Rất nhiều người cho rằng, chân hay bị tê chỉ là một triệu chứng nhỏ, không quá đáng ngại. Vậy nên, dù tê chân gây cảm giác khó chịu và tạo thành bất tiện trong đời sống nhưng không ít người vẫn chủ quan, bỏ qua tình trạng này. Chính điều này đã tạo cơ hội cho các bệnh lý gây tê chân tiến triển nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Mục lục
1. Thường xuyên bị tê chân có nguy hiểm ko?
“Tê” là thuật ngữ dùng để mô tả tình trạng giảm cảm giác (mất cảm giác một phần) hoặc mất cảm giác (mất cảm giác hoàn toàn) trên da. Tình trạng này có thể được cảm nhận thông qua 3 phương thức chính gồm: sờ nhẹ, cảm giác đau nhẹ và thay đổi nhiệt độ, cảm giác vị trí tê và rung tại vùng da bị tê. Thông thường, tê chân đi kèm với cảm giác châm chích như kim châm, mất cảm giác ở chi (liệt ngọn chi), kiến bò, giảm cảm giác đau,…
Triệu chứng tê chân không trực tiếp gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu tê chân xuất hiện thường xuyên và kéo dài có thể tạo thành những ảnh hưởng tiêu cực như:
Ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể: Chân bị tê bì liên tục gây khó chịu, khiến người bệnh mệt mỏi, ăn ngủ kém, thậm chí hình thành tâm lý ức chế, dễ nổi nóng, lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể.
Giảm khả năng vận động: Triệu chứng tê khiến chân bị mất lực, giảm hoặc mất cảm giác tiếp xúc, gây khó chịu và khó khăn khi vận động. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống và hiệu quả công việc.
Dễ bị tai nạn: Do người bệnh bị giảm hoặc mất cảm giác ở chân dẫn đến giảm khả năng phán đoán về địa hình cũng như điều chỉnh sử dụng lực phù hợp. Điều này khiến người bệnh dễ bị ngã hay khó làm chủ các hoạt động như: lái xe, đạp xe, tập luyện các bài tập dùng chân nhiều, mang vác vật,…
Yếu cơ: Hệ thống thần kinh chịu trách nhiệm chi phối hoạt động của cơ. Vì vậy, ở những người hay bị tê chân lâu ngày dễ gặp phải tình trạng yếu cơ, giảm sức mạnh của các cơ bắp chân, trường hợp nghiêm trọng có thể bị liệt hoặc teo cơ.
Tăng nguy cơ biến chứng bệnh lý: Tê chân thường xuyên khiến người bệnh bị mất hoặc cảm giác đau trên da. Điều này khiến người bệnh chậm phát hiện các tổn thương nhiễm trùng, hoại tử trên chân do biến chứng của các bệnh lý như đái tháo đường, khiến bệnh tiến triển nghiêm trọng và khó điều trị hơn.
Tê chân có khi chỉ là biểu hiện sinh lý khi ngồi sai tư thế hoặc đứng lâu làm cản trở tuần hoàn máu và chèn ép vào hệ thống thần kinh. Tuy nhiên, nếu tê chân đi kèm cảm giác đau nhức, tê buốt và lan dọc chi, gây khó khăn khi cử động thì rất có thể là dấu hiệu phản ánh cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc mắc các bệnh lý như: suy giãn tĩnh mạch, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, tiểu đường,…
Để biết tê chân là có phải là bệnh lý hay không, người bệnh cần đến các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám cụ thể. Trong nội dung tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích một số bệnh lý thường gặp gây ra chứng tê bì chân, dấu hiệu nhận biết cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh.
2. Hay bị tê chân là dấu hiệu bệnh gì?
Tê chân thường xuyên xuất hiện khi có tổn thương hoặc rối loạn chức năng ở bất kỳ vị trí nào dọc theo đường dẫn truyền từ các thụ thể cảm giác đến não bộ. Nguyên nhân của tình trạng này thường do các vấn đề như: thiếu máu cục bộ, chèn ép dây thần kinh, rối loạn chuyển hóa hay các rối loạn trung gian miễn dịch,…
Dưới đây là một số bệnh lý điển hình gây ra chứng tê bì chân thường xuyên:
2.1 Suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân xảy ra khi hệ thống van và tĩnh mạch bị suy giảm chức năng và giãn rộng ra. Tình trạng này cản trở máu từ tĩnh mạch chân trở về động mạch, gây ứ đọng máu trong lòng mạch và tăng chèn ép lên hệ thống thần kinh chi dưới khiến chân.
