Chàm ứ đọng là một trong những biến chứng trên da xuất hiện sớm nhất ở người bệnh giãn tĩnh mạch, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về chàm ứ đọng ở bệnh giãn tĩnh mạch, từ đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về tình trạng này và có biện pháp chăm sóc, phòng ngừa phù hợp nhất.
Mục lục
1. Nguyên nhân gây chàm ứ đọng ở người bệnh giãn tĩnh mạch?
Chàm ứ đọng là một bệnh viêm da mạn tính phổ biến, xảy ra do hậu quả trực tiếp của tình trạng suy giãn tĩnh mạch.
Thông thường, bên trong hệ thống tĩnh mạch sẽ có các van tĩnh mạch là van một chiều. Khi dòng máu đi qua, các van này sẽ đóng lại ngăn không cho máu chảy ngược lại, nhờ đó máu sẽ di chuyển theo một chiều trong lòng tĩnh mạch trở về tim.
Ở những người bệnh giãn tĩnh mạch, tĩnh mạch bị suy yếu hoặc các van một chiều trong lòng mạch bị tổn thương gây cản trở việc bơm máu từ chân về tim. Dòng máu chảy chậm, chảy ngược lại thay vì di chuyển một chiều về tim như bình thường dẫn đến tình trạng ứ đọng máu trong tĩnh mạch.
Điều này làm tăng áp lực trong lòng các tĩnh mạch và dẫn đến tình trạng rò rỉ các tế bào máu và dịch ra da và các mô, gây áp lực lên da từ bên trong, làm cho da bị viêm và biểu hiện các triệu chứng chàm ứ đọng.
Chàm ứ đọng ở bệnh giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bàn chân, cẳng chân ở một hoặc cả hai bên chân. Các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường dễ nhận thấy vào ban ngày, bao gồm:
- Da ngứa, khô và đổi màu, đặc biệt là ở vùng giãn tĩnh mạch. Trên làn da trắng, vùng da đổi màu có thể có màu đỏ hoặc nâu. Trên làn da đen hoặc nâu, nó có xu hướng có màu nâu sẫm, tím hoặc xám và đôi khi khó quan sát hơn.
- Da dễ bị kích thích và đau đớn.
- Cảm giác nặng nề hoặc đau nhức ở một hoặc cả hai chân khi bạn đứng hoặc đi bộ.
- Sưng mắt cá chân.
Xem thêm: Các biến chứng nguy hiểm khác ở bệnh giãn tĩnh mạch chân
2. Chàm ứ đọng ở bệnh giãn tĩnh mạch có nguy hiểm không?
Chàm ứ đọng không phải là tình trạng bệnh lý nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, các triệu chứng do nó gây ra lại gây ảnh hưởng xấu đến thẩm mỹ đôi chân, đồng thời khiến người bệnh cảm thấy nhiều đau đớn, khó chịu, gặp khó khăn trong các hoạt động đi lại, làm việc và sinh hoạt hàng ngày.
Không chỉ vậy, nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp, các triệu chứng của chàm ứ đọng do giãn tĩnh mạch có thể tiến triển trầm trọng hơn và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như viêm mô tế bào ở chân hoặc những vết thương, loét tĩnh mạch khó lành ở nơi da bị tổn thương, xơ cứng mỡ,… Các biến chứng nhiễm trùng nặng có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh, thậm chí có thể khiến người bệnh gặp nguy cơ phải cắt cụt chi bị ảnh hưởng.
Tình trạng chàm ứ đọng nghiêm trọng cũng có thể gây ra những thay đổi vĩnh viễn trên làn da người bệnh, bao gồm da bị dày lên, cứng lại, sẫm màu hoặc xuất hiện mấp mô giống như đá cuội.
Chính vì vậy, phát hiện sớm và điều trị phù hợp tình trạng chàm ứ đọng ở bệnh giãn tĩnh mạch vô cùng quan trọng. Điều trị sớm sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác đau đớn và khó chịu, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác do tình trạng chàm ứ đọng tiến triển nặng gây nên.
3. Điều trị tình trạng chàm ứ đọng như thế nào?
