được khuyến khích trong thai kỳ.
5. Thay đổi lối sống để cải thiện triệu chứng và phòng ngừa bệnh hiệu quả
Để giúp giảm các triệu chứng giãn tĩnh mạch trong thai kỳ và ngăn chúng trở nên trầm trọng hơn, bạn có thể áp dụng thực hiện các biện pháp dưới đây:
- Chườm túi lạnh vào vùng tĩnh mạch bị đau.
- Tránh đứng hoặc ngồi một chỗ trong thời gian dài để giúp máu lưu thông. (Xem thêm: Tác hại khi đứng lâu có thể bạn chưa biết)
- Tập thể dục thường xuyên. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện để đảm bảo các bài tập thể dục của bạn an toàn trong thời kỳ mang thai.
- Hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống của bạn, chúng có thể gây phù.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và điều độ cho mẹ bầu để tăng cường sức khỏe tĩnh mạch. Mẹ bầu nên bổ sung nhiều vitamin C vào chế độ dinh dưỡng giúp tăng độ bền thành mạch đồng thời tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
- Thường xuyên nâng cao chân lên để giúp máu lưu thông về tim tốt hơn.
- Hạn chế đi giày cao gót hay mặc quần áo chật.
- Ngủ nghiêng về bên trái để giảm áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới. Đây là tĩnh mạch lớn mang máu từ chân trở về tim. Bà bầu có thể kết hợp sử dụng gối kê chân cho người bị giãn tĩnh mạch trong khi ngủ.
- Sử dụng vớ giãn tĩnh mạch để ngăn máu tụ lại ở chân.
Bên cạnh đó, mẹ bầu cần chú ý thường xuyên theo dõi, quan sát đôi chân và lắng nghe những dấu hiệu của cơ thể mình, dù là nhỏ nhất. Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu của suy giãn tĩnh mạch dưới đây, mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán bệnh sớm và được bác sĩ tư vấn phác đồ và hướng điều trị phù hợp nhất:
- Chân nổi những đường gân ngoằn ngoèo màu xanh, đỏ hoặc tím
- Chân hay bị mỏi, nặng nề, ngứa châm chích, bứt rứt, khó chịu
- Có cục máu đông (huyết khối) ở bề mặt da.
- Chân bị đau, sưng phù, nhiễm trùng ở khu vực nổi gân xanh.
Mặc dù chứng giãn tĩnh mạch ở bà bầu hiếm khi gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất nhưng chúng vẫn gây ảnh hưởng không tốt đến thẩm mỹ và giảm chất lượng cuộc sống, đôi khi có thể tiến triển thành những biến chứng nặng nề hơn. Vì vậy, các mẹ bầu tuyệt đối không được chủ quan với tình trạng này và cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa tốt để ngăn chúng xảy ra ngay từ đầu để chuẩn bị sức khỏe và tinh thần tốt nhất để đón nhận một niềm vui mới sắp tới.