Chữa bệnh trĩ từ các bài thuốc dân gian là phương pháp đã được người dân Việt áp dụng từ nhiều đời nay. Hầu hết mọi người đều quan niệm rằng sử dụng các cây thuốc quanh mình vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm lại an toàn, ít tác dụng phụ. Nếu bạn cũng đang quan tâm đến những bài thuốc này, vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
Mục lục
1. 9 bài thuốc trị bệnh trĩ theo phương pháp dân gian
1.1. Bài thuốc từ hạt gấc
Nhân hạt gấc trong Đông Y còn gọi là mộc miết tử. Đây là vị thuốc có vị ngọt, tính ấm được sử dụng để thông huyết ứ, tiêu hạch kết và làm lành sưng viêm. Phân tích hiện đại cũng cho thấy, trong hạt gấc có chứa lượng dầu lớn, giúp làm mềm dịu vết thương. Ngoài ra, thành phần tanin trong hạt gấc cùng là săn se vết thương, giúp giảm sưng viêm búi trĩ hiệu quả.
Để dùng hạt gấc trị bệnh trĩ, bạn cần thực hiện như sau:
- Tách lấy phần nhân hạt gấc, đem giã nát.
- Trộn nhân hạt gấc với một ít giấm thanh để được hỗn hợp ướt.
- Cho hỗn hợp vào một miếng vải sạch bọc lại.
- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ rồi đắp bọc trực tiếp bọc thuốc đã được chuẩn bị lên.
Ngoài cách trên, bạn cũng có thể đem hạt gấc nướng chín rồi ngâm cùng rượu trắng. Sau 1 ngày ngâm, bạn dùng bông sạch thấm rượu rồi bôi trực tiếp lên hậu môn. Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày sẽ giúp giảm các triệu chứng khó chịu như: đau rát, ngứa ngáy, sưng tấy do trĩ gây ra.
1.2. Bài thuốc từ lá muống biển
Theo Y học cổ truyền, cây rau muống biển có vị cay hơi đắng, tĩnh ấm, có tác dụng trừ thấp, tiêu viêm, hỗ trợ tiêu hóa nên được sử dụng rộng rãi trong các bài thuốc trị bệnh trĩ. Bên cạnh đó, phân tích thành phần cây rau muống biển chứa tinh dầu và hợp chất alkaloid có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và làm dịu triệu chứng sưng ngứa trong bệnh trĩ rất tốt.
Cách dùng lá muống biển trị bệnh trĩ như sau:
- Lấy một ít lá muống biển, có thể kết hợp với lá dây đau xương, củ sả đem rửa sạch, phơi héo.
- Trộn những lá cây thuốc đã chuẩn bị với một ít vỏ dừa khô trong một chậu nhôm.
- Đốt vỏ dừa khô để hun thành khói, xông trực tiếp vào vùng bị trĩ trong khoảng 10 phút.
- Một tuần nên xông khoảng 2 – 3 lần và chú ý điều chỉnh khoảng cách để tránh bị bỏng.
Ngoài cách xông hơi, bạn cũng có thể dùng 30g rau muống biển hầm cùng 300 – 500g lòng lợn, chia thành 2 bữa, ăn khi còn nóng, sử dụng trong liên tục 10 ngày. Cách này được cho là giúp cải thiện hiệu quả tình trạng búi trĩ bị xuất huyết.
1.3. Bài thuốc từ hoa thiên lý
Hoa thiên lý là thảo dược có vị ngọt, tính bình, có tác dụng giải độc, sát trùng, chống viêm và thúc đẩy quá trình làm lành vết thương. Trong hoa thiên lý có 3% chất xơ và các loại vitamin A, C, B1, B2 giúp làm dịu và nhanh lành tổn thương trong bệnh trĩ.
Trong dân gian, cách dùng hoa thiên lý điều trị bệnh trĩ được thực hiện như sau:
- Lấy khoảng 100g lá thiên lý bánh tẻ rửa sạch rồi vớt ra, để ráo nước.
- Giã nhỏ lá thiên lý cùng 10g muối.
- Thêm vào hỗn hợp khoảng 300ml nước cất, sau đó đem lọc qua vải màn hoặc tấm gạc sạch.
- Vệ sinh hậu môn sạch sẽ với thuốc tím, sau đó dùng bông gòn thấm nước hoa thiên lý rồi băng trực tiếp vào vết trĩ.
- Thực hiện 1 – 2 lần/ ngày để giảm khó chịu trong 3 – 5 ngày. Chú ý, những lần sau chỉ cần rửa hậu môn cùng nước bình thường, không cần vệ sinh với thuốc tím.
Ngoài cách đắp trực tiếp như trên, người bị bệnh trĩ cũng được khuyến khích nên sử dụng các món ăn từ hoa thiên lý để giúp nhuận tràng, giảm áp lực lên cơ hậu môn và các búi tĩnh mạch, làm cường hiệu quả điều trị bệnh trĩ.
