Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser là phương pháp ngày càng được nhiều người bệnh quan tâm bởi hiệu quả cao, ít xâm lấn hay gây đau đớn sau khi điều trị. Để giải đáp thắc mắc của hầu hết của người bệnh về phương pháp này, bài viết hôm nay sẽ cung cấp toàn bộ kiến thức tổng quan xuyên suốt quá trình từ trước đến sau khi điều trị giãn tĩnh mạch bằng laser.
Mục lục
- 1. Laser điều trị giãn tĩnh mạch là gì?
- 2. Ai nên thực hiện laser nội mạch trị suy giãn tĩnh mạch?
- 3. Người bệnh cần làm gì trước thực hiện?
- 4. Quy trình thực hiện laser nội mạch
- 5. Chăm sóc sau điều trị laser nội mạch
- 6. Câu hỏi thường gặp
- 6.1. Liệu trình điều trị laser nội mạch thường kéo dài bao lâu?
- 6.2. Thời gian phục hồi điều trị giãn tĩnh mạch bằng laser?
- 6.3 Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser nội mạch có đau không?
- 6.4 Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser có biến chứng không?
- 6.5 Khi thực hiện thủ thuật laser nội mạch có để lại sẹo không?
- 6.6 Ai không nên điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser?
1. Laser điều trị giãn tĩnh mạch là gì?
Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser là phương pháp hiệu quả để đóng hoặc thu nhỏ tĩnh mạch bị suy giãn bằng cách tạo ra các mô sẹo trong lòng mạch. Phương pháp này sử dụng quá trình chuyển hóa quang – nhiệt, biến năng lượng của các chùm laser có bước sóng phù hợp trở thành nhiệt năng. Phần nhiệt này được hấp thụ qua các tế bào máu, gây tổn thương thành tĩnh mạch dẫn đến xơ hóa và xẹp lòng mạch.
Sau khi thực hiện phương pháp, tĩnh mạch suy giãn sẽ bị đóng kín và dần biến mất. Dòng máu chảy qua tĩnh mạch sẽ được điều chỉnh đến những tĩnh mạch còn chức năng. Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser có nhiều ưu điểm như:
- Thời gian trị liệu nhanh, thông thường chỉ kéo dài khoảng 30 – 40 phút/ lần trị liệu.
- Ít xâm lấn nên không gây đau đớn quá nhiều sau điều trị.
- Thời gian hồi phục nhanh chóng, thông thường chỉ mất khoảng 1 ngày để người bệnh trở lại bình thường.
- Người bệnh có thể xuất viện điều trị ngoại trú ở nhà ngay sau khi điều trị.
- Hiệu quả điều trị cao, lên đến 96,7% và duy trì sau 3 và 5 năm sau thủ thuật
2. Ai nên thực hiện laser nội mạch trị suy giãn tĩnh mạch?
Phương pháp laser nội tĩnh mạch thường được chỉ định nếu người bệnh đã tiến hành điều trị với các phương pháp bảo tồn từ 3 – 6 tháng mà không hiệu quả. Các trường hợp cụ thể gồm:
- Người bị suy giãn tĩnh mạch hiển: Tĩnh mạch nông dài chạy từ háng đến mắt cá chân.
- Người bị suy giãn tĩnh mạch lưới (hay tĩnh mạch trung chuyển): Là tình mạch nông có màu xanh lục hoặc xanh lam bị bị suy giãn.
- Người có giãn tĩnh mạch Telangiectasia: Là tình trạng giãn tĩnh mạch, gây ra các hoa văn hoặc đường màu đỏ trên da
Đọc thêm: Các cấp độ của bệnh suy giãn tĩnh mạch
3. Người bệnh cần làm gì trước thực hiện?
Để quá trình điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser cho hiệu quả tốt nhất, người bệnh cần thực hiện những điều dưới đây:
3.1 Thăm khám trước thủ thuật
Một trong những điều quan trọng mà người bệnh cần thực hiện trước điều trị bằng phương pháp laser nội tĩnh mạch là thăm khám kỹ lưỡng. Ở bước này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm duplex trước phẫu thuật nhằm lập bản đồ tĩnh mạch đồng thời xác định các yếu tố như: vị trí trào ngược, đường kính tĩnh mạch suy giãn, vận tốc dòng trào ngược và xác định huyết khối tĩnh mạch (nếu có).
