Giày cao gót giúp đôi chân thêm thon dài và dáng đi uyển chuyển, quyến rũ hơn. Tuy nhiên, nhiều tác hại của đi giày cao gót có thể xảy ra, dẫn đến nhiều hậu quả lâu dài ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn. Cùng Dulcit tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!
Tác hại của đi giày cao gót đối với sức khỏe
Tác hại của đi giày cao gót không chỉ tập trung ở bàn chân mà còn là phản ứng di chuyển ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể, đặc biệt là chi dưới và cột sống.
1. Nguy cơ bị suy giãn tĩnh mạch
Đi giày cao gót khiến trọng lượng cơ thể dồn xuống chân nhiều hơn, gây áp lực cao và liên tục lên các tĩnh mạch chi dưới. Điều này khiến tĩnh mạch tổn thương, sưng phồng và suy giãn. Quá trình lưu thông máu bị gián đoạn, ứ đọng và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông gây huyết khối tĩnh mạch sâu, tắc mạch phổi dẫn đến tử vong.
Khi bị suy giãn tĩnh mạch, người bệnh thường cảm thấy đau nhức, nóng rát bắp chân, nặng nề, sưng phù chân, mỏi như đeo đá. Triệu chứng này có thể dai dẳng cả ngày và trầm trọng hơn vào chiều tối. Người bệnh thường chuột rút chân vào ban đêm. Cơn chuột rút đột ngột kèm tê gan bàn chân làm gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra, tĩnh mạch có màu tím sẫm hoặc xanh lam nổi ngoằn ngoèo trên vùng da bị suy giãn gây mất thẩm mỹ.
Triệu chứng bệnh có thể được khắc phục bằng nhiều phương pháp khác nhau như: dùng thuốc, dùng vớ y khoa, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có nguồn gốc từ thiên nhiên, vật lý trị liệu, tiêm xơ tĩnh mạch, phẫu thuật…
Đọc thêm: Những lầm tưởng về bệnh giãn tĩnh mạch chân bạn cần biết
2. Ảnh hưởng đến dáng người
Khi đi giày cao gót, bàn chân ở tư thế duỗi xuống dưới và chịu áp lực lớn hơn so với việc đi giày bệt. Lúc này, phần chi dưới có xu hướng nghiêng về phía trước làm thay đổi trọng tâm cơ thể, buộc phần thân trên phải điều chỉnh ngả về phía sau để cân bằng lại.
Đây là nguyên nhân khiến sự liên kết tự nhiên của cơ thể bạn bị xô lệch, tạo ra một tư thế cứng nhắc, không thoải mái. Nếu đi giày có gót quá cao, vùng lưng, đầu gối và bắp chân không đủ sức để bù đắp cho sự mất cân dẫn đến dáng đi khập khiễng, đồng thời tăng nguy cơ té ngã và trẹo mắt cá chân.
3. Tác động xấu đến xương khớp
Đi giày cao gót tác động xấu lên nhiều vị trí xương khớp của cơ thể:
Đầu gối
Khi phần dưới của cơ thể nghiêng về phía trước, đầu gối uốn cong nhiều hơn khiến cơ khớp tại vị trí này phải dùng nhiều sức lực để làm việc, căng thẳng quá mức và suy yếu dần theo thời gian. Điều này dẫn đến đau nhức, tê bì dai dẳng và nhiều bệnh lý như: viêm khớp gối, thoái hoá khớp gối, hội chứng đau xương bánh chè…
Mắt cá chân
Vị trí của mắt cá chân bị thay đổi làm hạn chế chuyển động và sức mạnh của khớp xương tại khu vực này. Đây là nguyên nhân gây ra sự co rút gân Achilles và tăng nguy cơ bị viêm gân Achilles gây đau cứng, bỏng rát.
Cột sống
Thông thường, cột sống thắt lưng dạng đường cong chữ C có tác dụng như một bộ giảm xóc, hạn chế áp lực lên các đốt sống và xương chậu. Giày cao gót khiến cơ ở hông phải co rút liên tục để giữ cân bằng, ảnh hưởng đến độ cong tự nhiên của cột sống thắt lưng. Lâu dần, đốt sống bị bào mòn hình thành các gai xương, đồng thời đĩa đệm bị chèn ép và thoát vị, tác động vào các dây thần kinh gây đau nhức, tê bì dai dẳng vùng lưng và hông.
3. Gây dị dạng bàn chân
Sự mất cân bằng khi đi giày cao gót khiến các cơ vùng bắp chân bị rút ngắn, giảm lực do cố gắng đẩy bàn chân về phía trước. Đây là nguyên nhân gây đau hoặc biến dạng bàn chân, điển hình là sưng ngón chân cái và u thần kinh.
Việc thay đổi hình thái của bàn chân khi hoạt động cũng có thể ảnh hưởng đến sự liên kết của gân Achilles. Điều này làm tăng nguy cơ mở rộng xương gót chân hay còn gọi là tình trạng biến dạng Haglund. Ngoài ra, giày cao gót còn khiến các gân và dây chằng hỗ trợ vòm bàn chân bị siết chặt lại, gây viêm cân gan chân với triệu chứng chính là đau ở vòm bàn chân.
