Chích xơ tĩnh mạch được cho là giải pháp vàng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch nông bởi hiệu quả cao, an toàn, thời gian bình phục nhanh và ít gây đau đớn cho người bệnh. Vậy, chích xơ tĩnh mạch là gì, được thực hiện như thế nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Chích xơ tĩnh mạch là gì?
Chích xơ tĩnh mạch là phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng cách trực tiếp đưa dung dịch thuốc vào lòng tĩnh mạch suy giãn. Những thuốc này gây kích ứng niêm mạc thành mạch máu, gây tổn thương nội mạc và phần lân cận của lớp trung mạc, khiến chúng bị viêm và dính vào nhau dẫn đến tắc lòng mạch. Điều này khiến dòng máu ngừng chảy qua tĩnh mạch suy giãn và di chuyển sang tĩnh mạch còn chức năng.
Sau cùng, tĩnh mạch suy giãn bị xơ teo, phát triển thành mô sẹo và được tái hấp thu vào mô cục bộ và biến mất. Có khoảng 50 – 80% tĩnh mạch suy giãn bị tác động và mất dần sau lần chích xơ đầu tiên. Khoảng 10% tĩnh mạch bị xơ cứng không đáp ứng với thuốc tiêm xơ, cần phải điều trị bằng phương pháp khác.
Thuốc chích xơ tĩnh mạch được sử dụng phổ biến là thuốc dạng bọt được tạo thành từ hỗn hợp khí và chất gây xơ dạng dịch. Kết cấu này làm tăng thể tích của thuốc trong lòng mạch với lượng thuốc thấp nhất, tạo tiết diện tiếp xúc tối đa, cho hiệu quả nhanh và giảm tỷ lệ biến chứng.
Thông thường, thuốc tiêm xơ được đưa vào tĩnh mạch qua một đầu kim siêu nhỏ nên gần như không gây đau. Tổng thời gian thực hiện thủ thuật chỉ kéo dài khoảng 15 – 30 phút phụ thuộc vào mức độ và số lượng tĩnh mạch bị suy giãn của từng người bệnh.
Sau thủ thuật, người bệnh có thể di chuyển bình thường và xuất viện điều trị ngoại trú tại nhà, thời gian phục hồi hoàn toàn thường là sau 3 – 6 tuần. Một liệu trình điều trị có thể kéo dài từ 3 – 4 tháng tùy vào phân loại và số lượng tĩnh mạch bị suy giãn.
2. Chỉ định – Chống chỉ định chích xơ tĩnh mạch chân
Phương pháp chích xơ tĩnh mạch thường được sử dụng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch chân và tĩnh mạch mạng nhện. Liệu pháp này phát huy hiệu quả tốt nhất với những mạch nông nhỏ, có đường kính dưới 3mm. Dưới đây là các chỉ định – chống chỉ định với phương pháp này.
2.1 Chỉ định
Phương pháp tiêm xơ tĩnh mạch được chỉ định cụ thể cho các trường hợp dưới đây:
- Giãn mao tĩnh mạch mạng nhện dưới da, kích thước <1mm.
- Giãn tĩnh mạch nông dạng dưới, kích thước tĩnh mạch từ 1 – 3mm và không phát hiện dòng trào ngược trên siêu âm.
- Giãn nhánh tĩnh mạch nông tồn tại sau phẫu thuật hoặc sau can thiệp điều trị suy tĩnh mạch hiển.
- Dị dạng tĩnh mạch kích thước nhỏ, kiểu u mạch hemangiomas.
- Suy tĩnh mạch hiển lớn hoặc suy tĩnh mạch hiển nhỏ có triệu chứng lâm sàng thuộc C2 – C6 theo thang phân loại CEAP, đồng thời phát hiện dòng trào ngược trên siêu âm.
- Suy tĩnh mạch xuyên hoặc suy tĩnh mạch nông phải phát.