Vận tốc dòng trào ngược vượt quá 50mm/s được tình là bất thường, qua đó điều chỉnh thông số kỹ thuật để có kết quả trị liệu tốt nhất. Ngoài ra, việc lập bản đồ tĩnh mạch cho phép bác sĩ phát hiện tĩnh mạch bất thường, nguyên nhân giãn tĩnh mạch, các tĩnh mạch thủng và đánh giá tình trạng hệ thống tĩnh mạch sâu. Đây là cơ sở để bác sĩ xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với người bệnh trong từng giai đoạn.
Bên cạnh việc siêu âm, quá trình thăm khám cũng giúp bác sĩ xác định một số vấn đề như: tiền sử bệnh lý, tình trạng sức khỏe hiện tại, các thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng,… để đưa ra lựa chọn phù hợp với thể trạng của người bệnh.
3.1 Thủ tục khác
Ngoài việc thăm khám, người bệnh cần chuẩn bị một số điều dưới đây trước khi tiến hành trị liệu:
- Ngưng sử dụng các thuốc điều trị rối loạn đông máu như: aspirin, ibuprofen,…
- Ngừng ăn hoặc uống trong vòng 8 giờ trước khi làm điều trị.
- Bạn có thể sử dụng thuốc an thần nếu quá căng thẳng, tuy nhiên hãy hỏi lại ý kiến bác sĩ.
- Sắp xếp người thân đi cùng để hỗ trợ thực hiện các thủ tục, chăm sóc và di chuyển sau điều trị.
Thông thường, những việc cần chuẩn bị trước phẫu thuật sẽ được bác sĩ hướng dẫn chi tiết trước một vài ngày. Vì vậy, người bệnh chỉ cần chuẩn bị tốt tâm lý, không nên quá lo lắng.
Tham khảo: Các địa chỉ khám chữa bệnh suy giãn tĩnh mạch uy tín
4. Quy trình thực hiện laser nội mạch
Sau khi bước vào phòng thủ thuật, toàn bộ quá trình trị liệu bằng laser sẽ được bác sĩ và nhân viên y tế thực hiện. Người bệnh chỉ cần giữ tâm lý thoải mái và phối hợp tốt với những hướng dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình điều trị.
Quy trình điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser như sau:
- Bước 1: Người bệnh được hướng dẫn nằm ở tư thế Trendelenburg và đặt máy theo dõi điện tâm đồ, đo oxy trong mạch. Sau đó, nhân viên y tế sẽ xác định vị trí thực hiện thủ thuật và chuẩn bị các vật tư y tế.
- Bước 2: Nhân viên y tế thực hiện sát khuẩn vùng chân thực hiện thủ thuật và bọc vỏ vô trùng cho đầu dò siêu âm.
- Bước 3: Bệnh nhân được áp dụng các biện pháp gây an thần nhẹ.
- Bước 4: Gây tê cục bộ bằng thuốc lidocain 1%, sau đó tiếp cận tĩnh mạch bằng kim, luồn dây dẫn qua kim và di chuyển đến vị trí nối gân – đùi.
- Bước 5: Rút bỏ kim và thay thế bằng dụng cụ nong, sau đó dùng dao mổ rạch một đường ở phần tiếp giáp dây dẫn và da, tạo không gian cho dụng cụ nong đi qua.
- Bước 6: Thay dụng cụ nong bằng dây dẫn, chuyển sang ngã ba saphenofemoral (SFJ). Thay dây dẫn bằng sợi laser và di chuyển đến khi cách SFJ khoảng 2cm, đảm bảo tĩnh mạch thượng vị dưới hiển thị.
- Bước 7: Tiêm thuốc gây mê vào cân quanh tĩnh mạch, bắt đầu tại vị trí tiếp cận SFJ. Các mũi tiêm mê cách nhau từ 3 – 5cm.
- Bước 8: Quan sát tĩnh mạch hiển lớn với ống thông ở trung tâm đã được gây mê giảm âm theo chiều ngang. Kích hoạt tia laser.
- Bước 9: Rút laser sợi quang và ống thông với tốc độ 1 – 2 mm/s.
- Bước 10: Khâu đóng vết rạch trên da.
- Bước 11: Đưa bệnh nhân về phòng hồi sức, theo dõi sau phẫu thuật.
Xem thêm: Chi phí điều trị laser suy giãn tĩnh mạch hiện nay là bao nhiêu?
