Bạn có bao giờ cảm thấy bồn chồn chân tay (hội chứng chân không yên – RLS) vào kỳ kinh nguyệt không? Đây là một triệu chứng phổ biến của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), một tình trạng ảnh hưởng đến khoảng 75% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bồn chồn chân tay là một cảm giác khó chịu ở chân (rất hiếm khi xảy ra ở tay), thôi thúc chúng ta cử động để dễ chịu hơn, tình trạng này thường xảy ra vào ban đêm khi ngủ. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân tại sao tình trạng này hay xảy ra trước kỳ kinh nguyệt.
1. Tại sao mắc hội chứng chân bồn chồn vào kỳ kinh?
Cơ chế sinh lý bệnh của hội chứng chân bồn chồn trước kỳ kinh vẫn chưa được xác định rõ và cần thêm thời gian để nghiên cứu. Nhiều chuyên gia cho rằng rối loạn này có mối liên hệ mật thiết với các yếu tố sau:
Di truyền: Người thân trong gia đình từng mắc hội chứng chân bồn chồn thì bạn có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này trước kỳ kinh.
Co bóp tử cung: Trước khi kinh nguyệt bắt đầu, tử cung co bóp và đẩy lớp niêm mạc ra ngoài. Đây là nguyên nhân dẫn đến đau bụng, chuột rút, nhức chân gây khó chịu và mất ngủ về đêm.
Thay đổi nội tiết tố: Nồng độ estrogen trong cơ thể có nhiều sự biến động trước kỳ kinh nguyệt, khiến bạn cảm thấy uể oải, mệt mỏi, mất ngủ. Tình trạng này được cho rằng có mối liên hệ với hội chứng chân bồn chồn. Do sự biến động về nội tiết nên bồn chồn chân tay cũng là một tình trạng phổ biến ở phụ nữ mang thai.
Thay đổi nồng độ serotonin: Serotonin – một chất hóa học quan trọng trong não với tác dụng điều chỉnh tâm trạng thường thuyên giảm trong giai đoạn trước kỳ kinh. Điều này làm rối loạn lượng tích cực của các bạn gái, gây mệt mỏi, khó chịu, mất ngủ và có thể khiến các triệu chứng của hội chứng chân bồn chồn trở nên nghiêm trọng hơn.
Thay đổi hàm lượng sắt: Chuyên gia ước tính có khoảng 220 đến 250 mg sắt trong mỗi lít máu bị mất ở mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Lượng sắt suy giảm khiến cơ thể bạn rơi vào trạng thái mệt mỏi. Đây cũng có thể là nguyên nhân hạn chế quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh dopamine gây ra hội chứng chân bồn chồn.
Hội chứng chân bồn chồn có thể xuất hiện trước kỳ kinh nguyệt, và kéo dài trong suốt những ngày hành kinh tùy vào cơ địa mỗi người. Sau đó, các triệu chứng thường biến mất và trở lại vào kỳ kinh nguyệt sau.
2. Cách cải thiện hội chứng chân bồn chồn trong kỳ kinh
Để hạn chế cảm giác mệt mỏi, bồn chồn ở chân, đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ trước và trong kỳ kinh nguyệt, bạn có thể tham khảo một số biện pháp tại nhà sau:
Thư giãn: Bạn có thể tham gia các hoạt động khiến bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn và vui vẻ như: tập thể dục nhẹ nhàng, ngồi thiền, đọc sách, massage, tắm nước nóng… Đây là cách làm tăng nồng độ dopamine và serotonin trong não, hạn chế các triệu chứng của hội chứng chân bồn chồn, giúp bạn dễ ngủ hơn.
Bổ sung đủ dinh dưỡng: Một chế độ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B, omega – 3, sắt, magie và tyrosine – một loại acid amin kích thích cơ thể sản xuất dopamine… đóng vai trò không nhỏ trong việc cải thiện tâm trạng, chất lượng giấc ngủ, đẩy lùi tình trạng mệt mỏi, tê nhức, chuột rút ở chân. Dưới đây là một số thực phẩm giàu các hoạt chất được nêu trên:
- Vitamin B: Các loại rau màu xanh đậm (rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, xà lách…), trứng, hàu, trai…
- Omega – 3: Cá hồi, cá thu, cá trích, dầu gan cá, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó…
- Sắt: Thịt bò, thịt lợn, thịt cừu, ngũ cốc nguyên hạt…
- Magie: Chuối, bơ, sô cô la đen, hạnh nhân, hạt điều, các loại đậu (đậu xanh, đậu Hà Lan, đậu nành…)…
- Tyrosine: Sữa và các sản phẩm từ sữa (sữa chua, phô mai…), hạt bí ngô, hạt vừng…
Ngoài ra, bạn hạn chế dung nạp caffeine vì chúng có thể làm tăng nồng độ serotonin và dopamine trong thời gian uống, nhưng lại khiến bạn rơi vào trạng thái cai nghiện khi ngưng sử dụng. Điều này khiến hội chứng chân bồn chồn trước kỳ kinh trở nên nghiêm trọng hơn.
Lưu ý: Nếu như bạn có ý định bổ sung viên uống magie/sắt để cải thiện hội chứng chân không yên, hãy tham khảo với bác sĩ trước khi uống.
Đọc thêm: Tại sao magie giúp cải thiện hội chứng chân không yên?
Uống đủ nước: Cơ thể bạn bắt đầu mất nước trước kỳ kinh nguyệt, khiến việc chuyển hóa các chất tạo năng lượng cho cơ thể gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do vì sao bạn đừng quên bổ sung đủ 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày tùy vào nhu cầu của bản thân.
Quan tâm đến giấc ngủ: Nhiệt độ cơ thể của người phụ nữ thường tăng khoảng 0,5 độ C trước và trong thời kỳ kinh nguyệt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng giấc ngủ của bạn kém đi. Vì vậy, trong giai đoạn này, bạn có thể thử giảm nhiệt độ phòng trước khi đi ngủ, cố gắng ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm để giảm bớt mệt mỏi, lo lắng.