Điều trị giãn tĩnh mạch chân bằng Đông y là phương pháp được nhiều người bệnh hướng tới, đặc biệt là đối tượng người cao tuổi. Người bệnh tin rằng, việc điều trị bằng Đông y sẽ hạn chế tác dụng phụ, ít can thiệp xâm lấn nên sẽ giảm được những ảnh hưởng không tốt đến cơ thể. Vậy, Đông y quan niệm và điều trị suy giãn tĩnh mạch chân thế nào? Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu trong nội dung dưới đây.
Mục lục
1. Quan điểm của Đông y về bệnh suy giãn tĩnh mạch
Thống kê cho thấy, có đến 35% người trưởng thành và 50% người nghỉ hưu mắc phải chứng suy giãn tĩnh mạch chân. Tình trạng này xảy ra do hệ thống van và tĩnh mạch của người bệnh bị suy yếu, biến dạng, gây cản trở máu tuần hoàn từ chân về tim. Hệ quả là người bệnh phải đối diện với hàng loạt triệu chứng khó chịu như: đau nhức, sưng tấy, phù nề và nặng mỏi ở chân,…
Trong Đông y, suy giãn tĩnh mạch chân được gọi là chứng thanh xà độc bởi hình dáng của các tĩnh mạch nổi dưới da tương tự như những con rắn xanh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được xác định là do huyết ứ, khí trệ dẫn đến khí huyết bị tắc nghẽn ở chân, không thể trở về hệ tuần hoàn 1.
Ngoài ra, sách y học cổ cũng từng mô tả suy giãn tĩnh mạch chân nằm trong phạm trù chứng “Cận lựu” 2 , tức gân nổi xanh tím, xoắn lại từng hồn hoặc kết lại thành từng đám giống như con giun. Tình trạng này thường xuất hiện ở những người phải làm việc nặng nhọc quá sức, thất tình nội thương hay ăn quá nhiều thực phẩm đại bổ.
Xem chi tiết: Các nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạch chân
Hệ quả là chính khí nội hư, huyết khí không thông, khí hư sinh đàm, đàm trọc nội trở, huyết trệ thành ứ, ứ trở mạch lạc. Khi hư nhược không đủ lực để thúc đẩy huyết dịch vận hành, tạo điều kiện để huyết ứ trở trong mạch đạo làm kinh lạc tắc trệ bất thông, từ đó mà sinh bệnh.
Các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch trong Đông y được mô tả như sau:
- Huyết ứ: Máu ứ ở mạch, nổi phồng, ngoằn ngoèo xanh tím trên da, loét da, ấn vào căng cứng.
- Khí huyết hư: Là tình trạng da lanh, căng tức, tê ngứa và đổi màu da.
- Đàm thấp: Hiện tượng đau, nhức mỏi, nặng nề, phù thũng ở chân.
- Hàn thấp: Chân tê dại, nặng nề vào chiều tối do tà khí.
- Hóa nhiệt: Chân nóng rát, bồn chồn không yên, rêu lưỡi vàng.
Dễ thấy, từ xưa chứng suy giãn tĩnh mạch chân đã khá phổ biến và được Y học quan tâm, nghiên cứu. Quan trọng hơn, các thầy thuốc Đông y cũng đã thành công xây dựng nhiều phương pháp điều trị bệnh và được lưu giữ đến ngày nay.
2. Các phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch trong trong Đông y
Các phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch của Đông y được xây dựng dựa trên cơ chế hoạt huyết, hành khí, trục ứ, trừ đàm, bổ khí huyết và bảo vệ thành mạch. Dưới đây là một số phương pháp được áp dụng phổ biến nhất.
2.1 Sử dụng thuốc
Thuốc Đông y sử dụng chính là các loại dược liệu cổ truyền nên ít gây tác dụng phụ trong trường hợp phải điều trị kéo dài. Một số bài thuốc nổi tiếng gồm:
Đào hồng tứ vật thang gia giảm
Nguyên liệu trong bài thuốc gồm:
- Đương quy – 20g: Có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết.
- Xích thược – 20g: Là vị thuốc hoạt huyết, khứ ứ, giảm đau.
- Hồng hoa – 15g: Giúp hoạt huyết, thông kinh, tán huyết ứ.
- Đào nhân – 16g: Có tác dụng hoạt huyết, khứ ứ, chống viêm.
