Nếu bạn thường xuyên cảm thấy khó chịu, bứt rứt ở chân mỗi khi nằm hoặc nghỉ ngơi thì có thể bạn đã mắc hội chứng chân bồn chồn. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguyên nhân gây ra hội chứng này và cách điều trị hiệu quả để cải thiện chất lượng cuộc sống.
Mục lục
- 1. Tìm hiểu về hội chứng chân bồn chồn
- 2. Nguyên nhân gây tình trạng chân bồn chồn
- 3. Hiểu chi tiết về triệu chứng của hội chứng chân bồn chồn
- 4. Phân loại và các giai đoạn phát triển của hội chứng chân bồn chồn
- 5. Ảnh hưởng của hội chứng chân bồn chồn
- 6. Phương pháp chẩn đoán hội chứng chân bồn chồn
- 7. Điều trị hội chứng chân bồn chồn như thế nào?
1. Tìm hiểu về hội chứng chân bồn chồn
Hội chứng chân bồn chồn (Restless Legs Syndrome – RLS) là một rối loạn thần kinh gây ra cảm giác khó chịu hoặc không thể kiểm soát ở chân, đặc biệt khi nghỉ ngơi hoặc vào ban đêm. Người mắc hội chứng này thường cảm thấy cần phải di chuyển chân để giảm bớt cảm giác khó chịu, như ngứa ngáy, đau nhức, râm ran hoặc co giật.
Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, hội chứng chân bồn chồn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là giấc ngủ, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và suy giảm năng suất trong công việc hàng ngày.
2. Nguyên nhân gây tình trạng chân bồn chồn
Hội chứng này thường được phân loại thành hai dạng chính:
- Hội chứng chân bồn chồn nguyên phát: Liên quan đến yếu tố di truyền.
- Hội chứng chân bồn chồn thứ phát: Khởi phát do các bệnh lý khác.
2.1. Hội chứng chân bồn chồn do di truyền
Chứng chân bồn chồn có quan hệ đặc biệt với yếu tố di truyền. Theo thông tin trích dẫn từ trang my.clevelandclinic.org, khoảng 92% số người mắc chứng chân bồn chồn có người thân trong gia đình từng mắc hội chứng này. Những bệnh nhân này có xu hướng phát triển các triệu chứng sớm hơn trong đời (trước 45 tuổi) so với những người mắc RLS không có mối liên hệ di truyền.
Hỏi đáp: Trẻ nhỏ có thể mắc hội chứng chân không yên không?
2.2. Hội chứng chân bồn chồn do các bệnh lý hoặc vấn đề sức khỏe khác
Khoảng một nửa số trường hợp mắc chứng hội chứng chân bồn chồn thứ phát như một biểu hiện của các bệnh hoặc tình trạng khác, bao gồm:
- Thiếu vitamin nhóm B, magiê, thiamine và sắt (ví dụ như thiếu máu)
- Suy thận nặng
- Tổn thương động mạch và tĩnh mạch chân (suy tĩnh mạch mạn tính, v.v.)
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh amyloidosis
- Bệnh đa dây thần kinh
- Thoái hóa đốt sống
- Bệnh lý rễ thần kinh
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh đa xơ cứng
- Tổn thương tủy sống do chấn thương
- Bệnh tuyến giáp (suy giáp, cường giáp, v.v.)
- Nghiện rượu
- Mang thai
Tìm hiểu thêm: Rượu ảnh hưởng tới chứng bồn chồn chân tay như thế nào?
3. Hiểu chi tiết về triệu chứng của hội chứng chân bồn chồn
3.1. Các triệu chứng thường gặp
Người mắc hội chứng chân bồn chồn thường có triệu chứng rõ rệt nhất là cảm giác bứt rứt, đôi chân không yên, cần phải cử động để giảm bớt khó chịu.
Bên cạnh đó, có một số triệu chứng khác cũng có thể xảy ra đó là:
- Nóng rát.
- Ngứa ran.
- Tê bì.
- Cảm giác như bị “vặn xoắn.”
- Căng tức hoặc áp lực.
- Cảm giác râm ran “kiến bò.”
- Đau âm ỉ hoặc khó chịu hơn là đau đớn.
3.2. Vị trí biểu hiện triệu chứng
Phổ biến nhất: Bắp chân.
Triệu chứng có thể lan rộng lên:
- Đùi.
- Thân mình.
- Vùng chậu.
- Tay.
Phần lớn các triệu chứng xảy ra đối xứng hai bên, nhưng một số trường hợp có thể chỉ xuất hiện một bên hoặc không đối xứng.
3.3. Thời gian xuất hiện triệu chứng
Thường xảy ra vào buổi tối hoặc ban đêm, đặc biệt khi nghỉ ngơi (nằm hoặc ngồi).
