Vớ y khoa thường được sử dụng để cải thiện lưu thông máu, khắc phục tình trạng đau nhức, sưng phù chân. Tuy nhiên, mang vớ y khoa trong bao lâu là hiệu quả nhất? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.
1. Mang vớ y khoa ở giai đoạn nào của suy giãn tĩnh mạch?
Người bị suy giãn tĩnh mạch có thể dùng vớ y khoa trong bất kỳ giai đoạn nào của bệnh và dùng càng sớm càng tốt. Mỗi giai đoạn, bác sĩ sẽ chỉ định vớ y khoa với áp lực điều trị tương ứng như sau:
- CLASS [15-20]: Vớ y khoa cung cấp áp lực tạo ra ở phần cổ chân là 15mmHg và phần bắp chân là 20mmHg, thường dùng cho người bị suy giãn tĩnh mạch giai đoạn đầu hoặc phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch ở người có nguy cơ cao.
- CLASS [20-30]: Vớ y khoa cung cấp áp lực tạo ra ở phần cổ chân là 20mmHg và phần bắp chân là 30mmHg, phù hợp với bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch giai đoạn tiến triển.
- CLASS [30-40]: Vớ y khoa cung cấp áp lực tạo ra ở phần cổ chân là 30mmHg và phần bắp chân là 40mmHg, thường dùng cho bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch chi dưới mức độ nghiêm trọng.
Vì vậy, ngay khi có dấu hiệu cảnh báo mắc suy giãn tĩnh mạch như đau nhức, sưng phù chân kéo dài, thường xuyên chuột rút về đêm, tĩnh mạch màu xanh hoặc tím nổi ngoằn ngoèo dưới da… bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng vớ y khoa trong thời gian sớm nhất giúp khắc phục các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh diễn biến trầm trọng hơn.
2. Mang vớ y khoa trong bao lâu là hiệu quả nhất?
Thời gian mang vớ y khoa trong ngày của mỗi bệnh nhân là khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe. Bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia để biết được mang vớ y khoa trong bao lâu là hiệu quả nhất.
Thông thường, người bệnh không nên đi vớ y khoa cả ngày mà cần tháo ra trước khi đi ngủ để chân có thời gian nghỉ ngơi. Điều này cũng giúp quá trình lưu thông không khí ở chân diễn ra tốt hơn và làn da khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, đặc biệt là đối với người vừa mới phẫu thuật và có nguy cơ hình thành cục máu đông, bác sĩ có thể chỉ định dùng vớ y khoa vào ban đêm.
Nếu công việc yêu cầu phải đứng hoặc ngồi liên tục cả ngày, bạn cũng có thể sử dụng vớ y khoa với độ nén phù hợp (thường từ 8 – 15 mmHg) trong suốt khoảng thời gian này. Chỉ cần dùng đúng cách, vớ y khoa sẽ ngăn ngừa tình trạng phù chân, đau nhức, cải thiện lưu thông máu mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào.
Ngoài ra, số ngày dùng vớ y khoa của mỗi người cũng khác nhau. Vận động viên thường chỉ dùng vớ y khoa trong lúc luyện tập hoặc thi đấu để bảo vệ chân, hạn chế chấn thương, giảm đau nhức và tăng khả năng phục hồi. Người khỏe mạnh với công việc yêu cầu phải đứng hoặc ngồi liên tục thường chỉ dùng vớ y khoa khi làm việc.
Trong khi đó, người đang mắc các vấn đề về tuần hoàn như: suy giãn tĩnh mạch chi dưới, huyết khối tĩnh mạch sâu, đái tháo đường… có thể phải kiên trì dùng vớ y khoa liên tục trong vài năm hoặc trong một số trường hợp là phải dùng suốt đời.