1.4. Bài thuốc từ rau diếp cá
Rau diếp cá (còn gọi là ngư tinh thảo) là loại thảo dược quen thuộc, dễ kiếm và được sử dụng rất phổ biến trong điều trị bệnh trĩ. Theo Đông y, rau diếp cá có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán viêm, giảm sưng, nhuận tràng nên rất phù hợp với người bệnh trĩ.
Bên cạnh đó, phân tích thành phần rau diếp cá tìm thấy các chất chống oxy hóa như: quercetin giúp làm bền thành mạch, decanonyl acetaldehyde giúp sát khuẩn, chống viêm, giảm sưng phù hậu môn hiệu quả. Diếp cá cũng là loại rau giàu chất xơ nên giúp nhuận tràng, làm mềm phân, cải thiện tình trạng táo bón rất tốt.
Dân gian dùng rau diếp cá trị bệnh trĩ như sau:
- Lấy khoảng 50g lá rau diếp cá bánh tẻ, rửa sạch, ngâm nước muối rồi vớt ra để ráo.
- Bỏ rau diếp cá vào nồi, sắc cùng khoảng 300ml nước đến khi nước đặc lại.
- Chắt lấy phần nước, chia làm 2 lần, uống khi thuốc còn ấm. Phần bã thu được đem đắp vào búi trĩ.
- Kiên trì thực hiện 7 – 10 ngày.
Ngoài cách dùng rau diếp cá như trên, nhiều người còn lựa chọn cách làm đơn giản hơn là giã nát lá diếp cá vùng muối rồi đắp lên búi trĩ 2 lần/ ngày. Tuy nhiên, cách này có thể khiến người bệnh bị xót nếu hậu môn có tổn thương hở nên cần cân nhắc khi thực hiện.
1.5. Bài thuốc từ cây hoa hòe
Hoa hòe là cây thuốc dân gian đã được chứng minh có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong Đông y, hoa hòe là vị thuốc có vị đắng, tĩnh bình, có tác dụng cầm máu rất tốt. Phân tích thành phần hoa hòe cho thấy, hoạt chất rutin có tác dụng làm bền thành mạch, trong khi đó chất troxerutin có đặc tính vận mạch và oxymatrine giúp giảm sưng liên quan đến các mạch máu suy yếu rất hiệu quả.
Trong dân gian có rất nhiều cách sử dụng hoa hòe trị bệnh trĩ, dưới đây là một số cách phổ biến nhất:
- Cách 1: Dùng 50g hoa hòe tươi hầm cùng 120g thịt nạc, nêm nếm gia vị rồi ăn trong ngày. Cách dùng này phù hợp với trường hợp bị trĩ có đi ngoài ra máu.
- Cách 2: Dùng 60g hoa hòe sắc thật kỹ để lấy nước. Đem nước chia làm 3 phần, 2 phần dùng để uống trong ngày và phần còn lại dùng để ngâm rửa hậu môn. Cách này hiệu quả với búi trĩ sưng đau, đã bị sa ra ngoài.
- Cách 3: Lấy khoảng 50g hoa hòe và 50g hoa kinh giới, sấy khô rồi tán thành bột. Mỗi lần dùng khoảng 5g uống cùng nước cơm hoặc cháo, nên uống 3 lần/ ngày.
Có thể bạn quan tâm: Hoa hòe chữa bệnh suy giãn tĩnh mạch có tốt không?
1.6. Bài thuốc từ cây cỏ mực
Cây cỏ mực (hay còn gọi là nhọ nồi) là cây thuốc quen thuộc ở các vùng quê Việt Nam. Mọi người thường dùng loại cỏ này để cầm máu nhanh trong các vết thương hở. Trong Y học cổ truyền cây cỏ mực có vị ngọt chua, có tác dụng bổ thận, chỉ huyết, lương huyết, thanh can nhiệt, giúp điều trị trĩ xuất huyết, rong kinh, chảy máu cam.
Phân tích thành phần cây cỏ mực chứa các hoạt chất như: saponin, alkaloid, tanin, tinh dầu, vitamin E – A – K,… có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, giúp giảm sưng viêm và tăng cường tính bền thành mạch, rất phù hợp với người bị bệnh trĩ.
Trong dân gian, cây cỏ mực được dùng trị bệnh trĩ như sau:
- Lấy khoảng 200g cây cỏ mực, rửa sạch rồi để ráo nước.
- Đun nóng khoảng 20ml rượu trắng, sau đó cho cỏ mực đã giã nát vào, trộn đều và đun sôi khoảng 3 phút.
- Chắt lấy phần nước uống còn phần bã đắp trực tiếp lên búi trĩ. Thực hiện liên tục 1 – 2 tuần.
1.7. Bài thuốc từ cây cúc tần
Trong Đông y, cây cúc tần là thảo dược có vị cay, tính ấm, có tác dụng tiêu thũng, trừ viêm, sát khuẩn và kích thích tiêu hóa. Ứng dụng phổ biến nhất của cây cúc tần là chữa đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, nhờ hiệu quả kháng viêm, sát khuẩn nên nhiều người cũng sử dụng để điều trị bệnh trĩ.