Giày cao gót ép chặt khiến hình dáng các ngón chân bị thay đổi. Một trong những tình trạng phổ biến nhất là ngón chân hình búa. Áp lực và sự cọ xát lâu ngày còn gây ra vết chai và phồng rộp kém thẩm mỹ ở những ngón chân.
Có thể bạn quan tâm: Tìm hiểu về tình trạng dị dạng mạch máu ở chân
4. Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản
Tư thế uốn cong người bất thường để giữ thăng bằng khi đi giày cao gót có thể ảnh hưởng xấu đến xương chậu. Từ đó, hệ thống tiết niệu sinh dục bên trong cũng không thể tránh khỏi những tác động tiêu cực và có thể giảm khả năng sinh sản.
Có thể bạn quan tâm: Những bệnh nghề nghiệp phổ biến của dân văn phòng
Biện pháp hạn chế tác hại khi đi giày cao gót
1. Chọn giày cao gót phù hợp
Kích thước của giày:
Đầu tiên, bạn phải chú ý đến kích thước giày có vừa vặn với mình hay không. Nếu giày quá rộng, các ngón chân có xu hướng cong để bám lại tránh trường hợp bị tuột giày hoặc mất thăng bằng gây té ngã. Nếu giày quá chật, các ngón chân bị o ép, biến dạng kèm theo triệu chứng đau nhức kéo dài.
Chiều cao của giày:
Những đôi giày có độ cao trên 7cm gây áp lực lên xương bánh chè cao hơn 30% so với giày gót thấp, đồng thời ảnh hưởng xấu đến khớp cổ chân và gót chân nhiều hơn. Vì vậy, trong trường hợp phải thường xuyên đi giày cao gót, bạn nên lựa chọn những đôi có chiều cao từ 7cm trở xuống để bảo vệ đôi chân và xương khớp của bản thân.
Độ nhọn của gót giày:
Giày gót càng nhọn thì càng dốc và khó giữ thăng bằng hơn. Đó là lý do vì sao chị em nên ưu tiên những đôi giày cao đế bằng, gót lớn để có điểm tựa chắc chắn, hạn chế trường hợp té ngã.
Quai giày:
Quai giày có tác dụng cố định giày chắc chắn ở chân, giúp bạn không cần dùng nhiều sức để giữ giày mà vẫn đảm bảo giữ thăng bằng tốt.
2. Lưu ý thời gian sử dụng
Bạn nên hạn chế thời gian đi giày cao gót ở mức tối thiểu nhất bằng nhiều cách khác nhau: cởi giày khi ngồi làm việc, chuẩn bị một đôi dép hoặc giày đế bằng để thay đổi luân phiên …
Ngoài ra, bạn không nên đi giày cao gót quá 2 ngày liên tiếp mà cần ít nhất 1 ngày để đôi chân được nghỉ ngơi và phục hồi.
3. Chăm sóc bàn chân
Massage chân:
Massage chân mỗi ngày thúc đẩy quá trình lưu thông máu, tránh nguy cơ suy giãn tĩnh mạch và hạn chế cơ co cứng. Massage chân còn giúp bạn thoải mái, thư giãn và đẩy lùi đau nhức khi đi giày cao gót quá lâu.
Luyện tập thể thao thường xuyên:
Luyện tập thể thao đều đặn cũng góp phần cải thiện lưu thông máu và tăng tiết dịch tại nhiều khớp xương.
Các bài tập còn củng cố sức bền và chất lượng của cơ xương khớp, dây chằng toàn bộ cơ thể. Bạn có thể thực hiện nhiều hoạt động khác nhau tùy vào sở thích cũng như thể trạng của bản thân như: đi bộ, chạy, tập gym, tập yoga…
Ngâm chân:
Ngâm chân thường xuyên trước khi đi ngủ giúp máu di chuyển tốt hơn, tránh máu ứ đọng. Ngoài ra, đây cũng là cách giảm triệu chứng đau nhức, sưng tấy ở bàn chân do đi giày cao gót trong thời gian dài.
Bạn có thể ngâm chân với nước ấm, hoặc pha thêm muối, giấm táo, hoặc nấu nước từ các loại lá tốt cho xương khớp như: lá lốt, ngải cứu, cỏ xước, dây đau xương…
Hỏi đáp: Bị suy giãn tĩnh mạch có nên ngâm chân nước ấm?
Dùng miếng lót giày bằng silicon: Miếng lót giày bằng silicon có hình vòm làm giảm áp lực lên bàn chân và giữ chân cố định hơn.
Dùng mỹ phẩm chăm sóc da: Việc chăm sóc đôi bàn chân cũng quan trọng tương tự như những vùng da khác trên cơ thể. Vì vậy, bạn đừng quên tẩy da chết 1 – 2 lần/tuần, dùng sữa tắm loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn mỗi ngày, bôi kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm…
Tham khảo đầy đủ: Các mẹo chăm sóc đôi bàn chân luôn khỏe đẹp