Nếu đã từng gặp phải tình trạng cứ ngồi lâu một chút là chân bắt đầu có hiện tượng tê mỏi, châm chích và mất cảm giác thì ắt hẳn bạn sẽ không thể quên được cảm giác khó chịu ấy. Vậy, tại sao có người lại hay bị tê chân khi ngồi lâu và làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Mời bạn đọc cũng tìm hiểu trong bài viết hôm nay.
Mục lục
1. Tại sao bị tê chân khi ngồi lâu?
Thực tế, không phải lúc nào ngồi nào cũng khiến chân bị tê bì, ê mỏi. Hiện tượng này thường chỉ xảy ra khi bạn ngồi sai tư thế khiến chân bị gấp liên tục trong thời gian dài như: ngồi xổm, ngồi khoanh chân, ngồi xếp chân ở phía sau, ngồi ở tư thế kết già hoặc bán già,…
Sở dĩ tư thế ngồi gấp khiến chân bị tê bì là do hệ thống mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép. Ở người bình thường, tế bào thụ thể trên da có nhiệm vụ tiếp nhận các kích thích từ bên ngoài, sau đó hệ thần kinh chịu trách nhiệm dẫn truyền tín hiệu này đến não bộ để được xử lý và đáp trả bằng các phản xạ của cơ thể.
Để hệ thống này có thể hoạt động bình thường thì máu giàu oxy và dinh dưỡng liên tục được cung cấp thông qua hệ thống động mạch và tĩnh mạch. Trong khi đó, tư thế ngồi gấp chân lại gây chèn ép lên hệ thống mạch máu trên chân khiến hệ thống thần kinh, các mô và cơ bắp chân rơi vào tình trạng thiếu máu cục bộ, thiếu oxy và năng lượng.
Hệ quả là các tế bào thụ thể trên da không thể hoạt động bình thường, chức năng dẫn truyền tín hiệu của thần kinh bị rối loạn khiến tín hiệu trả về não bộ không rõ ràng. Ngược lại, các “hiệu lệnh” từ não bộ cũng trở nên không rõ ràng dẫn đến cảm giác tê bì, ê mỏi ở chân.
Dễ thấy, một người hay bị tê chân khi ngồi lâu chủ yếu là do ngồi sai tư thế, gây chèn ép lên hệ thống thần kinh, mạch máu và gây thiếu máu cục bộ. Đây là một “cung phản xạ sinh lý” bình thường nhằm báo hiệu cho cơ thể biết những bất thường, từ đó điều chỉnh tư thế phù hợp.
Tuy nhiên, tê chân khi ngồi lâu nếu xuất hiện kèm các dấu hiệu bất thường khác như: đau nhức, sưng tấy, phù nề, nóng đỏ,… lại có thể là dấu hiệu của bệnh lý, điển hình như: Suy giãn tĩnh mạch chân, thoát vị đĩa đệm, hội chứng ống cổ chân, đau dây thần kinh tọa, bệnh động mạch ngoại biên, thoái hóa cột sống, đau cơ xơ hóa,…
Trường hợp này, tê chân khi ngồi lâu không chỉ gây khó chịu mà có thể tạo thành những ảnh hưởng nguy hiểm cho sức khỏe. Bởi vậy, người bệnh cần thăm khám sớm để xác định chính xác nguyên nhân và thực hiện các biện pháp điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
2. Ngồi lâu bị tê chân phải làm sao?
Thông thường, triệu chứng tê chân do ngồi sai tư thế sẽ được cải thiện nhanh chóng sau khi bạn duỗi chân hoặc đứng dậy đi lại. Tuy nhiên, những trường hợp tê chân do bệnh lý, triệu chứng có thể kéo dài khiến người bệnh khó chịu và mệt mỏi. Một số hướng xử lý gợi ý cho bạn nếu rơi vào trường hợp này gồm:
2.1 Áp dụng một số mẹo chữa tê chân
Một số mẹo làm tăng tuần hoàn máu có thể giúp giảm nhanh triệu chứng tê bì chân do ngồi sai tư thế trong thời gian dài. Cụ thể:
Kéo giãn chân: Cách thực hiện tương đối đơn giản, bạn có thể ngồi một chỗ hoặc đứng dậy, sau đó duỗi căng chân hết mức có thể. Cùng với đó, bạn có thể kết hợp với động tác xoay khớp cổ chân, khớp gối và gập duỗi các ngón chân để tăng tác dụng. Động tác này tạo điều kiện cho máu lưu thông trong hệ tuần hoàn tốt hơn, tăng cung cấp oxy và dinh dưỡng cho tế bào, từ đó cải thiện triệu chứng tê bì chân.
Xoa bóp chân: Cách đơn giản nhất là xoa ấm hai lòng bàn tay, sau đó thực hiện nắn bóp từ cổ chân đến bắp đùi, tăng lực ở những phần tê bì nhiều. Bạn cũng có thể duỗi thẳng chân và nhờ người khác xoa bóp giúp sẽ cho hiệu quả nhanh hơn. Việc xoa bóp chân giúp thúc đẩy tuần hoàn, kích thích hoạt động của các tế bào thụ thể trên da và làm thư giãn cơ, thần kinh từ đó phục hồi lại cảm giác bình thường của chân.
Chườm ấm: Bạn có thể dùng một chiếc khăn ấm để lau quanh vùng chân đang bị tê bì. Nhiệt ấm giúp làm giãn cơ, kích thích tuần hoàn máu, giúp cải thiện triệu chứng tê bì chân. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với những người có triệu chứng viêm như: sưng đau, nóng đỏ, phù nề trên chân.
