Chế độ vận động, ăn uống kiêng khem hợp lý được ví như “liều thuốc giảm đau” cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch. Vậy, bị giãn tĩnh mạch chân cần kiêng ăn gì và tránh làm gì để có sức khỏe tốt nhất? Bài viết hôm nay sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết từng yếu tố.
Mục lục
1. Nguyên tắc dinh dưỡng cho người bị suy giãn tĩnh mạch
Các bữa ăn của người bị suy giãn tĩnh mạch cần chú trọng các nguyên tắc sau:
- Không ăn quá nhiều. Chia nhỏ bữa ăn mỗi ngày 5 – 6 bữa để tránh gây áp lực cho dạ dày – ruột
- Tránh ăn trước khi đi ngủ. Bạn không thể ăn 4 giờ trước khi ngủ.
- Tránh thói quen vừa ăn cơm vừa uống nước, vì chất lỏng có thể làm chậm quá trình tiêu hóa.
- Nếu táo bón, nên tăng lượng chất lỏng và dùng thức ăn, dễ tiêu.
- Lựa chọn những nhóm thực phẩm có lợi cho sức khỏe tĩnh mạch và không làm trầm trọng triệu chứng của bệnh.
Tuân theo những khuyến nghị này nhằm các mục tiêu:
Cải thiện tuần hoàn máu: Chế độ ăn uống hợp lý giúp giảm độ nhớt của máu, tạo điều kiện cho dòng chảy máu lưu thông tốt hơn.
Giảm áp lực lên thành mạch: Ăn các thực phẩm giúp thành mạch được củng cố, ngăn ngừa huyết khối.
Phòng chống phù nề: Việc sử dụng một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng sưng phù chân nghiêm trọng hơn, góp phần vào sự tiến triển của chứng giãn tĩnh mạch.
Duy trì cân nặng về mức bình thường: Trọng lượng dư thừa tạo thêm gánh nặng cho hệ thống mạch máu, làm tăng gấp nhiều lần nguy cơ giãn tĩnh mạch bệnh lý và tắc nghẽn. Do đó, người bị suy giãn tĩnh mạch cần có chế độ ăn uống khoa học để giảm cân về mức bình thường.
Bài tiết phân bình thường: Căng thẳng quá mức khi đi đại tiện gây ra chứng giãn tĩnh mạch vùng chậu nhỏ và bệnh trĩ, làm trầm trọng thêm quá trình giãn tĩnh mạch chi dưới. Do đó, chế độ ăn uống cần bổ sung nhóm thực phẩm dễ tiêu hóa, hạn chế táo bón.
2. Bị giãn tĩnh mạch chân nên ăn gì?
Trong chế độ ăn uống của tất cả những người bị giãn tĩnh mạch, nên tăng cường các loại thực phẩm sau:
2.1. Thực phẩm giàu Bioflavonoid
Bioflavonoid – có tác dụng chống oxy hóa và củng cố mạch máu.
Thành phần này tồn tại trong tất cả các sản phẩm có nguồn gốc thực vật: trái cây và rau quả, trái cây họ cam quýt và nước trái cây tự nhiên, quả mọng và thảo mộc.
2.2. Thực phẩm có nguyên tố đồng
Đồng – làm tăng tính đàn hồi của mạch máu. Thực phẩm giàu đồng chủ yếu có trong: gan bò, hải sản, các loại hạt.
Bên cạnh đó, hải sản có chứa elastin có khả năng bão hòa hệ thống tĩnh mạch, bù đắp lượng đồng thiếu hụt trong cơ thể và cải thiện tính đàn hồi của mạch máu.
2.3. Thực phẩm giàu Coumarin
Coumarin có khả năng làm loãng máu, ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
Thành phần này có trong quế, cải ngựa, cần tây, rau mùi tây, ớt đỏ, cỏ cà ri, hoa cúc, cây tầm ma, vỏ cam quýt, rượu vang đỏ, quả lý chua, dâu tây, quả lý gai.
