Covid-19 là một đại dịch toàn cầu đã để lại vô số rối loạn cả về thể chất và tinh thần. Mặc dù trọng tâm chính là các tác động lên hệ hô hấp, nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy Covid-19 có ảnh hưởng rộng hơn đến các khía cạnh khác nhau của sức khỏe. Trong số các hậu quả liên quan đến Covid-19, hội chứng chân không yên dẫn đến rối loạn giấc ngủ đã trở thành mối lo ngại của nhiều người.
Mục lục
Tại sao Covid-19 gây ra hội chứng chân không yên?
Hội chứng chân không yên do Covid-19 được cho rằng có liên quan đến các yếu tố sau:
Viêm hệ thần kinh trung ương
Covid-19 gây ra phản ứng viêm toàn thân với nồng độ cytokine cũng như các dấu hiệu viêm khác tăng cao. Hội chứng bão cytokine có thể dẫn đến viêm và tổn thương mô hệ thần kinh trung ương. Điều này làm gián đoạn quá trình dẫn truyền thần kinh, góp phần gây ra các triệu chứng không yên ở chân.
Xem thêm: Đừng nhầm lẫn giữa run vô căn và hội chứng chân không yên
Sử dụng thuốc
Người mắc Covid-19 thường sử dụng một số loại thuốc để điều trị những vấn đề liên quan đến sức khỏe như: buồn nôn, trầm cảm, cảm lạnh, dị ứng, cao huyết áp… Đây có thể là nguyên nhân gây ra hội chứng chân không yên.
Yếu tố tâm lý
Đại dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều người luôn trong trạng thái lo lắng, căng thẳng và mất ngủ. Những tổn thất về mặt tinh thần này góp phần làm xuất hiện hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng của hội chứng chân không yên.
Dinh dưỡng
Trong thời gian cách ly tránh dịch Covid-19, nhiều người có xu hướng sử dụng đồ uống chứa cafein, nicotin hoặc bia rượu. Chúng có thể làm tăng nồng độ serotonin và dopamine trong thời gian uống, nhưng lại khiến bạn rơi vào trạng thái cai nghiện khi ngưng sử dụng. Điều này khiến hội chứng chân không yên trở nên nghiêm trọng hơn.
Thời gian xảy ra hội chứng chân không yên sau khi nhiễm Covid-19 có thể khác nhau ở mỗi người. Dựa trên sức khỏe tâm thần, mức độ hoạt động và thuốc điều trị, một số cá nhân có thể gặp các triệu chứng trong quá trình lây nhiễm, trong khi những người khác có thể xuất hiện các triệu chứng sau khi khỏi bệnh Covid-19.
Mắc hội chứng chân không yên do Covid nên làm gì?
Khi điều trị hội chứng chân không yên do COVID-19, bác sĩ có thể sẽ đề xuất các phương án cải thiện tại nhà bao gồm:
Giảm hoặc tránh rượu, nicotin và cafein: Bạn giảm dần lượng tiêu thụ các thực phẩm trên và xem xét các lựa chọn thay thế lành mạnh hơn như: sinh tố, nước ép hoa quả.
Tìm hiểu thêm: Danh sách thực phẩm giúp bạn cải thiện hội chứng chân không yên
Thiết lập một lịch trình ngủ nhất quán: Duy trì thói quen ngủ đều đặn bằng cách đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Thói quen ngủ đều đặn có thể giúp điều chỉnh đồng hồ sinh học bên trong cơ thể và cải thiện các triệu chứng.
Tập thể dục thường xuyên: Các hoạt động như đi bộ nhanh, chạy bộ, bơi lội, đạp xe, bài tập kéo giãn… có thể cải thiện lưu thông máu và giảm các triệu chứng của hội chứng chân không yên.
Ngâm chân bằng nước ấm: Ngâm chân bằng nước ấm trước khi đi ngủ có thể kích thích tuần hoàn máu, hạn chế tình trạng co cơ, chuột rút, đẩy lùi đau nhức.
Massage chân: Nhẹ nhàng xoa bóp đôi chân của bạn để thư giãn cơ bắp, giảm bớt sự khó chịu. Ngoài ra, bạn có thể dùng các loại máy massage tự động tạo áp lực vừa đủ lên chân và cải thiện tình trạng chân không yên.
Trong trường hợp các phương án tự chăm sóc tại nhà không mang lại hiệu quả cao, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng một số loại thuốc điều trị hội chứng chân không yên sau:
- Thuốc kích thích sản sinh dopamine: Ropinirole và pramipexole.
- Thuốc benzodiazepin: Clonazepam, diazepam.
- Thuốc chống động kinh: Gabapentin, enacarbil, và pregabalin.
- Thuốc giảm đau thần kinh opioids: Codein, propoxyphene và oxycodone.
- Thuốc bổ sung sắt.
Nếu bạn bị hội chứng chân không yên sau khi mắc COVID-19, bạn có thể cảm thấy khó ngủ, mệt mỏi và bực bội. Tuy nhiên, thay vì lo lắng, hãy chủ động cải thiện nó bằng cách áp dụng một số phương pháp như đi bộ, massage, thiết lập lịch trình ngủ khoa học, dùng thuốc theo sự hướng dẫn của bác sĩ… Hãy nhớ rằng, bạn không phải là người duy nhất gặp phải hội chứng này và bạn có thể vượt qua nó nếu duy trì một lối sống tích cực, lành mạnh.
Đọc thêm các bài viết khác về hội chứng chân không yên: