Suy giãn tĩnh mạch chân là bệnh lý phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần, thẩm mỹ và gây ra gánh nặng kinh tế cho cá nhân và gia đình. Thế nhưng, hầu hết người bệnh vẫn chưa dành sự quan tâm đúng mức cho bệnh lý này. Vậy, suy giãn tĩnh mạch chân là gì? Bài viết hôm nay sẽ đem đến cho bạn đọc thông tin tổng quan về chứng bệnh này.
Mục lục
1. Suy giãn tĩnh mạch chân là gì?
Suy giãn tĩnh mạch chân là tình trạng suy giảm chức năng hệ tĩnh mạch chi dưới, xảy ra do suy các van tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu. Hệ quả là dòng chảy của máu từ chân về tim bị cản trở, máu tăng ứ đọng ở chi dưới, tạo áp lực lên thành tĩnh mạch và gây ra hàng loạt triệu chứng khó chịu như: sưng tấy, đau nhức, nặng nề và nổi mạch máu ở chân.
Suy giãn tĩnh mạch chân ở giai đoạn đầu thường không tạo ra quá nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người bệnh. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành nhiều biến chứng nghiêm trọng như:
- Giãn vỡ tĩnh mạch gây tình trạng tụ máu trong các mô hoặc ổ khớp, dẫn đến thiếu máu và ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan, bộ phận này.
- Lở loét, hoại tử do mạch máu bị chèn ép gây sưng, phù nề đồng thời giảm lưu lượng máu giàu oxy và dưỡng chất đến nuôi dưỡng các mô, khiến các mô cơ bị lở loét, hoại tử và giảm khả năng hồi phục.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu dẫn đến thuyên tắc phổi gây nguy cơ tử vong do thiếu oxy trầm trọng.
- Nhịp tim nhanh trên thất gây rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng đến lưu lượng máu trong toàn cơ thể.
Thống kê cho thấy, có đến 80% bệnh nhân trên thế giới và 62% bệnh nhân tại Việt Nam được phát hiện gặp phải tình trạng suy giãn tĩnh mạch khi thăm khám tại các phòng khám tim mạch . Tỷ lệ bệnh ở người trưởng thành (trên 30 tuổi) chiếm khoảng 9 – 30%, trong đó bệnh nhân là nữ giới cao hơn từ 2 – 3 lần so với nam giới.
Tại Pháp, một thống kê cho thấy đến 18 triệu người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới, trong đó 10 triệu người gặp phải tình trạng giãn tĩnh mạch. Bên cạnh đó, khoảng 1% dân số Pháp đối diện với tình trạng loét chi dưới do nguyên nhân từ Tĩnh mạch.
Suy giãn tĩnh mạch chân không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tạo ra gánh nặng trầm trọng về kinh tế cho cá nhân và xã hội. Tại Pháp, kinh phí điều trị suy giãn tĩnh mạch chiếm khoảng 2.6% tổng ngân sách y tế. Tại Hoa Kỳ, con số này là 1 tỷ USD/ năm cho điều trị loét mạn tính cho suy giãn tĩnh mạch.
2. Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch chân
Giãn tĩnh mạch chân phát triển khi các van một chiều trong tĩnh mạch bị suy giảm chức năng, gây cản trở dòng chảy của màu từ tĩnh mạch về tim, máu có thể chảy ngược và ứ đọng trong lòng tĩnh mạch, khiến tĩnh mạch bị giãn và sưng to.
Nguyên nhân gây suy giãn tĩnh mạch được xác định dựa theo phân loại bệnh, cụ thể:
- Suy giãn tĩnh mạch nguyên phát: Xảy ra do yếu tố di truyền, các bất thường về dòng chảy của hệ tĩnh mạch nông hoặc bất thường về giải phẫu như: bờ tự do của van quá dài gây sa van, giãn vòng van.