2.4. Nhóm thực phẩm giàu vitamin C (axit ascorbic)
Vitamin C cần thiết cho quá trình tổng hợp collagen, giúp duy trì sự săn chắc của thành mạch.
Nguồn thực phẩm giàu vitamin C là các loại trái cây như: ổi, cam, quýt, kiwi, ớt chuông,…
2.5. Thực phẩm giàu vitamin B5
Vitamin B5 giúp người bị suy giãn tĩnh mạch tránh được các biến chứng của bệnh (như là tình trạng loét da chân).
Thực phẩm chứa nhiều vitamin B5: cá hồi, quả bơ, trứng, sữa, đậu phộng, đậu nành, đậu lăng, các loại đậu.
2.6. Thực phẩm giàu vitamin E
Vitamin E có khả năng cải thiện lưu lượng máu và tái tạo các thành tĩnh mạch bị tổn thương.
Trong chế độ ăn uống của người bị suy giãn tĩnh mạch nên có những loại thực phẩm giàu vitamin E như hạt hướng dương, rau chân vịt, dầu thực vật, các loại hạt, quả bơ, tôm, cá đỏ, măng tây, súp lơ xanh.
Đối với các món ăn chiên xào, nên dùng dầu thực vật (Dầu mè, dầu hướng dương, dầu oliu) thay thế cho mỡ động vật.
2.7. Chất xơ
Thực phẩm giàu chất xơ là những thực phẩm không thể thiếu trong bất kỳ chế độ ăn kiêng lành mạnh nào. Đối với người bị suy giãn tĩnh mạch, ăn chất xơ không chỉ giúp họ cải thiện tình trạng thừa cân mà còn ngăn ngừa táo bón, giúp cải thiện huyết áp, làm giảm nguy cơ hình thành huyết khối và giúp phục hồi thành tĩnh mạch bị tổn thương.
3. Người bị giãn tĩnh mạch chân nên kiêng ăn gì?
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới tiến triển bởi hai yếu tố chính gồm: giãn tĩnh mạch và giảm khả năng tuần hoàn máu trong tĩnh mạch. Như vậy, những món ăn nào ảnh hưởng trực tiếp đến hai yếu tố này đều cần được loại bỏ khỏi khẩu phần ăn hàng ngày của người bệnh. Dưới đây là liệt kê cụ thể:
3.1. Món ăn nhiều đường
Chế độ ăn quá nhiều carbohydrate đơn giản (hay carbohydrate tinh chế) là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường, gây ra các bệnh lý mạn tính như tiểu đường. Nồng độ đường huyết tăng cao liên tục tạo áp lực trực tiếp lên thành mạch máu, bao gồm tĩnh mạch, lâu ngày khiến mạch máu suy yếu, kém khỏe mạnh.
Sử dụng quá nhiều thực phẩm giàu đường cũng thúc đẩy các phản ứng oxy hóa trong cơ thể, khiến gốc tự do được tạo ra nhiều hơn. Gốc tự do là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mạch máu tổn thương, dẫn đến các bệnh lý liên quan đến thành mạch, trong đó có suy giãn tĩnh mạch.
Vì lý do trên, những món ăn ngọt, có lượng đường cao được liệt kê vào danh sách thực phẩm cần tránh khi bị suy giãn tĩnh mạch chân. Những thực phẩm giàu đường đơn giản cần tránh phải kể đến như: các loại nước ngọt, các loại bánh kẹo ngọt và đường tinh chế. Bạn vẫn có thể ăn các loại trái cây ngọt nguyên quả bởi tốc độ giải phóng đường vào máu chậm hơn. Tuy nhiên, hãy cân nhắc với lượng vừa phải để tránh đường huyết tăng cao.
Người bệnh nên lựa chọn những loại thực phẩm chứa đồng thời carbohydrate phức tạp và chất xơ, ví dụ như: bánh mì nguyên cám, gạo lứt, yến mạch và ngũ cốc nguyên hạt. Những thực phẩm này giúp giảm táo bón, giảm áp lực lên tĩnh mạch ở nửa dưới cơ thể, từ đó giúp người bệnh giảm khó chịu.
