Tư thế ngồi lái ô tô đúng là cách đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh khi tham gia giao thông. Điều này còn giúp bạn tránh những vấn đề liên quan đến sức khỏe như: suy giãn tĩnh mạch, tổn thương xương khớp, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa… Hãy cùng DULCIT tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tác hại khi ngồi lái ô tô sai tư thế
1.2. Suy giãn tĩnh mạch
Những người có đặc thù công việc phải ngồi lái ô tô liên tục trong thời gian dài, nếu ngồi không đúng tư thế có thể làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở trực tràng, hậu môn gây bệnh trĩ (hay lòi dom) hoặc lên các tĩnh mạch chân gây suy giãn.
Các búi trĩ có thể khiến người bệnh đau đớn, khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu không có phương án điều trị phù hợp, búi trĩ sẽ phát triển nhanh, vỡ ra, nhiễm khuẩn, thậm chí là hoại tử.
Đọc thêm: Tư thế ngồi phù hợp cho người bị trĩ
Trong khi đó, suy giãn tĩnh mạch chân thường có triệu chứng đau nhức âm ỉ, sưng phù, nóng rát, nặng chân như đeo đá, chuột rút về đêm, tĩnh mạch nổi từng đám khu trú hoặc phồng lên, màu xanh hoặc tím dọc cẳng chân gây mất thẩm mỹ. Nếu điều trị không đúng cách, người bệnh có thể bị huyết khối tĩnh mạch sâu gây tắc mạch phổi đe dọa đến tính mạng.
1.2. Tổn thương xương khớp
Tư thế ngồi lái ô tô không đúng tác động trực tiếp lên cột sống của bạn, đặc biệt là vùng cổ, thắt lưng, đẩy nhanh quá trình thoái hóa, dẫn đến thoát vị đĩa đệm, gai cột sống… Những bệnh lý này thường đi kèm với triệu chứng đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, gây khó khăn trong quá trình di chuyển, vận động.
Ngồi liên tục trong thời gian lái xe đường dài còn tạo áp lực lên xương cụt gây đau nhức, khó chịu kèm căng thẳng, mệt mỏi.
Xem thêm: Làm sao để hết mỏi chân nhanh nhất?
1.3. Ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa
Đường xóc cộng với tư thế ngồi lái ô tô không đúng có thể tạo áp lực lên dạ dày, ảnh hưởng xấu đến quá trình tiêu hóa. Nếu bạn lái xe ngay sau khi ăn no với tư thế không chuẩn sẽ làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày – thực quản.
1.4. Không đảm bảo an toàn khi lái xe
Tư thế ngồi lái xe không đúng có thể là nguyên nhân thu hẹp khả năng quan sát trong quá trình di chuyển cũng như hạn chế phản xạ của chân, tay khi gặp những tình huống bất ngờ. Điều này gây nguy hiểm cho chính bạn, người thân và những người tham gia giao thông khác.
2. Tư thế ngồi lái ô tô đúng và tốt cho sức khỏe
2.1. Tư thế ngồi lái ô tô đúng
Người cầm lái tựa lưng vào thành ghế sao cho vị trí từ lưng, đùi đến mông đều tiếp xúc với mặt ghế. Bạn thực hiện tư thế ngồi đúng ngay từ ban đầu và giữ nguyên trong suốt quá trình điều khiển xe, không thay đổi, uốn người theo địa hình lái. Điều này giúp bảo vệ cột sống của bạn, giảm áp lực và tránh tối đa nguy cơ bị đau nhức xương khớp.
Để thực hiện đúng nguyên tắc trên, bạn cần điều chỉnh các bộ phận xung quanh sao cho phù hợp:
Điều chỉnh khoảng cách ghế ngồi:
Trong trường hợp cơ thể bạn đã áp sát vào mặt ghế mà tay vẫn gặp khó khăn khi điều khiển vô lăng, chân phải rướn về phía trước để đạp chân ga hoặc chân phanh thì bạn cần phải điều chỉnh ghế ngồi. Khoảng cách hợp lý nhất là khi không đạp phanh pedal, đầu gối của bạn tạo một góc khoảng 120 độ.
Nếu chân duỗi thẳng, đầu gối bị khóa cứng, giảm sự linh hoạt với các pedal, đồng thời làm tăng nguy cơ chấn thương khi gặp sự cố bất ngờ. Ngược lại, nếu ngồi quá gần, đầu gối gập vuông góc hoặc một góc khoảng 100 độ gây khó khăn cho quá trình tuần hoàn máu và có thể là nguyên nhân dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
Trước khi lái xe, bạn phải luôn chú ý điều chỉnh cho ghế ngồi phù hợp nhất với bản thân và đạp thử chân phanh nhiều lần để đảm bảo xử lý nhanh, an toàn trong những tình huống bất ngờ.