Mặt khác, sự ứ đọng máu trong lòng tĩnh mạch cũng cản trở máu nuôi giàu oxy từ động mạch đến chân. Tình trạng này gây ra hiện tượng loạn dưỡng, khiến hệ thần kinh và các tế bào cảm thụ trên da bị tổn thương. Những nguyên nhân này khiến vùng chân người bệnh thường xuyên xuất hiện cảm giác tê rần, nóng ran, châm chích hoặc kiến bò.
Bên cạnh triệu chứng tê bì chân, suy giãn tĩnh mạch chi dưới cũng gây ra các triệu chứng khác như:
- Thường xuyên chuột rút vào ban đêm, đau bắp chân.
- Chân có cảm giác tức nặng, nhức mỏi, phù nề vào cuối ngày,
- Tĩnh mạch nổi ngoằn ngoèo, xanh tím dưới da.
- Chân lở loét
Suy giãn tĩnh mạch được xếp vào nhóm bệnh lý mạch máu ngoại vi nguy hiểm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như: hoại tử chân, giãn vỡ tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến thuyên tắc phổi hay rối loạn nhịp tim nhanh trên thất.
Suy giãn tĩnh mạch chân có thể điều trị bằng các phương pháp như:
- Điều trị bằng thuốc (các loại thuốc hay viên uống bổ sung tăng trương lực tĩnh mạch, thuốc điều trị biến chứng)
- Điều trị bằng laser
- Điều trị bằng chích xơ tĩnh mạch
- Điều trị phẫu thuật
- Điều trị bổ trợ tại nhà (đeo vớ y khoa, vật lý trị liệu, sử dụng thực phẩm bổ sung, thay đổi chế độ ăn uống…)
2.2 Thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm là tình trạng nhân nhầy của đĩa đệm cột sống bị mất tính đàn hồi, biến dạng và thoát ra khỏi vị trí sinh lý bình thường gây chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh. Mặt khác, khi nhân nhầy thoát vị có thể tạo thành những phản ứng gây kích ứng mô dẫn đến viêm khớp và thần kinh.
Khi tình trạng này khiến xảy ra ở vùng cột sống thắt lưng, người bệnh sẽ thường xuyên gặp phải triệu chứng tê bì chân, đặc biệt rõ ràng ở vùng mu bàn chân và vùng mông. Ngoài tê chân, bạn có thể nhận diện thoát vị đĩa đệm thông qua một số triệu chứng dưới đây:
- Cơn đau dữ dội xuất hiện đột ngột hoặc đam âm ỉ, đau buốt lan tỏa ở thắt lưng.
- Đau tăng lên khi người bệnh ưỡn bụng, cúi người, ho, hắt hơi hoặc đại tiện.
- Đau lan theo hình vòng cung ra phía trước ngược, dọc theo khoang liên sườn.
- Yếu chân, khó gấp – duỗi ngón cái.
Thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm như: rối loạn bài tiết, teo cơ chi, hội chứng khập khễnh cách hồi, yếu cơ, thậm chí là bại liệt hoặc tàn phế.
2.3 Đau dây thần kinh tọa
Dây thần kinh tọa hay dây thần kinh hông là hệ thống dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể, được tạo thành từ 5 rễ thần kinh phân bổ từ các đốt sống thắt lưng đến xương cùng. Các dây thần kinh này chạy qua hông, mông và kéo dài xuống hết chân. Vì vậy, các chấn thương, kích thích hoặc chèn ép ở dây thần kinh tọa có thể gây ra triệu chứng tê bì, ngứa ran, nóng rát ở chân.
Bạn có thể nhận diện đau dây thần kinh tọa thông qua một số triệu chứng như:
- Đau nhói xuất hiện đột ngột ở vùng hông, lưng dưới.
- Đau buốt ở chân, khiến người bệnh khó đứng dậy.