3.2. Món ăn nhiều dầu mỡ
Những món ăn chiên xào có thể khiến bạn cảm thấy ngon miệng nhưng lại hoàn toàn không tốt cho sức khỏe nếu bạn đang bị suy giãn tĩnh mạch chân. Lượng chất béo dư thừa trong thực phẩm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và khiến mạch máu bị tổn thương, suy giảm chức năng.
Bên cạnh đó, món ăn quá nhiều dầu mỡ cũng làm chậm hoạt động của ruột và làm nặng hơn tình trạng táo bón. Quá trình này có thể gây áp lực tích tụ trong tĩnh mạch trực tràng dưới, thúc đẩy sự phát triển của bệnh trĩ hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng giãn tĩnh mạch. Vì lý do này, người bị suy giãn tĩnh mạch cần hạn chế sử dụng những thực phẩm nhiều dầu mỡ.
3.3. Đồ ăn quá mặn
Những món ăn quá mặn cũng nằm trong danh sách thực phẩm mà người bệnh suy giãn tĩnh mạch cần hạn chế tối đa. Theo đó, muối có thể làm tăng giữ nước trong cơ thể, tăng lưu lượng máu từ đó tăng áp lực lên thành mạch (tăng huyết áp). Điều này lý giải vì sao người suy giãn tĩnh mạch có thói quen ăn mặn thường gặp tình trạng sưng mắt cá chân, cẳng chân nghiêm trọng hơn người có chế độ ăn bình thường.
Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng này là người bệnh cần kiểm soát lượng muối nêm nếm vào các món ăn hàng ngày. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc bạn loại bỏ hoàn toàn muối ra khỏi đồ ăn. Cơ thể vẫn cần muối để bổ sung điện giải cho các hoạt động cần thiết. Vì vậy, hãy ăn kiêng muối một cách khoa học.
3.4. Thực phẩm chế biến sẵn
Thường xuyên sử dụng thực phẩm chế biến sẵn khiến bạn nạp một lượng lớn natri vào cơ thể. Tăng natri máu khiến máu “đặc hơn” dẫn đến khó lưu thông trong thành mạch. Điều này làm tăng nguy cơ ứ đọng máu trong tĩnh mạch và khiến tình trạng suy giãn tĩnh mạch trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện được bao bì của các thực phẩm đóng hộp thường được lót bằng hóa chất bisphenol A – Một loại hóa chất có khả năng làm rối loạn nội tiết tố của cơ thể, thúc đẩy quá trình hình thành và tiến triển của bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Những thực phẩm chế biến sẵn giàu natri thường gặp như: thịt cá đóng hộp, thịt nguội, thịt xông khói, thịt tẩm gia vị đóng gói, bánh pizza, nước tương, ô liu muối, dưa chua,…
4. Người bị giãn tĩnh mạch chân nên kiêng uống gì?
Nhiều người bệnh chỉ tập trung vào các loại thực phẩm mà quên đi rằng không ít loại nước uống cũng có thể gây hại cho thành mạch. Điển hình như các loại nước uống dưới đây:
4.1. Các loại nước ngọt
Tương tự như thực phẩm giàu đường tinh chế, các loại nước ngọt trên thị trường đều có thể khiến đường huyết tăng vọt ngay sau khi sử dụng. Việc sử dụng nước ngọt công nghiệp liên tục trong thời gian dài là nguyên nhân gây tăng huyết áp và khiến mạch máu bị tổn thương. Do đó, những người suy giãn tĩnh mạch cần tránh sử dụng loại nước uống này.
