Chuột rút là hiện tượng cơ bắp bị co rút đột ngột và tự động gây ra những cơn đau buốt vô cùng khó chịu. Bạn có thể bị chuột rút khi đi bơi, trong lúc tập thể thao hoặc chuột rút do bệnh lý. Ngoài ra, thiếu hụt dưỡng chất là cũng là nguyên nhân phổ biến gây chuột rút. Vậy, thường xuyên bị chuột rút là thiếu chất gì? Mời bạn đọc tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Thiếu Canxi
Thiếu canxi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra triệu chứng chuột rút. Theo đó, canxi là yếu tố quan trọng cho hoạt động co cơ, giải phóng hormone, đông máu, dẫn truyền thần kinh và dẫn truyền tin trong tế bào. Cụ thể, để cơ bắp hoạt động các tế bào cơ và thần kinh buộc phải giải phóng ion canxi tạo liên kết với các protein hoạt hóa. Quá trình này giúp khởi động và duy trì hoạt động bình thường của cơ bắp.
Khi cơ thể bị thiếu canxi, phản xạ co cơ có thể không được đáp ứng hoặc rối loạn gây ra tình trạng co rút cơ bắp đột ngột hay chuột rút. Tình trạng này phổ biến ở một số đối tượng như: trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu canxi gồm:
- Thường xuyên bị chuột rút, co thắt cơ.
- Đau nhức, khó chịu trong xương.
- Răng yếu, răng vàng hơn bình thường.
- Hay bị chóng mặt, tê nhức chân tay.
- Móng tay yếu, dễ gãy.
- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ.
Nhu cầu thực tế của người trưởng thành là khoảng 800mg canxi/ ngày. Phụ nữ có thai và cho con bú tăng lên khoảng 1.200 – 1.300mg/ ngày. Bạn có thể dựa vào mức nhu cầu này để xác định xem chế độ ăn hàng ngày đã cung cấp đủ lượng canxi cần thiết hay chưa.
Nếu chế độ ăn “nghèo canxi”, bạn nên chủ động tăng cường các thực phẩm giàu canxi như: sữa và chế phẩm từ sữa, rau dền cơm, tôm đồng, rau đay, lòng đỏ trứng, các loại hải sản có vỏ,….
Xem chi tiết: Hướng dẫn bổ sung canxi cho người bị chuột rút
2. Thiếu Kali
Ở người bình thường, nồng độ Kali máu thường dao động ở mức 3.5 – 5.0mmol/ lít. Hầu hết lượng kali trong cơ thể đều tồn tại ở tế bào cơ. Điều này lý giải vì sao chất khoáng này có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động bình thường của các tế bào cơ, bao gồm: cơ bắp, cơ tim, cơ trơn đường tiêu hóa hay tiết niệu,…
Nồng độ Kali ảnh hưởng trực tiếp đến điện thế màng tế bào, giúp đảm bảo quá trình dẫn truyền tín hiệu giữa các tế bào, trong đó có hoạt động dẫn truyền thần kinh và co tế bào. Vì vậy, khi nồng độ Kali máu hạ xuống quá thấp (dưới 3.0mmol/l), người bệnh dễ gặp phải triệu chứng:
- Co cơ, đau cơ, yếu cơ, liệt cơ, chuột rút thường xuyên.
- Rối loạn nhịp tim.
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón kéo dài.
Hạ Kali huyết thường xảy ra ở những người rối loạn hấp thu, nghiện rượu lâu ngày, thường xuyên dùng thuốc lợi tiểu, tiêu chảy – nôn kéo dài, bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát,…
Nhu cầu Kali của một người bình thường trưởng thành là khoảng 4.7g/ ngày. Bạn có thể chủ động bổ sung qua những thực phẩm giàu Kali như: thịt nạc, các loại đỗ, khoai tây, ngô, khoai lang, rau dền, chuối, chanh,….
3. Thiếu Magie
Một trong những nguyên nhân khiến bạn thường xuyên bị chuột rút là do cơ thể bị thiếu magie. Magie là chất khoáng đảm bảo sự ổn định của hoạt động dẫn truyền thần kinh, làm dịu thần kinh và khả năng hưng phấn. Bên cạnh đó, chất khoáng này còn giúp thư giãn cơ đồng thời tham gia vào hơn 300 phản ứng hóa sinh, kích thích tái hấp thu canxi, tăng hấp thu kali và duy trì hệ cơ bắp khỏe mạnh.
Khi bị thiếu hụt magie, hệ thần kinh dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, dễ kích thích làm tăng trương lực cơ khiến cơ bắp bị co rút gây chuột rút. Tình trạng này thường gặp ở những người mắc bệnh tiêu hóa mãn tính, người cao tuổi, tiểu đường typ II, người nghiện rượu lâu năm hay sử dụng các loại thuốc lợi tiểu quai kéo dài.
Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang bị thiếu magie gồm:
- Yếu cơ, đau cơ, liệt cơ, thường xuyên bị chuột rút.
- Thèm ăn đồ ngọt do bị tăng kích thích dẫn đến hạ đường huyết.
- Rối loạn tiêu hóa, táo bón, trào ngược dạ dày.
- Cơ thể mệt mỏi, đau nhức xương khớp, mất ngủ.
Nhu cầu magie của một người trưởng thành dao động trong khoảng 350 – 400mg/ ngày. Bạn có thể bổ sung chất khoảng này thông qua các loại thực phẩm như: các loại rau lá sẫm màu, thịt, sữa, đậu tương, chuối, quả khô,…
Chuột rút vào ban đêm có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Vậy bị chuột rút bắp chân khi ngủ phải làm sao? Bạn có thể đọc tiếp bài viết này: Nên làm gì để thoát khỏi cảnh bị chuột rút chân khi ngủ?
