Nóng bắp chân là hiện tượng phần bắp chân có cảm giác nóng, rát, khó chịu ở nhiều mức độ từ nóng râm ran đến nóng bỏng rát. Triệu chứng này có thể xuất hiện ở phần bụng chân hoặc đôi khi lan xuống ở phần cổ chân và bàn chân.
Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng nóng bắp chân, nó có thể bắt nguồn từ hậu quả của vận động quá nhiều đến những những nguyên nhân của bệnh lý nào đó. Cụ thể như sau:
Mục lục
1. Căng cơ bắp chân
Căng cơ bắp chân là tình trạng cơ bắp chân đang bị căng, kéo giãn quá mức gây tổn thương các cơ ở phía sau bắp chân. Triệu chứng này thường xảy ra ở những người vận động quá sức, lưu thông máu kém, chấn thương, rách cơ, chế độ ăn uống mất cân bằng, mất nước…
Ngoài nóng bắp chân, căng cơ còn gây ra một số triệu chứng phổ biến như:
- Tê, ngứa, đau âm ỉ, đau đột ngột ở bắp chân.
- Đau bắp chân ngay khi không di chuyển, vận động, cơn đau càng rõ khi di chuyển, vận động.
- Khó kiếng chân, hoặc gập cổ chân.
- Sưng, tấy, bầm tím bắp chân.
Căng cơ là chấn thương rất dễ gặp. Thông thường, các trường hợp đều có thể cải thiện tại nhà bằng các biện pháp như: Nghỉ ngơi, chườm đá, dùng băng ép… Một số trường hợp, bác sĩ kê thuốc giãn cơ, thuốc corticoid, thuốc kháng sinh để giảm đau tại các vùng cơ bị tổn thương, tránh nhiễm trùng. Ngoài ra, nếu căng cơ quá mức gây rách mạch máu, rách cơ, gân, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật.
Căng cơ là tình trạng không quá nghiêm trọng và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, nếu căng cơ quá mức trong thời gian dài có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, bạn không nên chủ quan, hãy thăm khám nếu căng cơ kéo dài không có dấu hiệu thuyên giảm.
2. Hội chứng chân không nghỉ
Hội chứng chân không nghỉ (bệnh Willis-Ekbom) hay còn gọi là hội chứng chân không yên. Bệnh có liên quan đến rối loạn thần kinh khiến người bệnh xuất hiện những cơn xung động thần kinh gây mất kiểm soát ở chân, chân luôn muốn di chuyển, hoạt động, nhức nhối, khó chịu, bứt rứt.
Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này, trong đó cần kể tới như: bệnh thần kinh ngoại vi, do di truyền, thiếu hụt sắt, chế độ ăn uống…
Dấu hiệu đặc trưng của hội chứng chân không nghỉ:
- Cảm giác khó chịu ở chân, muốn di chuyển, hoạt động để giảm cảm giác bứt rứt không yên.
- Chân có cảm giác ngứa, đau.
- Nóng ran bắp chân, cẳng chân, bàn chân, chân bứt rứt buồn bực như có kiến bò.
Mục tiêu của việc điều trị hội chứng chân không nghỉ là làm giảm triệu chứng và giúp bạn có giấc ngủ ngon. Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc điều trị như: thuốc giãn cơ, thuốc an thần, thuốc tác động đến kênh canxi, thuốc làm tăng dopamine trong não… Bên cạnh đó, người bệnh cũng được khuyên nên tránh sử dụng caffeine, thuốc lá và rượu trong quá trình điều trị bởi chúng có thể khiến triệu chứng thêm trầm trọng.
3. Suy giãn tĩnh mạch chân
Suy giãn tĩnh mạch chân còn được gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới. Nguyên nhân của bệnh lý này là do sự rối loạn lưu thông dòng chảy tĩnh mạch về tim, khiến máu không lưu thông, bị ứ lại, không chảy đúng chiều khiến các mô xung quanh bị biến dạng.
Bên cạnh triệu chứng nóng bắp chân thì bệnh suy giãn tĩnh mạch còn gây ra một số triệu chứng như:
- Chân nhức mỏi, tê bì, có cảm giác như có kiến bò.
- Chân sưng phù nề.
- Xuất hiện chuột rút chân về đêm.
- Đau chân nhất là vùng mắt cá chân.
- Tĩnh mạch giãn lớn, phình to.
- Nếu có vết loét ở chân rất dễ bị nhiễm trùng.
Có nhiều biện pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch như: điều trị bằng thuốc, sử dụng laser, phương pháp phẫu thuật… giúp loại bỏ tĩnh mạch suy giãn, giảm các triệu chứng đau đớn, khó chịu và ngăn ngừa biến chứng. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao khi điều trị, bệnh cần được phát hiện sớm và điều trị đúng hướng. Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ bệnh, bạn hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có biện pháp điều trị từ sớm, tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Khi bị suy giãn tĩnh mạch chân, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng tại nhà và phòng ngừa tái phát bằng cách thay đổi lối sống từ chế độ ăn đến tập luyện. (Đọc thêm: Bị giãn tĩnh mạch chân có nên đi bộ?)
4. Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là tình trạng cơn đau xuất phát từ dưới thắt lưng, lan xuống đùi, bắp chân, cẳng chân, mắt cá chân và xuống các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương mà cơn đau lan theo các hướng khác nhau.
Khi bị đau thần kinh tọa, người bệnh thường xuất hiện:
- Đau âm ỉ hoặc đau đột ngột.