4.2. Đồ uống có cồn
Đồ uống có cồn như: rượu, bia, cocktail,… có thể hoạt động như một chất lợi tiểu, khiến cơ thể bị mất nước. Sử dụng quá nhiều đồ uống có cồn hay dùng liên tục trong thời gian dài có thể làm chậm tốc độ tuần hoàn máu, từ đó làm tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch và tăng nguy cơ ứ đọng máu tại hệ thống tĩnh mạch ngoại biên.
Đọc thêm: Tại sao uống nhiều rượu bia chân thường bị tê mỏi?
Vì vậy, để giảm các triệu chứng khó chịu cũng như ngăn suy giãn tĩnh mạch tiến triển, người bệnh cần hạn chế đồ uống này hàng ngày. Nếu phải sử dụng, hãy tăng lượng nước uống để đảm bảo thể tích và tốc độ tuần hoàn máu lưu thông trong cơ thể.
4.3. Sữa
Thức uống từ sữa có thể là nguồn dinh dưỡng lý tưởng của nhiều người nhưng với người suy giãn tĩnh mạch thì không. Sữa và các loại phô mai làm chậm hệ thống tiêu hóa, tăng nguy cơ táo bón và gia tăng áp lực cho hệ thống tĩnh mạch. Người bệnh suy giãn tĩnh mạch chân thường xuyên sử dụng sữa có thể phải đối diện với các triệu chứng sưng nhức, nặng nề nhiều hơn.
Vì vậy, để đảm bảo cơ thể luôn nhẹ nhàng và thoải mái, bạn hãy hạn chế sử dụng sữa và phô mai mỗi ngày. Nếu sử dụng, bạn hãy kết hợp thêm các loại thức ăn giàu chất xơ để giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
5. Người bị giãn tĩnh mạch chân nên tránh làm gì?
Trong hoạt động của hệ tuần hoàn, máu có thể từ các cơ quan trở về tim phụ thuộc vào hoạt động của hệ thống tĩnh mạch. Ở chân, các van nhỏ trong các tĩnh mạch mở ra khi máu chảy về tim, sau đó đóng lại để ngăn máu chảy ngược trở lại. Nếu những van nhỏ này bị suy yếu, máu có thể chảy ngược và đọng lại trong tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch căng ra hoặc xoắn lại, dẫn đến giãn tĩnh mạch.
Dựa trên cơ chế này, một số hoạt động hàng ngày đã được phát hiện có thể làm giảm lưu thông máu ở chân khiến suy giãn tĩnh mạch trở nên nghiêm trọng hơn và cần được loại bỏ, cụ thể như:
5.1. Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu
Đứng hoặc ngồi quá lâu trong một tư thế có thể kết hợp cùng trọng lực làm chậm tốc độ di chuyển của máu qua tĩnh mạch. Điều này làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch, máu ứ đọng trong tĩnh mạch lâu hơn và nhiều hơn có thể làm tăng kích thước tĩnh mạch đang bị suy yếu. Ngoài ra, người bệnh cũng phải đối diện với triệu chứng sưng tấy, đau nhức ở mắt cá chân, bắp chân và bàn chân.
Để hạn chế tình trạng này, bạn cần chủ động thay đổi tư thế hoặc di chuyển xung quanh sau một thời gian giữ nguyên tư thế. Bạn cũng có thể thực hiện các bài tập tại chỗ như xoay mắt cá chân, duỗi chân hoặc vẩy chân để kích thích tuần hoàn máu lưu thông.
Một phương pháp tối ưu hơn là tập nâng cao chân 3 lần/ ngày, mỗi lần 15 phút. Việc đưa chân lên vị trí cao hơn tim sẽ phá vỡ vòng tròn trọng lực, tạo điều kiện cho máu di chuyển từ chân về tim tốt hơn, từ đó giảm triệu chứng đau nhức, sưng tấy ở chân.
5.2. Tránh mặc đồ bó sát
Việc sử dụng các loại đồ bó sát quanh eo, chân và vùng háng có thể gây cản trở quá trình lưu thông máu từ hệ thống tĩnh mạch ngoại biên về tim. Điều này khiến người bệnh đối diện nguy cơ tăng nặng triệu chứng: sưng tấy, đau nhức và nặng nề ở chân.
