Giãn tĩnh mạch mạng nhện không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Nhiều người tỏ ra băn khoăn không biết việc chăm sóc và điều trị giãn tĩnh mạch mạng nhện có gặp khó khăn hơn bình thường không? Nếu đây cũng là điều bạn lo lắng, vậy đừng bỏ qua bài viết này!
Mục lục
1. Giãn tĩnh mạch mạng nhện là gì?
Suy giãn tĩnh mạch mạng nhện là hiện tượng những mạch máu nhỏ, nằm ngay dưới da bị suy giảm chức năng và giãn rộng hơn bình thường. Nguyên nhân của tình trạng này thường do sự suy yếu của hệ thống van một chiều trong tĩnh mạch, khiến máu trong tĩnh mạch không thể trở về hệ động mạch chủ.
Lâu dần, lượng máu ứ đọng trong tĩnh mạch làm tăng áp lực, khiến các mạch máu nhỏ bị vỡ và gây ra tình trạng: chân phù nề, sưng tấy, nặng mỏi, đau nhức và các mạng mạch máu nhỏ màu đỏ, xanh, tím ngoằn ngoèo trên da có hình mạng nhện. Kích thước các tĩnh mạch mạng nhện rất nhỏ, thường dao động trong khoảng 1 – 4mm.
Bạn có thể nhận biết suy giãn tĩnh mạch mạng nhện thông qua một số dấu hiệu như:
- Tĩnh mạch nhỏ nổi trên da có màu đỏ hoặc màu xanh lam.
- Hệ tĩnh mạch nổi sát trên bề mặt da nhưng không tạo thành những đường lồi.
- Hình dáng mạng tĩnh mạch tương tự như mạng nhện.
2. Nguyên nhân gây giãn tĩnh mạch mạng nhện
Giãn tĩnh mạch mạng nhện xảy ra khi thành tĩnh mạch bị suy yếu và phình rộng ra gây tích tụ máu trong lòng tĩnh mạch. Nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này hiện vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố nguy cơ được cho là có khả năng thúc đẩy phát triển tình trạng này.
Các yếu tố nguy cơ gây giãn tĩnh mạch mạng nhện gồm:
Di truyền: Có đến 90% bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch mạng nhện có người thân trong gia đình gặp phải tình trạng này.
Mang thai: Giai đoạn này, lưu lượng máu trong cơ thể tăng lên kết hợp với sự lớn lên của thai nhi chèn ép vào tĩnh mạch ở vùng chậu làm tăng áp lực trong tĩnh mạch và cản trở máu từ tĩnh mạch về tim.
Nữ giới: Nội tiết tố của nữ giới có thể gây giãn mạch. Thêm vào đó, phụ nữ thường xuyên bị rối loạn nội tiết trong giai đoạn dậy thì, các chu kỳ kinh hay tiền mãn kinh nên nguy cơ giãn tĩnh mạch cũng cao hơn.
Tuổi tác: Tuổi tác lớn dần kéo theo quá trình lão hóa khiến các cơ bắp hỗ trợ tĩnh mạch suy yếu và chức năng tĩnh mạch suy giảm. Tình trạng này có thể thúc đẩy suy giãn tĩnh mạch tiến triển.
Béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở chân, cản trở máu từ chân về tim và dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
Ngồi hoặc đứng quá lâu: Tư thế này cản trở dòng chảy của máu từ chân về tim, khiến van tĩnh mạch suy yếu và hình thành nên suy giãn tĩnh mạch.
Bệnh lý tim mạch: Là nguyên nhân phổ biến khiến tĩnh mạch và các van suy yếu, hình thành nên chứng suy giãn tĩnh mạch.
Mặc dù không trực tiếp gây ra suy giãn tĩnh mạch mạng nhện nhưng những yếu tố trên có thể thúc đẩy, khiến suy giãn tĩnh mạch tiến triển khi có cơ hội. Vì vậy, nếu có một hoặc một vài yếu tố trên, bạn cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng và tiến hành tầm soát bệnh định kỳ khoảng 6 tháng/ lần.
3. Triệu chứng giãn tĩnh mạch mạng nhện
Giãn tĩnh mạch mạng nhện là một dạng tổn thương các mao tĩnh mạch nhỏ dưới da. Trong các trường hợp nhẹ, người bệnh có thể không thấy triệu chứng khó chịu ngoài các tĩnh mạch xanh, tím trên bề mặt da. Những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:
- Toàn thân mệt mỏi, cơ thể suy nhược.
- Cảm giác nóng rát, đau nhức hoặc nặng mỏi ở chân.
