Ngồi sai tư thế là một trong những yếu tố khiến bệnh trĩ trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này không chỉ gây khó chịu, làm giảm chất lượng sống của người bị trĩ mà còn làm tăng nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Vậy, người bị bệnh trĩ nên ngồi như thế nào mới tốt? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Mục lục
1. Tư thế ngồi ảnh hưởng đến bệnh trĩ thế nào?
Bệnh trĩ (hay lòi dom) là bệnh lý xảy ra khi hệ thống tĩnh mạch trực tràng – hậu môn bị suy giãn và sưng lồi lên bề mặt niêm mạc trực tràng hoặc da quanh hậu môn. Các búi trĩ có thể khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Đọc thêm: Các biến chứng nguy hiểm của bệnh trĩ
Bệnh trĩ xuất hiện phổ biến hơn ở những người làm công việc ngồi nhiều như: nhân viên văn phòng, công nhân, lái xe,… Điều này được lý giải là do tư thế ngồi nhiều, ít vận động trong thời gian dài làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở trực tràng, hậu môn. Lâu dần, hệ thống tĩnh mạch này bị suy yếu và dễ bị giãn rộng, sưng phồng khi gặp các vấn đề về tiêu hoá.
Ở bệnh nhân bị trĩ, việc ngồi quá lâu hay ngồi sai tư thế có gây ra hàng loạt những ảnh hưởng tiêu cực như:
Cản trở máu lưu thông: Ở tư thế ngồi, toàn bộ trọng lượng của cơ thể sẽ dồn lên vùng thắt lưng – hông. Bên cạnh đó, hai chân bất động trong thời gian dài khiến áp suất thuỷ tĩnh trong hệ thống tĩnh mạch chân gần như không thay đổi. Những yếu tố này gây cản trở tuần hoàn máu các tĩnh mạch như: tĩnh mạch trực tràng – hậu môn, tĩnh mạch chân trở về tim. Hệ quả là máu ứ đọng trong lòng tĩnh mạch, tăng áp lực và khiến tĩnh mạch bị suy yếu.
Cản trở tiêu hoá: Tư thế ngồi sai, ngồi quá lâu làm tăng áp lực lên khoang bụng, ảnh hưởng đến nhu động co bóp tiêu hoá của dạ dày – ruột. Đây là lý do khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác đầy bụng, khó tiêu, dễ trào ngược, táo bón,….
Tăng căng thẳng: Tư thế ngồi sai làm tăng nặng các triệu chứng của bệnh trĩ, khiến người bệnh mệt mỏi. Ngoài ra, quá trình điều trị tốn nhiều thời gian và chi phí cũng khiến nhiều người rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, bức bối hay thậm chí là trầm cảm.
Tăng nguy cơ biến chứng: Do phải chịu áp lực lớn liên tục trong thời gian dài, các búi trĩ có xu hướng phát triển nhanh hơn. Điều này làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như: giãn vỡ búi trĩ, nhiễm khuẩn búi trĩ, hoại tử búi trĩ,….
Các vấn đề sức khỏe khác: Thường xuyên ngồi lâu, ngồi sai tư thế khiến bệnh trĩ không được kiểm soát tốt. Điều này khiến người bệnh dễ phải đối diện với các vấn đề sức khỏe liên quan như: rối loạn chức năng hậu môn, đại tiện mất kiểm soát, nhiễm khuẩn sinh dục, thiếu máu mạn tính,…
Hỏi đáp: Bệnh trĩ có lây không?
2. Người bị bệnh trĩ nên ngồi thế nào là tốt nhất?
Hầu hết bệnh nhân trĩ đều biết rằng: Ngồi nhiều không tốt cho sức khỏe. Nhưng vì đặc thù công việc, rất nhiều người vẫn phải chấp nhận đánh đổi sức khỏe của mình. Vậy, làm thế nào để giảm bớt ảnh hưởng của việc ngồi nhiều đến bệnh trĩ? Dưới đây là một số hướng dẫn về cách ngồi đúng cho bạn nếu chẳng may mắc phải bệnh lý này.
2.1 Tư thế ngồi khi đại tiện
Tư thế ngồi tốt nhất cho người bị bệnh trĩ khi đại tiện là ngồi xổm. Ở tư thế này, cơ thể dễ dàng tạo lực để tống phân ra khỏi đường tiêu hoá, giảm bớt áp lực lên hệ thống tĩnh mạch trực tràng – hậu môn khi rặn. Nhờ đó, bạn có thể giảm được tối đa tác động đến các búi trĩ đang phát triển.
Tuy nhiên, đa số bồn cầu hiện nay đều là bồn cầu bệt nên tư thế ngồi xổm sẽ không phù hợp và an toàn. Lúc này, bạn cần điều chỉnh để tạo ra dáng ngồi tương tự ngồi xổm bằng cách:
- Kê một ghế thấp ở dưới hai chân khi đi đại tiện.
- Điều chỉnh để thân người hơi đổ về phía trước.
- Đầu gối chạm ngực, phần đùi tạo với cơ thể dáng tương tự như chữ V.
