Nhức ngón chân cái có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: chấn thương, lạm dụng chất kích thích, thiếu dưỡng chất. Đây cũng là một trong những dấu hiệu thường gặp cảnh báo nhiều bệnh lý. Mời bạn cùng Dulcit tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Chấn thương
Chấn thương ngón chân cái như gãy xương, bong gân có thể xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau: va chạm mạnh với vật cứng, làm rơi vật nặng xuống ngón chân, liên tục lặp lại một động tác gây áp lực lên ngón chân… Ngoài ra, bạn còn có thể bị trật khớp bàn ngón chân cái (Turf Toe) do ngón chân uốn về phía mu bàn chân quá mức. Điều này thường xảy ra trong các môn thể thao va chạm trên mặt cỏ nhân tạo, phổ biến nhất là bóng đá.
Chấn thương ngón chân cái có thể dẫn đến cảm giác đau nhức và sưng tấy ở các khớp ngón chân. Cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi thực hiện các hoạt động bình thường như: đi bộ, chạy nhảy. Ngoài ra, chấn thương còn làm thu hẹp phạm vi hoạt động của bạn.
Một số phương pháp thường được áp dụng khi bị chấn thương ngón chân cái bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Bạn nên hạn chế đi lại và giảm tối đa các tác động có thể ảnh hưởng đến ngón chân cái trong một khoảng thời gian sau khi bị chấn thương. Điều này giúp ngón chân nhanh phục hồi và ngăn ngừa tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh bằng khăn lạnh hoặc túi đá các tác dụng giảm sưng tấy và xoa dịu đau nhức.
- Băng bó: Ngón chân cái bị gãy thường được cố định bằng băng Buddy – tape. Đây là thủ thuật gắn ngón chân cái với ngón chân liền kề không bị tổn thương để có được sự căn chỉnh, hỗ trợ và bảo vệ.
- Sử dụng giày phẫu thuật: Giày được thiết kế đặc biệt có đế cứng cho phép đi lại mà không bị cong ngón chân. Điều này làm giảm một phần trọng lượng của cơ thể lên ngón chân cái đang bị tổn thương.
- Phẫu thuật: Phương án phẫu thuật được đề xuất trong trường hợp gãy ngón chân nghiêm trọng. Bác sĩ sẽ căn chỉnh xương và giúp chúng lành lại đúng vị trí.
2. Móng chân mọc ngược
Móng chân mọc ngược là tình trạng móng chân không mọc thẳng mà quặp lại như móng vuốt, cắm sâu vào phần thịt ở hai bên khoé ngón chân. Nguyên nhân chủ yếu là do cắt móng chân quá ngắn, thường xuyên đi giày dép quá chật, dáng đi bất thường (ví dụ: đi bộ bằng ngón chân), biến dạng bẩm sinh trong đường viền móng…
Triệu chứng phổ biến nhất là đau nhức, sưng nề ở góc của nếp móng. Trong trường hợp mạn tính, bạn có thể quan sát được các mô hạt. Nếu không khắc phục kịp thời, nhiễm trùng xảy ra dọc theo bờ móng, còn được gọi là viêm quanh móng.
Móng chân mọc ngược thường được xử lý bằng cách cắt bỏ móng và mầm móng. Nếu bị viêm quanh móng, bạn sẽ được cắt móng chân sau khi tiêm thuốc gây tê cục bộ.
Hỏi đáp: Đau nhức từ mông xuống bắp chân là bị gì?