Triệu chứng giảm khi di chuyển, người bệnh thường:
- Trở mình trên giường.
- Đứng dậy đi lại.
- Co duỗi chân.
- Tự mát-xa hoặc xoa bóp.
- Ngồi xổm.
4. Phân loại và các giai đoạn phát triển của hội chứng chân bồn chồn
4.1. Phân loại theo mức độ nghiêm trọng
Dựa trên triệu chứng lâm sàng, hội chứng chân bồn chồn được chia thành ba mức độ:
Mức độ nhẹ:
- Các cảm giác khó chịu ở chân chỉ xuất hiện thỉnh thoảng.
- Không gây rối loạn giấc ngủ đáng kể.
- Chất lượng cuộc sống gần như không bị ảnh hưởng.
Mức độ vừa:
- Cảm giác khó chịu ở chân xuất hiện dưới hai lần mỗi tuần.
- Có ảnh hưởng vừa phải đến giấc ngủ và chất lượng cuộc sống.
Mức độ nặng:
- Cảm giác khó chịu xảy ra hai lần mỗi tuần hoặc nhiều hơn.
- Giấc ngủ và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
4.2. Phân loại theo thời gian kéo dài
Hội chứng chân bồn chồn có thể tiến triển qua các dạng:
- Cấp tính: Triệu chứng kéo dài không quá hai tuần.
- Bán cấp: Triệu chứng kéo dài không quá ba tháng.
- Mãn tính: Triệu chứng kéo dài trên ba tháng.
Lưu ý: Dù phân loại như trên, hội chứng chân bồn chồn phần lớn có tính mãn tính, kéo dài lâu dài.
Các giai đoạn thuyên giảm (remission) có thể kéo dài từ vài ngày đến nhiều năm.
5. Ảnh hưởng của hội chứng chân bồn chồn
Hội chứng chân bồn chồn có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe và tâm lý, bao gồm:
1. Mất ngủ (insomnia)
Người bệnh thường xuyên phải thức dậy giữa đêm do cảm giác khó chịu ở chân.
Tình trạng mất ngủ kéo dài gây ra hàng loạt vấn đề:
- Lo âu, căng thẳng và các rối loạn tâm lý khác.
- Suy giảm trạng thái cảm xúc, khiến người bệnh dễ trở nên cáu gắt, khó kiểm soát cảm xúc.
2. Tác động đến cuộc sống hàng ngày
Do mất ngủ, bệnh nhân thường gặp:
- Buồn ngủ vào ban ngày, gây giảm hiệu quả công việc và các hoạt động khác.
- Trạng thái mệt mỏi kéo dài, dễ kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
- Khả năng tập trung và làm việc giảm sút, ảnh hưởng đến hiệu suất học tập và lao động.
3. Nguy cơ trầm cảm
- Phụ nữ mắc hội chứng chân bồn chồn có nguy cơ cao bị trầm cảm lâm sàng.
- Trạng thái trầm cảm có thể giảm bớt hoặc biến mất sau khi điều trị thành công các triệu chứng của hội chứng chân bồn chồn.
6. Phương pháp chẩn đoán hội chứng chân bồn chồn
Việc chẩn đoán hội chứng chân không yên sẽ gồm các bước sau:
Các bác sĩ chẩn đoán chứng chân bồn chồn thông qua việc nghe người bệnh mô tả triệu chứng gặp phải, khám lâm sàng và khám thần kinh. Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:
- Bạn có cảm giác run rẩy, khó chịu, lâm râm như kiến bò ở chân không?
- Bạn có bị thôi thúc phải cử động không?
- Khi cử động, hoạt động có làm giảm cảm giác chân bồn chồn không?
- Chân bồn chồn có khiến bạn mất ngủ không?
- Khi ngủ chân có bị co giật không?
- Trong gia đình có người thân bị chân bồn chồn giống bạn không?
Ngoài ra, bác sĩ có thể yếu cầu bệnh nhân thực hiện thêm bài kiểm tra trắc nghiệm để đánh giá mức độ bệnh.
