Số lượng người mắc suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới ngày một tăng tỷ lệ thuận với tốc độ già hóa dân số nhanh chóng ở Việt Nam. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh này. Vậy bệnh có triệu chứng như thế nào và có nguy hiểm không? Mời các bạn tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Tĩnh mạch nông chi dưới là gì?
Hệ thống tĩnh mạch nông chi dưới thường hòa vào hệ thống tĩnh mạch hiển và có vài nhánh nhỏ nối các tĩnh mạch cơ. Chức năng chính là dẫn máu vào hệ thống tĩnh mạch sâu và hoạt động chống lại trọng lực để ngăn ngừa sự chảy máu theo chiều ngược lại.
Giãn tĩnh mạch nông chi dưới là tình trạng tĩnh mạch nằm ở dưới da và bên ngoài các khoang cơ của chân bị biến dạng, xoắn, sưng hoặc phình to ra. Nguyên nhân chủ yếu là do thành mạch suy yếu hoặc các van một chiều bị tổn thương khiến máu ứ đọng, không thể di chuyển như bình thường, làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu.
2. Triệu chứng của giãn tĩnh mạch nông chi dưới
Một số dấu hiệu cảnh báo bạn mắc chứng giãn tĩnh mạch nông chi dưới:
Đau nhức:
Chân thường cảm thấy đau nhức khi đứng lâu, sau khi hoạt động thể chất, đau nhiều về chiều tối kèm theo cảm giác mệt mỏi, nặng nề như đeo vật gì đó ở chân.
Nổi tĩnh mạch:
Tĩnh mạch nông bị biến dạng, giãn nổi thành từng đám ở bắp chân, ngoằn ngoèo giống như mạng nhện hoặc các tia máu nhỏ li ti màu xanh và tím. Nếu bệnh chuyển biến trầm trọng hơn, búi phình giãn tĩnh mạch càng to trông như giun quấn vào nhau. Triệu chứng này dễ nhận thấy hơn khi đứng.
Ngứa:
Khu vực xung quanh giãn tĩnh mạch có thể ngứa ngáy, châm chích khiến bạn khó chịu, mất tập trung.
Chuột rút:
Triệu chứng thường xuất hiện vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Xem thêm: Chuột rút bắp chân khi ngủ phải làm sao?
Sưng phù:
Chân, mắt cá chân và bàn chân có thể sưng phù khiến nhiều người cảm giác một chân to, một chân nhỏ. Khi ấn vào mu bàn chân sẽ xuất hiện vết lõm và lâu trở về trạng thái bình thường.
Xem thêm: Sưng phù chân khi ngồi lâu có sao không?
Đổi màu da và loét: Nếu không được điều trị kịp thời, chứng giãn tĩnh mạch nông nghiêm trọng có thể gây ra những vết màu nâu (chàm da) hoặc thậm chí là những vết lở loét không lành trên da. Triệu chứng này gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
3. Nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch nông chi dưới
3.1. Tuổi tác
Theo thời gian, các van trong tĩnh mạch nông lão hóa, hao mòn dần. Vì vậy, quá trình lưu thông máu bị mất kiểm soát, máu không thể chảy ngược về tĩnh mạch sâu và về tim, ngưng đọng lại khiến tĩnh mạch bị căng phồng.
3.2. Giới tính
Theo ghi chép của Hiệp hội bác sĩ gia đình Hoa Kỳ (AAFP) năm 2008, nữ giới có nhiều khả năng mắc suy giãn tĩnh mạch hơn nam giới. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể người phụ nữ do mang thai, hội chứng tiền kinh nguyệt hoặc mãn kinh. Các phương pháp điều trị nội tiết tố như dùng thuốc tránh thai cũng có thể làm tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch nông.
Khi mang thai, lượng máu trong cơ thể người phụ nữ tăng lên hỗ trợ cho sự phát triển bình thường của thai nhi khiến tĩnh mạch nông chi dưới thêm căng thẳng trong quá trình chuyển máu trở về tim. Đồng thời, tử cung bắt đầu mở rộng gây áp lực lên tĩnh mạch vùng xương chậu. Điều này có thể là nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch. Tuy nhiên, tình trạng này thường thuyên giảm sau khi sinh em bé.
Ngoài ra, phụ nữ có thói quen đi giày cao gót thường xuyên làm cản trở quá trình lưu thông máu, gây tắc nghẽn và tăng nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chi dưới.
3.3. Di truyền
Nếu người thân trong gia đình có tiền sử mắc suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới thì bạn có nguy cơ cao mắc bệnh này.
3.4. Béo phì
Thừa cân gây thêm áp lực cho tĩnh mạch chi dưới, khiến chúng phải làm việc nhiều hơn để đưa máu trở lại tim. Đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tổn thương và rò rỉ các van.