3. Lạm dụng chất kích thích
Hút thuốc lá, uống quá nhiều rượu bia làm tăng nguy cơ thoái hoá xương khớp nói chung, khớp bàn chân, khớp ngón chân nói riêng và tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Điều này dẫn đến một loạt các triệu chứng như: tê nhức ngón chân cái, bàn chân, cảm giác kiến bò ở chân, ngứa ran, nóng rát, co thắt cơ, teo cơ, giảm khả năng vận động…
Ngoài ra, hút thuốc lá còn có khả năng tàn phá mọi cơ quan trong cơ thể, gây ra ung thư phổi, ung thư máu, ưng thư vòm họng, ung thư thực quản… Người hút thuốc lá có nguy cơ cao mắc bệnh lao, đái tháo đường, đục thuỷ tinh thể, giảm khả năng sinh sản…
Trong khi đó, uống nhiều rượu làm phát triển các bệnh mãn tính và các vấn đề liên quan đến sức khoẻ nghiêm trọng khác như: cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, suy giảm hệ thống miễn dịch, giảm trí nhớ, tăng nguy cơ bị trầm cảm…
4. Tác dụng phụ của thuốc
Một số thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng đến thần kinh như: thuốc hoá trị (Cisplatin), thuốc cai nghiện rượu (Disulfiram), thuốc điều trị động kinh (Dilantin), thuốc kháng sinh (Fluoroquinolones), thuốc điều trị bệnh tim và huyết áp (Amiodarone, Hydralazine)…
Các loại thuốc này có thể khiến người bệnh đau nhức ngón chân cái, bàn chân kèm theo một số triệu chứng khác. Tình trạng này xuất hiện chủ yếu trong thời gian đầu sử dụng, gây cảm giác khó chịu nhưng không đe doạ đến tính mạng. Khi thay đổi hoặc ngưng sử dụng thuốc, các triệu chứng trên sẽ nhanh chóng biến mất trong vài tuần.
Xem thêm: Chân sưng phù là dấu hiệu bị bệnh gì?
5. Chế độ ăn uống không khoa học
Chế độ ăn uống không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là thiếu vitamin B12 có thể làm hỏng vỏ myelin bảo vệ xung quanh dây thần kinh. Đây là nguyên nhân phổ biến khiến các dây thần kinh không thể hoạt động bình thường dẫn đến bệnh thần kinh ngoại biên. Các triệu chứng thường gặp như: đau nhức, ngứa ran ở chân và tay, giảm khả năng phối hợp, mất cảm giác… Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, dây thần kinh có thể bị tổn thương vĩnh viễn.
Vitamin B12 được tìm thấy nhiều trong thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như: trứng, cá, thịt đỏ, thịt gia cầm, sản phẩm từ sữa… Do đó, chế độ ăn chay quá nghiêm ngặt có thể khiến bạn thiếu hụt dưỡng chất này. Ngoài ra, một số bệnh cũng làm giảm khả năng hấp thu vitamin B12 trong cơ thể như: bệnh Crohn, hội chứng kém hấp thu, thiếu máu ác tính hoặc không rõ nguyên nhân, bệnh tuyến tụy, viêm dạ dày hoặc ruột non…
6. Nguyên nhân bệnh lý
6.1. Bệnh gout
Bệnh gout làt tình trạng tích tụ acid uric ở những vùng được tưới máu kém. Các triệu chứng thường gặp bao gồm: đỏ, nóng, sưng, cực kỳ đau nhức, ảnh hưởng đến ngón tay, khuỷu tay, đầu gối, các ngón chân, phổ biến nhất là ở khớp ngón chân cái. Cơn đau xảy ra bất ngờ, không báo trước, thường vào lúc nửa đêm và khó khăn khi đi đứng. Các triệu chứng thường ở mức tồi tệ nhất trong vòng 6 – 12 giờ. Khớp ngón chân cái hoặc những vị trí bị ảnh hưởng khác sẽ hồi phục sau 1 – 2 tuần.
Yếu tố phổ biến nhất làm tăng nguy cơ dẫn đến bệnh gout là chế độ ăn giàu purin như: hải sản, thịt đỏ và rượu. Bệnh còn có thể xảy ra bởi những nguyên nhân khác như: giảm bài xuất acid uric qua thận do di truyền, dùng thuốc lợi tiểu, uống nhiều rượu… hoặc do tăng sản xuất acid uric trong cơ thể do mắc một số bệnh lý khác như: u lympho, bạch cầu cấp, thiếu máu tan máu, viêm khớp vảy nến…
Theo Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) tại Vương quốc Anh, bệnh gout có thể dẫn đến một số biến chứng như:
- Sỏi thận, suy thận: Nguyên nhân chính là do các tinh thể urat tích tụ quá nhiều trong đường tiết niệu. Lúc này, người bệnh thường cảm thấy đau khi đi tiểu hoặc tăng tần suất đi tiểu.
