Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), suy giãn tĩnh mạch là căn bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến 35% người đang làm việc và 50% người đã nghỉ hưu. Đáng lo ngại hơn, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới. Bên cạnh yếu tố giới tính, nguy cơ mắc suy giãn tĩnh mạch cũng ảnh hưởng bởi yếu tố nghề nghiệp.
Bài viết này sẽ điểm qua top những ngành nghề có nguy cơ cao bị suy giãn tĩnh mạch, nhằm nâng cao nhận thức và giúp người lao động có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Mục lục
Các nhóm nghề nghiệp dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân
Những nghề thường phải đứng làm việc trong thời gian dài
Nghề nghiệp điển hình:
Thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, y tá, nhân viên thu ngân, phục vụ, nhân viên massage, công nhân, giáo viên, đầu bếp, dược sĩ, thợ tiện, nhân viên pha chế…
Nguyên nhân:
Những công việc này đòi hỏi người lao động phải đứng liên tục trong thời gian dài, ít vận động. Điều này dẫn đến tình trạng ứ đọng máu, gây áp lực lên tĩnh mạch chân, từ đó khiến tĩnh mạch bị phình giãn, nổi những đường gân ngoằn ngoèo trên bề mặt da.
Máu ứ đọng dễ dẫn đến cảm giác nặng nề, căng tức và sưng phù nề ở chân. Nguy hiểm hơn, ứ trệ máu lâu ngày có thể dẫn đến hình thành cục máu đông, tiềm ẩn nguy cơ thuyên tắc phổi.
Tìm hiểu thêm: 4 dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch chân hay gặp nhất ở giáo viên
Những nghề nghiệp thường phải ngồi làm việc trong thời gian dài
Nghề nghiệp điển hình:
Các nghề như kế toán, lập trình viên, nhân viên văn phòng, nhân viên điều phối, tài xế, thu ngân và thủ thư thường phải ngồi làm việc trong thời gian dài.
Nguyên nhân:
Tương tự như nhóm nghề nghiệp phải đứng làm việc trong thời gian dài, những người ngồi làm việc liên tục ít khi di chuyển hay thay đổi tư thế cũng dễ bị suy giãn tĩnh mạch do máu tuần hoàn chậm, dẫn đến ứ trệ và suy yếu quá trình hồi máu trở lại tim của tĩnh mạch chân.
Những nghề nghiệp phải mang vác nặng thường xuyên
Nghề nghiệp điển hình:
Thợ bốc vác, thợ xây dựng, nhân viên kho, vận động viên cử tạ.
Nguyên nhân:
Ở những người làm nghề bốc xếp, vận chuyển hàng, khi nâng vật nặng, các cơ bụng co lại mạnh mẽ để nâng đỡ vật nặng, gây áp lực lên các mạch máu trong ổ bụng. Áp lực này truyền xuống các tĩnh mạch ở chân, khiến máu khó lưu thông trở lại tim. Đồng thời, các cơ bắp co lại mạnh mẽ cũng làm chèn ép các tĩnh mạch ở chân, gây cản trở dòng máu.
Áp lực tăng cao và sự chèn ép kéo dài khiến các van tĩnh mạch – những van một chiều giúp máu chảy về tim – bị tổn thương. Khi các van này không hoạt động tốt, máu dễ bị ứ đọng lại trong tĩnh mạch, gây giãn nở và suy yếu thành mạch.
Những nghề nghiệp thường xuyên đi máy bay
Nghề nghiệp điển hình:
Phi công, tiếp viên hàng không, phi công, nhà báo, doanh nhân, hướng dẫn viên du lịch, nghệ sĩ.
Nguyên nhân:
Công việc thường xuyên di chuyển, chịu áp lực cao và thay đổi múi giờ đột ngột khiến cơ thể tiết ra các hormone như cortisol, adrenaline, làm nhịp tim tăng nhanh, huyết áp tăng cao, hệ thống tim mạch và mạch máu phải hoạt động liên tục, dễ dẫn đến suy giãn tĩnh mạch.
Bên cạnh đó, khi di chuyển bằng máy bay, áp suất không khí thay đổi đột ngột, ảnh hưởng đến lưu thông máu, đặc biệt là ở các chi dưới.
Cách phòng ngừa và hạn chế suy giãn tĩnh mạch ở những nhóm nghề có nguy cơ cao
Để phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch, người lao động trong các nhóm nghề nghiệp trên cần thực hiện các biện pháp sau:
- Thường xuyên di chuyển, đi lại nhẹ nhàng, sau mỗi 30p – 1h đứng hoặc ngồi lâu.
- Tránh ngồi tư thế bắt chéo chân hay xếp bằng trên ghế. Khi ngồi làm việc, nên đặt hai đầu gối song song với mặt đất, có thể dùng thêm ghế kê gác chân.
- Khi ngồi lâu, có thể thực hiện một số động tác giãn cơ bắp chân và kích thích tuần hoàn máu như xoay cổ chân, gập duỗi chân, nhón gót chân, nhất là trong những chuyến bay dài.
- Hạn chế mang giày cao gót. Giày cao gót khiến áp lực dồn vào gót chân, hạn chế lưu thông máu. Nên ưu tiên giày dép đế thấp, thoải mái, đặc biệt là những nghề nghiệp phải đi lại nhiều.
- Hạn chế mặc trang phục bó sát.
- Khi phải mang vác vật nặng, cần chia nhỏ thành nhiều lần, sử dụng các thiết bị hỗ trợ như xe đẩy, xe nâng.
- Áp dụng các biện pháp thư giãn như yoga, thiền, nghe nhạc nhẹ nhàng để giảm căng thẳng, lo âu. Ngủ đủ giấc giúp cơ thể phục hồi sức khỏe, tăng cường hệ miễn dịch.
- Hạn chế sử dụng rượu bia, thuốc lá vì những chất này có thể làm tổn thương mạch máu.
Có thể bạn quan tâm: Tư thế lái xe đúng giúp ngăn ngừa suy giãn tĩnh mạch chân
Ngoài những biện pháp phòng ngừa trên, mỗi chúng ta cũng nên có thói quen thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của suy giãn tĩnh mạch và có biện pháp điều trị kịp thời.
Nhận biết dấu hiệu suy giãn tĩnh mạch
Dưới đây là các triệu chứng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân bạn cần chú ý:
- Mỏi và sưng chân vào buổi tối
- Đau nhức khi đi bộ hoặc đứng yên
- Chuột rút chân khi ngủ
- Cảm giác nặng nề, khó chịu ở chân
- Xuất hiện các đường vân tím li ti trên da hoặc những đường gân nổi dọc theo bắp chân
- Nóng rát ở lòng bàn chân và bắp chân về chiều hoặc khi đi bộ
Nếu bạn có ít nhất 2 trong số các triệu chứng trên, bạn nên chuẩn bị kế hoạch thăm khám sớm để biết rõ mức độ bệnh và có giải pháp điều trị phù hợp.
Theo chia sẻ của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, giai đoạn khởi phát (C1) chính là “thời điểm vàng” để điều trị dứt điểm bệnh suy giãn tĩnh mạch. Ở giai đoạn này, các tĩnh mạch chỉ mới bắt đầu giãn to, chưa xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc can thiệp sớm sẽ mang lại hiệu quả cao, giúp ngăn chặn bệnh tiến triển và tiết kiệm chi phí điều trị.
Phương pháp tiêm xơ được đánh giá là giải pháp tối ưu cho giai đoạn C1 của suy giãn tĩnh mạch. Đây là phương pháp không xâm lấn, nhanh chóng, an toàn và hiệu quả, phù hợp với nhiều đối tượng bệnh nhân.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về các cấp độ của bệnh suy giãn tĩnh mạch, cũng như các phương pháp điều trị khác nhau, vui lòng đọc thêm bài viết: 7 cấp độ từ nhẹ tới nặng của bệnh suy giãn tĩnh mạch chân.
Mai phương đào đã bình luận
E. Bị giãn tỉnh mạch sâu căng vào buoor Chiều đi lâu tí là nhứt và bị thoái hóa khớp gối có nên nằm giường matxa điện không . Và bài tập nào tốt cho cả hai bệnh trên ạ
Chuyên gia suy giãn tĩnh mạch đã bình luận
Chào bạn
Bạn có thể dùng giường mat-xa điện. Môn thể thao thích hợp và tốt cho cả 2 bệnh là đạp xe và bơi.