Ở phụ nữ có nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu, vớ áp lực có thể giúp đề phòng biến chứng này vì giữ cho dòng máu lưu thông (máu lưu thông kém dễ hình thành cục máu đông). Khi bạn có các nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu (hút thuốc, đái tháo đường, quá cân hay béo phì, các khiếm khuyết di truyền về đông máu, các vấn đề tim mạch khác, điều trị nội tiết như dùng thuốc tránh thai hay điều trị mãn kinh…) mang vớ áp lực có thể đề phòng biến chứng huyết khối, nhất là trong hoàn cảnh phải bất động kéo dài, sau mổ lớn, chấn thương nặng, mang thai và mấy tháng đầu sau sinh hay khi đi du lịch đường dài. Cần lưu ý các yếu tố nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu không thể kiểm soát như: tuổi (tăng gấp đôi mỗi 10 năm sau tuổi 50), gia đình, chủng tộc (hay gặp nhất ở người Mỹ gốc Phi), ung thư hay hóa trị.
Nếu đang bị huyết khối tĩnh mạch sâu hay thuyên tắc phổi, cần mang vớ áp lực ít nhất là một năm để đề phòng hình thành các cục máu mới, giảm phù và đau chân.
3. Lưu ý khi mang vớ y khoa
Ngoài việc xác định thời gian mang vớ y khoa phù hợp, dùng vớ đúng cách cũng giúp tăng hiệu quả điều trị và ngăn ngừa các tác dụng phụ có thể xảy ra:
Lựa chọn đúng loại vớ:
Như đã nói ở trên, mỗi người được chỉ định dùng loại vớ với áp lực khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh. Nếu bạn dùng vớ với áp lực không đủ thì hiệu quả điều trị không cao.
Nếu bạn dùng vớ với áp lực cao hơn cần thiết sẽ gây ra tác dụng ngược, chúng sẽ “bóp nghẹt” hệ thống mạch máu khiến tĩnh mạch hoạt động khó khăn hơn.
Tham khảo: 7 loại vớ y khoa chất lượng được khuyên dùng
Lựa chọn đúng size vớ:
Lựa chọn đúng size vớ không chỉ giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu khi di chuyển và vận động, mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị. Nếu dùng size quá rộng, vớ y khoa không tạo đủ áp lực lên chân cũng như các tĩnh mạch phía sâu bên trong.
Nếu dùng size quá chật, vớ có thể gây ra những tác động tiêu cực đến da như: ngứa ngáy, trầy xước, nổi mẩn đỏ, kích ứng, để lại vết bầm tím, vết lõm tạm thời, rách da…
Đọc thêm: Mang vớ y khoa bị ngứa phải làm sao?
Thời điểm mang vớ:
Vớ y khoa được khuyến khích sử dụng vào buổi sáng, khi vừa ngủ dậy để giữ cho các van đúng vị trí và giúp lưu thông máu diễn ra thuận lợi suốt ngày dài. Đây cũng là lúc mà tình trạng sưng phù của hai chân ở mức tối thiểu khiến việc mang vớ trở nên dễ dàng hơn.
Kiểm tra chân hàng ngày:
Sau khi cởi vở, bạn kiểm tra xem chân có xuất hiện những dấu hiệu bất thường không như: nổi mẩn đỏ, trầy xước, rách, có vết bầm tím… Khi bắt gặp những triệu chứng như trên, bạn cần hỏi ý kiến chuyên gia để tìm ra nguyên nhân và có hướng khắc phục phù hợp.
Giặt vớ thường xuyên:
Vớ y khoa được sử dụng liên tục trong ngày nên tích tụ nhiều bụi bẩn, vi khuẩn, tế bào chết, các sản phẩm chăm sóc da còn sót lại như: kem dưỡng ẩm, kem chống nắng…
Do đó, bạn nên giặt vớ mỗi ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ để loại bỏ các chất thừa trên. Điều này giúp ngăn ngừa kích ứng da và kéo dài tuổi thọ của vớ. Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị nhiều hơn một đôi vớ để thay đổi luân phiên.
Xem chi tiết: Hướng dẫn giặt vớ y khoa đúng cách