4. Thiếu vitamin nhóm B
Vitamin nhóm B là một trong những dưỡng chất quan trọng tác động trực tiếp đến chức năng dẫn truyền thần kinh trong cơ thể. Trong khi đó, hoạt động của cơ bắp được điều khiển bởi tín hiệu nhận được từ hệ thần kinh. Vì lý do này, thiếu hụt vitamin nhóm B có thể dẫn đến rối loạn hoạt động của hệ thần kinh – cơ, dẫn đến triệu chứng chuột rút đột ngột.
Những vitamin nhóm B cần được chú ý khi bị chuột rút thường xuyên gồm:
- Vitamin B6: Đảm nhiệm nhiệm vụ vận chuyển glucose đến tế bào. Thiếu vitamin B6 khiến các tế bào thần kinh – cơ bị thiếu hụt năng lượng và không thể hoạt động như bình thường, dẫn đến suy yếu hoặc co rút cơ.
- Vitamin B12: Tham gia trực tiếp vào quá trình tạo hồng cầu và dẫn truyền thần kinh điều khiển hoạt động của cơ bắp. Vì vậy, thiếu vitamin B12 dễ dẫn đến thiếu máu cục bộ, co rút cơ, gây chuột rút.
Nhu cầu vitamin B6 ở người trưởng thành dao động từ 1.3 – 1.7mg/ ngày và vitamin B12 là 2mcg/ ngày. Thiếu vitamin nhóm B thường gặp ở những người mắc bệnh tiêu hóa mãn tính, người nghiện rượu lâu năm, người mắc các bệnh chuyển hóa hay có chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học.
Bạn có thể tăng cường bổ sung vitamin B6 và B12 thông qua các loại thực phẩm như: nội tạng động vật, thịt bò, thịt lợn, thịt gà,…
Có thể bạn quan tâm: Bị chuột rút uống thuốc gì?
5. Thiếu Natri
Natri được biết đến như một trong những chất điện giải quan trọng nhất của cơ thể tồn tại ở dịch ngoại bào. Khi cơ thể thiếu natri kết hợp với thiếu canxi hoặc magie có thể gây kích thích đầu mút thần kinh của hai đầu cơ, dẫn đến co rút cơ, gây chuột rút.
Hạ natri có thể xảy ra ở những người uống quá nhiều nước, đổ nhiều mồ hôi, lạm dụng thuốc lợi tiểu hoặc mắc các bệnh lý về thận. Bạn có thể phát hiện cơ thể bị thiếu natri thông qua các triệu chứng như:
- Yếu cơ, co thắt cơ, thường xuyên bị chuột rút.
- Thường xuyên cảm thấy buồn nôn, nôn.
- Đau đầu, lú lẫn, giảm trí nhớ.
- Mệt mỏi, bồn chồn và dễ cáu kỉnh.
Nhu cầu natri của cơ thể là khoảng 200 – 500mg/ ngày. Bạn có thể bổ sung chất điện giải này cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm như: rau bina, củ cải đường, cần tây, cà rốt, trứng, quả bơ, sữa chua, muối ăn,….
6. Thiếu vitamin D
Thiếu vitamin D có thể trở thành nguyên nhân gián tiếp gây ra chứng chuột rút thường xuyên. Mặc dù vitamin D không tham gia trực tiếp vào hoạt động của cơ bắp nhưng lại ảnh hưởng đến khả năng hấp thu và duy trì ổn định nồng độ phospho và canxi máu. Vì vậy, thiếu hụt vitamin D thường gây thiếu canxi dẫn đến rối loạn hoạt động thần kinh – cơ, gây chuột rút.
Một số dấu hiệu cho thấy bạn đang thiếu vitamin D gồm:
- Yếu cơ, đau nhức cơ bắp.
- Đau nhức, bồn chồn ở xương.
- Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon.
- Người mệt mỏi, dễ căng thẳng, lo lắng, trầm cảm.
Nhu cầu vitamin D của một người trưởng thành khoảng 600IU/ ngày. Bạn có thể bổ sung dưỡng chất này thông qua việc tắm nắng hoặc tăng cường các loại thực phẩm như gan động vật, các loại cá béo, sữa và chế phẩm từ sữa.
7. Thiếu nước
Thiếu nước là nguyên nhân thường gặp nhất khiến cơ thể bị rối loạn điện giải. Tình trạng này khiến các cơ bị co thắt, dẫn đến triệu chứng chuột rút. Một số dấu hiệu cho thấy cơ thể bạn đang bị thiếu nước gồm:
- Co thắt cơ, thường xuyên bị chuột rút.
- Da khô, miệng khô, môi bị bong tróc, nứt nẻ.
- Đi tiểu ít, nước tiểu đậm màu.
- Cơ thể mệt mỏi, có thể bị hoa mắt, nhức đầu.
Nhu cầu nước của một trường trưởng thành là 35g/ kg/ ngày, tức là khoảng 1.5 lít/ ngày. Bạn có thể bổ sung qua nước uống bình thường, các loại nước canh, nước ép hoa quả,…
Trên đây là nội dung giải đáp cho câu hỏi: Thường xuyên bị chuột rút thiếu chất gì? Hi vọng bài viết đã mang đến cho bạn đọc những thông tin hữu ích để có thể kiểm soát và phòng ngừa tình trạng này. Nếu cần tư vấn thêm, bạn đừng ngại để lại câu hỏi ở dưới bài viết hoặc liên hệ trực tiếp cho chuyên gia qua hotline 1900 545 518.