Giãn tĩnh mạch là bệnh lý khá phổ biến và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị phù hợp có thể khiến người bệnh phải đối diện với nhiều biến chứng nguy hiểm, trong đó có loét da. Vậy tại sao giãn tĩnh mạch lại gây loét da? Điều trị và phòng ngừa tình trạng này như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Giãn tĩnh mạch thường xảy ra ở vị trí nào?
Giãn tĩnh mạch là tình trạng các tĩnh mạch bị sưng to, phình ra nổi lên gần bề mặt da. Chúng thường có màu xanh, phồng to và ngoằn ngoèo và có thể nhìn thấy qua da.
Trong cơ thể, sau khi động mạch hoàn thành quá trình mang máu từ tim đến các bộ phận, hệ thống tĩnh mạch sẽ làm nhiệm vụ dẫn máu từ khắp cơ thể về tim. Trong quá trình vận chuyển máu qua tĩnh mạch về tim, các cơ bắp quanh tĩnh mạch sẽ co bóp ép vào thành mạch, nhờ đó đẩy máu trong tĩnh mạch di chuyển.
Bên cạnh đó. trong tĩnh mạch còn có các van tĩnh mạch. Đây là các van một chiều, đóng vai trò như những cánh cửa nhỏ đóng lại sau khi máu đi qua để giữ cho máu di chuyển theo một chiều trong lòng mạch và đảm bảo nó không chảy ngược lại.
Giãn tĩnh mạch xảy ra khi thành tĩnh mạch của bạn yếu đi hoặc các van một chiều trong lòng mạch bị tổn thương. Khi điều đó xảy ra, máu có thể chảy chậm, ứ đọng lại trong tĩnh mạch thay vì di chuyển về phía trước như bình thường. Điều này gây tăng áp lực trong lòng mạch, làm cho tĩnh mạch bị sưng, phồng lên và xoắn lại.
Theo cơ chế trên, giãn tĩnh mạch có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể, tuy nhiên, nó thường ảnh hưởng nhiều nhất đến các tĩnh mạch ở chân.
Nguyên nhân khiến các tĩnh mạch bị giãn thường xuất hiện ở chân, mắt cá chân và bàn chân là do những bộ phận cơ thể này nằm cách xa tim nhất. Khi bạn đứng, ngồi hoặc đi lại, trọng lực sẽ kéo máu xuống chân và tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở phần dưới cơ thể. Vì vậy, các tĩnh mạch tại vị trí này phải làm việc nhiều hơn để chống lại tác động của trọng lực nhằm đưa máu ngược chiều trọng lực quay trở lại tim.
Điều này khiến tĩnh mạch ở chân có nguy cơ bị suy yếu và giãn theo thời gian cao hơn so với các tĩnh mạch tại vị trí khác trên cơ thể.
Đọc thêm: 8 hiểu lầm phổ biến về bệnh giãn tĩnh mạch chân
2. Tại sao giãn tĩnh mạch gây loét da?
Giãn tĩnh mạch thường ít gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh hoàn toàn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm loét da.
Loét da là một dạng vết thương do biến chứng của giãn tĩnh mạch gây ra. Khi tĩnh mạch bị giãn, máu có thể chảy ngược và ứ đọng lại tại tĩnh mạch. Điều này khiến áp lực trong tĩnh mạch tăng cao. Sự gia tăng áp lực và ứ đọng dịch trong lòng mạch sẽ ngăn cản sự vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đến các mô, khiến các tế bào chết do thiếu dinh dưỡng, làm tổn thương mô da và cuối cùng gây hình thành các vết loét trên da.
Ban đầu, vết loét da do giãn tĩnh mạch gây ra thường đỏ, sưng lên kèm theo ngứa, có thể có mủ, mùi hôi. Điều này không chỉ gây mất thẩm mỹ cho đôi chân mà còn gây nhiều đau đớn, khó chịu, cản trở hoạt động đi lại, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Không chỉ vậy, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, đúng cách, tổn thương có thể lan rộng và dẫn đến nhiều biến chứng nặng hơn như nhiễm trùng đe dọa tính mạng người bệnh. Trong ột số trường hợp nghiêm trọng, người bị loét da do giãn tĩnh mạch có thể cần phải phẫu thuật cắt bỏ chi bị ảnh hưởng.
Đọc thêm: Phân biệt loét da và rạn da chân
3. Điều trị loét da do giãn tĩnh mạch như thế nào?
Có thể thấy rằng, tuy không thường gặp nhưng loét da là một biến chứng khá nguy hiểm với người bệnh giãn tĩnh mạch. Loét da do giãn tĩnh mạch cần phải được chăm sóc và điều trị thích hợp để ngăn ngừa nhiễm trùng và mau lành, tránh gây ra các hậu quả nghiêm trọng hơn.
Do đó, khi bạn nhận thấy các dấu hiệu của vết loét da do giãn tĩnh mạch, bạn cần đến gặp bác sĩ sớm để được kiểm tra và thực hiện các phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Nhân viên y tế có thể sẽ chỉ cho bạn cách chăm sóc cho vết loét của mình. Bạn cũng có thể tham khảo thêm hướng dẫn chăm sóc vết loét cơ bản dưới đây:
- Làm sạch vết thương thật kỹ trước khi băng lại.
- Luôn giữ vết thương sạch sẽ và băng bó để tránh nhiễm trùng. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn tần suất cần thay băng.
