Tê chân có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, mang lại cảm giác bức bối, khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Hiện nay, châm cứu trị tê chân được nhiều người tin tưởng và áp dụng. Liệu phương pháp này có thực sự hiệu quả không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
Mục lục
1. Nguyên nhân gây tê chân
Tê chân là tình trạng mất cảm giác một phần hoặc mất cảm giác toàn bộ ở các ngón chân, bàn chân hay cẳng chân. Triệu chứng này thường bắt nguồn từ những nguyên nhân thông thường như nằm ngủ sai tư thế, đứng ngồi quá lâu, lạm dụng rượu bia, cơ thể thiếu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai hoặc mắc các bệnh lý về tĩnh mạch, cột sống cũng là đối tượng chính bị tê chân.
Tìm hiểu thêm: Chân hay bị tê mất cảm giác nguy hiểm không, là bệnh gì?
2. Châm cứu trị tê chân có thực sự hiệu quả?
Châm cứu là phương pháp chữa bệnh tuân thủ theo nguyên lý của y học cổ truyền và mang lại hiệu quả tốt đối với người bị tê chân. Liệu pháp này tác động trực tiếp vào các huyệt đạo, lưu thông khí huyết, đả thông kinh mạch, thúc đẩy khả năng phục hồi của các vị trí bị tổn thương ở chân. Từ đó, các triệu chứng như tê bì, đau nhức, mỏi nặng chân dần thuyên giảm.
Ngoài ra, phương pháp này còn kích thích cơ thể sản sinh các dịch khớp, giúp nuôi dưỡng xương khớp khỏe mạnh hơn. Đặc biệt, châm cứu không mang lại cảm giác đau đớn, điều hòa âm dương trong cơ thể, cân bằng nội tiết tố, cải thiện tâm trạng và chất lượng giấc ngủ.
Hiện nay có hai phương pháp châm cứu được áp dụng phổ biến nhất và mỗi loại lại có những ưu điểm riêng:
Điện châm: Bác sĩ y học cổ truyền sử dụng dòng điện qua kim châm hoặc qua các điện cực nhỏ đặt trên da. Điện châm giúp giãn mạch, tăng tuần hoàn máu, tăng dinh dưỡng chuyển hóa, giảm đau nhức, đẩy lùi triệu chứng tê bì âm ỉ ở vùng chân và bàn chân.
Thủy châm: Chuyên gia sử dụng bơm kim tiêm có thuốc để châm kim qua da. Thuốc thường được dùng cho người bị tê chân là vitamin B12, vitamin B6… Phương pháp này giúp cơ thể hấp thu thuốc trong thời gian ngắn, tác động mạnh tại chỗ mà chỉ cần dùng thuốc với liều lượng nhỏ.
Châm cứu mang lại nhiều hiệu quả trong việc khắc phục tê chân chỉ sau một liệu trình nhưng không điều trị được triệt để nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Vì vậy, bạn không nên coi châm cứu là phương pháp điều trị chính. Tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến tình trạng tê chân, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kết hợp châm cứu với các phương pháp điều trị phù hợp khác.
3. Châm cứu trị tê chân kéo dài bao lâu?
Một liệu trình châm cứu trị tê chân thường không kéo dài lâu, chỉ khoảng 7 – 15 ngày, mỗi ngày châm một lần hoặc cách ngày châm một lần. Sau lần châm cứu đầu tiên, người bệnh nên nghỉ khoảng 1 tuần trước khi bắt đầu một liệu trình mới nếu thực sự cần thiết. Thời gian điều trị có thể kéo dài hơn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng phục hồi của mỗi người.
4. Quy trình châm cứu trị tê chân
Châm cứu trị tê chân thường được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Xác định vị trí huyệt đạo, lựa chọn tư thế phù hợp để bộc lộ rõ vị trí đó và người bệnh cảm thấy thoải mái trong suốt quá trình châm cứu.
- Bước 2: Chuyên gia sát trùng bề mặt da, sau đó bắt đầu thực hiện các thao tác châm kim nhanh gọn, dứt khoát.
- Bước 3: Bác sĩ y học cổ truyền tiến hành vê kim một cách đều đặn, linh hoạt và nhịp nhàng để mang lại hiệu quả tối đa.
- Bước 4: Sau khi hết thời gian lưu kim, bác sĩ sẽ rút kim ra và sát trùng vùng da vừa châm cứu.
