Sở hữu một đôi giày phù hợp rất quan trọng với sức khỏe, đặc biệt là đối với người giãn tĩnh mạch chân. Vậy giày dép cho người giãn tĩnh mạch cần đáp ứng những tiêu chí nào? Bài viết dưới đây sẽ bật mí cho bạn cách chọn giày dép phù hợp cho đối tượng trên.
Mục lục
1. Ảnh hưởng của giày dép đến tình trạng giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch chân là tình trạng suy giảm chức năng đưa máu về tim của hệ thống các tĩnh mạch, dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại trong các tĩnh mạch, gây tăng áp lực thủy tĩnh tại đây và khiến tĩnh mạch bị giãn ra. Bệnh thường xảy ra khi các van một chiều trong lòng tĩnh mạch bị tổn thương hoặc thành mạch bị suy yếu.
Giày dép bạn đang đi có thể ảnh hưởng tới lưu lượng máu ở chân và khả năng bơm máu từ chân về tim của hệ tuần hoàn tĩnh mạch, từ đó tác động đến tình trạng giãn tĩnh mạch.
Độ cao của giày là yếu tố đầu tiên có thể ảnh hưởng tới sức khỏe tĩnh mạch của bạn. Đi giày cao gót gây cản trở chuyển động đi lại tự nhiên, khiến trọng lượng cơ thể bị dồn xuống 2 bàn chân, giảm hiệu quả hoạt động bơm máu về tim của cơ bắp chân, khiến máu bị ứ đọng lại và gây áp lực lên các tĩnh mạch chân.
Trong một nghiên cứu trên Tạp chí Phẫu thuật mạch máu năm 2012, người ta nhận thấy rằng mang giày cao gót liên tục có xu hướng gây tăng huyết áp tĩnh mạch ở chi dưới. Việc tăng áp lực lên thành tĩnh mạch không chỉ là nguyên nhân góp phần gây giãn tĩnh mạch mà còn khiến thành mạch vốn đã suy yếu và giãn nở từ trước ở những người đang mắc phải tình trạng này càng căng giãn nhiều hơn, khiến bệnh tình trở nên tồi tệ.
Xem chi tiết: Những tác hại có thể gặp khi đi giày cao gót thường xuyên
Không chỉ liên quan đến độ cao của giày, giày không vừa vặn cũng có thể là nguyên nhân khiến tình trạng giãn tĩnh mạch nghiêm trọng hơn. Đi giày không phù hợp gây ra nhiều vấn đề cho bàn chân như đau, phồng rộp, sưng tấy. Các vấn đề này có thể ảnh hưởng đến lưu lượng máu qua chân, từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe tĩnh mạch, làm tăng thêm triệu chứng đau nhức, phù nề, ngứa, sưng,.. ở bàn chân và mắt cá chân do giãn tĩnh mạch gây ra.
Chính vì vậy, để cải thiện triệu chứng giãn tĩnh mạch, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn của bệnh, việc có được một đôi giày thoải mái và hỗ trợ tốt là rất quan trọng đối với người bệnh giãn tĩnh mạch.
2. Tiêu chí chọn giày dép cho người suy giãn tĩnh mạch
Khi tìm mua giày dép cho người suy giãn tĩnh mạch, bạn cần quan tâm đến các yếu tố sau đây:
2.1. Độ cao của giày
Giày đế thấp giúp làm săn chắc cơ bắp chân – yếu tố quan trọng góp phần đẩy máu từ các tĩnh mạch về tim, nhờ đó giúp máu lưu thông tốt hơn ở cẳng chân. Khi máu được bơm từ chân về tim hiệu quả hơn, bạn có thể ngăn ngừa bệnh giãn tĩnh mạch cũng như làm chậm diễn biến và hạn chế các triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra.
Đối với phụ nữ, bạn nên hạn chế đi giày cao gót hàng ngày trong thời gian dài. Nếu bạn cần phải đi giày cao gót cho công việc của mình, bạn nên mang theo một đôi giày thoải mái để thay càng sớm càng tốt.
2.2. Vừa vặn, thoải mái
Đây là một trong những tiêu chí quan trọng khi mua bất kỳ đôi giày nào, đặc biệt khi bạn bị suy giãn tĩnh mạch.
Những người bị suy giãn tĩnh mạch thường bị phù nề ở bàn chân, vì vậy điều quan trọng là phải chọn một đôi giày đủ rộng để phù hợp với tình trạng này. Giày quá chật sẽ không thoải mái khi mang và có thể hạn chế tuần hoàn máu, khiến các triệu chứng giãn tĩnh mạch tồi tệ hơn.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên chọn một đôi giày quá rộng. Giày quá rộng sẽ không tạo được lực nén giúp cho quá trình lưu thông máu mà chỉ tạo thêm chỗ cho bàn chân sưng lên. Chúng cũng có thể khiến bàn chân bạn trượt bên trong giày dẫn đến kích ứng và cọ sát.
Do đó, bạn cần lựa chọn cho mình một đôi giày vừa vặn, không quá chật hay quá lỏng giúp bạn có thể cảm thấy thoải mái khi đeo chúng cả ngày. Để làm điều này, tốt nhất bạn nên dành thời gian mua giày trực tiếp tại cửa hàng để được thử trước khi mua nhằm đảm bảo có được đôi giày phù hợp nhất cho mình.
Hỏi đáp: Bị suy giãn tĩnh mạch có tập gym được không?
2.3. Giày có hỗ trợ cân gan chân
Cân gan bàn chân là một dải gân cơ như hình nan quạt, chạy từ chỏm xương bàn đến xương gót. Cân gan bàn chân làm bàn chân của bạn có hình vòm để giúp giảm nhẹ trọng lực dồn lên bàn chân khi bước đi hay chạy nhảy.
Người bị suy giãn tĩnh mạch nên lựa chọn những đôi giày có phần đế trong hỗ trợ cân gan chân tốt. Điều này sẽ giúp phân phối áp lực đều khắp bàn chân, giảm bớt sự căng thẳng cho bàn chân và cẳng chân, giảm bớt áp lực lên tĩnh mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu, nhờ đó giảm đau, khó chịu và sưng tĩnh mạch.
2.4. Miếng lót giày
Một lớp lót giày phù hợp cho bàn chân và vòm chân của bạn sẽ giúp đệm cho bàn chân và hỗ trợ thêm cho vòm chân khi nó uốn cong, giúp giảm đau, căng và sưng ở chân.
2.5. Độ mềm mại
Giày dép cho người giãn tĩnh mạch nên được làm từ chất liệu nén đàn hồi để đem lại sự thoải mái suốt cả ngày nhưng vẫn tạo ra một chút lực nén ở bàn chân góp phần bơm máu từ bàn chân về tim. Các loại giày cứng có thể làm hạn chế chuyển động của bàn chân, dẫn đến chuột rút, sưng và ứ máu ở chân mà không giúp giảm các triệu chứng giãn tĩnh mạch.
2.6. Vật liệu thoáng khí
Chọn giày có chất liệu thoáng khí sẽ giúp giữ cho chân bạn luôn thoáng, khô ráo, giảm bớt sự khó chịu và triệu chứng sưng tấy ở bàn chân do suy giãn tĩnh mạch gây ra, đồng thời giảm nguy cơ kích ứng và tổn thương da.
3. Top loại giày dép phù hợp cho người giãn tĩnh mạch
Dưới đây là một số loại giày dép cho người giãn tĩnh mạch mà bạn có thể tham khảo:
3.1. Giày lười
Giày lười là một trong những lựa chọn tuyệt vời cho người bị giãn tĩnh mạch. Thiết kế không dây của loại giúp bạn dễ dàng đi vào và cởi ra, đặc biệt là khi bạn bị sưng ở bàn chân và cẳng chân. Bên cạnh đó, đa phần giày lười có thiết kế gọn nhẹ, thoáng khí và độ bám chân rất tốt. Phần đế thấp và đệm lót cũng giúp mang lại sự thoải mái và hỗ trợ tốt nhất cho người giãn tĩnh mạch.
3.2. Dép có khóa dán
Nếu bạn bị giãn tĩnh mạch và muốn chọn đi dép thay vì đi giày, các loại dép có khóa dán sẽ là một gợi ý hay dành cho bạn.
Các dây đai khóa dán giúp bạn dễ dàng tháo xỏ nhưng vẫn hỗ trợ và giúp giữ cho bàn chân của bạn ở đúng vị trí, tránh bị trượt hay rơi. Đế dép thấp và có đệm đem đến sự thoải mái. giúp các cơ bắp hoạt động tốt hơn và thúc đẩy sự tuần hoàn máu ở chân.
Đi dép cũng giúp chân bạn luôn được thoáng mát, khô ráo, hạn chế kích ứng và giảm bớt sự khó chịu do các triệu chứng ở bàn chân do giãn tĩnh mạch gây ra.
3.3. Giày thể thao
Hầu hết giày thể thao thường có kích thước vừa vặn để vừa đem lại sự thoải mái vừa tạo ra một chút lực nén ở bàn chân, nhờ đó góp phần thúc đẩy quá trình bơm máu từ các tĩnh mạch ở bàn chân về tim.
Thiết kế của giày thể thao thường được làm thường được làm từ chất liệu có độ thoáng khí như mút hoặc hơi, cao su mềm mại, vải,… và được thiết kế ôm lấy chân. Điều này không chỉ mang tới sự dễ chịu mà còn đảm bảo rằng bàn chân luôn cố định và không trượt bên trong giày cũng như hạn chế tình trạng rơi trong khi di chuyển. Đồng thời, giày thể thao thường có phần đế hỗ trợ vòm chân và đệm lót êm ái giúp cải thiện lưu lượng máu và giảm căng, đau ở chân.
Chọn giày dép phù hợp là bước quan trọng để cải thiện các triệu chứng giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, giày dép không phải yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến tình trạng giãn tĩnh mạch của bạn. Do đó, chỉ đi giày dép phù hợp sẽ không loại bỏ được chứng giãn tĩnh mạch hiện có.
Vì vậy, khi gặp tình trạng giãn tĩnh mạch, bạn cần đến khám bác sĩ sớm và tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để cải thiện nhanh chóng và hiệu quả triệu chứng bệnh, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm: Hướng dẫn các bài tập bổ ích cho người bị suy giãn tĩnh mạch
Nguồn tham khảo:
pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22483354/
www.bocaratonfootcare.com/what-is-the-best-footwear-for-varicose-veins/
yourhealthyveins.com/best-venous-insufficiency-shoes/