- Suy giãn tĩnh mạch thứ phát: Xảy ra do các bệnh lý như: bệnh lý tĩnh mạch hậu huyết khối, dị sản tĩnh mạch (thiếu hụt hoặc thiểu sản van tĩnh mạch), khối u,…
Bên cạnh các nguyên nhân trực tiếp, suy giãn tĩnh mạch chân có thể phát triển ở những người thuộc nhóm nguy cơ dưới đây:
- Nữ giới: Nội tiết tố ở nữ giới có thể khiến tĩnh mạch bị giãn căng hết mức. Bên cạnh đó, các giai đoạn như mang thai hay tiền mãn kinh xảy ra rối loạn nội tiết tố làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
- Lớn tuổi: Người lớn tuổi thường gặp các bệnh về tim mạch, chuyển hóa khiến huyết áp tăng cao. Kết hợp với chức năng thành mạch suy giảm do lão khiến tĩnh mạch dễ bị suy giãn.
- Thừa cân: Cân nặng dư thừa làm tăng áp lực lên hệ thống tĩnh mạch. Bên cạnh đó, trọng lượng gia tăng làm cản trở dòng chảy của máu từ chân về tim. Điều này làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân.
- Ít vận động: Tư thế ngồi hoặc đứng làm việc ở một tư thế trong thời gian dài gây áp lực lớn lên hệ thống tĩnh mạch chân đồng thời tạo ra trọng lực ngăn cản dòng chảy của máu về tim, làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch.
- Khói thuốc lá: Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá trong thời gian dài làm tăng nguy cơ tổn thương tĩnh mạch, làm giảm sức bền và độ đàn hồi của tĩnh mạch, làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch.
- Mang thai: Sự tăng kích thước của tử cung trong thai kỳ có thể gây chèn ép lên hệ thống tĩnh mạch vùng xương chậu, cản trở dòng chảy của máu dẫn đến tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng suy giãn tĩnh mạch chân là:
- Nhân viên văn phòng
- Nhân viên bán hàng, tạp hóa
- Công nhân
- Phụ nữ mang thai, phụ nữ trung niên
- Giáo viên
- Tài xế
3. Triệu chứng điển hình của suy giãn tĩnh mạch chân
Ở mỗi giai đoạn, người bệnh suy giãn tĩnh mạch sẽ phải đối diện với các triệu chứng khác nhau, cụ thể:
3.1 Giai đoạn khởi phát
Thời điểm này, hệ thống tĩnh mạch bắt đầu suy yếu nhưng chưa bị suy giãn nghiêm trọng (kích thước dưới 3mm). Vì vậy, các triệu chứng thường không rõ ràng và dễ dàng bị bỏ qua. Một số dấu hiệu thường gặp ở giai đoạn này gồm:
- Cảm giác căng tức, ngứa ngáy hoặc nóng ran trên da.
- Đau nặng chân, đôi khi có thể thấy mang giày dép chật hơn bình thường.
- Chân mỏi, hơi phù nhẹ nếu ngồi hoặc đứng lâu trong một tư thế.
- Thỉnh thoảng bị chuột rút, tê bì hoặc châm kim ở chân vào ban đêm.
- Các mạch máu li ti xuất hiện ở vùng cổ chân và bàn chân khi lao động nặng.
3.2 Giai đoạn tiến triển
Ở giai đoạn này, các van tĩnh mạch đã suy yếu, đường kính tĩnh mạch bị giãn rộng trên 3mm khiến lượng máu ứ đọng trong tĩnh mạch lớn hơn. Bởi vậy, các triệu chứng ở thời điểm này cũng trở nên rõ rệt, cụ thể:
- Người bệnh bị sưng phù chân, nặng hơn ở vùng mắt cá và bàn chân.
- Máu ứ đọng gây loạn dưỡng khiến vùng da cẳng chân đậm màu hơn, thậm chí có màu tím, đen.
- Hệ thống tĩnh mạch lồi lên bề mặt da gây cảm giác đau nhức, nặng nề và sưng phù chân.
3.3 Giai đoạn biến chứng
Giai đoạn biến chứng được xác định khi hệ thống tĩnh mạch bị tổn thương nghiêm trọng, các tĩnh mạch xuất hiện biến chứng như: giãn vỡ tĩnh mạch, huyết khối tĩnh mạch và chảy máu. Người bệnh có thể nhận diện giai đoạn này thông qua một số triệu chứng như:
- Các vùng bầm tím xuất hiện trên da.