Các huyệt đạo thường được tác động khi châm cứu trị tê chân:
Huyệt Hợp cốc: Huyệt Hợp cốc còn được gọi là huyệt Hổ khẩu, nằm ở chỗ lõm giữa ngón chân cái và ngón chân trỏ (xương bàn chân thứ nhất và thứ hai). Đây là huyệt đạo thứ 4 của kinh đại trường, thường được dùng để trị đau đầu, đau cổ vai gáy, tê nhức chân tay…
Huyệt Côn lôn: Huyệt nằm giữa khe gân cơ mác bên ngắn và gân cơ mác bên dài, trước gân ngón ngân và sau đầu dưới của xương chày. Bác sĩ y học cổ truyền thường tác động vào huyệt Côn lôn để chữa sưng đau ở khớp cổ chân, tê nhức chân, đau đầu, đau thắt lưng, cứng cổ gáy…
Huyệt Ủy trung: Huyệt nằm ở điểm chính giữa nếp gấp ngay phần mặt sau của đầu gối. Huyệt Ủy trung là huyệt đạo thứ 40 của kinh bàng quang, có khả năng cải thiện các cơn đau vùng lưng, giảm tê chân, hỗ trợ điều trị đau khớp gối, co rút cơ bắp…
Huyệt Thừa sơn: Vị trí của huyệt là ở cuối bắp chân, tại chỗ lõm giữa khe cơ sinh đôi trong và ngoài. Đây là huyệt thứ 57 của kinh bàng quang, thường được tác động khi điều trị các bệnh ở hậu môn và chi dưới.
Huyệt Giải khê: Huyệt nằm ở chính giữa nếp gấp cổ chân, chỗ lõm giữa gân cơ duỗi chung của các ngón chân và gân cơ duỗi dài của ngón chân cái. Tác động vào huyệt không chỉ giúp cải thiện đau thắt lưng, tê nhức chân mà còn hỗ trợ điều trị các vấn đề về hô hấp do suy thận.
Huyệt Âm lăng tuyền: Huyệt còn được gọi là Âm lăng, Âm chi lăng tuyền, nằm ở mặt trong của chân, phía dưới chỗ nhô cao của đầu gối. Đây là huyệt đạo thứ 9 của đường kinh tỳ, giúp xương khớp linh hoạt, dẻo dai, giảm đau nhức, tê bì chân tay…
Huyệt Dương lăng tuyền: Vị trí của huyệt là ở chỗ lõm phía ngoài ống chân, dưới đầu nhỏ xương mác, khe giữa cơ mác bên dài và cơ duỗi chung các ngón chân. Đây là huyệt thứ 34 của kinh túc thiếu dương đởm, thường được tác động khi trị đau nhức cơ bắp, tê bì chân tay, yếu cơ, chuột rút…
5. Lưu ý khi thực hiện phương pháp châm cứu trị tê chân
Khi quyết định áp dụng châm cứu trị tê chân, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Phương pháp này cần được thực hiện bởi các bác sĩ y học cổ truyền giàu kinh nghiệm và kiến thức, không tự ý thực hiện tại nhà để đảm bảo hiệu quả và tránh việc châm cứu sai vị trí dẫn đến những nguy hiểm khôn lường.
- Châm cứu chỉ phù hợp khi sức khỏe bệnh nhân đã ổn định để hỗ trợ phục hồi tốt hơn, không áp dụng trong các trường hợp cấp cứu khi bị đau nhức do nguyên nhân ngoại khoa.
- Lựa chọn cơ sở châm cứu uy tín, sử dụng các vật dụng đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là kim châm phải đáp ứng quy trình sản xuất tốt và tiêu chuẩn vô trùng, không cong, không rỉ sắt và chỉ được dùng một lần.
- Thực hiện đủ liệu trình châm cứu để cải thiện nhanh tình trạng tê chân và hạn chế tối đa nguy cơ tái phát.
- Song song với việc châm cứu, bạn nên thay đổi thói quen sinh hoạt như: bỏ thuốc lá, luyện tập thể thao thường xuyên, tránh căng thẳng kéo dài… Ngoài ra, bạn nên thiết lập chế độ ăn khoa học bổ sung đủ dinh dưỡng, vitamin, đặc biệt là vitamin B12 từ trứng, cá, thịt đỏ, các sản phẩm từ sữa… giúp hệ thần kinh luôn khỏe mạnh.
Xem thêm:
Phương pháp châm cứu chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Phụ nữ đang mang thai hoặc đang đến kỳ kinh nguyệt.
- Người đang bị viêm nhiễm, lở loét tại các vị trí huyệt đạo cần được châm cứu.
- Người có sức đề kháng kém, cơ thể suy kiệt vì việc châm cứu có thể làm hao tổn khí huyết cơ thể theo quan niệm của y học cổ truyền.
- Người đang mắc một số bệnh nguy hiểm như: hen suyễn, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh tim mạch, rối loạn đông máu.