- Đau nặng hơn khi người bệnh ngồi, đứng trong thời gian dài, ho, hắt hơi hay khi có chuyển động đột ngột của cơ thể.
- Chân hoặc bàn chân bị yếu, khó di chuyển.
Đau dây thần kinh tọa nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng tiềm tàng hoặc khối u cột sống, rối loạn bài tiết, tổn thương thần kinh, hội chứng chùm đuôi ngựa hay teo cơ vận động.
2.4 Thoái hóa đốt sống thắt lưng
Thoái hóa đốt sống thắt lưng xảy ra do quá trình lão hóa khiến đĩa đệm và sụn khớp bị mài mòn, hình thành các gai xương xung quanh đốt sống. Tình trạng này khiến đốt sống bị biến dạng, chèn ép vào các rễ thần kinh gây tê bì chân.
Một số triệu chứng điển hình của thoái hóa đốt sống thắt lưng gồm:
- Cứng khớp lưng, đau khi người bệnh cử động hoặc ít vận động trong thời gian dài.
- Giảm khả năng phối hợp hoạt động giữa tay và chân.
- Đau co thắt ở cơ bắp, cơn đau dữ dội có thể xuất hiện ở vùng thắt lưng lan dọc xuống bàn chân.
- Khiến người bệnh bị mất thăng bằng, đi lại khó khăn.
- Rối loạn hoạt động đại – tiểu tiện.
Người bị thoái hóa cột sống thắt lưng nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến dạng, gù vẹo cột sống. Những trường hợp nặng có thể bị teo cơ, bại liệt và mất khả năng vận động tự chủ.
2.5 Tiểu đường
Tiểu đường hau đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa do cơ thể mất khả năng sử dụng hoặc sản xuất insulin khiến nồng độ đường huyết tăng cao hơn bình thường. Đường huyết trong máu liên tục tăng cao không kiểm soát gây tăng huyết áp, làm tổn thương các vi mạch dẫn đến thiếu dinh dưỡng và oxy nuôi dưỡng hệ thống thần kinh. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh tiểu đường hay bị tê bì tay chân, đặc biệt ở ở các vị trí xa tim như đầu ngón chân.
Một số triệu chứng giúp bạn nhận diện bệnh tiểu đường gồm:
- Cơ thể thường xuyên bị đói và mệt mặc dù vừa mới ăn xong.
- Người bệnh thường xuyên khát nước, uốn nhiều nước và đi tiểu liên tục.
- Khô miệng, ngứa da và sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Giảm miễn dịch, dễ bị nhiễm nấm men.
- Vết thương lâu lành hơn bình thường.
Đái tháo đường là bệnh lý phổ biến và có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Một số biến chứng thường gặp phải kể đến như: tổn thương mạch máu, suy thận, giảm thị lực, dị cảm hai chân, rối loạn chức năng gan, nhiễm khuẩn hô hấp, tổn thương trên da, Alzheimer,…
2.6 Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là bệnh lý xảy ra do lòng động mạch bị tắc nghẽn bởi các mảng bám được hình thành từ: chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác. Mảng bám này tích tụ trong lòng mạch gây hẹp lòng mạch làm cản trở máu nuôi từ động mạch đến hệ thống thần kinh, các mô và gây ra triệu chứng tê bì chân.
Triệu chứng xơ vữa động mạch khác nhau ở từng người tùy thuộc vào vị trí động mạch bị tổn thương, cụ thể:
- Xơ vữa động mạch tim: Gây ra các cơn đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim.
- Xơ vữa động mạch cảnh: Gây tê bì tay chân, hoa mắt chóng mặt, nói lắp, khó nói, mất thị lực tạm thời.
- Xơ vữa động mạch ngoại vi: Gây tê đau chân tay, chuột rút và đau tăng khi vận động.
- Xơ vữa động mạch thận: Gây cao huyết áp, chán ăn, tay chân phù, tiểu ít.
Xơ vữa động mạch ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tim mạch và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy tim, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoại tử chia, suy thận,…
Như vậy, chân hay bị tê không chỉ là phản xạ sinh lý mà có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn. Vì vậy, bạn tuyệt đối không được chủ quan khi triệu chứng này xuất hiện thường xuyên và kéo dài. Ngay khi nhận thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để thăm khám làm rõ nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.