- Tê ngứa xung quanh vùng da có tĩnh mạch bị giãn.
- Chân sưng tấy, phù nề.
- Xuất hiện tình trạng chuột rút, co cứng và đau nhức cơ bắp chân.
- Rối loạn sắc tố da khiến da đổi màu nâu, thường xuất hiện ở mắt cá chân.
- Loạn dưỡng dưới da gây lở loét.
Những triệu chứng trên thường nghiêm trọng hơn khi người bệnh lao động nặng, mặc đồ bó, đi giày cao gót, ngồi hoặc đứng quá lâu ở một tư thế. Ngoài ra, người bệnh cần đến gặp bác sĩ ngay nếu xuất hiện các dấu hiệu dưới đây:
- Giãn tĩnh mạch mạng nhện gây đau nghiêm trọng, cản trở người bệnh vận động hoặc sinh hoạt hàng ngày.
- Xuất hiện khối u mềm, gây đau phát triển ở chân bị suy giãn tĩnh mạch.
- Chân sưng nóng, đau nhức đột ngột.
- Chảy máu ở vùng da giãn tĩnh mạch.
4. Giãn tĩnh mạch mạng nhện có nguy hiểm không?
Hầu hết các trường hợp suy giãn tĩnh mạch mạng nhện đều không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, một số người bệnh vẫn có thể tiến triển thành một số biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe như:
Loạn dưỡng dưới da: Xảy ra máu ứ trong tĩnh mạch khiến tĩnh mạch bị phình ra, gây thoát dịch khiến chân bị sưng phù nề. Tình trạng này cản trở máu nuôi giàu dưỡng chất và oxy từ động mạch đến các mô và khiến da bị lở loét, nhiễm trùng gây hoại tử.
Viêm mô tế bào: Xuất huyết ngoài lòng mạch gây tụ dịch và khiến chân bị phù nề, sưng tấy, ít được nuôi dưỡng. Tình trạng này làm giảm miễn dịch da, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn, vi nấm tấn công gây viêm mô với các triệu chứng: sưng tấy, nóng đỏ lan nhanh và phù nề da.
Huyết khối tĩnh mạch: Xảy ra khi máu trong tĩnh mạch có thể kết khối hình thành cục máu đông gây ra hiện tượng viêm tĩnh mạch, biểu hiện bởi các triệu chứng: tấy đỏ, phù nề, đau nóng và ấn đau trên da.
Giãn vỡ tĩnh mạch: Các tĩnh mạch bị giãn căng quá mức, vỡ ra gây hiện tượng xuất huyết tĩnh mạch. Lượng máu này có thể chảy vào các mô khiến mô bị tổn thương, biểu hiện bởi triệu chứng da bầm tím từng đám.
Khi phát hiện dấu hiệu của những biến chứng trên, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chỉ định các biện pháp khắc phục phù hợp.
5. Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch mạng nhện
Mục tiêu trong điều trị suy giãn tĩnh mạch mạng nhện là giảm bớt triệu chứng, kiểm soát bệnh tiến triển để ngăn nguy cơ biến chứng. Trong những trường hợp nhẹ, ít triệu chứng, mục tiêu điều trị đơn giản là giảm thiểu khu vực bị ảnh hưởng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến nhất:
5.1 Đeo vớ y khoa
Đeo vớ y khoa là liệu pháp điều trị không xâm lấn được áp dụng phổ biến trong tất cả các trường hợp suy giãn tĩnh mạch, bao gồm cả giãn tĩnh mạch mạng nhện. Các loại vớ được thiết kế với áp lực phù hợp giúp cải thiện tuần hoàn máu từ chân về tim, hỗ trợ cơ bắp và giảm áp lực lên tĩnh mạch, qua đó cải thiện các triệu chứng do suy giãn tĩnh mạch gây ra.
Có 3 loại vớ y khoa chính gồm:
- Loại 1: Tạo ra áp lực từ 15 – 20mmHg.
- Loại 2: Tạo áp lực từ 20 – 30mmHg.
- Loại 3: Tạo áp lực từ 30 – 40mmHg.
Tùy vào mức độ giãn tĩnh mạch cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định loại vớ phù hợp. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần đặt thiết kế vớ y khoa riêng cho trường hợp của mình.
Xem chi tiết:
- Cách sử dụng vớ y khoa hiệu quả
- Giới thiệu 7 loại vớ y khoa chất lượng cho người bị giãn tĩnh mạch chân
5.2 Tiêm xơ tĩnh mạch
Tiêm xơ tĩnh mạch là phương pháp đưa trực tiếp chất gây xơ vào lòng tĩnh mạch để gây tắc mạch, khiến tĩnh mạch bị teo xơ và biến mất dần. Phương pháp này có thể hiệu quả với 80% trường hợp suy giãn tĩnh mạch mạng nhện.