2.2 Chống chỉ định
Mặc dù là biện pháp điều trị an toàn nhưng tiêm xơ tĩnh mạch cũng có chỉ định với một vài trường hợp, cụ thể:
- Người có tiền sử hoặc test dị ứng với chất gây xơ tĩnh mạch.
- Người bị huyết khối cấp tính tĩnh mạch sâu chi dưới.
- Người mắc bệnh lý rối loạn đông máu.
- Người mắc bệnh động mạch chi dưới với ABI <0.8.
- Phụ nữ mang thai bị suy giãn tĩnh mạch.
- Người tồn tại lỗ bầu dục, có triệu chứng của lỗ bầu dục.
Ngoài ra, với các trường hợp như: tồn tại lỗ bầu dục không có triệu chứng, tiền sử đau nửa đầu nặng, mắc hội chứng May – Thurner hoặc hội chứng Klippel – Trenaunay cần được các bác sĩ hội chẩn và cân nhắc kỹ lợi ích trước khi áp dụng.
3. Cần chuẩn bị gì trước khi chích xơ tĩnh mạch chân?
Để quá trình tiêm xơ tĩnh mạch diễn ra nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả thì người bệnh và đơn vị điều trị cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
3.1 Chuẩn bị phía người bệnh
Việc chuẩn bị trước khi chích xơ tĩnh mạch sẽ được bác sĩ phổ biến kỹ với người bệnh trước khi thực hiện một vài ngày. Dưới đây là một số nội dung chung mà người bệnh cần lưu ý:
- Ngưng sử dụng tetracyclin và minocin trước 7 – 10 ngày thực hiện thủ thuật để tránh gặp phải biến chứng rối loạn sắc tố gây sạm da.
- Ngưng sử dụng các loại thuốc chống viêm như: aspirin, ibuprofen,… trong vòng 48 tiếng trước và sau khi chích xơ để tránh nguy cơ chảy máu và giảm tác dụng của thuốc chích xơ.
- Ngưng sử dụng prednisolone trước 48 giờ thực hiện thủ thuật để tránh ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chích xơ.
- Trước và sau khi chích xơ, không sử dụng bất kỳ loại thuốc hay kem dưỡng da nào trên vùng da trị liệu.
- Mang theo vớ y khoa (nếu có) để được bác sĩ hướng dẫn sử dụng đúng cách sau khi chích xơ.
- Thực hiện các xét nghiệm và siêu âm Doppler theo chỉ định nhằm xác định bản đồ tĩnh mạch, đánh giá mức độ hiệu quả và nguy cơ biến chứng.
- Ký cam kết và hoàn thiện các thủ tục trước khi thực hiện thủ thuật tiêm xơ tĩnh mạch.
Trong khi được phổ biến về quá trình chuẩn bị và thực hiện thủ thuật tiêm xơ tĩnh mạch, nếu có bất kỳ thắc mắc gì, người bệnh cần thẳng thắn trao đổi cùng bác sĩ để được giải thích rõ ràng.
3.2 Chuẩn bị phía đơn vị điều trị
Quá trình điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng phương pháp tiêm xơ cần chuẩn bị những điều sau:
- Đội ngũ cán bộ: 1 bác sĩ chuyên khoa mạch máu, thành thạo kỹ thuật siêu âm Doppler và tiêm xơ.
- Vật tư y tế: Thuốc tiêm xơ, thường là: Aetoxisclerol từ 0,25% đến 3%, hoặc Fibrovein từ 0,35% đến 3%, kim bướm, Kim tiêm (22G, 23G, 26G, 30G), xi lanh (2ml, 5ml, 10ml) và chạc ba.
- Phòng thủ thuật: Đèn chiếu sáng, điều kiện vô trùng.
- Máy móc: Máy siêu âm có đầu dò Doppler mạch máu 7.5 MHz.