5. Chăm sóc sau điều trị laser nội mạch
Chế độ chăm sóc ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị và khả năng hồi phục của người bệnh. Thông thường, bệnh nhân sẽ được khuyến khích đi bộ nhẹ nhàng khoảng 30 – 60 phút ngay sau khi làm thủ thuật, các vết bầm tím trên chân sẽ biến mất sau khoảng 2 tuần sau đó.
Người bệnh được xuất viện trở về nhà ngay trong ngày. Quá trình chăm sóc tại nhà cần được thực hiện nghiêm túc theo hướng dẫn của bác sĩ, thường gồm:
- Thực hiện chườm đá khoảng 3 – 4 lần/ ngày, mỗi lần kéo dài 15 phút để giảm triệu chứng sưng tấy, đau nhức.
- Kiểm tra vị trí các vết rạch đều đặn mỗi ngày, việc xuất hiện chất lỏng hồng nhạt trên băng là bình thường.
- Tránh để vết rạch tiếp xúc với nước trong 48h sau phẫu thuật.
- Nếu bác sĩ yêu cầu, bạn cần đeo vớ y khoa trong vài ngày hoặc vài tuần để giảm sưng đau và ngăn máu ứ đọng.
- Tránh đứng, ngồi hoặc nằm một chỗ trong thời gian dài, giữ chân ở vị trí cao khi ngồi.
- Duy trì việc đi bộ 3 lần/ ngày, mỗi lần kéo dài khoảng 10 – 20 phút, thực hiện liên tục từ 1 – 2 tuần.
- Kiêng chạy, nhảy hoặc bê nâng các vật nặng trong vòng 1 – 2 tuần.
- Không tắm nước nóng trong 1 – 2 tuần.
Lưu ý: Không tự ý sử dụng các loại thuốc giảm đau khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ. Với những bệnh nhân bị rối loạn đông máu, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng lại các thuốc điều trị.
6. Câu hỏi thường gặp
Một số câu hỏi thường gặp khi điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng phương pháp laser nội mạch gồm:
6.1. Liệu trình điều trị laser nội mạch thường kéo dài bao lâu?
Thông thường một liệu trình laser nội mạch thường gồm khoảng 10 đợt trị liệu, mỗi đợt trị liệu thường kéo dài khoảng 30 – 40 phút. Thời gian giữa các đợt trị liệu phụ thuộc vào khả năng phục hồi và tình trạng của từng người bệnh. Do đó, thời gian điều trị cũng không được xác định chính xác.
6.2. Thời gian phục hồi điều trị giãn tĩnh mạch bằng laser?
Liệu pháp laser nội mạch (EVIT) là phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng cách luồn sợi laser vào lòng tĩnh mạch bị suy giãn từ gối lên háng. Sau đó, sợi laser sẽ được phát năng lượng dọc theo đường đi của tĩnh mạch gây sợi hóa mạch máu và phá huỷ thành mạch. Đây là phương pháp được nhiều người bệnh lựa chọn bởi: ít đau đớn, thời gian thực hiện nhanh, hiệu quả tốt (> 5 năm) và ít gây biến chứng.
Điều trị giãn tĩnh mạch bằng laser nội mạch là một trong những biện pháp cho thời gian phục hồi nhanh nhất. Ngay sau phẫu thuật, người bệnh được khuyến khích đi lại nhẹ nhàng trong khoảng 30 – 60 phút nhằm thúc đẩy tuần hoàn máu và hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông. Sau đó, người bệnh có thể xuất viện về nhà và trở lại viện vào đợt điều trị sau.
Quá trình phục hồi sau điều trị giãn tĩnh mạch thường kéo dài khoảng 6 – 8 tuần. Trong đó, có một số mốc thời gian cần lưu ý như sau:
- Người bệnh có thể đi bộ thường xuyên nhưng cần tránh hoạt động gắng sức trong vòng 5 ngày sau phẫu thuật.
- Cảm giác đau nhẹ, viêm và tê da ở vị trí phẫu thuật thường kéo dài dưới 2 tuần.
- Những vết bầm tím có thể xuất hiện trên chân và sẽ biến mất dần sau khoảng 2 – 3 tuần.
- Bạn có thể khôi phục việc tập thể dục từ từ sau 2 tuần thực hiện phẫu thuật.
Nhiều người bệnh lựa chọn trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường ngay sau phẫu thuật. Tuy nhiên, điều này không được bác sĩ khuyến khích, bạn nên nghỉ ngơi tối thiểu 2 – 3 ngày trước khi quay lại công việc nhẹ nhàng. Ngược lại, nếu công việc yêu cầu phải đứng, ngồi nhiều hay vận động nặng, bạn hãy cân nhắc nghỉ ngơi đủ thời gian để cơ thể phục hồi tốt nhất.