Ưu điểm của phương pháp này là hiệu quả cao, ít xâm lấn và gần như không gây đau đớn cho người bệnh. Khoảng 50 – 80% tĩnh mạch suy giãn có thể biến mất trong vòng 3 – 6 tuần kể chỉ với lần trị liệu đầu tiên, một lần điều trị có thể chỉ kéo dài từ 15 – 30 phút. Bên cạnh đó, người bệnh có thể hoạt động bình thường và xuất viện về nhà ngay sau khi thực hiện thủ thuật.
Tuy nhiên, tiêm xơ tĩnh mạch là thủ thuật khó, đòi hỏi bác sĩ có trình độ kỹ thuật cao và được đào tạo đặc biệt, có kinh nghiệm siêu âm để đánh giá được: mạch chính cần điều trị, tuần hoàn phụ và các mạch máu có thể tự tiêu sau can thiệp.
Trường hợp bác sĩ tay nghề kém, đưa chất gây xơ sai vị trí có thể gây ra viêm và hoại tử các mô xung quanh tĩnh mạch. Vì vậy, người bệnh cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn những bệnh viện lớn và bác sĩ uy tín để đảm bảo an toàn trong thời gian điều trị.
Xem thêm: Chi phí tiêm xơ tĩnh mạch là bao nhiêu?
5.3 Điều trị bằng laser
Điều trị suy giãn tĩnh mạch mạng nhện bằng laser là phương pháp sử dụng ánh sáng xung chiếu vào các tĩnh mạch từ bên ngoài làm đông máu, hình thành các mô sẹo và khiến chúng co rút lại. Biện pháp này có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp cùng biện pháp chích xơ để điều trị giãn tĩnh mạch mạng nhện.
Điều trị laser là phương pháp không xâm lấn, mỗi đợt điều trị chỉ mất khoảng 30 – 45 phút, liệu trình thông thường khoảng 10 buổi và cách nhau khoảng 6 tuần. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là tác dụng chậm, hiệu quả không cao và thời gian trị liệu có thể kéo dài đến vài năm.
Sau điều trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: cảm giác khó chịu trên da, rối loạn sắc tố da và hình thành các vảy cứng.
5.4 Cắt tĩnh mạch bằng phương pháp nội nhiệt
Phương pháp này sử dụng tia laser hoặc sóng cao tần tạo ra nhiệt cục bộ cường độ cao trong tĩnh mạch bị giãn. Các bác sĩ tạo một vết cắt nhỏ trên da, gần tĩnh mạch giãn, sau đó đưa ống thông vào trong tĩnh mạch. Thiết bị nhiệt gắn ở đầu ống thông làm nóng tĩnh mạch và khép nó lại.
Phương pháp nội nhiệt được thực hiện nhằm làm tắc các tĩnh mạch bị suy giãn, điều chỉnh dòng máu chảy vào các tĩnh mạch còn chức năng. Người bệnh được gây tê và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt thời gian thực hiện thủ thuật. Điều này giúp người bệnh ít bị đau đớn và phục hồi nhanh hơn.
5.4 Phẫu thuật
Phương pháp phẫu thuật được thực hiện khi suy giãn tĩnh mạch mạng nhện trở nên nghiêm trọng, xuất hiện chảy máu hoặc sưng đau. Bên cạnh đó, người bệnh cũng đã áp dụng các biện pháp điều trị khác nhưng không hiệu quả. Các phương pháp phẫu thường được áp dụng gồm:
- Thắt tĩnh mạch: Bác sĩ thực hiện cắt và buộc lại tĩnh mạch bị suy giãn. Người bệnh có thể cần một vài ngày để có thể hồi phục và sinh hoạt như bình thường.
- Tước tĩnh mạch: Là phẫu thuật loại bỏ tĩnh mạch lớn hơn qua 2 đường mổ nhỏ. Người bệnh thường cần đến 10 ngày để hồi phục và hoạt động bình thường.
Trên đây là bài viết tổng quan về chứng suy giãn tĩnh mạch mạng nhện. Hi vọng bài viết đã mang lại nhiều kiến thức hữu ích, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh lý và các phương pháp quản lý tình trạng này. Nếu còn vấn đề cần giải đáp, bạn đọc có thể liên hệ trực tiếp qua hotline: 1900 545 518 để được chuyên gia hỗ trợ.