4. Quy trình chích xơ tĩnh mạch chân
Quy trình chích xơ tĩnh mạch chân có sự khác nhau giữa những bệnh nhân điều trị thông thường và bệnh nhân tiêm xơ thẩm mỹ, cụ thể:
4.1 Quy trình tiêm xơ tạo bọt
Quy trình tiêm xơ tạo bọt điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới được thực hiện như sau:
Bước 1: Điều chỉnh tư thế người bệnh.
Bệnh nhân được bác sĩ hướng dẫn tư thế nằm phù hợp nhằm bộc lộ rõ nhất vị trí tĩnh mạch cần tiêm:
- Tiêm tĩnh mạch hiển lớn: Người bệnh nằm nghiêng trái (hoặc phải), duỗi thẳng chân cần tiêm và co chân còn lại.
- Tiêm tĩnh mạch hiển nhỏ: Người bệnh nằm sấp, duỗi thẳng chân.
- Tiêm tĩnh mạch nông khác: Tư thế linh hoạt để thuận tiện cho bác sĩ.
Bước 2: Siêu âm thăm dò tĩnh mạch.
Bác sĩ tiến hành siêu âm để đánh giá lại tĩnh mạch cần tiêm xơ (kích thước giãn, vị trí tĩnh mạch) và xem xét mao động mạch lân cận. Việc làm này nhằm mục đích: tính toán chính xác lượng thuốc cần dùng, xác định vị trí chọc kim và hướng di chuyển của kim.
Thông thừng, vị trí chọc kim sẽ cách quai tĩnh mạch suy giãn khoảng 15 – 20cm với tĩnh mạch hiển lớn và 5 – 10cm với tĩnh mạch hiển bé.
Bước 3: Chuẩn bị trước tiêm.
Bác sĩ tiến hành tạo bọt thuốc tiêm xơ theo kỹ thuật Tessari, tỷ lệ khí: dung dịch gây xơ là 4:1. Tiếp đó, bác sĩ thực hiện sát khuẩn da để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn.
Bước 4: Tiêm xơ
Chọc tĩnh mạch dựa trên kết quả siêu âm mặt cắt dọc hoặc mắt cắt ngang qua tĩnh mạch. Sau khi chọc mạch, bác sĩ cần kiểm tra vị trí của kim đã chắc chắn và chính xác trong lòng mạch hay chưa, có thể xác định bằng dấu hiệu máu chảy khi rút kim và quan sát thấy đầu kim trong mạch.
Thực hiện tiêm chất gây xơ vào lòng tĩnh mạch dưới hướng dẫn của máy siêu âm. Sau khi hết thuốc, rút kim và dùng tay chẹn phía quai tĩnh mạch nông, tránh để thuốc lan vào tĩnh mạch sâu gây huyết khối.
Bước 5: Kiểm tra kết quả.
Bác sĩ thực hiện đánh giá kết quả ngay sau tiêm bằng phương pháp siêu âm. Trường hợp trị liệu thành công có thể quan sát thấy: tĩnh mạch co thắt, bọt chất xơ lan tỏa đều trong lòng tĩnh mạch suy giãn.
Bước 6: Kết thúc.
Bác sĩ thực hiện sát khuẩn da và dùng bông vô khuẩn băng chặt vị trí chọc kim sau đó hướng dẫn người bệnh đeo vớ y khoa, đi chất chun độ II hoặc băng chun cho người bệnh trước khi ra ngoài phòng thủ thuật.
4.2 Tiêm xơ thẩm mỹ
Quy trình tiêm xơ thẩm mỹ được áp dụng cho người bệnh có búi giãn tĩnh mạch mạng nhện hoặc giãn tĩnh mạch nông dạng lưới dưới da. Quy trình cụ thể như sau:
Bước 1: Hướng dẫn tư thế nằm cho người bệnh.
Tùy vào vị trí cụ thể của tĩnh mạch suy giãn, bác sĩ sẽ hướng dẫn tư thế nằm cụ thể để bộc lộ vị trí cần tiêm rõ nhất và thuận tiện cho bác sĩ khi thực hiện.