Nhiều người nhầm tưởng các loại quần áo bó có tác dụng tương tự như vớ nén y khoa nhưng thực tế không phải vậy. Các loại vớ nén chuyên dụng được thiết kế nhằm giữ cho van tĩnh mạch ở đúng vị trí, hỗ trợ hoạt động của hệ thống tuần hoàn. Trong khi đó, các loại quần áo chật “không đúng chỗ” lại gây phản tác dụng. Vì vậy, hãy lựa chọn những loại quần áo thoải mái, thoáng mát để dễ dàng vận động và không gây khó chịu.
Xem thêm: Cách chọn giày dép thoải mái cho người bị suy giãn tĩnh mạch
5.3. Đừng lười vận động
Tập thể dục đều đặn với các bài tập phù hợp có thể mang lại lợi ích bền vững và lâu dài cho người suy giãn tĩnh mạch. Theo đó, các bài tập cơ chân giúp tăng cường sức khỏe cơ bắp, giúp các van tĩnh mạch hoạt động tốt hơn. Bên cạnh đó, các tư thế tập nâng cao chân cũng hỗ trợ quá trình tuần hoàn máu về tim, giảm ứ đọng máu tại chi dưới từ đó giảm tổn thương tĩnh mạch.
Ngược lại, lối sống lười vận động không chỉ khiến sức khỏe của bạn sụt giảm nhanh hơn mà còn gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ thống tuần hoàn và tĩnh mạch. Vì lý do này, người bệnh suy giãn tĩnh mạch được khuyên rằng nên duy trì thói quen tập luyện khoảng 30 phút/ ngày. Nếu có thể, bạn hãy lựa chọn bài tập chuyên dụng, còn không bạn hoàn toàn có thể tập luyện với những bài tập đơn giản như: đi bộ, bơi lội, đạp xe,…
5.4. Tránh nằm cao đầu
Nằm ngủ cao đầu khiến tạo ra trọng lực cản trở lưu thông máu từ chân về tim. Điều này không tốt cho những người đang bị suy giãn tĩnh mạch chân. Vậy nên, bạn nên gối thấp khi ngủ hoặc nếu có thể, hãy kê cao chân để hỗ trợ quá trình di chuyển của máu qua tĩnh mạch chân.
Ngoài ra, nếu đang mang thai, bạn có thể lựa chọn nằm nghiêng trái khi ngủ. Tư thế này giúp giảm áp lực do tử cung đè lên tĩnh mạch vùng xương chậu, từ đó giảm bớt các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch trong thai kỳ.
Xem thêm: Lưu ý về tư thế ngủ cho người bị suy giãn tĩnh mạch
5.5. Đừng tăng cân quá nhiều
Cân nặng cao đồng nghĩa với cơ thể bạn đang chịu một trọng lực lớn. Điều này tạo áp lực ngăn cản tuần hoàn máu từ chi dưới về tim. Vậy nên, chỉ chênh lệch 10% trọng lượng cơ thể cũng có thể tạo nên sự khác biệt về sức khỏe của người bệnh suy giãn tĩnh mạch.
Vì lý do này, bạn nên chủ động kiểm soát cân nặng của mình. Với những người thừa cân, béo phì, việc giảm cân là điều cần thiết để giảm nhẹ triệu chứng và ngăn suy giãn tĩnh mạch tiến triển.
Thực hiện chế độ kiêng khem khi bị suy giãn tĩnh mạch là điều cần thiết. Tuy nhiên, người bệnh không nên vì thế mà hình thành tâm lý tiêu cực, tự tạo ra áp lực tâm lý cho bản thân. Hãy bắt đầu việc kiêng cữ một cách từ từ để cơ thể có thể thích nghi tốt nhất. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể xin ý kiến tư vấn của bác sĩ để có chế độ kiêng khem khoa học, đạt được hiệu quả tốt nhất.