3.5. Đứng hoặc ngồi trong thời gian dài
Khi đứng hoặc ngồi trong thời gian quá dài, máu khó lưu thông ở chi dưới, dễ bị trì trệ gây tắc nghẽn và là một trong những nguyên nhân dẫn đến giãn tĩnh mạch nông. Điều này thường xảy ra đối với một số ngành nghề đặc thù như: giáo viên, nhân viên văn phòng, tài xế, bác sĩ phẫu thuật…
4. Giãn tĩnh mạch nông chi dưới có nguy hiểm không?
Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới thường ít khi gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vấn đề lớn nhất là các triệu chứng của bệnh như sưng đau, tê mỏi chân ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.
Ngoài ra, trong một vài trường hợp, bệnh nhân thấy bị xuất huyết mạch máu dưới da với biểu hiện là các vết bầm thâm tím. Bên cạnh đó, có thể xảy ra viêm nhiễm tại các vùng tĩnh mạch nông bị tổn thương.
Các biến chứng nguy hiểm như huyết khối, viêm tắc tĩnh mạch hiếm khi xảy ra.
Có thể bạn quan tâm: Vì sao phải duy trì quá trình chữa giãn tĩnh mạch lâu dài
5. Phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch nông chi dưới
Theo bác sĩ Trung Anh (Phó giám đốc viện Lão khoa Trung Ương) sau nhiều năm nghiên cứu điều trị suy giãn tĩnh mạch cho khuyến cáo: Với suy tĩnh mạch nông, trước đây điều trị khỏi là vô cùng khó khăn, ngoài điều trị bằng thuốc, hiện nay đã có thể tiến hành các biện pháp can thiệp tĩnh mạch để giảm hẳn tình trạng suy giãn bằng các tiêm chất xơ vào, hoặc can thiệp nhiệt, laze nội mạch hoặc sử dụng keo để điều trị, loại bỏ tĩnh mạch nông đã hỏng ra khỏi hệ tĩnh mạch chung.
Phương pháp phẫu thuật ít khi được đề xuất để điều trị suy giãn tĩnh mạch nông, trừ khi các phương pháp khác không hiệu quả hoặc bệnh tiến triển nặng, có nhiều biến chứng.
Dưới đây là thông tin chi tiết về các phương pháp điều trị:
5.1. Liệu pháp xơ hóa (sclerotherapy)
Liệu pháp xơ hóa là phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng cách tiêm một chất làm xơ hóa vào các tĩnh mạch bị suy giãn dưới sự giám sát trực tiếp từ máy siêu âm, nhằm đóng kín hoạt động hoặc loại bỏ các tĩnh mạch phình giãn. Quá trình này giúp loại bỏ tĩnh mạch bị suy giãn khỏi hệ thống lưu thông máu và cải thiện lưu thông chung. Đây là liệu pháp không gây mê mang lại hiệu quả cao và đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Chất làm xơ hóa thường được sử dụng là một loại dung dịch chất hóa học, thường gọi là “sclerosant.” Sclerosant này có khả năng gây tổn thương và kích thích sự đóng kín của tĩnh mạch. Chất này thường là dung dịch muối saccarozơ (sugar) hoặc chất ethoxysclerol.
5.2. Điều trị bằng laser
Phương pháp này dựa trên nguyên lý sử dụng năng lượng sóng laser để làm teo và hủy diệt các tĩnh mạch bị suy giãn, không cho máu chảy qua. Bác sĩ sẽ luồn một sợi cáp quang nhỏ vào trong lòng tĩnh mạch, rồi chiếu tia laser để làm nóng thành tĩnh mạch. Khi đó, hai thành tĩnh mạch sẽ dính liền với nhau và cắt đứt dòng máu. Sau đó, vùng tĩnh mạch bị hủy sẽ dần bị cơ thể hấp thụ và máu sẽ được lưu thông qua những tĩnh mạch khỏe mạnh khác.
Phương pháp này có nhiều ưu điểm so với phương pháp truyền thống là mổ hở để rút tĩnh mạch, như: không gây đau, không để lại sẹo, không cần gây mê toàn thân, thời gian điều trị nhanh chóng và hồi phục nhanh.
Xem chi tiết: Phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng laser
5.3. Điều trị bằng keo sinh học
Theo phương pháp này, bác sĩ sẽ tiêm một loại keo y tế vào trong tĩnh mạch bị suy giãn, làm niêm phong và cứng lại vùng tĩnh mạch đó. Sau đó, vùng tĩnh mạch bị niêm phong sẽ dần bị cơ thể hấp thụ và máu sẽ được lưu thông qua những tĩnh mạch khỏe mạnh khác. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như: không gây đau, không để lại sẹo, không cần gây mê, có thể điều trị nhiều tĩnh mạch cùng lúc và thời gian điều trị nhanh chóng.
Xem chi tiết: Quy trình và lợi ích điều trị giãn tĩnh mạch bằng keo sinh học
5.4. Các phương pháp cải thiện lối sống để hỗ trợ điều trị bệnh
1. Luyện tập thể thao
Như đã nói ở trên, đứng hoặc ngồi trong thời gian dài là một trong những nguyên nhân khiến suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, bạn đừng quên luyện tập thể thao đều đặn mỗi ngày để thúc đẩy quá trình lưu thông máu, xoa dịu cơn đau nhức, giảm nguy cơ chuột rút.