Để chẩn đoán chàm ứ đọng do giãn tĩnh mạch, bác sĩ sẽ đánh giá qua các biểu hiện da của người bệnh giãn tĩnh mạch. Ngoài ra, bác sĩ có thể cần thực hiện siêu âm và các xét nghiệm cần thiết khác để đánh giá thêm tình trạng suy giãn tĩnh mạch của người bệnh.
Việc điều trị chàm ứ đọng ở bệnh giãn tĩnh mạch sẽ bao gồm điều trị tình trạng giãn tĩnh mạch – nguyên nhân gốc rễ gây ra chàm ứ đọng và điều trị giảm triệu chứng của bệnh.
Dưới đây là một số lựa chọn trong chăm sóc chàm ứ đọng mà bạn có thể tham khảo:
Băng dán: Ở những người có triệu chứng loét hoặc vết thương chảy nước, người bệnh có thể cần phải quấn vùng da bị tổn thương bằng băng đặc biệt và thay băng thường xuyên để giúp vết thương mau lành.
Kháng sinh: Kháng sinh sẽ cần thiết trong các trường hợp bị nhiễm trùng, viêm mô tế bào hoặc loét. Bác sĩ có thể kê đơn kháng sinh đường uống hoặc bôi cho người bệnh.
Thuốc corticosteroid: Để điều trị các triệu chứng viêm trong bệnh chàm ứ đọng, bác sĩ có thể cho người bệnh dùng các loại thuốc corticosteroid bôi tại chỗ. Bác sĩ sẽ lựa chọn các loại corticosteroid có độ mạnh khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng chàm ứ đọng.
Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin đường uống hoặc bôi có thể giúp ích nếu bạn cảm thấy khó chịu vì ngứa.
Kem dưỡng ẩm: Kem dưỡng ẩm giúp kiểm soát tình trạng da khô, giữ cho vùng da bị chàm mềm mại, ngăn ngừa bong vảy và kích ứng da. Bạn nên sử dụng kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần mỗi ngày khi bị chàm ứ đọng, ngay cả khi bạn không có bất kỳ triệu chứng nào.
Vớ giãn tĩnh mạch: Loại vớ đặc biệt này được sử dụng để điều trị bệnh chàm ứ đọng do giãn tĩnh mạch bằng cách cải thiện lưu lượng máu qua tĩnh mạch chân và giảm áp lực trong tĩnh mạch.
Tìm hiểu thêm: Danh sách bác sĩ chữa bệnh giãn tĩnh mạch giỏi
Bên cạnh đó, để có được kết quả điều trị tốt nhất, bạn cũng cần thực hiện một vài thay đổi trong thói quen hàng ngày dưới đây. Những thay đổi lối sống này sẽ góp phần giúp bạn kiểm soát tình trạng chàm ứ đọng do giãn tĩnh mạch, ngăn ngừa nguy cơ tiến triển của bệnh:
Tránh làm tổn thương da: Da bị chàm ứ đọng rất nhạy cảm. Nếu bạn làm tổn thương hoặc làm nặng thêm vùng đó, nó có thể dẫn đến nhiễm trùng hoặc các vết loét hở.
Nâng cao chân: Khi có thể, hãy thực hiện động tác này trong vòng 15 phút sau mỗi 2 giờ và trong khi bạn ngủ
Nghỉ giải lao: Nếu công việc khiến bạn phải ngồi hoặc đứng trong thời gian dài, hãy nghỉ ngơi mỗi giờ và đi bộ nhanh trong 10 phút.
Tập thể dục: Tập thể dục có thể cải thiện tuần hoàn, giúp máu lưu thông tốt hơn. Một trong những bài tập đơn giản và đặc biệt tốt cho người bị chàm ứ đọng mà bạn nên lựa chọn là đi bộ. Chú ý tăng cường độ từ từ và tập với tần suất phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất.
Mặc quần áo thoải mái: Bạn hãy chọn cho mình những bộ quần áo chất liệu cotton rộng rãi, tránh các chất liệu như len và các loại vải thô khác, polyester và rayon có thể gây kích ứng da, gây chàm ứ đọng và dẫn đến bùng phát bệnh. Bạn cũng cần tránh mặc quần áo chật, bó sát gây cản trở quá trình lưu thông máu và chúng có thể chà xát gây kích ứng cho làn da nhạy cảm.
