Đau nhức lòng bàn chân mang lại cảm giác khó chịu và khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Đây cũng là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang gặp một số vấn đề liên quan đến sức khoẻ. Cùng Dulcit tìm hiểu top 8 bệnh lý phổ biến gây đau nhức lòng bàn chân trong bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
1. Đái tháo đường
Insulin là một loại hormon tuyến tụy đóng vai trò quan trọng giúp glucose trong máu đi vào tế bào và tạo ra năng lượng. Khi bị mắc bệnh tiểu đường, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin đúng cách. Điều này khiến lượng glucose trong máu tăng cao.
Đái tháo đường được phân loại như sau:
➤ Đái tháo đường type I: Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công và phá huỷ các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, khiến cơ thể tạo ra ít hoặc không tạo ra insulin. Đái tháo đường type I thường phổ biến ở trẻ em và thanh thiếu niên với các triệu chứng xuất hiện rầm rộ bao gồm: đái nhiều, uống nhiều, sút cân nhanh chóng. Người mắc bệnh bắt buộc phải sử dụng insulin mỗi ngày để duy trì sự sống.
➤ Đái tháo đường type II: Nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh là do cơ thể sử dụng insulin không đúng cách làm cản trở quá trình chuyển hoá glucose. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh đái tháo đường type II, phổ biến nhất là do di truyền, béo phì, lười vận động… Bệnh thường xuất hiện ở người già với các dấu hiệu gần tương tự như đái tháo đường type I nhưng biểu hiện không quá rõ rệt. Các biện pháp điều trị bệnh bao gồm: thay đổi lối sống, sử dụng các thuốc hạ đường máu như Metformin, Sulphonylurea, thuốc ức chế alpha Glucosidase, đôi khi cần dùng cả insulin.
➤ Đái tháo đường thai kỳ: Bệnh xảy ra ở phụ nữ mang thai, thường không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng mà chủ yếu được xác định bằng cách khám sàng lọc đái tháo đường thai kỳ. Mẹ bầu mắc bệnh có thể bị tăng huyết áp, tiền sản giật và có khả năng cao mắc đái tháo đường type II sau sinh. Ngoài ra, thai nhi cũng bị ảnh hưởng, mắc suy hô hấp, chứng khổng lồ, đẻ non…
Nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu, đái tháo đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng lâu dài và nguy hiểm, thậm chí có thể gây tàn tật và đe doạ tính mạng như:
Tổn thương dây thần kinh: Lượng đường trong máu tăng cao làm tổn thương thành các mạch máu nhỏ (mao mạch) có chức năng nuôi dưỡng các dây thần kinh. Điều này thường xuất hiện ở chân gây đau nhức ở đầu ngón chân, lòng bàn chân và dần dần lan lên trên, kèm theo cảm giác ngứa ran, tê bì, nóng rát. Ngoài ra, đái tháo đường còn dẫn đến tổn thương dây thần kinh tiêu hoá gây ra các vấn đề như: buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
Bệnh võng mạc đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao làm hỏng các mạch máu ở mắt, làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Bệnh thận đái tháo đường: Bệnh được đặc trưng bởi sự dày lên của màng đáy cầu thận, tăng sinh gian mạch và xơ cứng cầu thận. Những thay đổi bất thường này làm tăng áp lực cầu thận và suy giảm mức lọc cầu thận.
Bệnh mạch máu lớn: Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim như: xơ vữa động mạch, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đau tim, đột quỵ…
Nhiễm trùng: Đường huyết tăng cao làm rối loạn chức năng của các tế bào bạch cầu và tế bào T. Điều này khiến cơ thể dễ nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm, phổ biến nhất là nhiễm nấm niêm mạc bao gồm nấm candida miệng và âm đạo; nhiễm trùng bàn chân do vi khuẩn bao gồm viêm tủy xương.
2. Hội chứng bàn chân dẹt
Hội chứng bàn chân bẹt là tình trạng lòng bàn chân bằng phẳng, không lõm vào. Thông thường, trẻ sơ sinh đều có bàn chân bẹt, không lõm, không có vòm. Vòm bàn chân và hệ thống dây chằng sẽ dần hình thành khi trẻ từ 2 đến 3 tuổi. Vòm bàn chân đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể cân bằng, đi đứng nhẹ nhàng, giảm phản lực từ mặt đất dội ngược lên khi di chuyển.
Thói quen đi chân đất, đi giày dép có đế lót bằng phẳng từ khi còn nhỏ tuổi là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hội chứng bàn chân bẹt. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác như: gen xương mềm ở bàn chân, gãy xương, bệnh lý khớp mãn tính…
Những người mắc hội chứng bàn chân bẹt thường dễ bị ngã do bàn chân không đủ linh động. Đau nhức khó chịu ở lòng bàn chân, mắt cá chân, bắp chân, đầu gối… có thể xảy ra do cơ và dây chằng liên tục bị kéo căng quá mức. Cơn đau trở nên trầm trọng hơn khi hoạt động, kèm theo triệu chứng sưng tấy dọc theo bên trong mắt cá chân. Nếu không có phương án điều trị phù hợp, dị tật này có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến thần kinh cột sống, làm lệch khớp gối dẫn đến thoái hoá sớm…
3. Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào dọc theo dây thần kinh tọa. Cơn đau tập trung chủ yếu ở phần hông, mông, đùi, bắp chân và lan xuống lòng bàn chân, các ngón chân. Chúng thường xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ, có xu hướng trầm trọng hơn khi hoạt động quá sức, ho, hắt hơi, thay đổi tư thế. Các triệu chứng đi kèm như: cảm giác tê nóng, rát bỏng hoặc như điện giật ở khu vực bị đau. Đau thần kinh tọa thường chỉ ảnh hưởng một bên của cơ thể.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như:
- Thoát vị đĩa đệm: Đĩa đệm giữa các đốt sống bị chèn ép, phần gel tràn ra ngoài và tác động vào dây thần kinh tọa dẫn đến đau nhức.
- Gai cột sống: Quá trình tái tạo xương được thực hiện không đồng đều hoặc quá mức là nguyên nhân hình thành gai xương ở rìa các đốt sống. Chúng có thể đè lên các dây thần kinh khiến bạn bị đau nhức, tê bì.
- Hội chứng Piriformis: Hội chứng Piriformis xảy ra ở cơ hình lê nằm phía sau khung chậu, gây đau ở mông và đôi khi tác động vào dây thần kinh tọa khiến cơn đau lan xuống vùng đùi, bắp chân. lòng bàn chân.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Đây là tình trạng chèn ép ở rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa làm ảnh hưởng đến một loạt các cơ quan như: trực tràng, bàng quang, hai chi dưới…
4. Hội chứng Guillain – Barre (GBS)
Hội chứng Guillain – Barre (GBS) là một rối loạn hiếm gặp, xảy ra do hệ miễn dịch tự tấn công vào các dây thần kinh của cơ thể. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được xác định. Các yếu tố thường liên quan bao gồm: viêm dạ dày ruột do virus hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Người mắc hội chứng Guillain – Barre (GBS) thường cảm thấy đau nhói ở lòng bàn chân, mắt cá chân, ngón chân, ngón tay hoặc cổ tay. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn về đêm. Ngoài ra, người bệnh có thể bị yếu cơ từ cẳng chân lan lên phần trên của cơ thể, đi không vững, gặp khó khăn khi cử động khuôn mặt, nhai, nuốt, nói, khó thở… Trong một số trường hợp, người bệnh bị rối loạn chức năng tự động đe doạ tính mạng, khiến huyết áp biến động, nhịp tim nhanh, đồng tử thay đổi, bí tiểu…
Hiện nay, chưa có cách điều trị hoàn toàn hội chứng Guillain – Barre. Để tăng khả năng phục hồi và hạn chế triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ thực hiện một trong hai phương pháp sau: lọc huyết tương hoặc liệu pháp miễn dịch. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc trong quá trình điều trị như: thuốc giảm đau, thuốc phòng ngừa hình thành huyết khối…
5. U thần kinh Morton
U thần kinh Morton không thực sự là một khối u, mà là kết quả của quá trình thoái hóa, xơ hóa các tổ chức xung quanh dây thần kinh bàn chân. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: viêm, chèn ép dây thần kinh, đi giày quá chật, giày cao gót trong thời gian dài làm tăng áp lực, dáng đi bất thường, bàn chân vòm cao, bàn chân phẳng, ngón chân cái bị khoằm…
Tuy gọi là u thần kinh Morton nhưng người mắc bệnh này không xuất hiện khối u bên ngoài có thể nhìn được bằng mắt thường. Thay vào đó, người bệnh nhận thấy rõ các triệu chứng điển hình như: đau nhức, bỏng rát lòng bàn chân lan đến các ngón chân, cảm giác như đứng trên sỏi đá. Cơn đau không diễn ra liên tục mà xuất hiện từng đợt, kéo dài khoảng vài phút đến hàng giờ đồng hồ. Triệu chứng này trở nên dữ dội hơn khi hoạt động, đi giày cao gót, giảm dần khi nghỉ ngơi, đi giày bệt và êm. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy tê buốt ở giữa các ngón chân.
6. Viêm xương vừng
Xương vừng nằm dưới đầu ngón chân cái, thường bị viêm do chấn thương trực tiếp hoặc do sự thay đổi cấu trúc của bàn chân. Bệnh lý thường xảy ra ở vận động viên chạy bộ, vũ công, những người có vòm chân cao hoặc phải đi giày cao gót thường xuyên. Triệu chứng phổ biến nhất là đau nhức ngón chân cái, có thể kéo ra lòng bàn chân kèm theo sưng, nóng đỏ ở gốc ngón chân cái.
Người bệnh chỉ cần hạn chế đi giày dép gây đau, đồng thời sử dụng các dụng cụ chỉnh hình giúp giảm áp lực lên xương vừng. Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) hoặc tiêm hỗn dịch corticosteroid/ dung dịch gây tê cục bộ để giảm các triệu chứng.
7. Viêm cân gan bàn chân
Cân gan bàn chân là dải cơ kéo dài từ chỏm xương bàn đến xương gót. Chức năng chính là duy trì vòm cong sinh lý của chân và giảm trọng lực xuống bàn chân trong quá trình vận động. Khi chấn thương hoặc di chuyển quá nhiều, đứng liên tục trong thời gian dài, đi giày dép đế quá cứng…, cơ này có thể bị viêm, kéo căng, rách, mất tính đàn hồi và giảm khả năng chịu lực. Từ đó, các cơn đau như dao đâm thường xuất hiện ở gót chân, lòng bàn chân khi bước những bước đầu tiên vào buổi sáng, đứng dậy sau khi ngồi, đứng quá lâu.
Viêm cân gan bàn chân có thể chuyển sang mãn tính nếu không có phương pháp điều trị phù hợp, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, việc thay đổi dáng đi để tránh những cơn đau cũng có thể tác động xấu đến mắt cá chân, đầu gối, hông, lưng.
8. Hội chứng ống cổ chân
Hội chứng ống cổ chân xảy ra do sự chèn ép dây thần kinh trong đường hầm cổ chân. Một số yếu tố góp phần gây nên bệnh như: viêm màng hoạt chân dịch các gân gấp của cổ chân, viêm khớp dạng thấp, gãy xương, ứ máu tĩnh mạch cổ chân gây phù nề…
Triệu chứng điển hình nhất là những cơn đau nhói, thỉnh thoảng kèm theo cảm giác nóng rát ở phía sau mắt cá chân, mặt trong gót chân, lòng bàn chân đến tận các ngón chân. Cơn đau thường trở nên trầm trọng hơn khi đứng và đi bộ. Đau khi nghỉ ngơi có thể xảy ra trong giai đoạn tiến triển.
Người bệnh có thể cải thiện hội chứng ống cổ chân bằng những phương pháp như sau:
- Cố định bàn chân: Chuyên gia sẽ hướng dẫn buộc bàn chân ở tư thế trung tính hoặc hơi ngược và nâng cao gót chân bằng chun. Ngoài ra, bạn có thể đeo nẹp chỉnh hình để giữ cho bàn chân được đảo ngược làm giảm căng thẳng dây thần kinh.
- Dùng thuốc: Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc tiêm hỗn hợp corticosteroid/ thuốc gây tê không hòa tan.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương án cuối cùng, được đề xuất trong trường hợp nghi ngờ chèn ép ống cổ chân với triệu chứng dai dẳng, không có dấu hiệu thuyên giảm khi đã áp dụng các phương pháp điều trị trên.