Bước 2: Tiêm xơ.
Bệnh nhân tiêm xơ thẩm mỹ được chỉ định dùng thuốc dạng dung dịch thay vì dạng bọt, thuốc tiêm xơ thường có nồng độ từ 0.125 – 0.5%.
Sau khi sát khuẩn da, bác sĩ bơm thuốc gây xơ vào nhánh tĩnh mạch chính trong đám tĩnh mạch. Thuốc từ tĩnh mạch này sẽ lan tỏa ra toàn bộ các nhánh của đám tĩnh mạch.
Bước 3: Kết thúc thủ thuật.
Bác sĩ thực hiện sát khuẩn, băng vết tiêm và hướng dẫn người bệnh đeo vớ y khoa, tất chun nếu cần thiết.
5. Chế độ chăm sóc sau khi chích xơ tĩnh mạch chân
Mặc dù tiêm xơ là thủ thuật nhỏ, ít xâm lấn và nhanh hồi phục nhưng người bệnh không được chủ quan sau khi trị liệu. Việc chăm sóc tốt sau khi tiêm xơ giúp thuốc phát huy hiệu quả tốt nhất, giảm nguy cơ biến chứng và giúp người bệnh tránh được ảnh hưởng tiêu cực.
Một số lưu ý sau khi tiêm xơ tĩnh mạch bao gồm:
- Không sử dụng thuốc chống viêm như: aspirin, ibuprofen,… trong vòng 48h sau khi tiêm.
- Không tắm nước nóng, ngâm chân nước ấm, chườm ấm hay xông hơi, thay vào đó người bệnh nên tắm vòi hoa sen với nước lạnh.
- Vệ sinh vết tiêm nhẹ nhàng bằng xà phòng và nước sạch, tránh nặn bóp hoặc chà xát quanh khu vực tiêm.
- Tránh để vùng da trị liệu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Tránh vận động mạnh hay mang vác các vật nặng trong vòng 2 tuần sau khi điều trị.
- Nếu đau nhiều, người bệnh có thể sử dụng paracetamol để giảm đau.
- Cần khám ngay nếu xuất hiện chân bị sưng phù, nóng ấm, tấy đỏ và đau nhức nặng nề.
6. Biến chứng có thể xảy ra do chích xơ tĩnh mạch
Chích xơ là một trong những biện pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch an toàn nhất. Thế nhưng, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số biến chứng sau khi điều trị, cụ thể:
- Thường gặp như: Xảy ra ở 1- 10% người bệnh, gồm biến chứng đám giãn mao mạch và rối loạn sắc tố da.
- Không thường gặp: Xảy ra ở 0.1- 1% người bệnh, gồm biến chứng sốc phản vệ, hoại tử mô nặng, tai biến mạch máu thoáng qua, tắc mạch phổi, tổn thương thần kinh vận động.
- Hiếm gặp: Xảy ra ở 0.01 – 0.1% người bệnh, gồm biến chứng hoại tử da khu trú, huyết khối tĩnh mạch sâu đầu xa.
- Rất hiếm: Xảy ra ở dưới 0.1% người bệnh, gồm biến chứng huyết khối tĩnh mạch sâu đầu gần, rối loạn thị giác, đau nửa đầu, tức ngực, ho khan, dị ứng da,
Mặc dù chích xơ tĩnh mạch là biện pháp an toàn, ít rủi ro nhưng người bệnh không nên có tâm lý chủ quan trong điều trị. Thay vào đó, người bệnh cần tìm hiểu kỹ các cơ sở, bệnh viện y tế, lựa chọn những bác sĩ giỏi, có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm để đảm bảo an toàn và hiệu quả điều trị.
Đọc bài tiếp theo: Suy giãn tĩnh mạch có những phương pháp điều trị nào?