- Xuất hiện hạt tophi: Các hạt tophi là những cục nhỏ màu trắng hoặc vàng, có thể sờ thấy được, hình thành do các tinh thể urat tích tụ dưới da, trong và xung quanh khớp. Chúng không gây đau, nhưng làm mất thẩm mỹ và khiến người bệnh gặp khó khăn trong các hoạt động hàng ngày.
- Tổn thương khớp: Nếu không điều trị, các đợt tấn công của bệnh gout xuất hiện dồn dập có thể gây tổn thương khớp vĩnh viễn. Trong những trường hợp nghiêm trọng nhất, người bệnh sẽ được yêu cầu phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế khớp.
6.2. Viêm xương vừng
Viêm xương vừng xảy ra khi các gân xung quanh vừng bên dưới ngón chân cái bị viêm hoặc bị kích thích do chấn thương trực tiếp, lệch vị trí xương vừng do sự thay đổi cấu trúc của bàn chân. Bệnh đặc biệt phổ biến ở vận động viên chạy bộ, vũ công, những người có vòm chân cao hoặc phải đi giày cao gót thường xuyên.
Đau nhức vị trí xương vừng ở ngón chân cái là triệu chứng xuất hiện phổ biến nhất. Cơn đau thường trở nên nghiêm trọng hơn khi đi lại, đi giày đế mỏng, mềm, hoặc đi giày cao gót. Ngoài ra, người bệnh còn cảm thấy sưng, nóng nhẹ và đôi khi đỏ, có thể kéo dài vào phía trong và đến cả khớp bàn ngón chân.
Bệnh nhân bị viêm xương vừng chỉ cần không đi giày dép gây đau và sử dụng các dụng cụ chỉnh hình giúp giảm áp lực lên xương vừng là đủ. Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để dùng thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) hoặc tiêm hỗn dịch corticosteroid/ dung dịch gây tê cục bộ để giảm các triệu chứng.
Hỏi đáp: Hay bị mỏi chân là do làm sao?
6.3. Viêm khớp biến dạng khớp bàn ngón chân cái (Bunion)
Viêm khớp biến dạng khớp bàn ngón chân cái (Bunion) là tình trạng lồi ra vùng giữa của xương bàn chân thứ nhất do sự sai lệch vị trí của ngón chân cái hoặc xương bàn ngón 1. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh là: thường xuyên nghiên bàn chân quá mức, chấn thương, đi giày dép quá chật…
Khi trục khớp bị lệch, thoái hoá khớp có thể xảy ra gây bào mòn sụn và hình thành gai xương. Người bệnh còn có thể bị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái. Triệu chứng đầu tiên là đau nhức ở vị trí lồi ra của khớp, kèm theo sưng, nóng, đỏ và hạn chế vận động quanh khớp.
6.4. Cước chân
Cước chân thường xuất hiện vài giờ sau khi tiếp xúc với không khí ẩm lạnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này vẫn chưa được xác định. Một số chuyên gia cho rằng đây có thể là phản ứng bất thường của cơ thể, các mạch máu nhỏ bị co lại do lạnh khiến máu lưu thông kém, không cung cấp đủ oxy nuôi dưỡng da.
Các triệu chứng thường gặp là các ngón chân, bàn chân bị sưng tấy, phồng rộp, ngứa, đau nhức và châm chích, màu da bị thay đổi thành đỏ, tím, trắng… Bệnh thường tự khỏi khi thời tiết ấm hơn. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng của cước chân xuất hiện trong thời gian quá dài và trở nên nghiêm trọng hơn sau nhiều lần tiếp xúc với môi trường lạnh, ẩm ướt có thể khiến da bị mỏng đi.
Cách tốt nhất để hạn chế tối đa nguy cơ cước chân là mặc quần áo, đi giày dép đủ ấm để tránh da bị tiếp xúc với không khí lạnh.