1. Bạn có cảm thấy khó chịu ở chân khiến bạn phải cử động chân không? Bạn đánh giá mức độ như thế nào?
- Rất nặng – 4 điểm
- Nặng – 3 điểm
- Trung bình – 2 điểm
- Nhẹ – 1 điểm
- Không có – 0 điểm
2. Bạn có cảm thấy muốn cử động chân và tay do cảm giác khó chịu hay không? Bạn đánh giá mức độ như thế nào?
- Rất rõ rệt – 4 điểm
- Rõ rệt – 3 điểm
- Trung bình – 2 điểm
- Nhẹ – 1 điểm
- Không có – 0 điểm
3. Cảm giác khó chịu ở chân có giảm đi sau khi bạn đi bộ hoặc cử động không?
- Không giảm – 4 điểm
- Hơi giảm – 3 điểm
- Giảm vừa phải – 2 điểm
- Hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn giảm – 1 điểm
- Không có cảm giác khó chịu – 0 điểm
4. Triệu chứng của hội chứng chân không yên ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của bạn như thế nào?
- Rất nhiều – 4 điểm
- Nhiều – 3 điểm
- Trung bình – 2 điểm
- Ít – 1 điểm
- Không ảnh hưởng – 0 điểm
5. Mức độ mệt mỏi và buồn ngủ vào ban ngày do hội chứng chân không yên gây ra như thế nào?
- Rất rõ rệt – 4 điểm
- Rõ rệt – 3 điểm
- Trung bình – 2 điểm
- Nhẹ – 1 điểm
- Không có – 0 điểm
6. Bạn đánh giá mức độ nghiêm trọng của hội chứng chân không yên tổng thể như thế nào?
- Rất nặng – 4 điểm
- Nặng – 3 điểm
- Trung bình – 2 điểm
- Nhẹ – 1 điểm
- Không có triệu chứng – 0 điểm
7. Các triệu chứng của bạn xuất hiện thường xuyên như thế nào?
- Rất thường xuyên (6-7 ngày trong tuần) – 4 điểm
- Thường xuyên (4-5 ngày trong tuần) – 3 điểm
- Thỉnh thoảng (2-3 ngày trong tuần) – 2 điểm
- Hiếm khi (1 ngày trong tuần hoặc ít hơn) – 1 điểm
- Không có triệu chứng – 0 điểm
8. Bạn đánh giá thời gian kéo dài của triệu chứng trong ngày như thế nào?
- Rất lâu (8 giờ/ngày hoặc lâu hơn) – 4 điểm
- Lâu (3-8 giờ/ngày) – 3 điểm
- Trung bình (1-3 giờ/ngày) – 2 điểm
- Ngắn (dưới 1 giờ/ngày) – 1 điểm
- Không có triệu chứng – 0 điểm
9. Triệu chứng của hội chứng chân không yên ảnh hưởng đến các công việc hàng ngày của bạn như thế nào?
- Rất nhiều – 4 điểm
- Nhiều – 3 điểm
- Trung bình – 2 điểm
- Ít – 1 điểm
- Không ảnh hưởng – 0 điểm
10. Triệu chứng của hội chứng chân không yên ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn như thế nào?
- Rất nhiều – 4 điểm
- Nhiều – 3 điểm
- Trung bình – 2 điểm
- Ít – 1 điểm
- Không ảnh hưởng – 0 điểm
Kết quả của bài kiểm tra về hội chứng chân không yên được diễn giải như sau:
- 0 điểm: Không có hội chứng chân không yên.
- 1-10 điểm: Hội chứng chân không yên ở mức độ nhẹ.
- 11-20 điểm: Hội chứng chân không yên ở mức độ trung bình.
- 21-30 điểm: Hội chứng chân không yên ở mức độ nặng.
- 31-40 điểm: Hội chứng chân không yên ở mức độ rất nặng.
Dựa vào kết quả này, bác sĩ có thể xác định được mức độ nghiêm trọng của hội chứng chân không yên mà người bệnh gặp phải, từ đó có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Bác sĩ dựa vào 5 tiêu chí chẩn đoán được cập nhật bởi Nhóm nghiên cứu quốc tế về hội chứng chân bồn chồn (IRLSSG) vào năm 2012. Để xác định hội chứng, người bệnh phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí sau:
- Cảm giác khó chịu ở chân: Có cảm giác như đau âm ỉ, ngứa ran, tê bì hoặc nóng rát, đi kèm với nhu cầu bắt buộc phải cử động chân.
- Xuất hiện trong trạng thái nghỉ: Triệu chứng thường xảy ra hoặc nặng hơn khi người bệnh nghỉ ngơi, nằm hoặc ngồi yên.
- Giảm khi vận động: Những khó chịu ở chân giảm hoàn toàn hoặc một phần khi vận động như đi lại, co duỗi, hoặc xoa bóp chân.
- Xuất hiện vào buổi tối và ban đêm: Các triệu chứng nặng hơn vào buổi tối hoặc đêm so với ban ngày.
- Không do các bệnh lý khác gây ra: Triệu chứng không phải là biểu hiện của bất kỳ tình trạng bệnh lý hoặc rối loạn hành vi nào khác.
Để xác định các yếu tố tiềm ẩn hoặc bệnh lý liên quan, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm như:
Xét nghiệm máu:
- Đánh giá mức sắt (feritin, transferrin, khả năng gắn kết sắt của huyết thanh).