Tư thế ngồi đại tiện này giúp tống phân ra ngoài dễ dàng hơn, giảm áp lực cho hậu môn, từ đó hạn chế tác động lên búi trĩ. Bên cạnh việc điều chỉnh tư thế, bệnh nhân bị trĩ cũng cần lưu ý một số vấn đề khác trong quá trình đại tiện như:
- Hạn chế đọc sách báo hay dùng điện thoại khi đi đại tiện vì làm tăng thời gian ngồi.
- Không nhịn khi cơ thể có dấu hiệu buồn đi đại tiện vì làm tăng nguy cơ táo bón.
- Vệ sinh hậu môn từ trước ra phía sau, nên sử dụng vòi xịt có lực nước vừa phải để làm sạch hậu môn, tránh tổn thương búi trĩ và hạn chế nguy cơ nhiễm trùng ngược.
Hỏi đáp: Ngồi lâu bị tê chân phải làm sao?
2.2 Tư thế ngồi khi làm việc
Với những người làm công việc cần ngồi nhiều như: công nhân, nhân viên văn phòng, lái xe,… thì thời gian ngồi có thể lên từ 8 – 12 tiếng/ ngày. Vì vậy, việc điều chỉnh tư thế ngồi với những đối tượng này là vô cùng cần thiết nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến bệnh trĩ.
Tư thế ngồi đúng khi làm việc cho bệnh nhân bị trĩ như sau:
Tư thế chân: Điều chỉnh để hai bàn chân đặt thoải mái trên mặt sàn, cẳng chân tạo với sàn góc vuông 90 độ. Hai đầu gối cao ngang hoặc thấp hơn hông để giảm áp lực cho vùng hông mông lên mặt ghế. Chú ý: Không ngồi co chân lên ghế hoặc bắt chéo chân khi ngồi.
Tư thế vùng cột sống: Giữ lưng thẳng theo đường cong sinh lý của cột sống, có thể đưa cổ ra sau một chút, mở ngực tự nhiên, thả lỏng vai. Có thể dùng thêm gối đỡ lưng để giảm áp lực cho cột sống, từ đó giảm nhẹ triệu chứng đau mỏi lưng, cổ, vai, gáy.
Tư thế tay: Hai tay để thoải mái trên bàn, cẳng tay và cánh tay tạo thành góc 90 độ. Điều này giúp giảm áp lực cho vùng cổ và vai khi phải làm việc trong thời gian dài. Chú ý: Cổ tay duỗi thẳng và đặt cao hơn mặt bàn, tránh uốn cong cổ tay làm tăng hội chứng ống cổ tay.
Tư thế mắt: Với những người làm việc cùng máy tính, cần đảm bảo khoảng cách giữa mắt và màn hình là 50cm. Điều chỉnh độ sáng màn hình, độ tương phản và kích thước phông chữ phù hợp với mắt.
Bên cạnh điều chỉnh tư thế, người bệnh nên lựa chọn những loại ghế có đệm hoặc sử dụng một chiếc gối mềm để kê mông. Điều này giúp giảm cảm giác đau rát hậu môn sau khi ngồi. Cùng với đó, bạn cần điều chỉnh chiều cao giữa bàn và ghế để có tư thế ngồi thoải mái nhất.
3. Một số lưu ý khác cho người bị bệnh trĩ
Ngồi đúng cách kết hợp với thói quen sinh hoạt khoa học giúp cải thiện tốt sức khỏe, giảm biến chứng và tăng cường hiệu quả cho các biện pháp điều trị bệnh trĩ. Dưới đây là một số lưu ý khác cho người bị bệnh trĩ:
Tăng cường vận động: Người bị bệnh trĩ nên dành tối thiểu 30 phút/ ngày cho việc tập luyện thể dục. Bạn cũng nên đứng dậy đi lại hoặc tập các động tác tại chỗ sau khoảng 1 tiếng ngồi làm. Điều này giúp cải thiện tuần hoàn máu và chức năng tiêu hoá.
Ăn uống khoa học: Người bệnh trĩ cần tăng cường các loại rau củ quả nhằm cung cấp chất xơ và bổ sung đủ nước vào chế độ ăn của mình. Hàm lượng chất xơ khuyến cáo là 25 – 30g/ ngày và uống từ 1.5 – 2.0 lít nước/ ngày. Bên cạnh đó, cần hạn chế các loại thức ăn cay, nóng, nhiều dầu mỡ, đồ uống có cồn, thực phẩm chứa caffeine,…
Tránh căng thẳng: Căng thẳng quá mức có thể khiến bạn dễ bị táo bón, làm giảm tuần hoàn, từ đó khiến triệu chứng bệnh trĩ nghiêm trọng hơn. Vì vậy, hãy cân đối các vấn đề công việc và cuộc sống để có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý.
Tư thế nằm: Người bị bệnh trĩ nên tránh nằm ngửa vì có thể làm tăng áp lực cho hậu môn. Thay vào đó, bạn nên nằm nghiêng trái, nghiêng phải hoặc nằm sấp để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các búi trĩ.
Tư thế ngồi ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng sức khỏe của người bị bệnh trĩ. Việc ngồi đúng cách không giúp bạn điều trị khỏi bệnh trĩ nhưng có thể giảm nhẹ triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn. Mong rằng, những chia sẻ trong bài viết hôm nay sẽ giúp người bệnh lựa chọn được cách ngồi đúng, từ đó hạn chế tối đa những ảnh hưởng do bệnh gây ra.