Để hỗ trợ quá trình phục hồi sau thực hiện laser nội mạch, người bệnh nên đeo vớ nén liên tục trong khoảng 2 tuần. Ngoài ra, bạn có thể nâng cao chân khi nằm để tạo cảm giác thoải mái và dễ ngủ hơn. Nếu chân đau nhiều, bạn có thể xin ý kiến bác sĩ để sử dụng một vài loại thuốc giảm đau.
Laser nội mạch là liệu pháp điều trị giãn tĩnh mạch tương đối an toàn nhưng vẫn có thể gây ra một số biến chứng như: bỏng da, tổn thương mô lân cận do nhiệt, tổn thương thần kinh hay tổn thương tĩnh mạch sâu. Vì vậy, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau phẫu thuật, bạn cần nhanh chóng thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.
6.3 Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser nội mạch có đau không?
Trong lúc thực hiện thủ thuật laser nội mạch, người bệnh đã được tiêm tê và tiêm mê tại chỗ nên sẽ không có cảm giác đau trong suốt thời gian trị liệu. Bên cạnh đó, điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser là phương pháp ít xâm lấn nên sau khi thực hiện người bệnh hầu như không cảm thấy đau hoặc đau rất ít, không ảnh hưởng đến việc đi lại hay các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.
6.4 Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser có biến chứng không?
Điều trị giãn tĩnh mạch bằng laser nội mạch là một trong những phương pháp ít xâm lấn, an toàn nhất hiện nay. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số biến chứng sau đây:
- Huyết khối tĩnh mạch: Xảy ra khi huyết khối bị vỡ ra và di chuyển từ tĩnh mạch hiển lớn đến tĩnh mạch đùi sâu.
- Tụ máu và bầm tím: Là biến chứng thường gặp do thủ thuật xảy ra do tế bào máu hấp thụ năng lượng laser quá mức dẫn đến tổn thương các mô.
- Bỏng da: Cắt bỏ các tĩnh mạch nông gần bề mặt da có thể gây bỏng da.
- Tổn thương thần kinh: Cắt bỏ tĩnh mạch có thể làm tổn thương dây thần kinh gây dị cảm da thoáng qua ở chân.
- Tái phát:Tỷ lệ tái phát sau 5 năm đối với cắt bỏ tĩnh mạch hiển lớn bằng laser là 36,6%.
Đọc thêm: Vì sao phải duy trì quá trình chữa giãn tĩnh mạch lâu dài
6.5 Khi thực hiện thủ thuật laser nội mạch có để lại sẹo không?
Mặc dù có kích thước nhỏ nhưng vết rạch trong khi thực hiện thủ thuật laser nội mạch khá sâu nên thường sẽ để lại seo sau khi lành. Tuy nhiên, mức độ và kích thước của sẹo sẽ phụ thuộc vào quá trình chăm sóc và cơ địa của từng người. Có những người vết sẹo chỉ nhỏ như sợi chỉ, trắng và không lồi lên bề mặt da. Ngược lại có những người lại bị sẹo lớn, đậm màu và lồi lên trên da.
Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có chế độ vệ sinh, chăm sóc vết rạch đúng cách, tránh tình trạng nhiễm trùng làm tăng nguy cơ bị sẹo nghiêm trọng.
Hỏi đáp: Tôi có cảm giác tình trạng giãn tĩnh mạch nặng hơn sau khi điều trị laser – điều đó là do đâu?
6.6 Ai không nên điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser?
Laser nội tĩnh mạch chống chỉ định trong các trường hợp dưới đây:
-
Huyết khối tĩnh mạch sâu cấp tính.
-
Thiểu năng động mạch.
-
Nhiễm trùng da cấp tính.
-
Tắc nghẽn tĩnh mạch sâu.
-
Phụ nữ mang thai.
Những trường hợp mắc hội chứng hậu huyết khối và trào ngược tĩnh mạch với lỗ rò động mạch – tĩnh mạch chồng chất cần được bác sĩ cân nhắc thận trọng trước khi áp dụng.
Trên đây là bài viết về phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch bằng laser. Hi vọng những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương pháp này, qua đó có những định hướng phù hợp để bảo vệ sức khỏe của mình.