Một số bài tập đơn giản phù hợp với người bị suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới:
Đi bộ: Đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày, hoặc chia nhỏ thành nhiều lần trong ngày.
Leo cầu thang: Động tác nâng bắp chân khi leo cầu thang giúp các cơ ở chân co lại, đồng thời tạo điều kiện để máu di chuyển thuận lợi hơn.
Các bài tập giãn cơ: Các bài tập này tác động trực tiếp vào cơ và tĩnh mạch chi dưới. Bạn có thể tham khảo một số bước kéo giãn chân đơn giản như sau:
- Bước 1: Nằm trên giường, chân duỗi thẳng.
- Bước 2: Dùng khăn tắm, dây hoặc thắt lưng vòng qua lòng bàn chân, rồi kéo nhẹ để các đầu ngón chân hướng về cơ thể.
- Bước 3: Giữ nguyên tư thế, hoặc bạn có thể giữ trong 1 – 2 phút rồi thả ra và lặp lại đến khi hết chuột rút.
Tập yoga: Tập yoga giúp duy trì sức mạnh và sự linh hoạt của cơ thể, giảm triệu chứng đau nhức, sưng tấy. Xem 10 động tác yoga phù hợp cho người bị suy giãn tĩnh mạch chân tại đây.
Hỏi đáp: Bị giãn tĩnh mạch chân có tập gym được không?
2. Chế độ ăn uống
- Ăn nhiều rau xanh trái cây để bổ sung chất xơ và chất chống oxy hóa, giúp cải thiện sức bền của hệ thống tĩnh mạch và tăng độ nhớt của máu (giúp máu lưu thông tốt hơn).
- Chế biến món ăn nhạt hơn, hạn chế sử dụng gia vị mặn để tránh làm tăng áp lực trong tĩnh mạch và tình trạng sưng phù chân.
- Uống nhiều nước để cân bằng nồng độ natri trong máu, giúp hạn chế sưng phù chân đồng thời giúp máu tuần hoàn về tim tốt hơn.
- Hạn chế thực phẩm có nhiều đường, để duy trì cân nặng ở ngưỡng phù hợp, giảm cân có thể giảm áp lực trong tĩnh mạch.
- Tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu protein, hạn chế thức ăn chứa nhiều cholesterol – có thể gây tắc nghẽn mạch máu.
- Kiêng rượu bia, vì những loại đồ uống này gây rối loạn chức năng gan, mất nước và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.
Ngoài chế độ ăn uống, người bệnh suy giãn tĩnh mạch chân cần kết hợp các biện pháp bổ sung, bao gồm việc tránh đứng hoặc ngồi trong thời gian dài, duy trì tư thế không bắt chéo chân, thực hiện các hoạt động thể dục nhẹ nhàng như đi bộ, sử dụng tay nâng chân khi ngủ, áp dụng tất áp lực, cân nhắc việc giảm cân nếu có thừa cân hoặc béo phì. Tất cả những biện pháp này được đề xuất để cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.
3. Dùng vớ nén (vớ y khoa)
Vớ nén tạo áp lực giúp các mạch máu, bao gồm cả động mạch và tĩnh mạch, hoạt động tốt hơn. Quá trình lưu thông máu thuận lợi ngăn cản sự hình thành các cục máu đông. Ngoài ra, dùng vớ nén còn hạn chế tình trạng đau mỏi và sưng phù ở chi dưới.
Người bệnh lựa chọn vớ nén tùy vào tình trạng của bản thân. Phạm vi nén được tính bằng đơn vị mmHg và thường được chia thành nhiều cấp độ như sau:
- Ít hơn 20mmHg: Vớ cung cấp độ nén thấp giúp quá trình lưu thông máu diễn ra thuận lợi.
- Từ 20 – 30mmHg: Vớ cung cấp độ nén trung bình hỗ trợ kiểm soát sưng đau cho người bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới hoặc huyết khối động mạch sâu.
- Từ 30 – 40mmHg: Vớ nén phù hợp cho những người bị đau nhức và sưng phù nặng.
- Từ 40 – 50mmHg: Vớ nén dành cho bệnh nhân đang mắc các vấn đề nghiêm trọng về tĩnh mạch và cục máu đông.
Ngoài ra, bạn nên lựa chọn sản phẩm có độ dài phù hợp để cảm thấy thoải mái hơn khi di chuyển, vận động.
Xem chi tiết: Cách sử dụng vớ nén y khoa cho người bị giãn tĩnh mạch chân
Trong thời gian đầu sử dụng, chân có thể khó chịu, thậm chí là đau nhức. Đây là điều bình thường và bạn sẽ quen dần với chúng. Nhưng nếu sau 1 tuần mà cảm giác đau nhức vẫn không thuyên giảm hoặc trở nên trầm trọng hơn, da có dấu hiệu đổi màu, bạn nên ngừng dùng vớ nén và tham khảo ý kiến của bác sĩ để nhận được tư vấn tốt nhất.