Cách dùng bài thuốc trị bệnh trĩ từ cây cúc tần như sau:
- Chuẩn bị các nguyên liệu gồm: lá cúc tần, lá lốt, lá sung, lá ngải cứu, mỗi loại 100g và một ít nghệ tươi.
- Đem các nguyên liệu rửa sạch rồi để ráo nước.
- Cho các nguyên liệu vào ấm sắc thuốc hoặc nồi sạch, đun sôi vùng nước.
- Đổ nước thuốc đã sắc ra chậu nhỏ hoặc bô rồi xông hậu môn trong khoảng 15 phút.
- Khi nước nguội, dùng nước này để ngâm rửa hậu môn. Nên thực hiện cách này từ 2 – 3 lần/ tuần.
1.8. Bài thuốc từ cây lược vàng
Các phân tích cho thấy, trong cây lược vàng có hàm lượng Kaempferol dồi dào, có tác dụng kháng viêm, sát khuẩn và tăng tính bền thành mạch. Bên cạnh đó, hoạt chất quercetin được tìm thấy trong thảo dược này giúp chống oxy hóa, bảo vệ thành mạch đồng thời giảm sưng đau búi trĩ, đi ngoài ra máu1.
Có nhiều cách để sử dụng cây lược vàng điều trị bệnh trĩ, điển hình như:
- Cách 1: Dùng 3 lá lược vàng, rửa sạch sau đó cắt nhỏ và giã nát cùng vài hạt muối. Dùng hỗn hợp này đắp trực tiếp lên hậu môn trong khoảng 30 phút. Hoặc bạn cũng có thể đắp để qua đêm.
- Cách 2: Lấy 2 lá lược vàng, rửa sạch rồi xay nhuyễn với khoảng 100 – 200 ml nước đun sôi để nguội, thêm một chút muối ăn. Lọc hỗn hợp qua rây rồi lấy nước uống ngày 1 lần, phần bã đem đắp vào hậu môn.
- Cách 3: Lấy 4 lá lược vàng nhai rửa sạch rồi nhai sống cùng một chút muối trước bữa ăn khoảng 30 phút. Nhả phần bã.
1.9. Bài thuốc từ lá mơ lông
Theo Y học cổ truyền, lá mơ lông có vị ngọt hơi đắng, tĩnh mát, có tác dụng thanh nhiệt, kháng viêm, hoạt huyết và kích thích tiêu hóa. Vì vậy, loại lá này được dùng để trị các bệnh mụn nhọt, tiêu hóa kém, táo bón và bệnh trĩ. Phân tích thành phần lá mơ lông thấy chứa alkaloid và tanin giúp chống viêm, giảm sưng ngứa và góp phần bảo vệ tĩnh mạch.
Cách dùng lá mơ lông trị bệnh trĩ như sau:
- Lấy khoảng 150g lá mơ lông bánh tẻ đi rửa sạch, ngâm cùng nước muối loãng khoảng 20 phút rồi vớt ra, để ráo nước.
- Cho lá mơ vào máy xay sinh tố, thêm 200ml nước và một chút muối rồi xay nhuyễn.
- Đem hỗn hợp lọc lấy phần nước và uống trực tiếp. Nên thực hiện 1 lần/ ngày, liên tục trong vòng 1 tuần.
2. Lưu ý khi điều trị trĩ bằng các bài thuốc dân gian
Các bài thuốc trị bệnh trĩ từ dân gian có ưu điểm là nguyên liệu dễ tìm, chi phí rẻ và tính an toàn tương đối cao. Tuy nhiên, bạn vẫn cần lưu ý một số điều dưới đây trước khi thực hiện:
- Việc sử dụng các thảo dược thường cho hiệu quả chậm, vậy nên bạn cần kiên trì thực hiện để có thể thấy được tác dụng.
- Chưa có nghiên cứu lâm sàng chứng minh hiệu quả của các bài thuốc này, vì vậy bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.
- Tuyệt đối không tự ý dùng các bài thuốc này để thay thế cho các phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định.
- Chỉ nên sử dụng các bài thuốc đắp, rửa, xông khi bệnh trĩ còn nhẹ, chưa có tình trạng sưng viêm.
- Những bài thuốc đắp có thể tăng nguy cơ bội nhiễm vết trĩ, vì vậy, bạn cần đảm bảo chắc chắn nguồn dược liệu sạch và yếu tố vệ sinh trong quá trình chế biến.
- Ngưng áp dụng ngay khi thấy xuất hiện các dấu hiệu khó chịu, bất thường.
Bài thuốc trị bệnh trĩ từ dân gian có thể hiệu quả với người này nhưng không hiệu quả với người khác, phụ thuộc vào yếu tố cơ địa. Vì vậy, những bài thuốc này chỉ nên đứng trong vai trò hỗ trợ, cải thiện triệu chứng và nên được sự đồng ý của bác sĩ trước khi thực hiện. Nói tóm lại, khi thấy các triệu chứng của bệnh trĩ, chúng ta nên thăm khám và điều trị kịp thời theo tư vấn của bác sĩ để tránh các biến chứng nguy hiểm.