Chăm sóc làn da: Da khi bị chàm ứ đọng có thể dễ dàng bị kích ứng. Vì vậy, tốt nhất bạn chỉ nên sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng và khăn mềm khi tắm, sau đó nhanh chóng thoa kem dưỡng ẩm không mùi lên làn da còn ẩm để giữ độ ẩm cho da của bạn. Tránh các sản phẩm tẩy rửa mạnh, nước hoa, cỏ, thực vật, lông thú cưng hoặc bất cứ thứ gì khác gây khó chịu cho làn da.
Tìm hiểu thêm: Loét da chân do bệnh giãn tĩnh mạch cần dùng thuốc gì?
Nếu các triệu chứng chàm ứ đọng không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn, bác sĩ sẽ cân nhắc các bước biện pháp điều trị tiếp theo cho người bệnh. Bạn có thể cần các phương pháp điều trị bệnh giãn tĩnh mạch khác, chẳng hạn như phẫu thuật, để cải thiện lưu lượng máu trong tĩnh mạch.
4. Phòng ngừa biến chứng chàm ứ đọng ở người bệnh giãn tĩnh mạch
Chàm ứ đọng ở bệnh giãn tĩnh mạch là tình trạng mạn tính, dễ tài phát và không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Vì vậy, thay vì tìm phương pháp điều trị, phòng ngừa chàm ứ đọng ở người bệnh giãn tĩnh mạch ngay từ đầu là cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng này và ngăn ngừa các biến chứng nặng nề mà nó có thể gây ra.
Chàm ứ đọng là hậu quả trực tiếp của tình trạng giãn tĩnh mạch. Do đó, phòng ngừa, phát hiện sớm và kiểm soát tốt tình trạng giãn tĩnh mạch là biện pháp hàng đầu để phòng tránh biến chứng chàm ứ đọng và các rối loạn da khác. Bạn có thể tham khảo và thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống để ngăn ngừa và góp phần kiểm soát tình trạng giãn tĩnh mạch dưới đây:
- Tránh đứng hoặc ngồi tại chỗ trong thời gian dài.
- Nâng cao chân khi ngồi hoặc nằm.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Tập thể dục thường xuyên.
- Sử dụng vớ giãn tĩnh mạch.
- Tránh mặc quần áo bó sát.
Bên cạnh đó, nếu bạn bị đã suy giãn tĩnh mạch mạn tính, bạn cần kiểm tra thường xuyên vùng da bị giãn tĩnh mạch. Nếu nhận thấy những thay đổi bất thường trên da như da đổi màu, mẩn đỏ hoặc sưng tấy, vết loét da,.. bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám sớm nhất có thể.
Điều này sẽ giúp bạn phát hiện sớm tình trạng chàm ứ đọng cũng như các rối loạn da khác do giãn tĩnh mạch gây ra, từ đó có biện pháp điều trị, kiểm soát bệnh sớm và phù hợp nhất, góp phần ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm khác và nâng cao chất lượng cuộc sống.
1. Những điều cần biết về tình trạng tràm da ở bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch
https://www.medicalnewstoday.com/articles/182793
2. Viêm da ứ trệ: Tổng quan về biểu hiện lâm sàng, sinh bệnh và cách điều trị
https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC9968263/
Lai cẩm thiện đã bình luận
Tôi bị bênh suy giãn tĩnh mạch chàm ứ đọng chân dùng thuốc bôi và thuốc uống nào để bệnh dc giảm nhẹ,xin bác sĩ cho tôi lời khuyên và trĩ cách cho tôi thực hiện, xin cảm ơn
Chuyên gia suy giãn tĩnh mạch đã bình luận
Chào anh
Anh cần đi khám cụ thể để bác sĩ xem xét tình trạng, mức độ nghiêm trọng và kê phác đồ phù hợp giúp điều trị bệnh hiệu quả. Anh không nên tùy tiện sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.