Điều chỉnh độ nghiêng của ghế:
Điều chỉnh độ nghiêng của ghế cũng vô cùng quan trọng giúp nâng đỡ cột sống tốt hơn và mang lại cảm giác thoải mái trong những chuyến đi dài. Tư thế đúng chuẩn nhất là đặt lưng ghế song song với cột vô lăng, có thể thay đổi trong khoảng 95 đến 110 độ tùy vào cảm nhận của bạn.
Điều chỉnh tựa đầu:
Bạn đừng quên điều chỉnh tựa đầu vì đây là bộ phận quan trọng giúp ngăn ngừa chấn thương vùng cổ và giảm bớt đau lưng. Vị trí của tựa đầu cao hơn mí mắt và giữ khoảng cách so với đầu khoảng 2 – 3 cm là hợp lý nhất.
Điều chỉnh tựa lưng:
Điểm tựa lưng nghiêng một góc khoảng 100 độ là phù hợp trong việc giảm áp lực lên tĩnh mạch và bảo vệ lưng dưới. Nếu khi bạn xoay vô lăng, phần vai không còn áp sát vào ghế tựa thì có nghĩa là chỗ ngồi của bạn đang bị nghiêng quá nhiều. Đây là lúc bạn phải điều chỉnh lại tựa lưng hoặc sử dụng thêm các tấm đệm massage để mang lại cảm giác thoải mái khi phải lái xe đường dài.
2.2. Tư thế cầm vô lăng
Việc cầm vô lăng đúng tư thế và kỹ thuật giúp phản ứng nhanh ở những trường hợp bất ngờ. Khoảng cách giữa tay lái và ngực khoảng 25 – 30 cm là phù hợp nhất. Khi nắm vô lăng, khuỷu tay cong lại thành một góc khoảng 120 độ.
2.3. Tư thế để chân
Hai chân phải luôn trong trạng thái thoải mái để tránh tối đa tình trạng suy giãn tĩnh mạch và phản ứng nhanh hơn trong những trường hợp nguy hiểm.
Chân phải: Chân phải thường để thẳng hàng với bàn đạp phanh ở giữa và luôn giữ gót chân tại vị trí này trong suốt quá trình lái xe. Khi khởi động hoặc trong những trường hợp cần thiết, bạn chỉ cần đẩy mũi chân về phía bàn đạp ga hoặc bàn đạp phanh.
Chân trái: Chân trái thường dùng để điều khiển bàn đạp côn nếu bạn chạy xe hộp số sàn. Trong trường hợp chạy xe hộp số tự động, hộp số tự động vô cấp, hộp số ly hợp kép… chân trái luôn giữ cố định ở một vị trí và không dùng để đạp phanh.
2.4. Điều chỉnh gương chiếu hậu
Người lái xe ô tô điều chỉnh gương chiếu hậu sao cho tầm mắt luôn ở giữa hoặc nửa trên của gương, gương phải nhìn thấy cả đuôi và hông xe. Trong suốt quá trình tham gia giao thông, bạn giữ tầm mắt hướng lên trên và ra xa, không được hướng xuống dưới để quan sát ở góc rộng và kịp thời phát hiện những tình huống bất ngờ.
3. Những lưu ý cần nhớ khi lái xe ô tô
Bên cạnh việc điều chỉnh tư thế ngồi sao cho đúng, bạn cần lưu ý thêm những vấn đề sau khi lái xe ô tô tham gia giao thông:
- Người lái xe và người ngồi trên xe ô tô luôn phải thắt dây an toàn đúng cách: thắt dây vòng qua vai và xuống bụng, không kéo quá căng khiến dây thít chặt gây khó thở, không thoải mái
- Mặc trang phục phù hợp, không đi giày cao gót để tránh gây khó khăn khi điều khiển xe ô tô.
- Đối với những chuyến đường dài, bạn nên dừng xe sau mỗi 2 giờ để cơ thể được nghỉ ngơi, cung cấp năng lượng và tăng sự tập trung hơn. Ngoài ra, bạn có thể đổi lái cho người khác để đảm bảo an toàn hơn trong trường hợp bạn thấy cơ thể đã làm việc quá sức.
- Tập trung tối đa khi lái xe ô tô, hạn chế dùng điện thoại, nói chuyện với người xung quanh.
- Đeo kính râm để ngăn ngừa tình trạng mắt bị chói, lóa do ánh sáng mặt trời gây cản trở tầm nhìn.
Ở bài viết này, bạn đã biết được những ảnh hưởng khi ngồi lái xe ô tô sai tư thế. Việc ngồi đúng tư thế không chỉ giúp bạn tránh tình trạng suy giãn tĩnh mạch và tổn thương xương khớp mà còn đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh khi lái xe, hãy tuân thủ những nguyên tắc về tư thế ngồi lái ô tô và các lưu ý khi lái xe mà Dulcit đã chia sẻ trong bài viết. Nếu như bạn vừa mới trải qua 1 cuộc phẫu thuật điều trị suy giãn tĩnh mạch, có thể bạn muốn đọc thêm bài viết: Khi nào tôi có thể lái xe sau khi phẫu thuật giãn tĩnh mạch?