Giáo viên là một trong những nhóm nghề có nguy cơ cao mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch chân, đặc biệt là giáo viên nữ.
Cô Minh, dạy bộ môn tiếng Anh ở một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tôi đã làm việc ở đây gần 6 năm. Là một giáo viên trẻ, thời gian đầu đứng lớp, tôi thường mang giày cao gót, nhưng dần dần việc đi lại, đứng lâu trên bục cứng càng khó khăn hơn. Tôi phát hiện ra mình đã bị giãn tĩnh mạch chân. Cứ về cuối ngày là chân của tôi bị đau và sưng tấy.”
Một nữ giáo viên khác dạy toán, chia sẻ: “Tôi đã phát hiện ra mình bị suy giãn tĩnh mạch từ lâu, chân không chỉ sưng tấy mà da chân còn sẫm màu và ngứa ngáy. Chính vì thế, khi đi dạy, dù là trời mùa hè nóng, tôi vẫn mặc quần dài và mang tất để che đi. Hiện tại, tôi vẫn đang tìm cách để cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả hơn.”
Mục lục
1. Tại sao giáo viên hay bị suy giãn tĩnh mạch chân?
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân, ngoại trừ một số ít là do bẩm sinh màng thành mạch tương đối yếu, còn lại phần lớn là do nguyên nhân nghề nghiệp như: nhân viên văn phòng, giáo viên, đầu bếp và những người phải ngồi hoặc đứng lâu.
Như chúng ta đã biết, giáo viên thường làm việc liên tục trong tư thế đứng và đi lại trên nền bê tông cứng. Ở tư thế này, đôi chân chịu phần lớn trọng lực của cơ thể. Van tĩnh mạch gánh nhiệm vụ nặng nề là đảm bảo cho máu tĩnh mạch về tim được thông suốt, khi đứng quá lâu van tĩnh mạch bị quá tải, lâu dần sẽ bị tổn thương dẫn đến máu chảy ngược và giãn tĩnh mạch chi dưới.
Nhiều giáo viên nữ mang giày cao gót đơn giản là sở thích hoặc có thể yêu cầu đặc biệt về trang phục trong công tác giảng dạy tại trường lớp, nhưng dù lí do là gì thì nó cũng chính là một trong những yếu tố hạn chế sự lưu thông máu trong chân nên càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Đọc thêm: Các bệnh nghề nghiệp phổ biến ở giáo viên
2. 4 dấu hiệu giãn tĩnh mạch hay gặp nhất ở giáo viên
Các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch được chia làm 7 cấp độ (từ cấp độ 0 đến 6). Trong đó, với những giáo viên bị suy giãn tĩnh mạch, các triệu chứng phổ biến nhất nằm ở cấp độ 0 đến 3, gồm có:
2.1. Đau chân
Đau chân là triệu chứng suy giãn tĩnh mạch cấp độ 0, xuất hiện sớm nhất cảnh báo bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Tuy nhiên, ở thời điểm ban đầu, các triệu chứng còn tương đối mơ hồ nên nhiều thầy cô giáo chỉ cho rằng tình trạng này xuất hiện là do đứng lâu đau mỏi chân, mà không nghi ngờ đây là dấu hiệu của bệnh.
Ở những cấp độ sau đó, triệu chứng đau chân có thể nghiêm trọng hơn, đau không chỉ xuất hiện khi đứng lâu mà còn đau nhiều về chiều tối, đi được chừng 20-30 phút cảm giác nặng nề như đeo vật gì ở chân, rất khó đi lại.
2.2. Chuột rút
Chuột rút chân là triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân cấp độ 1. Cơ chế chuột rút ở bệnh suy giãn tĩnh mạch chân chưa rõ ràng. Ban đầu triệu chứng này ít xuất hiện, hôm có hôm không, sau càng xảy ra thường xuyên hơn.
Chuột rút chân thường xảy ra vào ban đêm, làm gián đoạn giấc ngủ, gây nên tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.
2.3. Nổi tĩnh mạch
Nổi tĩnh mạch là triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân cấp độ 2.
Tĩnh mạch nông bị phình giãn nổi thành từng đám ở bắp chân, ngoằn ngoèo giống như mạng nhện hoặc mạch li ti tia máu tím nhỏ. Bệnh càng nặng thì búi phình giãn tĩnh mạch càng to trông như giun quấn vào nhau. Đám nổi tĩnh mạch này càng nhận thấy rõ ràng hơn khi đứng. Có thể kèm theo cảm giác ngứa chân, buồn bực dọc cẳng chân, châm chích, hoặc như kiến bò trong xương.
2.4. Sưng phù
Sưng phù chân là triệu chứng suy giãn tĩnh mạch chân ở giai đoạn 3 – giai đoạn tiến triển.
Triệu chứng này thường gặp về chiều, bàn chân và mắt cá chân bị sưng phù nhiều, nên nhiều người có cảm giác 1 chân to, 1 chân nhỏ, khi ấn vào mu bàn chân thấy lõm và lâu trở về trạng thái bình thường.
3. Lời khuyên
Bất cứ một công việc nào trong xã hội cũng đều có bệnh nghề nghiệp đặc trưng, gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe. Với giáo viên, suy giãn tĩnh mạch chính là bệnh nghề nghiệp phổ biến nhất. (Tìm hiểu thêm: Các biến chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân)
Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh mãn tính – có nghĩa là nó không thể chữa khỏi hoàn toàn. Nhiều người cho rằng, có bệnh thì chỉ cần uống thuốc, các biện pháp hỗ trợ chẳng giúp ích được nhiều nhưng sự thật thì ngược lại. 9/10 bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chân nếu không tự cân bằng lối sống, tập luyện thì các biện pháp điều trị đều trở nên vô ích, nguy cơ tái phát bệnh rất cao.
Dưới đây là một vài lời khuyên giúp các thầy cô kiểm soát triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch hiệu quả:
– Đối với giáo viên nữ, khi đi làm, nên mang giày bệt mềm, có kích thước và độ ôm chân vừa phải, tránh sử dụng các loại giày quá chật, giày mũi nhọn hoặc các loại quần/ váy bó sát chân.
– Tránh đứng lâu ở một tư thế mà nên đi lại nhẹ nhàng quanh lớp học để máu chân lưu thông tốt hơn.
– Tránh ngồi lâu và vắt chéo chân, nên thả lỏng chân, thỉnh thoảng nhón chân lên hoặc xoay cổ chân tại chỗ – giống như một bài tập nhẹ nhàng để giảm tê mỏi chân.
– Mỗi buổi tối, nên tưới nước lạnh lên chân, có thể kết hợp với xoa bóp nhẹ nhàng từ bàn chân lên đùi.
– Để cải thiện các triệu chứng bệnh, có thể thực hiện bài tập sau: nằm ngửa trên giường, hai chân duỗi thẳng, sau đó nâng hai chân lên khỏi mặt giường, bắt chéo chân trái qua chân phải và ngược lại, luân phiên từ 10 đến 15 lần. Sau đó đưa hai chân trở lại vị trí ban đầu trên mặt giường. Thực hiện động tác này 2- 3 lần/ngày giúp tăng cường tuần hoàn máu hiệu quả.
– Khi có thời gian rảnh, các thầy cô có thể thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, đi xe đạp, bơi. Đối với những người nặng cân hoặc gặp vấn đề về khớp thì nên đi xe đạp thay vì đi bộ, người đi mau nhức chân hoặc bị phù chân thì nên đi bơi, còn lại những người bị suy giãn tĩnh mạch ở độ 1,2 thì nên đi bộ.
– Bị suy giãn tĩnh mạch thường có triệu chứng khó chịu ở chân, bứt rứt, nhiều người cho rằng ngâm chân sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng hành động này có thể làm bệnh nặng hơn. Ngay sau khi ngâm có thể thấy ngay, chân thoải mái chừng 5-10 phút nhưng sau đó, cảm giác khó chịu nặng hơn ban đầu, mạch giãn nhiều hơn mỗi ngày. Vì vậy, bị suy giãn tĩnh mạch, đừng ngâm chân nước nóng.