- Giữ cho băng và vùng da xung quanh khô ráo. Cố gắng không để vùng da khỏe mạnh xung quanh vết thương quá ướt, điều này có thể khiến vết thương lan rộng hơn.
- Đeo một chiếc vớ y khoa bên ngoài lớp băng.
- Dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng
Bên cạnh việc chăm sóc vết loét, để điều trị loét da do giãn tĩnh mạch gây ra, bạn cần phải tập trung vào kiểm soát vấn đề giãn tĩnh mạch – nguyên nhân gây ra vết loét. Dưới đây là một số biện pháp giúp cải thiện, ngăn ngừa sự tiến triển của giãn tĩnh mạch, nhờ đó hỗ trợ cải thiện tình trạng loét da bạn có thể tham khảo và thực hiện:
- Mang vớ giãn tĩnh mạch hoặc băng ép mỗi ngày theo hướng dẫn. Chúng sẽ giúp cải thiện tình trạng máu ứ đọng, nhờ đó hỗ trợ giảm sưng tấy, giúp chữa lành và giảm đau,
- Nâng chân lên cao hơn so với tim càng thường xuyên càng tốt. Ví dụ, bạn có thể nằm kê chân lên gối.
- Tập thể dục hoặc đi bộ mỗi ngày giúp cải thiện lưu lượng máu.
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu vết loét không lành lại, bác sĩ có thể đề nghị bạn thực hiện một số thủ thuật hoặc phẫu thuật nhất định để cải thiện lưu lượng máu qua tĩnh mạch của bạn.
4. Phòng ngừa biến chứng loét da ở người bị giãn tĩnh mạch
Loét da do giãn tĩnh mạch là những vết thương chậm lành, điều trị khó khăn, phức tạp và dễ tái phát. Chính vì vậy, phòng ngừa loét da ở người bệnh giãn tĩnh mạch đóng vai trò quan trọng và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc để biến chứng đã xảy ra mới tìm kiếm giải pháp điều trị.
Người bệnh bị giãn tĩnh mạch nên kiểm tra vùng bàn chân và cẳng chân: phần trên và phần dưới, mắt cá chân và gót chân hàng ngày. Trong quá trình kiểm tra, bạn hãy quan sát sự thay đổi màu da, các vết nứt, sự hình thành của vết loét trên những vùng da này. Điều này sẽ giúp phòng ngừa và phát hiện sớm các vết loét da nếu có, từ đó có phương pháp can thiệp điều trị kịp thời, phù hợp để ngăn ngừa hậu quả xấu mà chúng có thể gây ra.
Đặc biệt, phương pháp tốt nhất để hạn chế biến chứng loét da do giãn tĩnh mạch là phòng ngừa, phát hiện sớm và kiểm soát tốt tình trạng giãn tĩnh mạch. Bạn có thể thực hiện những biện pháp thay đổi lối sống lành mạnh dưới đây để giúp máu lưu thông ở chân tốt hơn, hỗ trợ cải thiện triệu chứng giãn tĩnh mạch và giảm nguy cơ loét da ngay từ khi bệnh ở giai đoạn đầu:
Tập thể dục đều đặn hàng ngày: Bạn nên lựa chọn những môn thể thao có động tác phối hợp nhịp nhàng như: bơi lội, đạp xe, đi bộ khiêu vũ,…Các hoạt động thể chất này sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn, hỗ trợ các tĩnh mạch ở chân đẩy máu về tim, nhờ đó giúp làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển bệnh giãn tĩnh mạch chân.
Hạn chế mặc quần áo bó sát cơ thể: Quần áo bó sát cơ thể như các loại quần bò, quần thể thao chất liệu cứng có thể cản trở quá trình lưu thông máu vùng chân và khiến tình trạng giãn tĩnh mạch tiến triển xấu hơn.
Sử dụng vớ giãn tĩnh mạch: Đây là loại vớ được chế tạo đặc biệt chỉ tạo áp lực lên chân và giảm ứ đọng máu trong tĩnh mạch, nhờ đó giúp giảm đau và khó chịu do giãn tĩnh mạch một cách an toàn, hiệu quả.
Chế độ ăn uống phù hợp: Tăng cường bổ sung nhóm thực phẩm giàu kali (hạnh nhân, rau lá xanh, cá hồi,…), thực phẩm giàu flavonoid (socola đen, trái cây họ cam, trà,…), giàu chất xơ, hạn chế ăn thực phẩm chứa nhiều muối.
Hạn chế đi giày cao gót: Người bệnh giãn tĩnh mạch nên tránh đi giày cao gót và nên ưu tiên các loại giày dép thoải mái, đế mềm, gót thấp.
Nâng cao chân mọi lúc có thể: Thả lỏng chân và nâng cao bàn chân khi nằm ngủ hoặc ngồi.
Xoa bóp: Xoa bóp nhẹ nhàng và đều đặn phần bắp chân, cẳng chân,… giúp hỗ trợ máu lưu thông qua các tĩnh mạch tốt hơn.
Duy trì cân nặng ở mức hợp lý, tránh thừa cân, béo phì.
Không hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, nếu bạn nhận thấy các triệu chứng của giãn tĩnh mạch như mỏi, đau nhức, nặng chân hay xuất hiện các mạch máu li ti màu xanh hoặc tím đỏ dưới da, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để chẩn đoán và điều trị bệnh sớm giúp kiểm soát bệnh một cách tốt nhất, phòng ngừa biến chứng có thể xảy ra, từ đó cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.