- Chân sưng phù, nặng nề gây khó khăn cho người bệnh khi di chuyển.
- Xuất hiện các vết lở loét, thậm chí là vùng hoại tử trên da.
- Đánh trống ngực, tim đập thình thịch.
4. Phương pháp chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chân
Để đưa ra chẩn đoán về suy giãn tĩnh mạch chân, các bác sĩ cần dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và thăm dò cận lâm sàng. Cụ thể:
4.1 Thăm khám lâm sàng
Thăm khám lâm sàng là bước đầu tiên trong thăm khám suy giãn tĩnh mạch, được thực hiện thông qua tương tác trực tiếp giữa bác sĩ và người bệnh. Ở bước này, bác sĩ sẽ:
- Hỏi: Để xác định tiền sử bệnh trong gia đình và các triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch như: đau, tức, nặng chân khi ngồi hoặc hoặc đứng, ngứa chân, chuột rút ban đêm, chân bồn chồn không yên,…
- Nhìn: Nhằm xác định những dấu hiệu bất thường trên chân và da của người bệnh như: chân phù nề, sưng nóng, nổi mạch máu li ti trên da.
- Sờ: Xác định các phản xạ trên chân như: ấn phù, vị trí đau và mức độ đau.
Để có kết quả thăm khám chính xác, người bệnh cần cung cấp đầy đủ và chính xác những thông tin mà bác sĩ khai thác. Nếu có bất cứ nghi ngờ gì, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
4.2 Thăm dò cận lâm sàng
Siêu âm là phương pháp thăm dò cận lâm sàng được áp dụng phổ biến trong chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chân. Đây là phương pháp không xâm lấn, an toàn, hiệu quả và có độ chính xác cao. Thông qua siêu âm, bác sĩ sẽ tiến hành khảo sát cả hệ tĩnh mạch sâu và nông, đặc biệt chú ý đến các tĩnh mạch đùi chung, tĩnh mạch khoeo.
Các yếu tố được khảo sát và đánh giá trong quá trình siêu âm gồm:
- Khảo sát hình ảnh tĩnh mạch hiện tại để xác định mức độ suy giãn.
- Đánh giá mức độ đè ép lên tĩnh mạch.
- Đánh giá dòng chảy của máu từ tĩnh mạch về tim, đo thời gian dòng trào ngược.
- Đánh giá biện pháp làm tăng dòng chảy.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh siêu âm ở tư thế đứng để đánh giá tình trạng suy van tĩnh mạch bằng cách:
- Làm tăng áp lực ổ bụng thông qua nghiệm pháp Valsalva (đánh giá quai tĩnh mạch hiển và đùi).
- Dùng lực ép và thả bằng tay để đánh giá suy van tĩnh mạch đoạn xa.
Tron suy giãn tĩnh mạch, thời gian trào ngược ở tĩnh mạch đùi và tĩnh mạch khoeo thường lớn hơn 1 giây và lớn hơn 0.5 giây với tĩnh mạch hiển bé, tĩnh mạch hiển lớn, tĩnh mạch đùi sâu và tĩnh mạch chày. Đối với bệnh nhân suy tĩnh mạch xuyên, dòng chảy ngược thường kéo dài hơn 0.5 giây và kích thước đường kính lớn hơn 3.5mm.
5. Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chân
Tùy vào mức độ bệnh mà các bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng trường hợp. Một số phương pháp thường được chỉ định gồm:
5.1 Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là phương pháp sử dụng thuốc điều trị nhằm hỗ trợ chức năng và độ bền của tĩnh mạch. Thuốc được bác sĩ kê đơn dựa trên triệu chứng hiện tại của người bệnh:
- Trường hợp đau và phù: Các thuốc được kê thường là diosmin, hesperidin và rutosides kết hợp với điều trị bằng băng ép.
- Trường hợp có về loét tĩnh mạch: Thuốc được sử dụng là pentoxifylline kết hợp với điều trị băng ép
5.2 Điều trị băng ép
Điều trị băng ép là phương pháp được chỉ định nhằm kiểm soát tình trạng máu chảy ngược, không thể từ tĩnh mạch trở về tim. Tuy nhiên, đây không phải là biện pháp ưu tiên nếu người bệnh được đánh giá là phù hợp với phương pháp điều trị nội mạch.