2.2 Đi khám nếu tê chân thường xuyên
Triệu chứng tê chân có thể là phản xạ sinh lý và không đáng lo ngại nếu chỉ xuất hiện sau khi bạn ngồi sai tư thế trong thời gian dài. Ngược lại, nếu tê chân xuất hiện thường xuyên, không rõ lý do và kèm theo các dấu hiệu bất thường thì bạn cần nhanh chóng đến thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
Một số dấu hiệu bất thường cho thấy bạn cần đi khám sớm gồm:
- Tê chân xuất hiện thường xuyên, đột ngột và có thể kéo dài đến vài ngày hoặc vài tuần liên tục.
- Tê chân khi ngồi lâu kèm theo cảm giác nặng nề ở chân, chân sưng phù, các đầu ngón chân sưng tấy, rối loạn sắc tố,….
- Tê chân kèm theo cảm giác bất thường như: châm chích, nóng ran, kim châm, bồn chồn,….
- Xuất hiện các triệu chứng toàn thân như: hay quên, dễ nhầm, buồn nôn, chóng mặt, đau tức ngực, khó thở,…
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng để khai thác triệu chứng bất thường, sau đó cho người bệnh thực hiện các xét nghiệm sàng lọc để chẩn đoán bệnh. Thông thường, người bệnh sẽ được chỉ định đo lường khả năng vận động của cơ bắp, chụp X – quang, MRI hoặc CT Scan.
2.3 Điều trị theo chỉ định
Những trường hợp tê chân do bệnh lý cần được điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh hiện tại mà người bệnh sẽ được chỉ định phương pháp điều trị khác nhau, cụ thể:
Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa là phương pháp điều trị bằng thuốc nhằm kiểm soát các triệu chứng cũng như tiến triển của bệnh. Đây là biện pháp được ưu tiên bởi hiệu quả hiệu quả cao, tiện dụng và tiết kiệm chi phí. Hầu hết người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc kết hợp với những điều chỉnh lối sống và chế độ dinh dưỡng.
Các loại thuốc được dùng trong điều trị tê chân thường gồm:
- Thuốc corticosteroid: Có tác dụng chống viêm mức độ vừa đến nặng. Thuốc thường được sử dụng trong các trường người bệnh bị tê chân do bệnh đa xơ cứng.
- Thuốc Gabapentin và pregabalin: Là thuốc giảm đau thần kinh, giúp giảm tê chân cho những người bệnh biến chứng tiểu đường, đa xơ cứng và đau cơ xơ hóa.
- Thuốc duloxetine và milnacipran: Là nhóm thuốc chống trầm cảm, được sử dụng để điều trị tê chân trong trường hợp đau cơ xơ hóa.
Đối với những bệnh nhân bị tê mỏi chân, đau chân, nặng bắp chân… do suy giãn tĩnh mạch thì cần dùng tới các loại thuốc tăng trương lực tĩnh mạch và thuốc điều trị biến chứng. Xem chi tiết trong bài viết: Điều trị suy giãn tĩnh mạch bằng thuốc.
Can thiệp ngoại khoa
Với những trường hợp tê chân do chấn thương hay bệnh lý xương khớp nghiêm trọng, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện phẫu thuật để khắc phục tối đa những ảnh hưởng của bệnh. Tuy nhiên, phương pháp này có nguy cơ biến chứng cao, khiến người bệnh đau đớn, mất nhiều thời gian phục hồi và chi phí cao. Vì vậy, bác sĩ thường chỉ áp dụng khi các phương pháp điều trị bảo tồn không cho hiệu quả.
2.4 Thực hiện lối sống khoa học
Lối sống khoa học không giúp bạn điều trị khỏi bệnh nhưng có thể hạn chế bệnh tiến triển và cải thiện các triệu chứng khó chịu, bao gồm cả tình trạng hay bị tê chân khi ngồi lâu. Vì vậy, bạn cần chủ động loại bỏ những thói quen xấu trong chế độ sinh hoạt hàng ngày, gây hại cho sức khỏe
Dưới đây là một số lưu ý cụ thể:
- Tránh làm việc quá sức khiến cơ thể mệt mỏi, đặc biệt là những công việc phải mang vác vật nặng, ngồi hoặc đứng liên tục trong thời gian dài.
- Tránh để cơ thể bị thiếu ngủ hoặc căng thẳng trong thời gian dài làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của hệ nội tiết cũng như hệ thống thần kinh.
- Tránh lựa chọn trang phục bó sát người, đặc biệt nửa dưới cơ thể gây chèn ép mạch máu, cản trở tuần hoàn.
- Tránh đi giày cao gót, giày nhỏ hơn size chân hoặc giày có chất liệu thô cứng dễ khiến chân bị đau nhức, tê bì.
- Tránh sử dụng các sản phẩm chứa chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá,…. bởi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thần kinh và mạch máu.(Xem chi tiết ảnh hưởng trong bài viết này)
- Tránh tập luyện thể dục cường độ cao hay các bài tập không phù hợp với thể trạng sức khỏe của mình làm tăng nguy cơ chấn thương, khiến triệu chứng trở nên trầm trọng.
- Tránh ăn những thực phẩm quá nhiều đường, nhiều muối hoặc nhiều dầu mỡ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe mạch máu và thần kinh.
- Không tự ý áp dụng các biện pháp điều trị khi chưa thăm khám và có chỉ định của bác sĩ.
Tình trạng hay bị tê chân khi ngồi lâu có thể là phản xạ sinh lý bình thường, cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nghiêm trọng. Thế nhưng dù nguyên nhân là gì thì bạn cũng cần kiểm soát tốt tình trạng này, tránh để triệu chứng tái đi tái lại nhiều lần. Bên cạnh đó, bạn cần khám sức khỏe đầy đủ để hiểu rõ vấn đề mình gặp phải là gì, từ đó có phương pháp xử lý phù hợp.