- Kiểm tra vitamin và khoáng chất: Vitamin B12, acid folic.
- Đánh giá chuyển hóa: Đường huyết, HbA1c, creatinine, urê, acid uric.
- Đo các hormone: Hormone kích thích tuyến giáp (TSH) và thyroxine tự do (FT4).
Kiểm tra chức năng thận: Để loại trừ các bệnh lý về thận.
Xét nghiệm khác (nếu cần thiết): Để loại bỏ các nguyên nhân gây ra triệu chứng tương tự
- Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography): Ghi lại các thông số giấc ngủ và hoạt động cơ thể, đặc biệt là số lần chuyển động chân không tự nguyện trong lúc ngủ.
- Điện cơ đồ (EMG) và đo dẫn truyền thần kinh (ENMG): Sử dụng để kiểm tra các tổn thương cơ hoặc thần kinh ngoại vi nghi ngờ trong các trường hợp phức tạp.
7. Điều trị hội chứng chân bồn chồn như thế nào?
Việc lựa chọn phương pháp điều trị hội chứng chân bồn chồn cần dựa trên nguyên nhân gây ra, bao gồm:
1/ Hội chứng chân bồn chồn thứ phát:
- Đây là tình trạng xảy ra do một bệnh lý nền khác (như thiếu máu do thiếu sắt, bệnh lý thận mãn tính, tiểu đường…).
- Trong trường hợp này, điều trị tập trung vào xử lý bệnh lý nền hoặc bổ sung chất còn thiếu trong cơ thể. Ví dụ, nếu người bệnh bị thiếu máu, cần sử dụng các loại thuốc bổ sung sắt để cải thiện tình trạng.
2/ Hội chứng chân bồn chồn nguyên phát:
Điều trị các trường hợp nhẹ – bằng các biện pháp không dùng thuốc:
Đối với các trường hợp nhẹ, có thể áp dụng các phương pháp không dùng thuốc như:
- Tập luyện thể thao vừa phải, đặc biệt chú trọng các bài tập giúp thư giãn chân.
- Đi bộ nhẹ nhàng vào buổi tối, massage chân, xoa bóp hoặc sử dụng túi chườm ấm, ngâm chân nước ấm trước khi ngủ.
- Hạn chế các chất kích thích như nicotine, caffeine, rượu bia và các loại thuốc lợi tiểu.
Có thể bạn quan tâm: List thực phẩm cải thiện hiệu quả triệu chứng chân không yên
Điều trị các trường hợp nặng – bằng thuốc:
Điều trị bằng thuốc được chỉ định cho các trường hợp nặng, gây rối loạn giấc ngủ và khi các phương pháp khác không hiệu quả. Các loại thuốc thường dùng là các chất chủ vận dopamine không chứa ergotamine, giúp bổ sung dopamine thiếu hụt trong hệ thần kinh trung ương.
Các thuốc hiệu quả cho mọi dạng hội chứng bao gồm pramipexole và levodopa/benserazide. Điều trị bắt đầu với liều thấp và tăng dần nếu cần thiết. Nếu thuốc dòng đầu không hiệu quả, có thể sử dụng thuốc dòng hai như clonazepam, gabapentin hoặc pregabalin. Trong các trường hợp nặng, có thể dùng thuốc giảm đau opioid và thuốc chống co giật.
Thời gian điều trị: Điều trị kéo dài nhiều năm, đôi khi chỉ cần trong giai đoạn triệu chứng nặng. Trong một số trường hợp, thuốc cần được sử dụng suốt đời để duy trì giai đoạn thuyên giảm.
Xem chi tiết: Thông tin các loại thuốc điều trị hội chứng chân không yên
3/ Điều trị cho phụ nữ mang thai:
- Với phụ nữ mang thai, ưu tiên các phương pháp không dùng thuốc như massage, ngâm chân nước ấm và bổ sung axit folic hoặc sắt (nếu thiếu).
- Trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng clonazepam hoặc levodopa nhưng cần tuân thủ chỉ định chặt chẽ để đảm bảo an toàn.
Lưu ý:
Phác đồ điều trị cần được thực hiện và theo dõi bởi bác sĩ chuyên khoa, nhằm đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ.
1. Triệu chứng của RLS
https://en.wikipedia.org/wiki/Restless_legs_syndrome
2. Nghiên cứu về hội chứng chân không yên và tình trạng trầm cảm ở phụ nữ
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22805376/
3. Nghiên cứu về gabapentin trong điều trị hội chứng chân không yên ở bệnh nhân chạy thận nhân tạo
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/11431189/
4. Chẩn đoán hội chứng chân không yên
https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1470211824025168