Việc sử dụng băng ép được khuyến cáo áp dụng trong thời gian hậu phẫu sau khi điều trị can thiệp. Thời gian và áp lực của băng ép sẽ được bác sĩ điều trị quyết định sau khi thực hiện thăm khám lâm sàng cho người bệnh. Trường hợp suy giãn tĩnh mạch chân mạn tính, báng ép được khuyến cáo sử dụng ngay cả sau mỗi đợt điều trị. Áp lực của băng ép được lựa chọn dựa trên quyết định của bác sĩ điều trị.
5.3 Điều trị can thiệp
Điều trị can thiệp là phương pháp có xâm lấn nhằm khắc phục các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch và phòng ngừa nguy cơ biến chứng. Các biện pháp được áp dụng phổ biến bao gồm:
- Điều trị nhiệt nội tĩnh mạch: Sử dụng laser hoặc sóng cao tần để điều trị suy tĩnh mạch hiển và nhánh. Chống chỉ định khi không sờ thấy mạch bàn chân, sức khỏe kém, huyết khối tĩnh mạch sâu, có thai, tĩnh mạch hiển xoắn vặn.
- Tiêm xơ tĩnh mạch: Tiêm một chất gây xơ vào tĩnh mạch nông làm tổn thương nội mạc và lân cận lớp trung mạc, dẫn đến hình thành huyết khối làm tắc tĩnh mạch bị suy.
- Phẫu thuật hở: Chỉ định trong trường hợp suy giãn tĩnh mạch không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác. Đây không phải là biện pháp ưu tiên bởi gây đau đớn, thời gian hồi phục dài và nguy cơ biến chứng phẫu thuật cao.
Trên đây là bài viết tổng quan về bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Hi vọng những thông tin trong bài viết có thể giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về chứng bệnh này, từ đó có thể nhận diện sớm và có hướng xử trí phù hợp, kịp thời. Nếu còn bất kỳ vấn đề gì thắc mắc về bệnh lý này, bạn có thể liên hệ trực tiếp qua hotline: 1900 545 518 để được chuyên gia giải đáp chi tiết.
Tài liệu tham khảo:
- https://timmachhoc.vn/chan-doan-va-dieu-tri-suy-tinh-mach-nong-chi-duoi/
- https://trungtamytequan6.medinet.gov.vn/chuyen-muc/suy-gian-tinh-mach-chan-chua-the-nao-co-can-phai-phau-thuat-cmobile16689-85155.aspx
- https://www.nhs.uk/conditions/varicose-veins/
Bích đã bình luận
Tôi k bị nổi gân xanh .nhìn bề ngoài da thì k ai biết tôi bị suy van tĩnh mạch.nhưng đi khám bs thì tôi bị suy van tĩnh mạch.bs có thể giải đáp giúp tôi .
Chuyên gia suy giãn tĩnh mạch đã bình luận
Chào bạn, hệ thống tĩnh mạch gồm có tĩnh mạch nông, tĩnh mạch xuyên, tĩnh mạch sâu.
Tĩnh mạch nông là hệ thống tĩnh mạch gần bề mặt da, trên lớp cơ dưới da, nên khi tĩnh mạch nông bị giãn sẽ thấy bằng mắt thường. Tĩnh mạch xuyên và tĩnh mạch sâu nằm ở vị trí sâu hơn, trong đó tĩnh mạch sâu nằm bên dưới lớp cơ, nên khi bị giãn tĩnh mạch sâu không quan sát được bằng mắt thường,
Để chẩn đoán, ngoài dựa vào các triệu chứng bên ngoài gọi là triệu chứng lâm sàng, còn chẩn đoán chính xác bằng số liệu cận lâm sàng, Trong bệnh giãn tĩnh mạch biện pháp hay dùng là siêu âm dopple để phát hiện dòng trào ngược tĩnh mạch và vị trí giãn tĩnh mạch, Khi đã có kết luận từ bác sĩ, rất mong bạn nhanh chóng điều trị để kiểm soát suy giãn tĩnh mạch. chúc bạn nhiều sức khỏe!