- Xuyên khung – 15g: Tăng cường hoạt huyết, thông kinh, lợi thấp.
- Sinh địa – 15g: Giúp thanh nhiệt lương huyết, bổ âm, dưỡng huyết.
- Hoàng kỳ – 12g: Tạo tác dụng hành khí để đẩy máu về tim.
- Thục địa – 10g: Là vị thuốc thanh nhiệt, sinh tân.
- Hòe hoa – 20g: Có khả năng làm chắc thành mạch nhờ hàm lượng rutin cao.
- Đan sâm – 20g: Có tác dụng hoạt huyết, trục huyết ứ.
Công dụng bài thuốc: Bổ huyết, điều huyết.
Cách sắc thuốc: Người bệnh lấy 1.5l nước sạch và 1 thang thuốc cho vào ấm sắc, đun lửa to đến khi sôi thì hạ nhỏ lửa, giữ thuốc sôi lăn tăn đến khi con khoảng 0.5l thuốc sắc.
Cách sử dụng: Đem thuốc chia làm 3 lần, uống trong ngày khi thuốc còn ấm, sau ăn 30 phút. Sử dụng liên tục 20 – 30 ngày.
Chú ý: Trong thời gian uống thuốc cần chú ý tránh đồ ăn cay nóng, khó tiêu, ăn nhiều rau củ quả. Người bệnh cũng cần tránh lao lực quá mức, cần ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên.
Nhị trần thang 5
Nguyên liệu trong bài thuốc gồm:
- Bán hạ – 20g: Có tác dụng giáng nghịch, trừ đàm.
- Trần bì – 16g: Giúp điều hòa khí huyết, tiêu đờm, kiện tỳ.
- Phục linh – 16g: Là vị thuốc lợi tiểu, làm giảm phù, kiện tỳ.
- Cam thảo – 10g: Giúp bồi bổ cơ thể, giảm cholesterol, điều hòa các vị thuốc và tăng sức đề kháng.
Công dụng bài thuốc: Táo thấp, hóa đàm, lý khí, hòa trung.
Cách sắc thuốc: Cho 1 thang thuốc cùng 3 bát nước vào trong ấm, sắc đến khi còn 6 phần.
Cách sử dụng: Chia thuốc làm 3 lần, uống sau ăn khi thuốc còn ấm. Thời gian sử dụng thuốc tùy vào tình trạng hiện tại của người bệnh.
2.2 Châm cứu
Phương pháp châm cứu trị suy giãn tĩnh mạch được thực hiện bằng cách sử dụng kim châm kích thích vào các huyệt vị cho tác dụng: hành khí hoạt huyết (thúc đẩy tuần hoàn), kích thích phủ tạng tăng sinh khí huyết, thông kinh hoạt lạc, lợi thủy, giảm phù.
Công thức châm cứu trị giãn tĩnh mạch (theo châm cứu học Thượng Hải) như sau:
- Vị trí chi trên: Giáp tích cổ 6 – ngực 3, Khúc trì, Nội quan, Thiếu hải, Ngoại quan.
- Vị trí chi dưới: Giáp tích thắt lưng L1 – L3, Dương lăng tuyền, Huyền chung, Âm lăng tuyền, Tam âm giao.
- Kỹ thuật thực hiện: Vê kim từ 2 – 3 phút, sau đó lưu kim khoảng 15 phút.
- Thời gian: Áp dụng 1 lần/ ngày, kéo dài trong 20 ngày.
2.3 Bấm huyệt
Bấm huyệt trị giãn tĩnh mạch chân được thực hiện trên nguyên lý xoa bấm vào huyệt đạo nhằm tạo ra kích thích trên kinh mạch, phủ tạng từ đó tạo ra tác dụng thông kinh lạc, hành khí, hoạt huyết. Các huyệt vị được tác động thường gồm:
- Huyệt dũng tuyền: Nằm ở vùng lõm gan bàn chân, ở vị trí 1/3 trước và 2/3 sau theo chiều dài bàn chân. Bấm huyệt này giúp thanh nhiệt cơ thể, cường dương, an thần, giảm rối loạn nhịp tim.
- Huyệt thừa sơn: Nằm ở giữa phía sau cẳng chân. Bấm huyệt này giúp thư giãn gân cốt, giảm tình trạng co thắt cơ và đau nhức chân.
- Huyệt phục lưu: Cách phí trên mắt cá chân một khoảng bằng bề ngang của 3 ngón tay và ở trước gân bánh chè. Bấm huyệt này giúp tăng sức mạnh cơ, khắc phục tình trạng tê bì chân.
- Huyệt ngụy trung: Nằm ở trung điểm của đường gấp khoeo chân, thuộc kinh bàng quang giúp giảm triệu chứng đau, nhức mỏi chân.
- Huyệt huyết hải: Nằm ở khe lõm giữa cư may và cơ rộng trong. Bấm huyệt này giúp làm giảm áp lực máu lên chân, từ đó giảm đau nhức, sưng phù chân.
Phương pháp bấm huyệt nên được thực hiện khoảng 20 – 30 phút/ ngày, liệu trình kéo dài từ 15 – 30 ngày tùy vào thể trạng của từng người bệnh.
2.4 Cấy chỉ
Cấy chỉ là phương pháp châm cứu đặc biệt có tác dụng kích thích khí huyết lưu thông đồng thời điều hòa công năng phù tạng. Cơ chế tác dụng của phương pháp cấy chỉ được lý giải dựa trên học thuyết kinh lạc trong y học cổ truyền. Cụ thể: Bệnh phát sinh là do cơ thể bị mất cân bằng âm dương, rối loạn hoạt động của hệ kinh lạc. Việc châm cứu tác động đến các huyệt vị giúp điều hòa âm dương và hoạt động hệ kinh lạc.
Nhờ khả năng điều hòa hoạt động kinh lạc, phương pháp cấy chỉ được lựa chọn để ứng dụng trong điều trị suy giãn tĩnh mạch. Các kỹ thuật được thực hiện trong phương pháp này bao gồm: chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ và thắt buộc chỉ.
Khi thực hiện, chỉ catgut sẽ được bác sĩ đưa vào các huyệt vị châm cứu để tạo ra tác dụng tương tự như châm cứu nhưng cho hiệu quả kéo dài hơn. Chỉ sau khi cấy vào huyệt vị làm tăng protein, tăng chuyển hóa dinh dưỡng, đồng thời tạo kích thích liên tục để thúc đẩy tuần hoàn máu ở vùng chân bị suy giãn tĩnh mạch
Chú ý: Cấy chỉ chống chỉ định với những bệnh nhân đang sốt cao, có tăng huyết áp kịch phát, phụ nữ mang thai, người chống chỉ định với châm cứu và người dị ứng với chỉ catgut.
Có thể bạn quan tâm: Các loại thuốc nam điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
3. Lưu ý khi điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng Đông y
Điều trị suy giãn tĩnh mạch chân bằng đông y ít gây đau đớn vì ít hạn chế thực hiện các thủ thuật xâm lấn. Tuy nhiên, việc điều trị bằng Đông y cũng đòi hỏi người bệnh phải kiên trì vì thời gian tác dụng sẽ thường chậm hơn.
Để tăng cường hiệu quả trong quá trình điều trị, người bệnh cần lưu ý một số điều sau:
- Lựa chọn cơ sở Đông y uy tín để đảm bảo quá trình thăm khám và điều trị được thực hiện đúng phương pháp.
- Tránh ăn đồ cay nóng, đồ khó tiêu vì có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc. Đọc thêm: Chế độ ăn uống khoa học cho người bị suy giãn tĩnh mạch chân.
- Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, vitamin C, E và các chất chống oxy hóa giúp bảo vệ thành mạch, hỗ trợ tuần hoàn.
- Hạn chế việc ngồi hoặc đứng quá lâu trong một tư thế, khiến máu bị ứ đọng gây cản trở máu từ chân về tim.
- Tránh làm mang vác các vật nặng quá mức vì làm tăng áp lực lên tĩnh mạch, khiến triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn.
- Kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh để bị thừa cân, béo phì.
Trên đây là bài viết về các phương pháp Đông y điều trị suy giãn tĩnh mạch. Hi vọng những thông tin trong bài viết có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về phương diện này. Nếu cần tư vấn thêm về bệnh suy giãn tĩnh mạch, cách phòng ngừa và kiểm soát bệnh, bạn đọc có thể liên hệ đến hotline 1900 545 518 để được chuyên gia tư vấn.