- Cơn đau tăng lên khi người bệnh thay đổi tư thế, hắt hơi hoặc khi cố làm việc.
- Đau dọc theo thắt lưng lan xuống chân theo đường dây thần kinh tọa.
- Cẳng chân đau nhức, tê bì bắp chân, nóng bắp chân, có cảm giác kiến bò quanh khu vực đau.
Để điều trị đau thần kinh tọa, tùy theo mức độ, triệu chứng đau mà bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc, vật lý trị liệu, trị liệu thần kinh cột sống hay phẫu thuật. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống như: yếu chi, tàn phế…Vì vậy, khi thấy có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần đi khám sớm để có biện pháp điều trị kịp thời.
Ngoài ra, để phòng tránh bệnh đau thần kinh tọa, bạn cần giữ cột sống thẳng, tránh cúi người bưng, bê, vác vật nặng.
5. Viêm gân gót chân
Viêm gân gót chân hay còn được gọi là bệnh viêm gân Achilles. Đây là hiện tượng đau nhức ở gót chân do gân Achilles nối các cơ bắp phía sau chân với xương gót chân bị tổn thương.
Trường hợp tổn thương này thường xảy ra ở một số đối tượng:
- Vận động luyện tập mạnh không được khởi động trước đó.
- Thường xuyên đi giày cao gót
- Người bị gai xương vùng mặt sau xương gót.
- Người lớn tuổi (gân gót suy giảm sức căng)
Người bệnh viêm gân gót chân thường xuất hiện một số triệu chứng dễ thấy sau:
- Đau rát, nóng bắp chân dọc theo gân phần sau của gót chân vào buổi sáng, cơn đau tăng lên khi vận động.
- Sưng phù nề chân dọc theo gân Achilles hoặc phía sau vùng gót chân.
- Đau phần gót chân nhất là khi căng gót hay đứng trên đầu mũi chân.
- Xuất hiện sự dày lên của gân gót.
- Viêm gân gót kéo dài có thể gây nguy cơ đứt gót chân khiến người bệnh đau dai dẳng, sưng phù nề vùng gót chân bởi chảy máu giữa các sợi gân.
Tùy theo từng trường hợp viêm gân dựa trên vị trí viêm và mức độ tổn thương của gân mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng thuốc, phẫu thuật hay vật lý trị liệu giúp người bệnh hồi phục.
Tuy bệnh viêm gân gót chân không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không can thiệp kịp thời có thể gây ảnh hưởng tới khả năng đi lại như: đứt gót, biến dạng xương gót… Vì vậy, khi thấy xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên tiến hành thăm khám và điều trị kịp thời để giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
6. Viêm dây thần kinh ngoại biên
Viêm dây thần kinh ngoại biên là hậu quả của những tổn thương dây thần kinh ngoại vi. Ngoài ra, nó có thể là kết quả của một số vấn đề như chấn thương, nhiễm trùng, các vấn đề trao đổi chất và phơi nhiễm với chất độc.
Viêm dây thần kinh ngoại biên gây ra tình trạng:
- Nóng rát bắp chân, chân và cánh tay.
- Ngứa râm ran ở chân, tay, mất cảm giác ở chân.
- Đau khớp cổ tay, cổ chân, khớp vai.
- Có cảm giác như có kim châm hay điện giật ở cơ thể.
- Vận động cơ thể yếu đi, thậm chí có thể bị bại liệt.
- Đau ngực, choáng váng có thể ngất xỉu khi đứng lên.
Mục đích của điều trị viêm dây thần kinh ngoại biên là cải thiện triệu chứng, phục hồi các tổn thương ở hệ thần kinh ngoại biên cho người bệnh. Tùy theo giai đoạn, triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ có thể chỉ định phương pháp điều trị bằng thuốc hay không dùng thuốc. Điều quan trọng, khi thấy xuất hiện triệu chứng, người bệnh không nên chủ quan bởi nếu không được điều trị sớm, dây thần kinh sẽ không được phục hồi và để lại di chứng.
7. Huyết khối tĩnh mạch sâu
Huyết khối tĩnh mạch sâu là tình trạng lòng tĩnh mạch xuất hiện cục máu đông. Bệnh có thể xảy ra ở bất cứ tĩnh mạch nào trong cơ thể, đặc biệt là dễ gặp ở huyết khối tĩnh mạch chi dưới.
Đa số các trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, một số trường hơp có thể xuất hiện các triệu chứng:
- Sưng chân, chân nặng nề.
- Nóng dưới da, nhất là nóng khu vực bắp chân.
- Nhìn thấy giãn tĩnh mạch nông.
- Đau nhẹ, cơn đau tăng dần khi đi lại.
- Bệnh để lâu có thể gây ra biến chứng ho ra máu, đau ngực…
Mục đích của điều trị huyết khối tĩnh mạch chi dưới là hạn chế không cho cục máu đông phát triển, ngăn chặn tái phát và phòng ngừa khối tĩnh mạch sâu tái phát. Một số biện pháp điều trị mà bác sĩ có thể chỉ định tùy theo tình trạng bệnh của người bệnh như: thuốc chống đông, mang vớ áp lực hoặc phẫu thuật.
Bệnh huyết khối tĩnh mạch sâu có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng người bệnh. Chính vì vậy, khi có bất cứ triệu chứng cảnh báo, người bệnh cần đi khám để được điều trị sớm mang lại hiệu quả điều trị cao và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra.