Nóng rát bàn chân là dị cảm thường gặp trong những trường hợp tổn thương thần kinh. Cảm giác này khiến hầu hết người bệnh khó mô tả rõ ràng và dễ cảm thấy hoang mang, lo lắng. Vậy, bàn chân nóng về đêm thường là dấu hiệu của bệnh lý nào? Mời bạn đọc cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Đái tháo đường
Đái tháo đường (hay tiểu đường) xảy ra khi lượng đường (glucose) trong máu quá cao. Tình trạng này xuất hiện khi tuyến tụy không sản xuất đủ insulin hoặc lượng insulin được sản xuất đủ nhưng lại không thể tạo liên kết để vận chuyển đường từ máu vào tế bào (kháng insulin).
Đường huyết tăng cao không được kiểm soát trong thời gian dài làm suy yếu mạch máu khiến bao thần kinh bị tổn thương bởi thiếu oxy và dưỡng chất. Tình trạng này thường xảy ra ở các mạch máu và hệ thần kinh xa tim, phổ biến nhất là ở chân. Hệ quả là tốc độ dẫn truyền thần kinh bị suy giảm và gây ra triệu chứng dị cảm trên da, điển hình là cảm giác nóng bàn chân.
Một số dấu hiệu khác cảnh báo bệnh tiểu đường gồm:
- Thường xuyên khát nước và khô miệng.
- Đi tiểu nhiều hơn.
- Tầm nhìn mờ.
- Cảm giác tê, ngứa ran hoặc châm chích ở tay hoặc chân.
- Vết thương hở chậm lành hơn bình thường.
- Dễ bị nhiễm nấm da và âm đạo.
- Người mệt mỏi, giảm cân không rõ nguyên nhân.
Bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến người bệnh bị tăng hoặc hạ đường huyết đột ngột, nhiễm toan ceton. Về lâu dài, bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch, đột quỵ, tổn thương thần kinh, bệnh võng mạc, liệt dạ dày, suy giảm tình dục,… Người bệnh tiểu đường cũng dễ bị trầm cảm cao hơn 2 – 3 lần so với người bình thường.
2. Thiếu vitamin B12
Thiếu vitamin B12 khiến tế bào hồng cầu tạo ra có kích thước quá lớn (hồng cầu to) và không có khả năng vận chuyển oxy, dưỡng chất như bình thường. Hệ quả là mạch máu nhỏ những vị trí như bàn chân và bàn tay không cung cấp đủ dinh dưỡng của hệ thần kinh. Điều này khiến chức năng dẫn truyền thần kinh bị rối loạn, gây ra cảm giác dị cảm như: nóng rát, châm chích, tê bì bàn chân.
Thiếu vitamin B12 thường diễn biến chậm. Thời gian đầu, các triệu chứng xuất hiện mờ nhạt, người bệnh chỉ cảm thấy mệt mỏi. Khi thiếu hụt trầm trọng, người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu như:
- Hụt hơi, chóng mặt.
- Da nhợt nhạt hoặc vàng vọt.
- Rối loạn nhịp tim.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Giảm sức mạnh cơ bắp.
- Dễ cáu gắt, buồn bực, hay quên.
- Gặp khó khăn trong việc di chuyển, khó đi bộ bình thường.
Điều trị thiếu vitamin B12 cần dựa trên mức độ thiếu hụt của từng người bệnh. Vì vậy, bạn không nên tự ý dùng thuốc khi có dấu hiệu kể trên. Thay vào đó, bạn cần đến cơ sở y tế làm các xét nghiệm cần thiết và thực hiện bổ sung theo liều chỉ dẫn của bác sĩ.
Đọc thêm: Hay bị chuột rút chân là do cơ thể thiếu chất gì?
3. Tổn thương thần kinh
Tổn thương thần kinh là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chứng nóng bàn chân về đêm. Tình trạng này làm rối loạn quá trình truyền tín hiệu từ da đến hệ thần kinh trung ương và ngược lại. Hệ quả là xuất hiện các dị cảm trên da như: nóng ran, bỏng rát, tê bì hay châm chích. Một số vấn đề thần kinh thường gây ra chứng nóng bàn chân về đêm như:
3.1 Bệnh lý thần kinh ngoại biên
Bệnh thần kinh ngoại biên xảy ra khi các dây thần kinh cảm giác ngoại biên kết nối tuỷ sống với canh tay hoặc chân bị tổn thương. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do: bệnh di truyền, hoá trị, rối loạn tự miễn, hoá chất độc hại, nhiễm trùng, suy thận, ngộ độc rượu và thiếu dinh dưỡng. Những yếu tố này thường gây tổn thương thần kinh theo 2 cách chính, gồm:
- Mất myelin: Khiến bao myelin trên sợi trục thần kinh thoái hoá hoặc không được hình thành đầy đủ. Điều này ảnh hưởng đến quá trình truyền tín hiệu truyền qua tế bào thần kinh.
- Thoái hóa sợi trục : Xảy ra khi sợi trục bị thoái hoá và mất chức năng. Sợi trục dài thì khả năng truyền tín hiệu càng kém. Vậy nên, bàn chân nằm xa tuỷ sống nhận tín hiệu qua sợi trục dài bị ảnh hưởng rõ ràng nhất.
Ngoài cảm giác nóng bàn chân về đêm, người mắc bệnh lý thần kinh ngoại biên thường có một số dấu hiệu sau:
- Triệu chứng vận động: Yếu cơ và tê liệt gây khó khăn khi cử động ngón chân, suy nhược cơ bắp làm giảm kích thước và sức mạnh khi hoạt động, khó kiểm soát hoạt động của cơ bắp nên dễ bị chuột rút.
- Triệu chứng cảm giác: Bàn chân thường xuất hiện tình trạng ngứa ran, tê bì, mất cảm giác, giảm khả năng thăng bằng, rối loạn cảm giác đau (tăng quá mức hoặc mất cảm nhận đau).
- Triệu chứng thụ động: Thường gặp như: rối loạn huyết áp, tăng hoặc giảm tiết mồ hôi quá mức, rối loạn chức năng bàng quang và suy giảm tình dục.
Việc điều trị bệnh thần kinh ngoại biên cần dựa trên nguyên nhân cụ thể. Do đó, người bệnh nên chủ động thăm khám sớm ngay khi phát hiện ra dấu hiệu bất thường.
3.2 Hội chứng ống cổ chân
Ống cổ chân là khoảng hẹp nằm ở phía trong mắt cá chân – nơi các dây thần kinh chày sau đi qua. Khi dây thần kinh này bị chèn ép hoặc tổn thương, người bệnh được xác định mắc hội chứng ống cổ chân.
Triệu chứng thường gặp trong hội chứng ống cổ chân gồm:
- Đau phía trong mắt cá và lòng bàn chân.
- Nóng rát, ngứa ran, châm chích hoặc mất cảm giác ở bàn chân.
- Xuất hiện điểm yếu ở cơ chân.
Tuỳ vào nguyên nhân và mức độ tổn thương thần kinh mà phác đồ điều trị hội chứng ống cổ chân có thể gồm: nghỉ ngơi tại chỗ, dùng thuốc điều trị, áp dụng biện pháp chỉnh hình chân, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật. Người bệnh thăm khám để được bác sĩ tư vấn hướng điều trị phù hợp.
Xem thêm: Hay bị đau nhức từ đầu gối trở xuống là bệnh gì?
3.3 Hội chứng Charcot-Marie-Tooth
Charcot-Marie-Tooth là một rối loạn thần kinh di truyền thường gây tổn thương cho các dây thần kinh ngoại biên ở chân, bao gồm cả bàn chân. Hội chứng này ảnh hưởng đến các cơ và dây thần kinh ở chân, làm giảm sức mạnh cơ bắp gây yếu chân bất thường và biến dạng vòm bàn chân.
Các triệu chứng của Charcot-Marie-Tooth thường khởi phát ở tuổi thiếu niên, một số ít bắt đầu khi người bệnh còn nhỏ hoặc bước sang giai đoạn trung niên. Ban đầu, triệu chứng xuất hiện ít và mờ nhạt, sau đó tăng tần suất và mức độ nghiêm trọng hơn. Những dấu hiệu của hội chứng Charcot-Marie-Tooth gồm:
- Yếu cơ, tê liệt hoặc mất khối lượng cơ.
- Giảm hoặc mất phản xạ ở chân.
- Biến dạng khớp gây ngón chân búa và vòm chân cao,
- Dễ bị ngã, chấn thương và dáng đi bị thay đổi.
- Tê, ngứa ran, rối loạn cảm giác đau ở bàn chân.
Hiện nay, hội chứng Charcot-Marie-Tooth vẫn chưa có phác đồ điều trị dứt điểm. Các phương pháp trị liệu được thực hiện với mục đích giảm nhẹ triệu chứng và khắc phục những ảnh hưởng do hội chứng này gây ra.
4. Suy giáp
Suy giáp xảy ra khi chức năng tuyến giáp bị suy giảm dẫn đến không sản xuất đủ hormon tuyến giáp theo nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này làm chậm quá trình trao đổi chất, tăng cholesterol và rối loạn lipid máu. Những tác động này có thể ảnh hưởng đến hoạt động nuôi dưỡng tế bào thần kinh, dẫn đến các rối loạn trong quá trình dẫn truyền tín hiệu. Đây là nguyên nhân gây ra triệu chứng nóng bàn chân về đêm ở người bệnh suy giáp.
Bạn có thể nhận diện tình trạng suy giáp qua một số dấu hiệu dưới đây:
- Tê bì, ngứa ran ở tay, chân.
- Thường xuyên mệt mỏi, đau nhức cơ thể, hay bị lạnh, tăng cân khó kiểm soát.
- Da khô, tóc xơ xác.
- Rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục.
- Thay đổi giọng nói trầm và khàn hơn.
- Dễ bị căng thẳng, hay quên (sương mù não).
Trong hầu hết các trường hợp, bệnh suy giáp được điều trị bằng cách sử dụng thuốc bổ sung hormon thay thế. Người bệnh phải dùng thuốc kéo dài, thậm chí cả đời. Liều dùng thuốc có thể thay đổi theo từng giai đoạn cuộc đời hoặc tình trạng sức khoẻ. Vì vậy, người bệnh cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.
5. Nấm bàn chân
Những người thường xuyên bị mồ hôi chân, tiếp xúc với môi trường ẩm ướt dễ bị nhiễm nấm dermatophytes. Tình trạng này gây mẩn ngứa, châm chích, nóng rát ở một hoặc cả hai bàn chân tại vị trí giữa các ngón chân, đôi khi ở mu bàn chân, lòng bàn chân hoặc gót chân.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng khác như:
- Da bong vảy, nứt nẻ hoặc nổi mụn nước.
- Da chân bị kích ứng, xuất hiện các đốm đỏ, tím, xám hoặc trắng.
- Chân có mùi hôi khó chịu.
Điều trị nấm bàn chân thường bắt đầu với các thuốc dùng tại chỗ chứa các hoạt chất: clotrimazole, miconazol, tolnaftate hoặc terbinafine. Trường hợp nặng, người bệnh có thể cần dùng thuốc uống chứa: fluconazole, itraconazole hoặc terbinafine. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định dùng thuốc của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc, gây khó khăn cho lần điều trị sau.
6. Bệnh thận mãn tính
Ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính, khả năng lọc máu, sản xuất hồng cầu, chuyển hoá vitamin D và kiểm soát huyết áp bị suy giảm. Điều này khiến cho chất thải, nước bị giữ lại trong cơ thể và khiến hệ thần kinh bị tổn thương. Đây là lý do vì sao người bị bệnh thận thường xuất hiện triệu chứng bồn chồn, bỏng rát bàn chân.
Một số dấu hiệu cho thấy thận của bạn có thể đang bị tổn thương như:
- Tăng huyết áp, hay buồn nôn và nôn.
- Chán ăn, vị giác biến đổi (luôn có vị kim loại trong miệng).
- Cơ thể mệt mỏi, yếu sức.
- Khó tập trung, rối loạn giấc ngủ.
- Thường xuyên bị chuột rút, co giật cơ.
- Phù ở bàn chân và mắt cá chân.
- Thường xuyên bị mẩn ngứa kéo dài.
- Đau ngực (chất lỏng tích tụ quanh niêm mạc tim), khó thở (chất lỏng tích tụ trong phổi).
Bệnh thận mãn tính không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận, mất chức năng thận và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Do đó, người bệnh nên thăm khám sớm nếu xuất hiện những dấu hiệu đã được nêu trên.
Ngoài nguyên nhân bệnh lý, nóng bàn chân cũng có thể xuất hiện trong một số trường hợp như: đeo giày quá chật, tập luyện quá sức, dị ứng hay stress quá mức. Những trường hợp này, cảm giác nóng bàn chân sẽ dần biến mất sau khi bạn điều chỉnh loại bỏ tác nhân. Ngược lại, nếu nóng bàn chân do bệnh lý, bạn cần thăm khám sớm và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo:
- https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/17773-burning-feet-syndrome
- https://www.mayoclinic.org/symptoms/burning-feet/basics/causes/sym-20050809
- https://www.webmd.com/diabetes/burning-feet-causes-treatments